Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXXII Mùa Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXXII Mùa Thường Niên

TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B
Mc 12,38-44

"Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm".

(Mc 7,8)

A. Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy có hai hình ảnh cực kỳ đối chọi với nhau.

- Hình ảnh đầu tiên là hình ảnh về những người luật sĩ: Họ rất cao sang, vinh dự với áo thụng, với chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Cứ bề ngoài mà xét thì xem ra họ là những người rất đạo đức, rất tốt. Có lẽ có nhiều người cũng mong có được cuộc sống như vậy.

- Hình ảnh thứ hai là hình ảnh một bà góa: Bà rất nghèo. Vì nghèo cho nên chẳng được ai để ý tới. Bà cũng chẳng có áo thụng, thứ áo dài quét đất, có tua, mặc vào để nhắc nhớ mình là tuyển dân của Thiên Chúa. Vì nghèo cho nên cũng chẳng có bao giờ bà có được một chỗ tốt nơi công cộng, chẳng được ai để ý đến mà chào hỏi. Thông thường thì có lẽ chẳng mấy ai mong muốn phải sống nghèo như thế.

- Bây giờ chúng ta xem cách nhìn của Chúa. Chúa thấy gì qua những hình ảnh đó. Rõ ràng là cái nhìn của Chúa không giống với cái nhìn thông thường của con người. Những người luật sĩ  rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất…người ta thì thấy như thế là sang, là đẹp….còn Chúa thì Chúa lại thấy đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhưng ẩn sâu dưới cái vỏ đó là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối. Có lần Chúa bảo “họ giống như mồ mả, bên ngoài thì quét vôi trắng toát rất đẹp nhưng bên trong toàn là mùi xú uế bẩn thỉu”

Ngược lại người đàn bà góa bụa nghèo khó…bên ngoài chẳng bằng ai, không có gì để lôi cuốn, để hấp dẫn. Và thông thường thì có lẽ cũng chẳng có mấy ai ưa chuộng cuộc sống như thế. Thế nhưng đối với Chúa thì lại khác. Bà góa ấy tuy nghèo tiền nhưng lại rất giàu lòng. Bà dám làm những việc mà ít ai dám làm: dâng cho Chúa cả sự sống của bà. Chúa Giêsu khen ngợi cuộc sống đó. Đối với Chúa đó là cuộc sống rất đẹp. Chính vì nó đẹp cho nên Chúa mới gọi các môn đệ lại và bảo họ phải noi gương.

B. BÀI HỌC

Qua câu chuyện của bà góa nghèo Chúa muốn dạy chúng ta điều gì? Có rất nhiều bài học chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện đầy ấn tượng này, nhưng ở đây tôi chỉ xin gợi lên mấy điều tôi tưởng là rất cần cho chúng ta..

Trước hết câu chuyện này nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội. Bà góa rất nghèo nhưng bà đã ý thức được bổn phận của mình đối với Chúa, với cộng đoàn. Bà đã sãn sàng hy sinh, hy sinh cả sự sống của mình để giúp Giáo Hội.

Ông Sam Jones một nhà truyền giáo rất nổi tiếng, một lần kia gặp một tín hữu lúc nào cũng than van về những khoản ông phải đóng góp.

- Thưa ngài, tôi phải đóng góp cho Hội Thánh nhiều quá.

- Bao nhiêu?

- 5 USD một năm.

- Thế ông theo Chúa bao lâu rồi?

- Đã 4 năm.

- Trước khi theo Chúa ông làm gì?

- Tôi nghiện rượu.

- Mỗi năm ông uống hết bao nhiêu tiền?

- Chừng 250USD

- Khi ấy ông có ruộng đất gì không?

- Tôi mướn đất cày bừa với một con bò

- Bây giờ ông có gì không?

- Tôi có một khu ruộng và một đôi ngựa cày.

- Trước kia ông cho ma quỉ mỗi năm 250USD để được cày trên một thửa ruộng đi thuê muớn với một con bò. Nay Đức Chúa Trời đã cứu ông, ông chỉ dâng cho Ngài 5USD một năm để được cày ruộng của mình với một đôi ngựa. Vậy mà ông còn kêu là nặng nề ư? Ông là người bội bạc từ đỉnh đầu cho đến bàn chân!

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng như vậy. Chúng ta nhận được từ Chúa và Giáo Hội quá nhiều nhưng thử hỏi có khi nào chúng ta nghĩ tới bổn phận chúng ta phải xây dựng Giáo Hội bằng những hy sinh của chúng ta không?

Cách dâng cúng đẹp lòng Chúa.

