Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXXIII Mùa Thường Niên
LỄ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO TẠI VIỆT NAM
“Vì danh Thầy,
anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng,
kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
(Mt 10,22)
Hôm nay chúng ta vui mừng và cảm dộng mừng lễ các anh hùng Tử đạo Việt Nam . Việc mừng lễ hôm nay phải làm bộc phát lên trong lòng chúng ta niềm tự hào chan chứa. Chúng ta tự hào vì trong những trang sử của Giáo Hội Việt Nam chúng ta có những trong sử đầy chất anh hùng. Đây là những biến cố có tầm vóc không phải chỉ với chúng ta mà còn cả với Giáo Hội toàn cầu. Chính Đức Thánh Cha Lêô XIII trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900 đã nói: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội."
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tuyên phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: "Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vài giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đầy tới".
Trong bầu khí linh thiêng và cảm động này tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài tâm tình của tôi.
1. Tâm tình thứ nhất là tâm tình tự hào.
Các thánh Tử đại VN của chúng ta làm cho chúng ta tự hào.
Chúng ta phải tự hào vì chúng ta đã có được những vị tổ tiên anh hùng thật xứng đáng. Các Ngài đã được sinh ra, đã làm việc, đã cùng sống với những người Việt Nam chúng ta ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu này. Các Ngài đã sống như biết bao nhiêu những con nguời khác đã sống, nhưng các Ngài đã sống hơn hẳn rất nhiều người khác ở chỗ các Ngài đã biết sống anh hùng, không để cho mình bị mua chuộc, không để cho mình bị khuất phục. Tiền bạc không làm cho các Ngài mù tối. Khổ đau không làm cho các ngài chùn bước, nhục hình không làm cho các ngài ngã qụy, và cả cái chết cũng không uốn cong được lòng trung tín của các Ngài.
Vâng, kính thưa anh chị em.
Gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng thành của các Ngài còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào.
2. Tâm tình thứ hai là lòng biết ơn.
Việc mừng lễ hôm nay làm tôi nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu.: "Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ " (Ga 4,36-37).
Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lời rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: "Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác"
Hàng trăm ngàn các anh hùng tử đạo VN của chúng ta đã vất vả khó nhọc gieo vãi. Các Ngài đã gieo vãi không phải là những hạt giống thông thuờng nhưng bằng những giọt máu của các Ngài. Và chính nhờ những giọt này mà chúng ta mới được như ngày hôm nay.
Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta.
3. Tâm tình thứ 3 là bổn phận phải sống làm sao cho xứng đáng với đáng với danh nghĩa con cháu của những anh hùng.
Châm ngôn Việt Nam có câu rất hay : “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh"
Phải sống xứng đáng để những thế mai sau khi nhìn vào thế hệ này, họ cũng cảm thấy tự hào.
Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình, nhà bác học bổi danh nhất của thể kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: "Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học ở trường là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng, rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta cùng chung sức làm ra".
Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quí giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Nhưng truyền lại bằng cách nào ?
- Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.
Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: "Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau"
a- Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chuớc đó là phải trung thành với niềm tin.
Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Hãy bảo vệ lấy, đùng để cho nó bị hao mòn đi.
Phaolô Mợi bị bắt, bị giải đến quan.
Quan dụ:
- Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.
Anh thinh lặng trầm tư, quan nói tiếp:
- Vậy một nén vàng!
- Bẩm quan chưa đủ.
- Vậy anh muốn bao nhiêu?
- Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua được một linh hồn khác.
Nguyễn Văn Lựu: "Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được".
b- Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.
Victor Hugo: "Đồi Calvario ở dầu đường và hào quang cũng xuát hiện ở đó".
Chúa Giêsu : “ Nước Trới phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy".
Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.
Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.
Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.
Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.
Lời cuối cùng của tôi. Tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma. Ngài gửi những lời này cho họ vào lúc cơn bắt bớ đạo giáo tại đó bắt đầu trở thành khốc liệt. Ngài muốn dùng những lời này để khích lệ họ, để họ can đảm, để họ tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng: "Ai có thế tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bở, gươm giáo ?
Ngài nói tiếp như một xác tín: Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, hiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều tà hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitôo Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39). Amen.
THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 18,35-43
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?”
Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”
(Lc 18,41)
1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa.
Anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi được những lòng dạ hẹp hòi của những người chung quanh.
Có hai người bạn rủ nhau đi tắm biển. Dọc đường, họ bỗng đổi câu chuyện làng quê sang đề tài tôn giáo. Khi cả hai đã xuống nước đến tận ngực, một người vẫn tiếp tục hỏi:
- Tôn giáo và niềm tin cần thiết cho con người thế nào?
Người bạn kia trả lời bằng một câu hỏi:
- Anh thực sự muốn biết chứ?
Người thứ nhất gật đầu nói:
- Vâng, rất muốn, tôi .....
Anh chưa kịp nói hết câu, thì đôi tay của người bạn đã ghì chặt lấy đôi vai của anh dìm mạnh xuống nước, và mặc cho anh ra sức vẫy vùng, người bạn vẫn gắng hết sức trấn nước anh cho đến lúc tưởng chừng như anh đã bị ngộp thở. Bấy giờ người bạn mới chịu buông tay ra để anh ta ngoi lên. Vừa thở hổn hển anh ta vừa giận dữ trách bạn:
- Giỡn gì mà lạ vậy?
Thay vì trả lời, người bạn hỏi:
- Bây giờ anh cảm thấy mình cần gì nhất nào?
- Khí trời để thở chứ cần gì? - Anh ta đáp ngay.
Lúc đó, người bạn "thích đùa" kia mới ôn tồn giải thích:
- Anh thấy đó, tôn giáo và niềm tin cần thiết cho con người, như buồng phổi của chúng ta rất cần khí trời để hít thở vậy!
Chúng ta hãy nhớ lại xem: có một ân huệ nào chúng ta đã nhận lãnh mà không phải do Chúa thương ban, có một điều thiện nào chúng ta thực hiện mà chẳng do Chúa tác thành. Chúng ta hãy xin Chúa tiếp tục đổ đầy vào tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối và bất toàn của chúng ta những điều tốt lành mà Chúa đã khởi sự cho chúng ta.
2. Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta:
Có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội.
Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa. Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay, Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh: Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến với Ngài..." ("Mỗi ngày một tin vui")
Đây là câu chuyện ngụ ngôn của người Trung Hoa:
Chi Chàng là một cậu bé, một hôm bị lạc vào rừng. Cậu đi mãi, không biết lối ra. Chiều đến, cậu mệt nhoài, nên ngồi nghỉ dưới gốc một cây cổ thụ cao lớn. Ngước mắt lên, cậu nhìn thấy ở đàng xa giữa mảnh vườn hoang có một túp lều nho nhỏ, tứ bề vắng lặng, không một tiếng gà cục tác, không một tiếng chó sủa. Bị thúc đẩy bởi tính tò mò và lòng ham thích mạo hiểm, cậu bé tiến về túp lều bỏ hoang.
Nhìn qua khe cửa, cậu thấy một cụ già đang nằm yên trên một cái chõng, bộ râu trắng toát. Cậu bé bỗng giật mình nghe tiếng cụ già bảo:
- Hãy bước vào cháu ơi, đừng sợ! Cụ đã nghe thấy tiếng bước chân của cháu từ xa hàng cây số.
Chi Chàng đẩy cửa bước vào, đứng bên giường cụ già và hỏi:
- Làm sao cụ có thể nghe tiếng bước chân của cháu và biết được cháu từ xa đến đây được?
- Cháu biết không - cụ già âu yếm trả lời - khi một người già yếu như cụ suốt ngày chỉ mong đợi có ai đó ở gần bên cạnh, thì tất nhiên cả niềm ước muốn đó sẽ dồn hết vào tai, và tai trở nên thính gấp bội, có thể nghe tiếng từ xa vọng lại. Cụ nói với cháu một điều này nhé, cháu đừng ngạc nhiên: Cho đến nay, cụ đã sống rất nhiều năm, mắt đã từng xem thấy nhiều điều, cụ đã từng hoạt động không ngừng, đã từng giao chiến quyết liệt. Giờ đây, cụ chỉ còn ao ước nhớ nhung và chỉ ước vọng một điều duy nhất, đó là nhìn thấy lại nụ cười của một trẻ thơ. Cháu có thể tặng cho cụ một nụ cười trước khi cụ nhắm mắt lìa trần được không?
