Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXV Mùa Thường Niên
TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Mc 9,30-37
"Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết,
và làm người phục vụ mọi người."
(Mc 9,35)
Bài TM hôm nay có hai phần tương đối rõ rệt.
Phần thứ nhất Chúa báo trước về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa
Phần thứ hai Chúa đề nghị một lối sống mới cho tất cả những ai muốn theo Ngài.
I. Hôm ấy Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ. Ngài tránh không muốn cho ai biết Ngài. Ngài sợ người ta nô nức đi theo Ngài như chạy theo một “Người lớn”. Và chính trong bối cảnh này Ngài loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu. Đây là lần thứ hai Ngài làm như thế.
Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (8,31) "Con Người" sẽ bị “nộp” vào tay người ta.
Và cũng như lần trước lời hứa Phục sinh được thêm vào ngay sau đó, thế nhưng lời hứa này xem ra chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn ảnh đớn đau của cái chết. Tệ hơn nữa các ông ấy còn tỏ ra hầu như chẳng hiểu gì về những lời giáo huấn của Thầy mình. Lần trước thì Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng. Còn lần này tuy không nói ra nhưng thái độ “khép lòng” của họ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài” chứng tỏ họ cố tránh né những khó khăn và thử thách đang chờ đợi Chúa.
Đứng trước hoàn cảnh như thế Chúa phản ứng lại như thế nào?
Một lần nữa Macco cho chúng ta thấy sự Chúa lại kiên trì và nhẫn nại giáo dục dạy dỗ họ.
Ngài khởi đầu công việc dạy dỗ bằng cách kéo các môn đệ về với những gì mới xẩy ra. Ngài hỏi họ về nội dung cuộc tranh luận giữa họ với nhau ở dọc đường. Nghe lời Chúa Giêsu hỏi, họ không trả lời. Thực ra họ đã tranh luận với nhau xem ai là Ngài “lớn” nhất.
Chúa Giêsu cảm thấy có bổn phận phải can thiệp để làm cho các môn đệ mình thoát khỏi cái khuynh hướng đua đòi, chạy theo quyền lực và Ngài cho họ một bài học sống động (9,35).
Macco diễn tả Chúa ngồi xuống để biểu lộ cung cách của một vị sư phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của một người giảng dạy đầy uy quyền.
Chúa Giêsu nói với họ một cách thật rõ ràng. Trong lời ngỏ với những vị lãnh đạo tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược cái phẩm trật thông thường của nhân loại. "Muốn làm đầu thì phải làm cuối, muốn chỉ huy thì phải làm ‘đầy tớ tất cả".
II. Nhưng thử hỏi sứ điệp của Chúa có được đón nhận hay không? Ngài tin là có. Và để cho lời của Ngài được cụ thể hóa Ngài đặt một em bé giữa các ông, ôm nó vào lòng. Cử chỉ này tạo nên một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa họ rồi ôm hôn nó: Đây là một việc làm hoàn toàn trái với tập tục đương thời. Xã hội lúc đó không hề quan tâm đến trẻ em. Người ta coi rẻ trẻ em như một sinh vật vô nghĩa, thậm chí họ còn xua đuổi khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn vì cho rằng chúng ngu dốt không biết gì về lề luật.
Vậy khi đón nhận một em bé như thế Chúa Giêsu đã làm một công việc hết sức quan trọng. Đó là Ngài trả lại giá trị cho những con người bị loại trừ và Chúa còn nhấn mạnh thêm là việc đón tiếp những con người bị khai trừ như thế cũng chính là đón tiếp Nàgi. Đây quả thật là một sứ điệp bất ngờ và cũng rất là mới mẻ của những trang TM khả ái này.