Thứ đến: Chuyện bà góa làm tôi phải giật mình. Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, có khi ít mà là nhiều. Nhiều người dâng những số tiền rất lớn. Xem ra là rất nhiều nhưng Chúa lại bảo là ít vì họ dâng những cái dư thừa. Ngược lại một bà góa, bà chỉ bỏ vào hai đồng tiền nhỏ. Đó là đồng gọi là lepton, nghĩa đen là một đồng mỏng, là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất trong các đồng tiền. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói phần đóng góp đó là nhiều hơn tất cả mọi người khác, và Chúa cắt nghĩa: vì những người khác bỏ vào đó số tiền họ đã dành dụm được khá dễ dàng và vẫn còn giữ lại khá nhiều, trong khi bà góa nghèo này đã bỏ vào tất cả những gì bà có. Nhiều đối với Chúa không phải ở số lượng bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh của người dâng hiến.

Ngày xưa, lâu lắm rồi, một ông vua ở Ấn Độ, mời Đức Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy vua cho đốt rất nhiều đèn dầu trong cung nhất là dọc theo hành lang từ cung vua đến cung Phật ở. Lúc đó có một bà góa nghèo khó cũng muốn dâng lên Đức Phật ngọn một ngọn đèn dầu, nhưng không làm sao có tiền để mua. Bí quá Bà phải đi ăn xin suốt một ngày ròng, khắp kinh đô…mãi đến tối mới được hai đồng. Bà dùng hai đồng đó…. tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên Phật. Bà khấn: "Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này được sáng suốt đêm mà không tắt".

Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật đi tắt đèn thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt tự bao giờ, riêng dĩa đèn của bà ăn xin vẫn tỏa sáng ngời ngợi, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy sự lạ, lên thưa với Đức Phật. Người bảo: "Bà cụ tâm thành tu thân tích đức, về kiếp sau sẽ trở thành Phật Như Lai".

Vua nghe chuyện, hỏi một vị quan trong triều, tại sao vua cúng đèn nhiều như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão chỉ dâng có một ngọn đèn? Quan đáp: "Bởi vì bà của ít lòng nhiều, bà dâng có một dĩa đèn, nhưng tấm lòng bà thành kính thiết tha".

Câu truyện tình tiết xem ra có hơi khác nhưng nội dung sao mà giống với truyện của bà góa quá. Xem ra đạo nào cũng thế. Chân lý chỉ có một.

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.


THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 17,1-6

"Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!
Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn"

(Lc 17,1-2).

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta 3 điều. Tất cả đều rất thực tế cho cuộc sống chung hay cho đời sống tập thể:

1. Trước hết, Chúa nói về cớ vấp ngã: Cớ vấp ngã có thể là một câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do ở trong một hoàn cảnh nào đó không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Ví dụ như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì nó sẽ thành cớ khiến nhiều người vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể có nhiều người, tất nhiên không thể không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã, nhất là đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho người khác. Chúa sẽ phán xét rất ngặt đối với chúng ta về vấn đề này.

Vào khoảng giữa thế kỷ trước, có một vị Linh mục già thánh thiện sống ở Wimpfen, vùng Westphalie. Mỗi tối, khi mặt trời lặn, Ngài có thói quen đi ra nghĩa địa và ở đó lần một chuỗi cầu cho các linh hồn ở luyện ngục. Ngày kia, một người bạn của Ngài hỏi lý do việc tối nào ngài cũng đi ra nghĩa địa như thế, và đây là câu trả lời:

- Tôi đã làm cha sở họ đạo này lâu năm, và biết đâu do lỗi của tôi khi không làm gương tốt, khi không chu toàn những gì tôi phải làm, tôi đã mang lỗi với những người bây giờ đang nằm dưới lòng đất lạnh này. Tôi sợ phải trả những khoản nợ ấy sau khi chết, do đó mỗi ngày tôi phải lần hạt cho những người đang nằm ở đây, để nhờ hành vi bác ái này cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, đền bù các thiếu sót mà tôi có thể đã phạm...!

Không nên than trách kẻ khác, nhưng hãy tự kiểm điểm đời sống mình.

2. Thứ hai, về việc tha thứ và sửa lỗi anh em: Sống trong tập thể khó mà tránh khỏi những va chạm gây nên những phiền hà cho nhau. Người ta thường nói: Chung thì đụng mà đụng thì đau mà đau thì khổ. Chúng ta phải can đảm tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Châm ngôn Trung Hoa có câu: "Tha thứ là mùi thơm mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát."