Chi Chàng nở nụ cười thật tươi, và hơn thế nữa cậu còn giang tay ôm ghì lấy cụ, tặng cho cụ một cái hôn âu yếm trên vầng trán nhăn nheo vì năm tháng. Rồi cụ già nhắm mắt thiếp đi như thế để thưởng thức tình âu yếm của một cậu bé ngoan ngoãn, tốt bụng.
Tất cả chúng ta, ai ai cũng đều muốn được yêu thương và ao ước được yêu thương. Nhưng những người già yếu, tuổi tác lại cần tình thương hơn bao giờ hết, khác nào đứa trẻ sơ sinh cần sữa và thức ăn để sống và lớn lên.
Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna)
THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 19,1-10
“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” (Lc 19,3)
Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện của ông Giakêu.
Đây là câu chuyện nói về sự cố gắng của con người và lòng nhân hâu bao dung của Chúa.
1. Sự cố gắng của ông Giakêu
Chúng ta không biết ông Giakêu có biết Chúa hay không và biết từ bao giờ, nhưng Tin Mừng Luca cho chúng ta biết: "Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai.” (Lc 19,3)
Rõ ràng là Giakêu có một ước vọng muốn được thấy Chúa. Có lẽ có ai đó đã nói với ông về con người đặc biệt này. Và hôm nay là cơ hội. Ông phải chụp lấy ngay. Cách thức ông thực hiện điều ông mong muốn tuy có vẻ "trẻ con" nhưng nó nói lên một điều: ông thực sự muốn được thấy Chúa. Đứng trước một khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua - con người thấp bé của ông lúc này quả là một trở ngại, thế nhưng vì ông khao khát mạnh cho nên ông đã tìm được một phương tiện trời cho và ông đã tận dụng ngay lập tức: Một cây sung bên đường, con đường Chúa sắp đi qua. Cây sung bình thường hằng ngày chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở vào hoàn cảnh cấp bách này nó đã trở thành một điều kiện không thể thiếu để bổ túc và cho ông một phương tiện giúp ông có thể nhìn thấy Chúa vì Ngài sắp đi qua đó.
Ông nao nức, nôn nóng chờ đợi. Và rồi những gì ông mong ước đã tới. Chúa đưa mắt nhìn lên và Chúa thấy một Giakêu người mà dân chúng căm ghét đang "tòng teng" trên đó. Hai đôi mắt gặp nhau. Và điều mà Giakêu không thể ngờ là Chúa biết cả tên ông và Chúa gọi ông.
Chúng ta không thể tưởng tượng nổi là ông Giakêu vui như thế nào.
Và sau đó Chúa đã làm cho Giakêu trở thành một con người hoàn toàn đổi mới.
2. Với con người thì Giakêu bị liệt vào số những người đáng bị loại trừ nhưng Chúa Giêsu thì khác. Chúa thấy được một Giakêu đang là và một Giakêu sẽ là nên Chúa nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Trong một lớp học trung học nọ có hai học sinh cùng mang tên Johnny. Một, thường xuyên đạt điểm tối đa trong các kỳ kiểm tra. Đó là "Johnny thân thiện". Cậu ta rất chăm học, thường xuyên giúp đỡ các bạn cùng lớp và phụ giúp thầy cô chuẩn bị các bài thực hành. Còn một Johnny khác lại luôn lầm lì, khó chịu, thường tỏ ra chống đối giáo viên, lại chẳng kết bạn với bất kỳ ai. Các học sinh trong lớp vẫn gọi cậu với cái tên "Johnny chống đối".
Trong một buổi họp phụ huynh, một phụ nữ với vẻ trẻ trung và sang trọng đến gần thầy giáo Escalante và hỏi:
- Johnny vẫn học tốt phải không thầy?