Kính thưa anh chị em
Tới đây thì ý nghĩa của Bài Tin Mừng đã khá rõ. Điều Chúa Giêsu muốn ở nơi các môn đệ của Ngài ngày xưa cũng là điều mà Chúa muốn đối với chúng ta hôm hay. Vấn đề đặt ra là khi theo Chúa, sống cuộc đời tự hạ phục vụ như thế, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu. Câu trả lời tương đối cũng dễ: Đến vinh quang. Đối với Chúa thì vinh quang đã rõ. Đó là sự phục sinh của Ngài. Còn đối với chúng ta thì xem ra vinh quang còn bị che phủ chưa ló dạng. Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng vinh quang đó sẽ tới.
Xin chứng minh bằng một thí dụ.
Anh chị em biết Mẹ Têrêsa, một con người sống rất gần gũi với chúng ta trong thời gian. Giáo Hội đã phong chân phước cho Mẹ. Tại sao thế? Tại vì mẹ xứng đáng được tôn vinh như thế. Một con người khi còn sống chỉ biết phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, bị bỏ rơi....Vậy mà khi qua đời, không biết bao nhiêu danh hiệu cao quí người ta đã đặt ra để ca tụng mẹ.
Ngay khi vừa được tin Mẹ qua đời các báo đã đưa ngay lên trang nhất những bản tin với những những hàng tít thật lớn: “Mẹ của những người nghèo đói đã ra đi” - “Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa” - “Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn ra đi”
Bên cạnh những lời ca tụng của báo chí, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi đến Calcutta bức điện chia buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và cũng ít ánh sáng hơn trên thế giới”
Tại Mỹ tổng thống Bill Clinton đã nói: “Mẹ là người luôn gây ngạc nhiên, một trong những vĩ nhân của thời đại này”
Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh gửi một bức thư chia buồn với dòng Nữ Tu thừa Sai Bác Ái đã viết: “Mẹ Têrêxa và công Chúa Diana mỗi người một cách đã nói lên tấm gương: Là con người hãy biết đối xử với nhau bằng lòng nhân ái” - Còn thủ tướng Tony Blair đã gửi đến Calcutta lời thương tiếc: “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn vì một trong những người phục vụ nhiều lòng trắc ẩn đã ra đi”
Tại Albani quê hương thứ nhất của mẹ, thủ tướng Fatos Nano đã nói: “Đất nước Albani quê hương thương tiếc mẹ vô vàn và muốn đưa thi hài của mẹ về an táng tại quê hương, nhưng ý nguyện này không thành tựu được. Albani sẽ để tang Mẹ trong ba ngày"
Còn tại Châu Á, chính phủ Indonesia bày tỏ lòng thương tiếc và kính phục. Chính phủ Philippin tổ chức lễ tang Mẹ trọng thể tại một trong những quận nghèo nhất ở thủ đô Manila. Tại Singapore thủ tướng Goh Chok Tony đã nói: “Mẹ Têrêxa là một trong những phụ nữ nổi bật nhất của thế kỷ 20” Tại Hàn quốc tổng thống Kim Yong Sam nói: “Nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cả cuộc đời của Mẹ Têrêxa cho những người bần cùng trên thế giới”
Đó không phải là vinh quang sao kính thưa anh chị em? Là vinh quang chứ! Có rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới này thèm được cái vinh quang đó nhưng nào có ai cho! Có nhiều người giầu có muốn được một chút vinh quang như thế nhưng làm sao mà có được.
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, tôi xin được mượn lời của tờ Báo Lao động để nói lên tâm tư của tôi: “Trong cuộc đời bình thường của mình, Mẹ Têrêsa chỉ sống bên cạnh nhưng người bần hàn cơ cực, sắp chết, lở lói, đói ăn, không nhà, không thân nhân, nhưng ngày thứ bảy vừa qua có đến hai nữ hoàng, bốn vị tổng thống đương nhiệm, ba đệ nhất phu nhân, hai thủ tướng và rất nhiều người cao sang quyền quí đã đến dưới chân bà nghiêng mình tiễn biệt. Kể từ ngày cố thủ tướng Javahartal Nerhu qua đời dến nay, chưa bao giờ người dân Ấn độ chứng kiến được một đám tang vĩ đại như vậy.”