Kiên trì chấp nhận nhau và liên tục tha thứ là một hình thức căn bản của nếp sống bác ái cộng đoàn. ‘Giới hạn của tha thứ là thứ tha vô giới hạn’.

Sau đây là cuộc đối thoại ngắn giữa một Linh mục với một người nọ:

- Anh hãy tha thứ cho bà ta đi.

- Vâng, lần này con tha. Nhưng nếu bà ta tái phạm lần nữa thì đừng hòng.

- Vậy anh có muốn Chúa cũng nói với anh như thế khi anh đi xưng tội không?

Anh không trả lời.

3. Cuối cùng, là về đức tin: Những người trong tập thể Giáo Hội hãy cố gắng củng cố lòng tin cho mình và cho nhau. Nếu có lòng tin thì mọi sự sẽ tốt đẹp và sẽ làm được những điều phi thường.

Cuộc sống đức tin sẽ có ảnh hưởng rất tốt đối với đời sống cộng đoàn.

Ðây là câu châm ngôn Mẹ Têrêsa để lại như linh đạo cho các Nữ tu thừa sai bác ái, như nền tảng của các hoạt dộng của Tu hội."Thành quả của sự yên lặng là lời cầu nguyện - Thành quả của lời cầu nguyện là đức tin. Thành quả của đức tin là tình yêu. Thành quả của tình yêu là phục vụ. Thành quả của phục vụ là hòa bình".

Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: trước đây anh vẫn luôn luôn quỳ gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quỳ gối không?

Lúc đầu anh cảm thấy ngượng ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: "Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?"

Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quỳ gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu Thánh Giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người Công giáo. Và xảy ra là trong toàn trại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quỳ gối cầu nguyện. Anh nói rằng, mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.

Vào ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:

- Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.

Anh liền đáp lại:

- Có thể tôi là người Kitô hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi nghĩ rằng, tôi không phải là người Kitô hữu tốt nhất đâu. Dầu sao tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa nói.


THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 17,7-10

"Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm,
thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng."

(Lc 17,10)

Chúa Giêsu có 4 lời khuyên dành cho các môn đệ. Ngày hôm qua, chúng ta đã nói đến ba điều: Không được làm gương mù, phải tha thứ, phải có lòng tin. Hôm nay, chúng ta nói đến điều cuối cùng: phục vụ trong khiêm tốn.

1. Chúa Giêsu đã tuyên bố công khai: Con người  đến trần gian không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng để phục vụ mọi người, (Mt 21,33t). Toàn thể cuộc đời của Chúa lúc nào cũng xoay quanh chân lý duy nhất này, đó là "làm theo thánh ý Thiên Chúa Cha " (Mt 26,21; Lc 24,26). Bởi vậy, những môn đệ của Chúa cũng phải theo chân Chúa mà phục vụ như thế. Phục vụ xong thì nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô ích, chúng tôi làm việc mình phải làm" (Lc 17,10).

Trong thư thứ 1Cr 4,7 thánh Phaolô nói: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?" Nếu xét cho kỹ thì tất cả những gì ta cho là tài ba hay công lao "của ta" đều không phải thực là của mình.

- Trí óc ta thông minh ư? Đó là nhờ Chúa sinh ra ta như thế. Nhiều người khác mới sinh ra đã đần độn.

- Sức khoẻ ta dồi dào ư? Cũng nhờ Chúa sinh ta ra sẵn như vậy. Nhiều kẻ sinh ra đã sẵn èo ọt.

- Ta có nhiều năng khiếu ư? Cũng do Chúa sinh ra ta như vậy.

- Ta đẹp ư?  Cũng thế.

- Ta làm nhiều việc thành công ư? Đó là nhờ ta có sẵn thông minh, sức khoẻ, năng khiếu.

Bởi vậy, dù ta làm được gì thì ta cũng là đầy tớ vô dụng thôi.

Người ta hỏi Thánh Phanxicô Assisi:"Nhờ đâubằng cách nào mà ngài làm được nhiều việc như thế ?" Thánh nhân đáp:

- Thiên Chúa ở trên Thiên Đàng nhìn xuống dưới đất. Ngài tự hỏi: "Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất và hèn hạ nhất đây?" Thế rồi Thiên Chúa tìm thấy tôi. Ngài lại tự nhủ: "Ta đã tìm được nó rồi. Qua nó, Ta sẽ làm những việc Ta muốn. Nó sẽ không tự phụ được với những việc đó, bởi vì nó biết rằng, Ta sử dụng nó chỉ vì sự yếu đuối, nhỏ bé và hèn hạ của nó thôi" (Christian Herald).

2. "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng."

Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10b)

Mẹ Têrêsa nói: "Điều quan trọng không là làm nhiều, làm tất cả nhưng là sẵn sàng làm bất cứ gì, vào bất cứ lúc nào". 

Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu Abbert Schweitzer làm "người hùng của thế kỷ". Hai năm sau, tức năm 1952, Abbert Schweitzer được thưởng giải NOBEL hòa bình. Schweitzer được toàn thế giới tuyên dương là một thiên tài đa dạng: ông vừa là một triết gia lừng danh, một thần học gia danh tiếng, một sử gia đáng kính, một nhạc công sôlô trong dàn nhạc, và còn là một bác sĩ thừa sai.

Cuộc đời ông có nhiều điểm nổi bật làm cho ông thành "người hùng của thế kỷ".

Năm 21 tuổi, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến cuộc đời còn lại cho những người thiếu thốn bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó.

Và thế rồi, vào sinh nhật thứ 30, nhằm ngày 14-01-1905 ông đến một hộp thư ở Paris gởi một số thư từ về cho bố mẹ và bè bạn thân thiết nhất, báo cho họ biết ông sắp sửa ghi tên vào đại học để lấy bằng y khoa, sau đó ông sẽ đi Phi Châu sống như một bác sĩ thừa sai làm việc giữa đám dân nghèo. Những lá thư ấy lập tức bị phản đối ngay.

Trong cuốn sách nhan đề "Bên ngoài đời sống và tư tưởng của tôi", Schweitzer viết: "Bà con và bè bạn tôi đồng loạt phản đối dự tính mà họ cho là điên rồ của tôi. Họ bảo tôi là một người đem chôn dấu tài năng đã được ủy thác cho mình. Một phu nhân đầy tinh thần tiến bộ nọ chứng tỏ cho tôi rằng, tôi có thể sinh ích lợi hơn nhiều bằng cách là một giảng sư đại học, để phục vụ cho ngành y khoa bản xứ hơn là lao mình vào hành động mà tôi đang toan tính".

Tuy nhiên, Schweitzer vẫn khăng khăng thực hiện những dự định của mình. Năm 38 tuổi, ông trở thành một bác sĩ y khoa thực thụ. Năm 43 tuổi, ông đến Phi châu mở một bệnh viện cạnh bờ rừng của khu vực, lúc bấy giờ được gọi là Phi châu xích đạo. Sau cùng, ông đã chết ở đó vào năm 1965 hưởng thọ 95 tuổi.

Đây là lời Abbert Schweitzer để lại cho hậu thế

- Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.

- Người lạc quan là người nhìn đâu cũng thấy đèn xanh, còn người bi quan thấy khắp nơi chỉ toàn đèn đỏ... kẻ thực sự khôn ngoan thì mù màu.

- Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, bạn sẽ thành công.

- Một bí mật lớn cho thành công là bước đi trên đường đời luôn tràn trề sinh lực.


THỨ TƯ TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 17,11-19

"Không phải cả mười người đều được sạch sao?
Thế thì chín người kia đâu?"
(Lc 17,17)

1. Bài Tin Mừng này được đọc nhiều lần trong năm. Mỗi lần đọc câu chuyện này tôi lại cảm thấy có cái gì đó xót xa trong lòng. Xót xa vì số người "biết ơn" trên cõi đời này ít quá. Người Á đông chúng ta rất trọng sự biết ơn, nhất là đối với những bậc sinh thành: Biết ơn ông bà tổ tiên. Lòng biết ơn ấy đã được nâng lên thành một đạo: Đạo ông bà.

Bởi vậy, thái độ vô ơn sẽ là một thái độ khó hiểu trong cuộc sống.

Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói một tiếng nào. Cậu bé hỏi:

- Thưa ông, ông vừa nói gì thế?

- Tôi có nói gì đâu.

- Vậy mà cháu tưởng ông nói "cám ơn" chứ. (Quote)

2. Lòng biết ơn là giá trị cốt yếu nhất của một đời người, vì nó nhắc nhở cho con người về chân lý nền tảng của cuộc sống, đó là sự sống không tự nhiên mà có. Tôi không tự mình mà hiện hữu, tôi không tự mình mà nên người. Tôi không thể sống mà không cùng sống với người khác. Tôi không thể hạnh phúc mà không cần nhờ đến người khác. Nếu tôi là con người có suy nghĩ một chút, tôi sẽ không thoát khỏi câu hỏi: Tôi bởi đâu mà ra? Và nếu tôi là người thành tâm đi tìm giải đáp cho vấn đề nhân sinh thì cuối cùng, tôi sẽ thấy rằng, tôi không thể là một con người biết ơn mà lại có thể là một người vô thần.