Thầy Escalante nghĩ ngay rằng đây đích thị là phụ huynh của Johnny "thân thiện", vì câu hỏi đó thường chỉ xuất hiện ở người mẹ vẫn hay được nghe những lời khen về con mình. Nghĩ thế nên thầy không ngại dành rất nhiều lời khen cho Johnny và còn khẳng định với bà rằng, Johnny sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai vì thái độ học tập nghiêm túc, sự năng nổ, nhiệt tình và tính cách đáng yêu, thân thiện với tất cả mọi người.
Sáng hôm sau, Johnny "chống đối" đến gặp thầy Escalante. Trái với vẻ bất cần thường ngày, cậu nhìn thầy với vẻ biết ơn:
- Em cám ơn thầy vì những lời khen thầy dành cho em ngày hôm qua. Mẹ đã rất tự hào về em. Từ lúc này trở đi, em muốn chứng minh những điều thầy nói là sự thật.
Và Johnny "chống đối" đã làm được những gì cậu hứa. Kết quả học tập của cậu khá lên nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc. Cuối năm, Johnny "chống đối" được xếp loại khá và đến khi ra trường, cậu chính là một trong những học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất trường.
Chúng ta thừa biết vì sao mà sự việc thay đổi tốt như vậy.
3. “Ông Giakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo.” (Lc 19,8)
Một sự thay đổi ngoạn mục!
Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charle de Foucauld đang thao thao kể lại những điều mắt thấy tai nghe và những chiến công của mình trong cuộc viễn chinh tại Maroc, Bắc Phi.
Đang lúc Charle say sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt tay lên gối của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, rồi hỏi:
- Cậu ơi cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa?
Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charle suy nghĩ cả một buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charle đến gặp một người bạn học cùng lớp là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charle đã quyết định thay đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.
THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 19,11-28
“Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
(Lc 19,26)
1. Đừng đơn giản nghĩ rằng, ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nói "Tất cả là hồng ân". Như thế, ơn Chúa còn là:
a/ thời giờ;
b/ môi trường ta đang sống;
c/ những người ta sống chung;
d/ bệnh tật;
e/ đau khổ v.v....
Chúa Giêsu giảng dụ ngôn này liền sau chuyện ông Giakêu. Khi làm thế, Chúa muốn cho ta hiểu: Giakêu là gương mẫu về cách sử dụng những nén bạc Chúa ban: ông đã sử dụng thật tốt, thật hiệu quả tài sản của ông theo ý Chúa.
Cuộc sống của Thánh Antôn ẩn tu có nhiều giai thoại và đây là giai thoại lý thú về cuộc đời của ngài.
Một hôm, thánh nhân nghe tin có một người thợ giầy tiến bộ hơn Ngài về đường nhân đức. Lòng khao khát muốn tiến triển trên đàng nhân đức đã thúc đẩy ngài quyết chí đi tìm cho được người thợ giầy kia, để học hỏi cách tu đức của người này.
Sau những ngày vất vả tìm kiếm, ngài đã gặp được người thợ đó. Thoạt nhìn thấy công việc của người thợ giầy, thánh nhân hơi nản lòng, vì thấy sinh hoạt duy nhất của người này là đóng giầy. Nhưng để cho bõ công đi tìm kiếm, thánh nhân đã trao đổi với người thợ giầy kia về lối sống tu đức.
Thánh nhân hỏi người thợ giầy về chương trình sống hằng ngày của ông ta. Người này cho biết, một ngày của ông được chia ra làm 3 phần:
- 8 giờ cho công việc của người thợ giầy.
- 8 giờ cho việc cầu nguyện.
- 8 giờ cho việc ăn uống nghỉ ngơi.
Sau khi nghe người thợ giầy nói, thánh nhân vẫn nản lòng vì chính ngài, ngài cũng đã dành không phải là 8 giờ cho việc cầu nguyện mà ngài đã dành hết cả ngày cho việc này.
Tuy nhiên, thánh nhân vẫn kiên nhẫn với ý định phải tìm hiểu thêm. Thế là ngài hỏi người thợ giầy về cách sử dụng tiền bạc của ông ta. Người này cho biết: 1/3 dành cho ông, 1/3 dành cho Giáo Hội và 1/3 dành cho người nghèo.
Sau khi được biết cách sử dụng tiền bạc của người thợ giầy, thánh nhân thấy rằng, người thợ giầy chưa thể hơn ngài được. Vì ngài dành không phải là 1/3 mà là dành tất cả của cải của ngài cho người nghèo cơ mà.