Và lời của Chúa Giêsu: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.”+” Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."(Ga 12,26).
THỨ HAI TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 8,16-18
"Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.
Vì ai đã có, thì được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
(Lc 8,18)
1. Dụ ngôn cái đèn và những lời tiếp theo trong đoạn Tin Mừng hôm nay triển khai thêm chủ đề về việc nghe Lời Chúa.
Người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn. Giàu thì được giàu thêm mãi. Trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất. Nghèo lại phải nghèo thêm.
Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình. Việc làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Đề cập đến cuộc khủng hoảng Đức Tin ngày nay, Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin trước đây và bây giờ là Đức Bênêdictô XVI nói: "Việc chối đạo của những con người hôm nay, chính là việc loại bỏ chứng từ Đức Tin ra khỏi cuộc sống của người Kitô hữu".
Rồi trong một đoạn khác, ngài nói tiếp: "Việc trở lại với Đức Tin của đế quốc Rôma ngày xưa, không phải là kết quả của những hoạt động do Giáo Hội hoạch định, mà chính là do những thành quả của những chứng từ Đức Tin, được thể hiện qua cuộc sống của những người Kitô thời đó".
Như thế, đời sống của những người Kitô hữu phải là những ngọn đèn thắp sáng và được đặt trên giá đèn như ngọn Hải đăng giữa biển khơi, để cho những người đi biển nhìn thấy ánh sáng chỉ đường để biết đường biết lối mà đi.
Trong bài giảng thánh lễ an táng mẹ Têrêsa Ðức Hồng Y Angelo Sodono, quốc vụ khanh toà thánh, đại diện Đức Thánh Cha đã nói với mọi người: "Mẹ Têrêsa đã thắp lên ngọn lửa tình yêu thương, mà những nguời con tinh thần của mẹ, nam cũng như nữ, những nhà truyền giáo của tình bác ái, từ nay cần tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy sáng mãi. Thế giới ngày nay đang hết sức cần ánh sáng và sự nồng ấm của ngọn lửa này. Sự kính phục mà chúng ta dành cho việc tưởng niệm vị nữ tu khiêm tốn, mà tình yêu to lớn đối với Ấn Ðộ và đối với thành Calcutta này không làm giảm tầm mức công dân của thế giới nơi Mẹ Têrêsa. Sự kính phục của chúng ta sẽ trở thành vô ích, nếu chúng ta, những tín hữu và những người thiện chí nam nữ, bất cứ đang sống nơi đâu, nếu chúng ta không tiếp tục từ nơi mà Mẹ Têrêsa đã ngừng lại. Người nghèo còn hiện diện với chúng ta. Và bởi vì họ là phản ánh của Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, họ cần phải hiện diện nơi chính trung tâm của sự quan tâm của chúng ta, nơi trung tâm của hành động chính trị, nơi trung tâm của sự dấn thân tôn giáo của chúng ta."
2. "Vậy, hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."(Lc 8,18)
Một vùng đất nọ thình lình mất ánh sáng. Mặt trời không mọc lên, tối tăm bao phủ cả vùng. Mọi người trong vùng đổ xô đến cửa tiệm ông Réno để mua diêm quẹt và đèn cầy, vì họ biết ông có cả một kho chứa các thứ đó. Nhưng dân chúng càng nài nỉ, ông càng từ chối...
Ngày qua ngày, dân chúng quen dần với bóng tối. Lúc đó ông Réno mới ý thức thái độ ích kỷ của mình. Ông mở cửa kho, mời gọi mọi người đến lấy diêm quẹt và đèn cầy về đốt. Nhưng trớ trêu thay mọi người trả lời:
- Chúng tôi đã quen sống với bóng tối rồi. Chúng tôi không cần ánh sáng nữa!