Đây là những lời của một bà cụ già viết trong Nhật ký:

Chúa ban cho tôi biết bao ơn lành của Chúa

Chúa cho tôi đôi mắt, để tôi nhìn ngắm bao kỳ công

Chúa cho tôi đôi tai, để tôi nghe đủ âm thanh

Chúa cho tôi đôi môi, để tôi hé mở nụ cười

Chúa cho tôi hai tay, để tôi bưng chén cơm, cầm bút

Chúa cho tôi đôi chân, dẫn tôi đi khắp mọi nẻo đường

Chúa cho tôi khối óc, để tôi biết phân biệt điều thực điều hư

Mà đã có lần nào tôi nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa chưa,

Hay phải đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, tôi mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

3. Thật là cảm động khi người trở lại cám ơn Chúa lại là một người ngoại đạo! "Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa" (Lc 17,15).

Hồi còn học Trung Học, có một cuốn sách tôi rất thích đọc đó là cuốn "Những Tấm Lòng Cao Cả" của Edmondo Amicis. Trong tác phẩm này tôi thấy có rất nhiều chuyện hay. Và đây là một trong những chuyện đó. Chuyện kể rằng:

Có một thầy giáo nọ ở tỉnh Torino nước Ý được phân công đến dạy học cho những người tù trong suốt mùa đông.

Để giảng bài, ông đứng giữa một căn phòng hình ống, chung quanh là tường cao trần trụi có rất nhiều những ô cửa sổ nhỏ gắn chấn song sắt: Mỗi ô cửa là một xà lim, bên trong những ô cửa đó là những khuôn mặt hốc hác, râu tóc bù xù và những ánh mắt hết sức dữ tợn của những tội nhân với nhiều loại tội khác nhau, hay là những khuôn mặt của những tội nhân đang bị dày vò bởi những lỗi lầm đã trót phạm của mình...

Thầy giáo cứ thế giảng bài, đi đi lại lại quanh phòng, còn học sinh thì áp sát cuốn vở vào song sắt mà hí hoáy ghi chép.

Trong đám tù có một người mang số 78 là chăm chỉ chuyên cần nhất. Anh nhìn xuống thầy giáo với đôi mắt cung kính mến phục. Anh còn trẻ. Trước đây làm thợ mộc. Trong một lần bị oan ức, anh đã tức giận ném mạnh cái bào gỗ vào đầu tên chủ xưởng khiến hắn bị tử thương. Anh bị kết án 20 năm cấm cố. Chỉ trong ba tháng học mùa đông, người tù ấy đã biết đọc biết viết khá thông thạo.

Một hôm, buổi học vừa xong, anh đưa tay ra hiệu mời thầy giáo lại gần ô cửa sổ của anh. Anh buồn rầu báo tin rằng, hôm sau anh sẽ phải chuyển đi trại giam khác. Anh ngỏ lời từ biệt và xin được hôn lên đôi bàn tay thầy giáo. Thuyết phục nài nỉ mãi, anh mới được toại nguyện. Người thầy khi rút tay lại thì thấy tay mình đẫm nước mắt...

Thời gian thấm thoát trôi qua, chợt một hôm, thầy giáo ra mở cửa thì thấy một người lạ mặt quần áo nghèo túng, râu tóc đã bắt đầu muối tiêu. Người ấy nghẹn ngào tự giới thiệu:

- Thầy ơi, con chính là người tù số 78 mà thầy đã dạy cho con biết đọc biết viết trong một mùa đông giá lạnh cách đây 6 năm. Bây giờ thì con đã được mãn hạn tù, con đến xin thầy vui lòng nhận cho một vật nhỏ mà tự tay con đã làm ra trong tù, con chỉ thành tâm muốn biểu lộ lòng biết ơn vô hạn của con đối với thầy.

Thầy giáo lại một lần nữa xúc động đỡ lấy món quà, ông nhận ra ngay đó là một chiếc bình mực làm bằng gỗ, trên mặt có khắc tỉ mỉ hình một quyển tập và một dòng chữ nắn nót trân trọng: "BIẾT ƠN THẦY....".


THỨ NĂM TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 17,20-25

 "Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này
đến phương trời kia thế nào, thì Con Người
cũng sẽ như vậy trong ngày của Người."
(Lc 17,24)

Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm 2 ý:

1. Nước Thiên Chúa - Nước Trời hayTriều đại Thiên Chúa: Đây là đề tài chủ yếu trong Kinh Thánh. Cùng với niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, người Do Thái tưởng tượng ra một vương quốc thịnh vượng, hùng cường mà Thiên Chúa sẽ thiết lập ngay trên lãnh thổ của họ. Vào thời Chúa Giêsu, một niềm hy vọng như thế bừng cháy lên một cách mãnh liệt trong tâm hồn mọi người.