Tra vấn mãi, cuối cùng, thánh nhân mới thấy người thợ giầy nói đến nỗi thống khổ của ông, đó là ông phải sống trong một thành phố sa đọa. Việc này đã làm cho ông mất ăn, mất ngủ. Ông cho biết nhiều lần ông đã xin Chúa sớm giam ông trong hỏa ngục, vì như thế còn hơn là bắt ông cứ phải sống mà luôn nhìn thấy bao nhiêu người trong thành phố này sống trong cảnh sa đọa, dẫn tới trầm luân.
Nghe đến đây, thánh nhân mới chợt nhận ra rằng, đó là điều mà Ngài còn thua kém người thợ giầy. Ngài thấy rằng, ngài chưa có được sự thao thức về những nỗi khổ đau của những người xung quanh như người thợ giầy; trái lại, ngài lại đi tìm cho mình một cuộc sống an phận với nếp sống ẩn tu.
Thì ra, sự thao thức về những nỗi thống khổ của người khác cũng là cách chúng ta sử dụng thời giờ Chúa ban như những yến bạc để sinh lời cho Chuá. Và đây cũng chính là mức hoàn thiện mà thánh Antôn cảm thấy mình còn thua người thợ giầy.
2. "Hãy làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến" (Lc 19,13b)
Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: "Chắc là vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy".
Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: "Không làm, không ăn!"
Đây là lời cầu nguyện của Thánh Anphongsô:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán: "Ai dìu dắt con trẻ trong đường khôn ngoan đích thực thì đời đời sẽ được sáng láng như sao trên trời".
Lạy Chúa, xin giúp con
biết sống nghiêm nghị mà không nghiêm khắc
biết sống nhu mì mà không nhu nhược
biết sống khoan dung mà không dung túng
để nhờ đó con trẻ được thêm ngoan, thêm vui mà khai lòng mở trí ra.
Sau hết, xin Chúa ban cho con: khi đang truyền đạt trí thức trần gian cho chúng, thì cũng không quên đào luyện trí thức về Nước Trời vĩnh cửu, để ở đời này thầy trò chúng con trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.
Ước gì hôm nay bao nhiêu học trò Chúa giao phó cho con, thì mai sau con trao lại cho Ngài bấy nhiêu đấng thánh trên Thiên Đàng. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 19,41-44
"Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi,
và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào,”
(Lc 19,44)
Lời tiên tri về Jêrusalem
1. Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Jêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại tai họa luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm - 587. Trong Tin Mừng, dường như Chúa Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loạt tang thương xảy đến cho dân Do Thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do Thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.
Như vậy dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Jêrusalem và bao tai họa xảy đến cho dân Do Thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa.
Hậu quả của những sự khước từ đó thật đáng sợ. Sự khước từ luôn đi đôi với những hình phạt.
Chúa Giêsu là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa. Khước từ hồng ân và quà tặng của Thiên Chúa thật là một tội khủng khiếp, khôn lường.
Người con trai của một nhà truyền giáo bị bắt giữ, và bị quy cho tội phản động, bởi vì anh ta thuộc về một tổ chức bất hợp pháp chống lại chính phủ. Anh bị xét xử, kết án và cầm tù. Người cha già của anh, vốn nổi tiếng là một người có học thức và là một Kitô-hữu tốt lành, đã chạy đi khắp nơi tập hợp được hàng trăm chữ ký vào tờ đơn xin ân xá cho anh. Ông tìm đến tận Washington gặp Tổng Thống Grant trình bày tờ đơn đó và van xin tổng thống tha thứ cho con trai ông, nhờ vào những công lao đóng góp của cha mẹ anh ta.
Được sự phê chuẩn của Tổng Thống, người cha già đó vội vã đón ngay xe lửa trở về nhà tù gặp con trai.
Cầm trên tay tờ giấy được ân xá, ông nói với con trai:
- John ạ, cha có một tin vui mang đến cho con đây. Tổng Thống Grant đã chấp thuận đơn xin ân xá của cha. Con có thể trở về nhà với cha ngay bây giờ, và kịp gặp được mẹ con trước khi mẹ con qua đời!