Thái độ ích kỷ không những đã làm cho ông Réno mất đi lợi nhuận và hơn nữa còn mất đi cả niềm tin đối với những người chung quanh nữa. "Ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị mất đi".(Lc 8,18)
Báo chí trước đây đã nói nhiều đến những vụ khủng bố, giết người, cướp nhà băng xảy ra tại Manila thủ đô nước Philippines. Việc này khiến Đức Hồng Y Jaime Sin ở Manila phải lên tiếng kêu gọi chính quyền lo thiết lập lại trật tự.
Phản ứng lại lời cảnh cáo của Đức Hồng Y, bộ trưởng bộ thông tin trả lời:
- Giáo Hội Công giáo cũng có phần trách nhiệm trong đó, vì đã không chu toàn vai trò của mình trong việc làm cho tín hữu Công giáo sống Tin Mừng.
Còn đâu là danh dự của một quốc gia mà dân số Công giáo lên đến gần 90 phần trăm!
Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu chúng ta, luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin trong cuộc sống và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống và cũng để cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Amen.
THỨ BA TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 8,19-21
Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi,
chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
(Lc 8,21)
1. Bài tường thuật cho thấy rõ có hai nhóm người khác nhau:
a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài. Họ còn được Chúa Giêsu mô tả như là những kẻ "nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
b/ Nhóm kia thì "đứng" ở ngoài và"không thể đến gần Ngài được". Ý muốn của họ chỉ là muốn "thấy" Ngài chứ không phải để "nghe" và "thực hành" những Lời Ngài dạy.
Nhóm A mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.
Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm B thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịukhi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.
Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao mẹ Ngài: Đức Maria tuy có mặt trong nhóm B nhưng không giống những người trong nhóm đó. Mẹ là người luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (Lc 1,38: "Bấy giờ Maria nói "Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói; Lc 1,45: Lời bà Êlisabeth nói với Maria: "Em thật có phúc vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" ; Lc 2,19: Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, "Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng"; Lc, 2,52: Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ "Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng" v.v.): Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì mẹ luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.
Đây là lời của Công Đồng chung Êphêsô năm 43l: Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ: "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói: "Ngôi Lời đã sinh ra làm người " (DS 25l).
2. Chúa Giêsu đã không hề có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và những người thân thuộc, nhưng Chúa muốn mọi người hiểu rằng, mối liên hệ quan trọng nhấtđối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Càng sống Lời Ngài, thì càng kết hợp mật thiết với Ngài nhiều hơn. Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là những hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. ("Mỗi ngày một tin vui").
Có một chị nữ tu nọ đặc trách quán cơm bình dân trong một trường học, vào những giờ đông người đến mua thức ăn cho bữa trưa hoặc bữa chiều, thì chị phải nghe không biết bao nhiêu là những lời than phiền trách móc, đòi hỏi và có khi còn có cả những lời mắng chửi trước mặt mọi người vì chị đã không đáp ứng kịp những nhu cầu bất chợt của những người mua thức ăn. Nhưng dù vậy, lúc nào chị cũng luôn luôn vui tươi phục vụ như không có gì xảy ra.
Một hôm, có người tò mò hỏi chị làm sao mà chị có thể vẫn vui tươi phục vụ như vậy?
Chị trả lời như sau:
- Thường tình thái độ sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, hay đúng hơn bị lèo lái bởi ảnh hưởng của những kẻ khác. Phần tôi, thì tôi đã cố gắng không sống theo tâm thức thường tình này. Họ bất kính vô lễ đối với tôi, nhưng đó không phải là lý do để tôi trở thành bất kính vô lễ đáp lại họ.
Chúng ta dễ dàng theo luật trả thù mắt đền mắt, răng thế răng. Chúng ta không dùng lửa để chống lại lửa, nhưng hãy dùng nước để trị lửa. Thánh Phaolô gọi phương pháp đó là lấy sự lành đáp lại sự dữ. Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã sống yêu thương để nêu gương cho chúng ta.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta canh tân đời sống yêu thương tha thứ theo Tin Mừng. Thánh Augustinô đã nói: "Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta".