Nước Trời hay Nước Chúa cũng là đề tài chủ yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngài đã khai mở sứ vụ bằng lời kêu gọi: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến"(Mt 3,2). Nhưng trái với niềm hy vọng của người Do Thái, Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không phải là một lãnh thổ có thể quan sát, đo đạc hay khoanh vùng trong những ranh giới. Nước ấy giống như một hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất. Nước ấy gíống như men được trộn vào bột để làm cho bột ấy dậy lên.

Vì người Do Thái quan niệm Nước Thiên Chúa như một vương quốc trần thế, có lãnh thổ, có binh lính, có quyền lực cho nên họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế, hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: "Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?"(Lc 17,20).

Thực ra triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tin theo Chúa Giêsu. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài, nơi đó Nước Chúa được thể hiện.

Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Đức Giêsu.

 Cậu bé nói:

- Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Người mãi mãi.

Nhà truyền giáo đáp:

- Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì?

- Con sẽ đi theo Người.

Nhà truyền giáo lại nói:

- Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?

Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:

- Ồ, ởđâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên Đàng".

Đó là ý thứ nhất.

2. Ý thứ hai: Ngày của Con Người: Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.

Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: "Nước Thiên Chúa ở giữa anh em"(Lc 17,21). "Ở giữa" có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn biết Ngày của Con người đến hay chưa thì đừng đi tìm ở đâu mà hãy đi vào ngay cõi lòng của mình. "Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được". Nước Thiên Chúa "ở giữa anh em", ở ngay trong lòng con người.

Vào thời Nga Hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau:

- Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến.

Nghe thế, người thanh niên dõng dạc trả lời:

 - Thưa ông, tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông... nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù" (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta không thể mong Nước Trời đến như mong chờ kiểu "chờ sung rụng", nhưng phải biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa và phải làm những công việc đó ngay từ hôm nay, ngay từ giây phút này.

Hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này mà bước đi những bước thật vững vàng trên con đường phục vụ, chúng ta sẽ được sống trong Nước Thiên Chúa.


THỨ SÁU TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 17,26-37

"Và cũng như thời ông Nôê,
sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người,
sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.
" (Lc 17,26)

Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về "Ngày của Con Người" tức là ngày quang lâm. Ngày hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng.

1. Theo cách viết của Luca, thì những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội. Họ chỉ làm những việc bình thường.(Lc 17,26). Những người thời ông Lót cũng thế: Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh vì họ không cảnh giác và không làm những việc phải làm.

Lịch sử chính thức ghi chép rằng, Thế chiến thứ 2 bắt đầu vào ngày 1.9.1939, khi quân Đức tấn công vào nước Balan nhưng thực ra, quốc trưởng Hitler của Đức đã có kế hoạch tấn công Balan trước đó 6 ngày, tức là vào ngày 26-8-1939. Mười sáu đại đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng có vài diễn biến chính trị vào giờ chót đã làm Hitler ra lệnh hoãn cuộc tấn công.

Lệnh hoãn chiến được cấp tốc truyền đến mọi đơn vị lớn nhỏ. Nhưng có một đơn vị do trung úy Henher chỉ huy lại không nhận được lệnh kịp thời, nên đã nổ súng, kéo qua biên giới tiến vào lãnh thổ Balan, chiếm một ngọn đồi chiến lược với một nhà ga xe lửa và bắt một tù binh.

Khi gọi điện thoại về báo cáo chiến công, trung úy Henher được lệnh phải thả tù binh và rút quân về tức khắc.

Mặc dù Đức đã nổ súng và đã chiếm đóng mấy địa điểm chiến lược trên lãnh thổ Balan vào ngày 26.8.1939, nhưng khi đại binh Đức ồ ạt tấn công qua biên giới, quân đội Balan vẫn bị đánh bất ngờ.  Sự thiếu cảnh giác và không làm những việc cần phải làm nhiều khi cũng đem lại những thảm họa thật không lường trước được.  

Những người thời ông Noê và ông Lót quả đã làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng đã không làm gì trước những lời cảnh cáo của Chúa cho nên họ đã phải chịu những thảm họa thật thảm thương. 

2. Chúng ta hãy nghe những lời cảnh giác của Chúa về tính cách bất ngờ trong Ngày của Con Người.

"Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy" (Lc 17,31): Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.

"Hai người cùng nằm một giường... hai người cùng nhau xay bột... hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại" (Lc 17,34-36): những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.