Nhưng con trai ông không đáp lại một lời. Người cha nói tiếp:
- Con có hiểu cha nói gì không, John? Đây là tờ giấy chứng nhận con đã được ân xá.
Nhưng anh con trai vô ơn đó trả lời:
- Thưa cha, con rất tiếc đã làm buồn lòng cha, nhưng con đã quyết định không đi theo hệ thống chính trị này, và con sẽ sống theo chọn lựa của con.
Trái tim của người cha già hầu như tan nát. Ông cụ ngã nhoài xuống hàng lưới sắt, và được một người gác ngục dìu đi.
Vâng! Đó là kết quả của một sự khước từ.
Thành Jêrusalem xưa cũng như vậy.
2. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Ngài không đầu hàng trước sự khước từ của con người, bởi vì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúng ta có thể nhận thấy bàn tay quan phòng ấy của Chúa ngay trong sự sụp đổ của Jêrusalem vào năm 70. Do biến cố này, các tín hữu tiên khởi đã tản mác đi khắp nơi và nhờ thế Tin Mừng được loan báo cho mọi dân tộc khác. Nhìn lại sự sụp đổ của Jêrusalem và Tin Mừng được loan đi khắp nơi, chúng ta lại càng xác tín hơn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ ngay cả sự khước từ của con người cũng có thể biến thành khởi điểm cho một hồng ân cao cả hơn.
Chúng ta chẳng thấy Giáo Hội đã gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc sao? Đây phải là xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn vào các biến cố lịch sử xảy ra.
Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ, có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số lời nhận xét mang tính cách chế giễu.
Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán nguyên nhân tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.
Vị thẩm phán liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình:
- Tại thành phố của chúng ta, có một bà góa sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng tỏa sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.
Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông:
- Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì sao?
Ông nói:
- Ồ, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.
Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản bước được chương trình của Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 19,45-48
“Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.” (Lc 19,46)
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa thanh tẩy Đền thờ.
Đền thờ có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng mọi người. Truyền thuyết kể lại rằng:
Để tìm một khu đất xây đền thờ dâng kính Thiên Chúa, vua Salômôn đã phải suy nghĩ về vấn đề này rất lâu nhưng tìm không ra. Thế rồi vào một đêm kia vua bèn mặc quần áo như thường dân, không đem theo quân hầu, đi vi hành trong thành phố Jêrusalem, sau đó ra ngoại thành, đến chỗ núi Môria. Gọi là núi, nhưng thực ra không cao gì lắm, phần lớn núi là đất. Sườn núi hầu hết trồng lúa, và lúc này nhằm mùa gặt. Lúa đã gặt xong, còn chất ở ngoài ruộng, chờ ngày đem về nhà.
Salômôn ngồi dựa lưng vào một cây ôlive, nhắm mắt lẩm nhẩm ôn lại những địa điểm xinh đẹp trong xứ. Đồi này, núi nọ, thung lũng kia, so sánh coi nơi nào đẹp hơn nơi nào.
Đang suy nghĩ như thế thì Salômôn chợt nghe có tiếng chân bước, mở mắt ra thì thấy một người đi ngang chỗ mình ngồi. Vì trời tối, người này không thấy Salômôn. Tay y ôm một bó lúa. Salômôn thầm nghĩ: "A! Thằng này đi ăn trộm" và toan ra bắt, nhưng nghĩ lại, để chờ coi cho biết tên trộm làm những gì. Tên trộm này nhanh nhẹn lắm, đem bó lúa từ ruộng này qua đặt nơi ruộng kế bên, tất cả là 50 bó. Xong rồi nhìn quanh quẩn thấy không có ai, xoa tay và đi khỏi. Salômôn thầm nghĩ: "Sáng mai chủ ruộng này hẳn sẽ ngạc nhiên không hiểu vì sao mất đi 50 bó lúa".
Salômôn còn đang suy nghĩ ngày mai sẽ phạt tên trộm này cách nào, thì lại nghe tiếng chân bước. Người mới tới đi vòng quanh hai thửa ruộng, ngó quanh thấy không có ai, liền mang một bó lúa từ ruộng này qua ruộng kia, y làm đúng như tên trộm trước đây, tuy không nhanh nhẹn bằng. Và y làm ngược lại, tức là y lấy lại 50 bó, sau đó y lại còn lấy thêm 50 bó nữa, tổng số là 100 bó. Xong rồi y cũng rút êm.