Chúng ta hãy nhớ lại lời Kinh Lạy Cha, và nhất là hãy xin Chúa ban cho ta sức mạnh thực hành lời xin tha thứ.
Lạy Cha, xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Chớ để chúng con sa vào những cơn cám dỗ làm buồn lòng Chúa. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 9,1-6
"Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc
loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi."
(Lc 9,6)
1. Chúa Giêsu sai nhóm 12 đi loan Tin Mừng. Nói một cách cụ thể, Chúa sai các môn đệ đi truyền giáo. Và từ đó trở đi, việc truyền giáo đã trở thành sứ mạng của mọi người trong Giáo Hội.
Đây là lời của Công Đồng chung Vaticanô II trong Hiến Chế Truyền Giáo: "Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Đồ như vậy (Ga 20, 21) khi Người phán: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, Chúa Kitô long trọng truyền lại, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: "Khốn thân tôi nếu tôi không giao giảng Tin Mừng" (1Cor 9, 16), và vì thế, Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Tin Mừng cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho tất cả thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Rửa, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân.
2. Lý do của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: "Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5,l4). Quả thế, "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội Thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải truyền giáo.
3. Những con đường truyền giáo. "Chúa Thánh Thần là người chủ xướng mọi công cuộc truyền giáo của Hội Thánh" (RM.2l), chính Người dìu dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. "Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ mạng của chính Chúa Kitô, Đấng được cử đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, Hội Thánh cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người" (AG 5). Chính như thế mà "máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu" (Hộ Giáo 50).
Vào năm 1965, dư luận tại Italia ngỡ ngàng trước tin dược sư Marcello Candia, 59 tuổi, là giám đốc và là chủ nhân hai viện bào chế có tiếng ở Bắc Italia đã bán hết hai viện, nhà cửa, đất đai và tất cả sản nghiệp của mình rồi sau đó mang tiền sang miền Amazone Brazil, với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Aristide Pirovano, giáo phận Maccapa thuộc Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Milano. Ông Candia đã xây cất một nhà thương gồm 120 giường để tiếp đón và chữa trị cho các người nghèo trong vùng. Nhiều người cho rằng ý định của vị mục sư là một việc làm điên rồ. Nhưng ông đã nói:
"Ngay từ thời gian còn ở trung học, tôi vẫn thường tiếp xúc với dân nghèo ở khu vực ngoại ô Milano dưới sự hướng dẫn của một vị linh mục dòng thánh Phanxicô Capuciano. Lòng yêu mến công tác truyền giáo đã nảy sinh trong tôi từ dạo đó. Một lần kia, thày Kecillio, người giữ cửa tu viện đã nhờ tôi giúp phân phát cháo cho người nghèo, tôi đã vui lòng nhận lời. Tại phòng khách nơi nhiều người đang chờ tới phiên mình, tôi nhìn thấy tấm hình của cha Damiane de Samarate, người đã chết vì bệnh cùi năm 1924 tại thành phố Belem bên Brazil, sau khi đã tận tụy chăm sóc các người bệnh tại đây và chính người cuối cùng đã lây bệnh, rồi chết. Mỗi lần nhìn lên tấm hình vị linh mục, tôi lại cảm thấy một lời mời gọi văng vẳng bên tai: "Tại sao mình lại không bán hết tài sản để phục vụ người nghèo?
Sau khi đã đến thăm miền Amazone, tôi đã quyết định bán tất cả sản nghiệp và đến làm việc tại đây để phục vụ và giúp đỡ những người nghèo."
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
thật nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của một người tìm được viên ngọc quý.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm chặt lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường. Amen (Rabboni)
THỨ NĂM TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 9,7-9
"Vậy thì ông này là ai
mà ta nghe đồn những chuyện như thế?"
Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu."