"Hãy mài sắc cảnh giác": (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi.

Nói tóm lại là phải luôn sống trong tình trạng nhiệt tình và sẵn sàng, có như thế khi Chúa xuất hiện Ngài sẽ vui và rồi Ngài sẽ ôm lấy trọn cuộc đời của ta trong vòng tay yêu thương của Ngài

Nhạc sỹ nổi tiếng nào trên thế giới cũng để lại cho đời một số giai thoại. Augustignasi Vadovaski là nhạc sỹ kiêm chính trị gia nổi tiếng của Balan vào đầu thế kỷ XX cũng thế. Người ta kể lại rằng:

Một người đàn bà nọ có một đứa con đang tập tễnh đánh bài vỡ lòng trên đàn dương cầm. Muốn động viên cậu bé hăng say hơn nữa trong việc học tập, ngày kia, bà mẹ mua vé đưa cậu đến dự buổi độc tấu dương cầm của nhạc sỹ Vadovaski. Để cho cậu con trai có thể thấy rõ, cũng như chiêm ngưỡng được nhà nhạc sỹ đại tài, bà mẹ đã cố gắng mua cho được hai chỗ gần sân khấu.

Giữa lúc bà mẹ đang bận chuyện trò với một người bạn thì cậu bé biến mất! Thì ra cậu bé đã trốn mẹ để lên tận sân khấu, và khi đến giờ trình diễn, đèn trên sân khấu bừng sáng, màn được kéo ra, và người ta thấy cậu bé đã ngồi chễm chệ trước cây đàn dương cầm từ bao giờ! Chưa hết ngạc nhiên, mọi người đã nghe vang lên tiếng đàn ngập ngừng của cậu qua bài học vỡ lòng. Lúc tiến ra sân khấu, nhạc sỹ Vadovaski mỉm cười nói với cậu bé:

- Cháu cứ tiếp tục đi.

Rồi ông bước tới, đứng đàng sau cậu bé, dùng bàn tay trái của mình đệm bè thêm cho bản nhạc. Một lúc sau, ông sử dụng luôn cả bàn tay phải ôm trọn lấy cậu bé và đệm luôn phần trên của bản nhạc. Bốn bàn tay quyện vào nhau. Nhà nhạc sỹ đại tài và cậu bé đã tấu lên được một trong những khúc nhạc du dương lạ thường. Khán giả hôm ấy đã không ngớt vỗ tay tán thưởng.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta sẵn sàng để Đức Kitô ôm trọn chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người, và nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng mời gọi cổ vũ của Người: "Đừng bỏ cuộc, nhưng hãy tiếp tục" thì chúng ta có thể tấu lên được những khúc hát tươi vui cho cuộc đời của chúng ta.


THỨ BẢY TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Lc 18,1-8

"Đức Giêsu dạy các ông phải cầu nguyện luôn,
không được nản chí."
(Lc 18.1)

1. Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này: "các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí". (Lc 18,1)

Một vị linh mục kia đã đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn trong bài giảng của mình như sau:

Hôm đó, quỷ vương tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật thật lớn, trong đó, những đặc phái viên của quỷ đều tụ tập về để báo cáo lại kết quả mà chúng đã thu hoạch được trong việc bày ra những chước cám dỗ của chúng đối với loài người.

Một tên quỷ nói:

- Trong một đoàn người Công giáo đi hành hương, tôi đã thả những thú vật hoang dã của sa mạc ra tiêu diệt họ, và hiện nay hàng đống xương của họ vương vãi trắng xóa trên cát.

Quỷ vương hồi hộp theo dõi:

- Rồi sao nữa? Hãy tường trình tiếp đi?

Tên quỷ than phiền:

- Nhưng mấy người Công giáo này cứ kiên trì cầu nguyện cho đến lúc bị lũ thú dữ ăn thịt, vì thế linh hồn của bọn họ đều được cứu rỗi.

Quỷ vương thở dài chán nản.

Một tên quỷ khác nói:

-Tôi đã cho một luồng gió Tây thổi mạnh vào một con tàu chở đầy người Công giáo, và tất cả bọn họ đều bị chết đuối.

Quỷ vương nôn nóng:

- Rồi sao nữa? Thành công chứ?

Tên quỷ này cũng phàn nàn: Cũng giống như trường hợp trên, linh hồn của tất cả bọn họ đều được cứu rỗi.

Tên quỷ thứ ba báo cáo:

- Trong suốt 10 năm, tôi đã cố gắng cám dỗ một người Công giáo, chỉ một người thôi. Tôi đã làm cho anh ta lơ là trong việc bổn phận và tôi đã thành công. Bây giờ, anh ta đã trở thành một con người luôn sao lãng bổn phận.

Quỷ vương la lên vui mừng:

- Thế là hỏa ngục có thể ca hát mừng rỡ được rồi.

2. Phải luôn kiên trì nhưng thế nào là kiên trì?

Một ẩn sĩ sống trên núi để suốt ngày cầu nguyện và thinh lặng.

Một sáng kia, có một thanh niên thăm ông.

- "Cheikh" (Tiếng A-rập có nghĩa là một người hiểu biết, một nhà hiền triết) "Cheikh, xin dạy con cầu nguyện".

Vị ẩn sĩ đang chiêm niệm nên không ngước mắt lên.

Và người thanh niên buồn rầu ra đi. Ngày hôm sau anh trở lại:

- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.

Nhưng lời yêu cầu của anh cũng không được đáp trả, giống như hôm trước. Tuy nhiên, vì rất tha thiết, anh trở lại một lần thứ ba.

Lúc ấy vị ẩn sĩ đang chuẩn bị bữa ăn đạm bạc của mình: chắc là anh may mắn hơn.

- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.

Nhưng lời yêu cầu cũng không được phúc đáp

- Chẳng lẽ câu hỏi không quan trọng gì nên ngài không buồn nghe sao?

Bấy giờ vị ẩn sĩ ngước mắt lên nhìn với ánh mắt đầy nhân hậu, nhưng, cũng giống như các ngày trước, ông vẫn làm thinh.

Được ánh mắt khuyến khích, ngày hôm sau, chàng trai lại đến, hy vọng sẽ được ông trả lời

- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.

Trước sự im lặng kiên trì của vị ẩn sĩ, anh nổi giận.

Cuối cùng, vị ẩn sĩ mới nói với anh:

- Tôi không trả lời vì muốn thử xem anh có thực sự khao khát không. Vì lòng khao khát của anh tự nó đã là một lời cầu nguyện rồi. Thiên Chúa chẳng đòi hỏi gì khác hơn là anh tìm kiếm Người. (Truyện cổ Ảrập)

Trong một cuộc chuyện trò với một nhóm phụ nữ Công Giáo đạo đức về ơn gọi Linh Mục, Đức Hồng Y Louis-Edouard Pie nói.

"Tôi biết rất rõ một cậu bé nghèo thật nghèo, chào đời nơi một ngôi làng gần thành Chartres. Cậu bé nghèo ấy rất ước ao trở thành Linh Mục nhưng song thân quá nghèo lại sớm lìa bỏ cõi đời khiến cậu trở thành đứa trẻ mồ côi. Vào một ngày Lễ Ba Vua, cậu bé bước vào nhà thờ Chính Tòa Poitiers. Cậu bé ngỡ ngàng và vô cùng xúc động khi theo dõi buổi cử hành Phụng Vụ. Thánh Lễ quá đẹp và quá trang trọng khiến cậu bé cảm thấy cổ họng nghẹn cứng và không cầm được nước mắt. Cậu bé bước ra khỏi thánh đường với khuôn mặt dàn dụa nước mắt.

Nơi công trường trước nhà thờ Chính Tòa có một phụ nữ bán hoa đang ngồi đó. Trông thấy cậu bé khóc, bà động lòng trắc ẩn và âu yếm cất tiếng hỏi:

- Sao con lại khóc? Bé cưng của bà?

Cậu bé mếu máo trả lời:

- Con muốn trở thành Linh Mục nhưng con lại quá nghèo!

Người phụ nữ có quả tim vàng trả lời ngay:

- Chính bà sẽ giúp con, con an tâm!

Giữ lời hứa, người phụ nữ nghèo ấy, đêm ngày thức thật khuya dậy sớm để làm việc. Bà làm việc thật vất vả nhưng kiếm đủ số tiền đóng cho đứa con trai bà nuôi đang theo học nơi Chủng Viện.

Nói đến đây, Đức Hồng Y Louis-Edouard Pie với đôi mắt đẫm lệ, nghẹn ngào kết thúc câu chuyện với nhóm phụ nữ Công Giáo đạo đức:

- Thưa quý bà, người phụ nữ nghèo tốt lành ấy nay đã qua đời. Nhưng cậu bé nghèo kia đã kiên trì trong ơn gọi, đã thụ phong Linh Mục, rồi Giám Mục và nay là Hồng Y. Cậu bé nghèo ấy chính là tôi đây, người đang nói chuyện với quí bà và là Hồng Y của quí bà đây!

Top