Salômôn nghĩ thầm: "Hai tên ăn trộm này có ruộng ở kề bên nhau và đều mưu toan ăn trộm của nhau. Thoạt đầu tưởng là có một anh ăn trộm, dè đâu kẻ trộm bị người ta ăn trộm lại".
Sáng hôm sau, Salômôn cho đòi hai chủ ruộng tới thẩm vấn riêng từng người, bắt đầu từ người trẻ tuổi hơn:
- Tại sao anh dám trộm lúa của ruộng bên cạnh?
Người trẻ tuổi nghe hỏi, nhìn Salômôn cách sững sờ.
- Tâu bệ hạ! Thật tình tôi không có trộm của ai khác, mà là trộm của tôi. Bó lúa tôi lấy đi là lúa của ruộng tôi, tôi đem đặt nơi ruộng của anh tôi. Tôi không muốn ai biết chuyện, nhưng vua đã thấy thì tôi nói thiệt. Cha tôi chết đi, chia ruộng thành hai mảnh đều nhau cho tôi và anh tôi. Tôi thì còn độc thân, mà anh tôi thì có vợ và 3 con, hẳn là cần lúa nhiều hơn tôi. Tôi đem cho thì anh tôi không chịu nhận, thành ra tôi phải cho lén. Tôi chỉ có một mình, in ít đủ rồi.
Salômôn lại hỏi riêng người lớn tuổi. Người này đáp:
- Tâu bệ hạ! Có Thượng Đế biết là tôi không ăn trộm của ai. Và sự thật là trái lại. Cha tôi chết đi, chia đều ruộng cho tôi và em tôi. Khi em tôi trồng lúa, nó phải tốn tiền nhiều lắm, vì nó còn độc thân, phải mướn người làm cỏ, phải mướn thợ gặt, còn tôi đã có vợ con tiếp tay nên chẳng tốn gì. Tôi muốn giúp nó mà nó không chịu, thành ra phải giúp lén, tội nghiệp nó không đủ!
Salômôn kêu người trẻ tuổi tới, ôm hai người trong tay và cảm động nói rằng:
- Ta đã gặp nhiều chuyện ly kỳ trong đời, nhưng chưa hề thấy ai lo lắng cho nhau như hai anh em này. Bấy lâu nay, hai ngươi đã thầm kín lo lắng cho nhau, thật là đáng khen. Ta xin lỗi vì đã nghi ngờ hai ngươi là ăn trộm, và bây giờ ta yêu cầu hai ngươi bán ruộng cho ta, để ta dùng làm nơi dựng Đền thờ cho Thượng Đế, vì hai thửa ruộng này chan chứa tình thương, rất xứng đáng để xây dựng Đền thờ cho Thượng Đế, không nơi nào xứng đáng hơn!
Salômôn đền bù lại cho hai người được ruộng rộng hơn, tốt hơn, và loan báo cho khắp xứ Do Thái biết là đã chọn được địa điểm dựng Đền thờ.
Đền thờ quí giá thánh thiêng như vậy nên phải trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó:
Đây là lời cầu nguyện của vua Salomon sau khi Đền thờ được xây dựng xong: "Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng: Chúa sẽ ngự trong chốn chan chứa tình thương, nay con đã kiến thiết Đền thờ kính dâng Chúa, ngõ hầu Chúa ngự nơi đây đời đời. Kìa trời và các tầng trời còn chẳng đáng tiếp rước Chúa, huống chi ngôi Đền thờ con vừa xây cất. Dầu vậy, lạy Chúa là Chúa trời con, xin đoái thương đến lời tôi tớ khẩn cầu, hãy nhận lời tôi tớ Chúa van lơn trước tôn nhan. Dám mong con mắt Chúa đêm ngày ngó đến Đền thờ này, vì nơi đây, theo Lời Chúa phán hứa, người ta phải tới mà cầu khấn danh Chúa" (II Sử ký 7,1).
THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Lc 20,27-40
“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,
chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau
và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”
(Lc 20,34-35)
1. Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng, sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nòi giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
Cuộc sống đời sau đối với Chúa không phải chỉ là sự tiếp nối đời này ở mức cao hơn. Con người sẽ vẫn là chính mình, có thể nhận biết nhau, nhưng sẽ không có sự chết nữa, vì vậy nên không cần có sự cưới gả hay sinh con. Kitô hữu chỉ giống các thiên thần chứ không trở thành các thiên thần. Trong Kinh Thánh các thiên sứ xuất hiện như con người, nhưng họ ở thể Thần Linh và không có bản năng giới tính. Về mặt này, chúng ta sẽ giống họ, không cưới gả và sinh con trong cuộc sống mai sau. Về vấn đề này, Thiên Chúa hoàn toàn có quyền làm như thế. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không đủ quyền năng để khiến kẻ chết sống lại và ban cho họ một thân thể mới phù hợp với môi trường mới sao? Nếu hôm nay Ngài có thể ban cho mọi tạo vật hình dạng khác nhau, vậy thì tại sao Ngài lại không thể ban cho con người thân thể mới khi họ sống lại? (1Cr 15,35-44).
Chúa Giêsu còn vượt quá lý lẽ con người khi nhắc họ nhớ lại lời Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện xảy đến với Môisen (Xh 3,1-22). Môisen đã gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Gọi như thế có nghĩa Môisen tin rằng, ba vị thánh tổ này đang sống. Nếu họ đang sống, thì hẳn họ phải ở thể phi vật chất vì họ đã chết trước đó. Và như thế rõ ràng là phải có một thế giới Thần Linh, nếu không thì Môisen, đã chẳng viết những lời như thế.
Thiên Chúa là Chúa của con người toàn vẹn - tâm thần, linh hồn và thân thể. Vì Ngài đã dựng nên con người như thế. Ngài không chỉ cứu linh hồn chúng ta rồi bỏ mặc phần còn lại muốn ra sao thì ra. Bản chất vốn có trong sự sáng tạo của Ngài là quan tâm đến mọi mặt của con người. Vì vậy, Ngài không để chúng ta phải "hồn lìa khỏi xác" mãi mãi, nhưng sẽ ban cho chúng ta một thân thể vinh hiển thích hợp với sự hoàn mỹ ở Thiên Đàng.
Một vấn đề khác, đó là mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ba vị thánh tổ này. Ngài hứa ban cho họ và con cháu họ những phước hạnh trên đất, nhưng Ngài không thể làm trọn lời hứa nếu dân Ngài chỉ muốn sống đời đời như những linh hồn không có xác. Chúa Giêsu đã xác nhận những điều mà người Sađuxê chối bỏ: những điều đó là sự tồn tại của các thiên sứ, sự thực hữu của đời sống sau khi chết, sự sống lại ở đời sau. Ngài xác nhận điều này dựa trên sách của Môisen. Dĩ nhiên, Ngài có thể dẫn chứng nhiều đoạn Kinh Thánh khác nói về sự sống lại ở đời sau, nhưng Ngài đã giải đáp cho những kẻ chống nghịch Ngài dựa ngay trên chính những lý lẽ họ đã đưa ra.
2. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là "kinh nghiệm cận tử" (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí như sau:
- Cuộc sống ở "cõi bên kia" hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Sau khi "chết đi sống lại", không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
Xin được kết thúc bằng lời tâm sự của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về cuộc sống mai sau:
"Tám mươi tuổi đã qua nhắc nhủ tôi cũng như anh và bà con chúng ta nhớ: Điều quan hệ hơn hết là lúc nào cũng phải sẵn sàng để ra đi một cách bất ngờ, bởi vì việc tối hệ là bảo đảm đời sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, bằng cách phó thác mình nơi lòng nhân hậu Chúa. Tôi khiêm nhường van xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm và thiếu sót của tôi. Tôi dâng lên Người cái tài sản ít oi mà nhờ ơn Người tôi chiếm hữu, hầu van xin Người tiếp đón tôi như một người cha nhân lành hiền hậu, để tôi được kết đoàn với các thánh trong hạnh phúc trường sinh".
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)