(Lc 9,9)
Thắc mắc về Chúa trong cuộc sống
1. Trước những dấu lạ Chúa Giêsu làm, Tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Ngài: Ông ấy là ai? Ít ra Hêrôđê cũng đang biết thắc mắc về Chúa.
Nhìn vào cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới hôm nay kể cả những người có đạo, chúng ta nhận thấy có nhiều người tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề có liên hệ đến vận mạng cuối cùng của cuộc đời. Đối với họ thì cái cần thiết bây giờ là những gì đang có ở trước mắt như cơm áo gạo tiền. Ngoài ra không có gì đáng kể.
Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh, trong đó có trưng bày một bức họa tựa đề: "Người bị khinh chê chối bỏ". Bức hoạ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tóa Thánh Phaolô, trong một khu phố ở trung tâm thành phố Luân đôn. Đây là khu đông đúc dân cư nhưng không một ai để ý tới Ngài. Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa. Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa. Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Chúa. Một nhà thần học đang hăng say thuyết giảng về Đức Kitô mà không nhìn thấy Ngài. Duy nhất chỉ có một nữ tu nhìn thấy Chúa, nhưng vẫn dửng dưng bước đi trên con đường của mình.
Ông William Barclay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng trong thành phố Luôn Đôn đã bình luận về bức họa như sau: "Hoàn cảnh này cũng thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Giêsu tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới Ngài. Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện thực tế hơn là việc lưu tâm tới Chúa, chẳng ai thắc mắc "Đức Giêsu là ai?"
2. Khi người ta không còn lưu tâm, không còn thắc mắc về Thiên Chúa nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn vào phần lớn cuộc sống hôm nay, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Đó là một cuộc sống không có, không cần Thiên Chúa. Con người tự cho mình quyền làm chủ cuộc đời mình và một khi con người tự cho mình có quyền như thế thì mọi sự kể cả những gì là ghê tởm nhất, độc ác nhất đều có thể xảy ra.
Một hôm,thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.
Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?
Các sứ giả đồng thanh đáp:
- Thưa Ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết rồi. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại chẳng khác gì Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy, chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa.
3. Thế giới hôm nay đang cần những chứng nhân. Chúng ta hãy là những chứng nhân cho một Thiên Chúa đang sống cho thế giới hôm nay:
Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần :
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.
- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khóa giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.
- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi ?
- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
- Tôi không nhớ hết được.
- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.
- Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.
THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 9,18-22
Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa."
(Lc 9,20)
1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai? Hêrôđê thắc mắc như thế. Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
Tại tu viện nổi tiếng nhất vùng Galaria, người ta chỉ mở cửa thu nhận một thỉnh sinh duy nhất và một lần trong năm mà thôi. Mỗi lần mở cửa thu nhận một thỉnh sinh, cha bề trên thường đích thân phỏng vấn ứng sinh. Năm nào ngài cũng chỉ hỏi một câu duy nhất, nhưng không ai biết đó là câu gì, bởi vì tất cả các ứng sinh rớt cuộc thi đều phải uống một viên thuốc có công dụng làm cho họ quên mất câu hỏi đã được đặt ra. Chính vì thế, thói quen chiêu sinh của tu viện đã trải qua nhiều năm mà chưa có ai có thể biết câu hỏi đó là gì.
Trong số những thanh niên chuẩn bị cuộc thi của tu viện, có anh Ramin tỏ ra quyết chí hơn cả. Để chuẩn bị bước vào cuộc thi sắp tới, anh đã dành ra một thời gian dài 5 năm để tôi luyện với nhiều bộ môn khác nhau, như lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học… Đến ngày thi, Ramin nhận được câu hỏi duy nhất từ cha Bề Trên: "Con hãy tự hỏi: tôi là ai?". Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, liền rút lui không bao giờ trở lại tu viện nữa.
Khi đứng trước câu hỏi Chúa Giêsu là ai, thì dân chúng đã có một câu trả lời. Tuy câu trả lời không đúng nhưng ít nhất nó cũng đã nói lên một vài hình ảnh về Chúa: Có người bảo
a/ Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại.
b/ Ngài là Êlia xuất hiện
c/ Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại.
Cách chung, dân chúng đánh giá Chúa khá cao: Ngài không còn là một người thường như mọi người nữa, nhưng đã là ngườiđặc biệt thuộc hàng tiên tri ngôn sứ, giảng hay và có khả năng làm phép lạ. Nhưng như thế đã đủ chưa? Chắc là Chúa còn muốn hơn thế cho nên Ngài mới hỏi các môn đệ thân tín của Ngài: " Phần anh em. Anh em bảo Thầy là ai?". Câu trả lời của Phêrô tạm làm Chúa an tâm nhưng chưa phải là đã hoàn hảo.
2. Ngày xưa thì như thế. Còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu là ai? Đây cũng vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Vâng, con người luôn ý thức Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Chẳng có gì, có ai qua mặt được Ngài.
Vậy thì chúng ta có thực sự hiểu được Chúa Giêsu là ai không? Câu trả lời không dễ.
Một tu sĩ nọ muốn hoạ lại chân dung của Đức Giêsu. Được phép của bề trên, ông đi rảo khắp nơi để tìm cho người mẫu thích hợp. Thế nhưng, càng tìm kiếm, ông càng khám phá ra rằng: không thể có một người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Đức Giêsu. Từ đó, ông đi đến kết luận: Gương mặt của Đức Giêsu phải là tổng hợp của tất cả mọi nét đẹp của con người trên trần gian này! Do đó, thay vì chỉ chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt tất cả nét đẹp trên mọi gương mặt mà ông bắt gặp.
Gặp các bạn trẻ đang nô đùa chạy nhảy, ông cố gắng rút ra được nét đơn sơ. Từ một em bé gái đang hát ca múa nhảy, ông tìm thấy nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh nặng, ông nhận ra được sức mạnh của con người. Nhưng chân dung của Đức Giêsu không chỉ có những nét hùng nét đẹp, mà còn phải có cả những nét đau buồn nữa. Nghĩ như thế nên nhà họa sỹ mới đi gặp một cô gái điếm. Ông nhìn thấy nét u buồn trong đôi mắt của cô ta. Gặp một người hành khất, ông khám phá ra nét thành khẩn van xin trên gương mặt. Lắng nghe một tu sỹ đang rao giảng sự sám hối, ông nhận ra được sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đang đi chôn cất đứa con thân yêu, ông hiểu được thế nào là khổ đau.
Mỗi người một vẻ! Nhà họa sỹ cố gắng đưa chúng ta vào chân dung của Đức Giêsu, nhưng ông vẫn chưa hài lòng, vì dường như trên mặt Người vẫn còn thiếu một nét nào đó mà ông chưa thể thực hiện được. Ngày kia, đi vào khu rừng, ông bỗng gặp thấy một người che mặt bỏ chạy. Đuổi kịp theo con người che mặt ấy, ông khám phá ra đó là người mắc bệnh phong. Ánh sáng bỗng lóe lên trong đầu ông: Thì ra điều còn thiếu sót trên gương mặt của Đức Giêsu chính là "mầu nhiệm". Với ý nghĩ ấy, ông cầm lấy cọ vẽ một tấm vải trắng che phủ gương mặt Đức Giêsu.
Khi tác phẩm đã được hoàn thành, tất cả những ai đã một lần cung cấp cho họa sỹ một nét riêng của mình đều hớn hở đến nhận diện chính mình trên gương mặt Đức Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ thấy một tấm vải trắng che kín gương mặt.
Họa sĩ giải thích: "Mãi mãi Đức Giêsu vẫn là một mầu nhiệm!"
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa,
Xin cho con biết con.
Biết Chúa là ai và biết con là gì để con luôn gắn bó với Chúa. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Lc 9,43b-45
"Phần anh em,
hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây:
Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."
(Lc 9,44)
Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai về cái chết của Ngài.
Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Phải chăng, Chúa làm thế là muốn làm các ông mất hứng? Không, Chúa không muốn làm cho các ông mất hứng mà chỉ muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường mà Ngài đang đi, đồng thời Ngài cũng muốn cho cả các ông cùng đi trên con đường đó với Ngài.
Trong vườn Giêthsêmani, có lúc Chúa cũng cảm thấy choáng váng khi thấy đau khổ gần kề, nhưng ngay sau khi biết được đó là thánh ý của Chúa Cha thì Ngài đã can đảm chấp nhận.
Chúa đón nhận khổ đau không phải vì khổ đau tự nó là điều đáng ước mong, nhưng Ngài đón nhận khổ đau vì lòng yêu mến Thiên Chúa Cha và Ngài đã biến khổ đau thành phương tiện cứu rỗi.
Người ta kể rằng, Indira đến gặp vị đạo sĩ Makia và thưa:
- Xin ngài hãy chỉ cho tôi một vị Thần để tôi tôn thờ và một tôn giáo để tôi sống theo.
Đạo sĩ liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một căn phòng rộng. Vị đầu tiên là thần Bada được đạo sĩ Makia giới thiệu như sau:
- Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới con người.
Nhưng Indira lắc đầu xin được sang căn phòng khác.
Đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu:
- Đây là vị thần có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.
Nhưng Indira khẽ ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.
Cuối cùng, hai người đến trước một người đang bị treo trên Thập Giá, Indira tò mò hỏi?
- Vị thần này là ai mà bị treo trên Thập Tự như thế này?
Đạo sĩ chậm rãi trả lời:
- Đây là Chúa Giêsu Kitô của những người Công Giáo.
Với một chút xúc động lộ ra trên nét mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để được trở thành đồ đệ của vị bị treo trên Thập Giá. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi lại:
- Này anh, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần đã gặp lúc đầu, một đề nghị cất bớt sự đau khổ, một đề nghị tránh khỏi đau khổ, anh không thích người nào cả, thế nhưng tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chịu treo nhục nhã trên Thập Giá này?
Đến phiên Indira giải thích cho vị đạo sĩ Makia:
- Hứa làm bớt sự đau khổ trên trần gian này là lời nói suông. Người ta không thể nào cất đi mọi đau khổ trên trần gian này. Dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống khiếp nhược. Tránh né được đau khổ này thì đau khổ khác sẽ đến. Nhìn vào vị Chúa của người Kitô, dám chấp nhận sự đau khổ như vậy, con người sẽ được mời gọi để hiểu ý nghĩa của sự đau khổ và chấp nhận nó, và một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ thì niềm vui và an bình có thể trổ sinh cả trên thế giới không mấy tốt đẹp này. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy bị thu hút bởi Đấng bị treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài."
Linh mục Bauer có kể lại chứng từ sau đây: Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy như có một ngọn lửa bùng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng: chị muốn bỏ Ngài. Thế là, giữa đêm khuya, chị bỏ nhà thương, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa. Trước cung thánh chị thốt lên:
- Ôi, ông Chúa, ông đã phĩnh phờ lừa dối tôi. Đã hai ngàn năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông rồi, giữa tôi và ông không còn gì nữa.
Người phụ nữ chỉ nói được có thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội".
Vừa nhìn thấy thế, cơn giận trong chị bỗng tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, cũng như trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ ấy như nghe thấy có tiếng nói với chị như sau:
- Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.
Giữa bóng tối, một tia sáng tin yêu đã lóe lên trong lòng người phụ nữ. Chị chấp nhận tất cả. Chị đã đầu hàng Chúa vô điều kiện và chị đã dâng cuộc sống còn lại cho Ngài. Chị gắng gượng trở về phòng và chưa bao giờ chị tìm được sự thanh thản trong tâm hồn như thế.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam
-
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi