Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXIII Mùa Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXIII Mùa Thường Niên

TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Mc
7, 31-37

"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
ông làm cho kẻ điếc nghe được,
và kẻ câm nói được."

(Mc 7,38)

Tin Mừng thánh Marcô hôm nay vừa tường thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa một người vừa câm vừa điếc.

I. Như chúng ta thấy: người câm là người không nói được còn người  điếc là người  không nghe được. 

Nghe và nói là hai cánh cửa.

Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra để thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng muốn người khác hiểu thì phải nói ra.

Nghe là cánh cửa mở ra để đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài vào. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói thì chẳng khác gì đóng kín cánh cửa cảm thông, mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.

Nếu câm và điếc thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì câm và điếc tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.

Có nhiều thứ câm.

Có thứ câm do khác biệt ngôn ngiữ và văn hoá. Ta thông hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.

Có thứ câm do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngượng nhịu, anh em nghe mà không hiểu.

Có thứ câm do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, câm nhịu.

Có thứ câm do lười biếng. Vì lười biếng ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng mà ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.

Những đam mê, những dục vọng những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, câm chịu.

Tương tự như thế

Có nhiều bức tường ngăn chặn ta làm tai ta bị điếc.

Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngiữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.

Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chi vào những phần xấu.

Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.

Sau cùng có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn còn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những  Lời của Thiên Chúa.

II. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đến nói với ta: "Ephata".

Hãy mở ra miệng lưõi để nói.

Hãy mở tai ra để nghe.

Trước hết hãy mở ra miệng lưỡi để nói.

Dale Camégie thuật lại rằng: Một bà kia đã dọn cho nam giới trong gia đình bà: chồng và các con trai của bà, một bàn ăn rất lịch sự, đầy hoa, nhưng có một nắm cỏ khô trong mỗi dĩa.

- Sao thế, hôm nay dùng cỏ khô à?

- Ồ, không đâu! Tôi sẽ đưa thức ăn lên ngay lập tức. Nhưng hãy nghe tôi nói một điều: Từ bao nhiêu năm trời, tôi đã nấu nướng cho các "người ", tôi đã cố gắng thay đổi món ăn, bữa thì món cơm, bữa thì món hầm, bữa khác thì món quay hoặc món"ragu". Không bao giờ các "người" nói: "Ngon quá! Bà chiều chúng tôi quá". Hãy nói lên một tiếng chứ, tôi đâu phải là đá! Người ta không thể làm việc khi không thấy một dấu cám ơn, một lời khuyên khích hay khen thưởng. 

Hãy biết mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta biết quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta biết mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta biết nói lên những lời tốt đẹp những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Thứ đến hãy mở tai ra để biết lắng nghe.

Một nhóm sinh viên được yêu cầu lập danh sách bảy kỳ quan của thế giới hiện nay. Mặc dù có một số bất đồng, nhưng đa số đều bình chọn theo danh sách sau:

1. Kim tự tháp Ai cập

2. Đền Taj Mahal.

3. Đại vực Grand Canyon.

4. Kênh đào Panama.

5. Tòa cao ốc Empire State.

6. Đền thờ thánh Phêrô ở Roma.

7. Vạn Lý Trường Thành.

Khi tập trung phiếu bình chọn, bà giáo sư để ý thấy có một sinh viên chỉ ngồi im lặng, không nộp lại phiếu của mình. Thấy thế, bà liền đến hỏi xem phiếu của cô có vấn đề gì không. Cô gái trả lời:   

- Vâng, thưa giáo sư. Có chút ít ạ ! Có lẽ em không cần nộp vì phiếu của em quá khác so với các bạn.

Vị giáo sư nói:

- Vậy thì em hãy cho cô biết sự lựa chọn của em để tôi và các bạn xem có thể giúp gì không?

Cô sinh viên phân vân giây lát, rồi bắt đầu nói đến bảy kỳ quan thế giới theo nhận định riêng của cô là :

1. Vuốt ve

2. Nếm mùi vị

3. Ngắm nhìn.

4. Lắng nghe

5. Cảm nhận.

6. Cười vui

7. Tình yêu

Cả lớp học hoàn toàn im lặng. Bởi đó là những điều ta thường quên lãng vì chúng quá đơn giản và quá đỗi bình thường, nhưng thật sự ra đó mới là những kỳ quan tuyệt vời. Chính chúng mới làm nên hạnh phúc cho cuộc đời của ta chứ không phải là những kỳ quan vĩ đại trên cõi đời này. (Mao Trí Hùng sưu tập)

Vâng! Hãy mở ra. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa cho con bệnh câm và bệnh điếc trong tâm hồn con để con được sống phong phú và dồi dào hơn như lòng Chúa ước mong. Amen.


THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc  6,6-11

"Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabat,
được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt?"

(Lc 6,9)

1. Chúa Giêsu, các luật sĩ và Pharisêu lại tranh luận với nhau về luật nghỉ không làm việc trong ngày Sabat.

Theo những người luật sĩ và Pharisêu thì nghỉ là nghỉ, "không làm gì cả". Ngày Sabat là ngày nghỉ. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tuỳ từng trường hợp rất cụ thể mới được làm. Thí dụ như cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). 

Theo Chúa Giêsu, nếu cứ giữ như thế thì luật sẽ trở thành một gánh quá nặng cho con người và nhiều khi còn tàn nhẫn nữa.

Một người Do Thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.

Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên thì thấy kẻ chết đã sống lại.

Thế nhưng, vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:

- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.

Nói xong ông truyền cho đô tùy đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.

Những người sống luật vì luật cũng tương tự như thế.

2. Còn Chúa Giêsu, thì thái độ của Ngài có khác. Luật nào cũng vậy, trong mọi trường hợp phải lệ thuộc vào tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì lề luật chỉ còn là cái xác không hồn. Không vì yêu thương thì luật trở thành vô đạo đức. Luật ngày Sabat cũng thế…. vì ngày Sabat theo ý nghĩa từ ban đầu là ngày giải phóng con người.

Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người có một cánh tay bị khô bại. Cánh tay đó lại là cánh tay bên phải nên khả năng làm việc của anh dường như không còn. Không còn khả năng làm việc cũng có nghĩa là mất luôn phương tiện để sinh sống. Đứng trước hoàn cảnh đó, tuy anh ta không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.

Các luật sĩ và những người Pharisêu đã rình xem Chúa ngay từ khi Chúa bước vào hội đường, cho nên khi thấy Chúa Giêsu làm như vậy thì họ chộp ngay lấy cơ hội tố cáo Người.

Chúng ta thừa biết lòng của các luật sĩ và những người Pharisêu đã trở nên chai cứng như thế nào. Họ chẳng màng gì đến những chuyện sống sao cho đẹp lòng Chúa mà chỉ nghĩ đến việc giữ một số những quy định, rồi tưởng rằng, làm như thế là đã sống đạo rồi.

Người ta kể rằng: Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay, đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu, người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra với mình, hay phải đến phòng khách làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại thì thấy Chúa Giêsu vẫn còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ:

- Nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con.

Qua việc chữa bệnh cho người bị bại tay trong ngày Sabat hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tâm hồn Chúa tràn đầy yêu thương đối với con người. Kể từ giây phút Chúa long trọng công bố rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do, tại hội đường Nagiareth, Chúa đã luôn luôn trung thành với sứ mạng này để phục vụ và nâng cao con người lên.

Mẹ Têrêsa đã từng nói: "Theo tôi biết, chẳng có khổ đau nào thấm thía hơn nỗi khổ đau của người thấy mình cô đơn, thừa thãi, không được ai yêu thương. Nỗi khổ đau cùng cực là nỗi cô độc, không biết tới cả mối tương quan thân tình đích thực giữa người với người, không biết thế nào là được yêu, không người thân, không bạn hữu".

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

"Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta". (Mt 25,40)


THỨ BA TUẦN  23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,12-19

"Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại,
chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ."

(Lc 6,13)

1. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn.

Ở khởi đầu, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà, Thiên Chúa đã chọn Ap-bram; và trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Giacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel.

Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môisen làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục đường hướng đó: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavid làm vua, thay thế cho Saulô; Ngài cũng đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.

Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người.

Chúa gọi Abraham lúc ông và vợ ông đang sống trong cảnh vui hưởng tuổi già

Chúa chọn Môisen từ một bụi cây đang bốc cháy.

Chúa chọn Đavid đang lúc ông chăn cừu ngoài đồng.

Chúa chọn những môn đệ đầu tiên lúc họ đang làm việc chài lưới.

Lạ lùng hơn là Chúa chọn một kẻ đang đi lùng bắt những người theo Ngài trên con đường Đamas. Người đó chính là Phaolô sau này.

Tóm lại là họ được chọn hết sức bất ngờ. Và họ được chọn không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Abraham là một người bình thường. Môisen chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavid là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Giêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.

Khi suy nghĩ về ơn gọi của mình, mẹ Têrêsa  đã viết: "Tại sao Chúa chọn chúng ta? Tại sao Chúa chọn tôi? Đó là một mầu nhiệm. Để làm được một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa chúng ta cần có Đức Giêsu. Đức Giêsu đã trở thành Bánh để các bạn và tôi, cũng như một đứa trẻ cũng có thể nhận lãnh Ngài để được sống. Mỗi người chúng ta cần phải gặp gỡ Đức Giêsu. Không có Ngài chúng ta không thể làm gì được."

2. Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài. Ngài chọn theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất.

Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu rất độc đáo.

Ngài không chọn những môn đệ đang phục vụ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời.

Ngài không chọn những người nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang vất vả tất bật bận rộn làm việc.

Ngài không chọn những bậc trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài đơn sơ cục mịch.

Khi chọn họ Ngài đã thổi vào trong tâm hồn họ ý định truyền giáo của Ngài.

Ngài chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự.

Ngài chọn những người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ được đi theo Chúa.

Chúa hoàn toàn tự do chọn những ai Ngài muốn.

Đang cần một thư ký mới, giám đốc công ty doanh nghiệp quyết định thẩm vấn những người xin việc qua một nhà tâm lý. Ba cô gái được phỏng vấn.

Nhà tâm lý hỏi:

- 2 với 2 là mấy?

Cô thứ nhất trả lời cách chắc chắn: 4

Cô thứ hai: Có thể là 22.

Cô thứ ba: Có thể là 22 và có thể là 4.

Khi các cô ra về, nhà tâm lý quay sang giám đốc và nói:

- Đó là những biểu hiện tâm lý. Cô thứ nhất nói điều hiển nhiên. Cô thứ hai nghi ngờ. Cô thứ ba có cả hai: ông sẽ chọn cô nào?

Giám đốc không ngập ngừng:

- Tôi sẽ chọn cô có mái tóc vàng với cặp mắt xanh.

Vâng! Việc Chúa tuyển chọn chẳng giống một kiểu nào ở trần gian. Tuy nhiên Chúa cũng thấy được những người Chúa muốn tuyển chọn là những người như thế nào.

Đọc trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa yêu thích những tâm hồn rộng mở, biết sống hài hoà, biết đón nhận anh em.

Ngài yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, thích sống cuộc đời khiêm nhường bình dị.

Ngài yêu thích những trái tim nồng nàn yêu thương luôn biết đón nhận Thánh ý Chúa.

Ơn Chúa gọi là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu.

Chính vì thế mà chúng ta thường nghe người ta diễn tả về ơn của Chúa bằng một cụm từ thật vắn gọn: "Tất cả là một hồng ân".

Lạy Chúa, xin cho con biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng các đóng góp nhỏ bé trong đời sống hàng ngày của con. Con yếu kém tài năng và nhân đức, con chẳng làm được những điều vĩ đại để rao giảng về Chúa cho kẻ khác, con chỉ xin góp phần bằng việc âm thầm khiêm tốn, dù người đời không ai biết, nhưng con tin rằng: Chúa biết và chúng có giá trị trước mặt Chúa. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,20-26

"Phúc cho anh em
là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
   vì anh em sẽ được vui cười."

(Lc 6,21)

1. Tin Mừng hôm nay nói về hạnh phúc. Trong khi Thánh Mátthêô ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi lại có 4 lời và điều đáng chúng ta lưu ý là ngài còn kèm theo 4 lời quở trách.

Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.

Những người bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.

Điều nên chú ý là: không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.

Vâng, hạnh phúc là mối bận tâm sâu thẳm nhất của con người. Nhưng làm sao để có hạnh phúc thì điều đó không phải dễ trả lời.

VuaAbder Rahman đệ tam của nước Tây Ban Nha thuở xưa là một người nổi tiếng thông thái, đã thâu tóm được rất nhiều quyền lực trong tay của mình, đã biến đất nước Tây Ban Nha thành một trung tâm khoa học của Âu châu vào thế kỷ thứ 10. Giỏi như thế, tài như vậy, mà vào những ngày cuối đời đã phải thốt lên rằng:

- Ta đã ngồi trên ngai vàng 50 năm, đã trải qua nhiều kinh nghiệm chiến thắng và hòa bình, được thần dân mến phục, kẻ thù sợ hãi, và đồng minh kính nể. Danh lợi, quyền quí và tất cả các thú vui trên trần gian ta đều có cả. Nhưng khi ngồi tính thật kỹ số ngày ta được hoàn toàn hạnh phúc, thì con số đó quá ít ỏi, chỉ vỏn vẹn có 14 ngày.  

Làm vua một nước lớn, có quyền thế, danh vọng, giàu sang trong tay suốt 50 năm, tức là 18.250 ngày, vậy mà chỉ hưởng được có 14 ngày hạnh phúc! Sao mà xót xa quá!

2. Vậy thì hạnh phúc ở đâu?

Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do Thái rất giàu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong buổi giảng mùa vọng tại Đền thờ đức bà ở Paris, ngài nói:

- Tôi đã đi khắp cả mặt đất. Tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở  vàng bạc, ở sắc đẹp... Ôi lạy Chúa, những điều con mơ ước ấy bây giờ ở đâu.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không cho chúng ta biết địa chỉ của hạnh phúc,  nhưng Chúa chỉ cho con người con đường để có thể có hạnh phúc.

Đây là lời của mẹ Têrêsa: "Chúng ta có quyền được hạnh phúc và bình an. Chúng ta được dựng nên vì điều này, được sinh ra để hạnh phúc và chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc thật và bình an thật trong cuộc tình với Thiên Chúa: có niềm vui khi yêu thương Thiên Chúa, có hạnh phúc lớn lao khi yêu thương Ngài. Nhiều người nghĩ, nhất là ở Tây Phương, là tiền của sẽ mang lại hạnh phúc. Tôi nghĩ khi giàu sang bạn khó có hạnh phúc hơn vì bạn khó có thể tìm thấy Thiên Chúa: bạn có quá nhiều điều để lo lắng".

Mẹ nói tiếp: "Chúng ta không cần tìm kiếm hạnh phúc: nếu chúng ta yêu thương người khác chúng ta sẽ được hạnh phúc. Ðó là quà tặng của Thiên Chúa".

Đây là tâm sự của một người đã cố gắng sống như Chúa: "Chúa ơi, sao Chúa lại sinh ra trong thân phận người nghèo? Đói nghèo cực khổ lắm, Chúa không biết sao? Vừa túng thiếu vừa vất vả nhọc nhằn, vừa bị người ta khinh bỉ, thiệt thòi đủ thứ. Chúa chọn cảnh nghèo làm chi vậy? Nếu Chúa không phải là Chúa, thế nào người ta cũng chê là dại. Nhưng dần dần con đã hiểu: chỉ có Chúa thánh thiện, khôn ngoan và yêu thương vô cùng mới dám dại như thế. Thật vậy, việc Chúa chọn thân phận nghèo chính là một nguồn an ủi lớn lao cho con.

Lạy Chúa Giêsu,
Đọc trong Tin Mừng, chúng con chẳng thấy khi nào Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa luôn hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu, chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy.
Amen. (Rabboni)


THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,27-38

"Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em".

(Lc 6,27-28)

1. Lời Chúa hôm nay dễ hiểu nhưng khó thực hành.

Luật yêu thương không phải thời Chúa Giêsu mới có. Luật này đã được nói tới từ lâu nhưng nó mới chỉ có tính cách tiêu cực.

Hillel một trong những Rabbit nổi tiếng của Do Thái, đã trả lời cho người đến xin ông ta dạy cho mình biết tất cả luật pháp chỉ trong thời gian anh ta có thể đứng cò cò trên một chân, ông bảo:

"Điều gì đáng ghét cho ngươi thì ngươi đừng làm cho kẻ khác, đó là tất cả luật pháp, các sự khác chỉ là giải thích".

Philô, một vĩ nhân Do Thái sống tại Alexandria đã nói: "Điều gì anh ghét thì đừng làm cho bất cứ ai".

Socrates, một nhà hùng biện Hi lạp nói: "Những gì khiến anh bực bội do kẻ khác gây ra cho mình, thì anh cũng đừng làm những sự ấy cho kẻ khác".

Các triết gia của phái khắc kỷ có một nguyên tắc căn bản hơn: "Điều gì anh không muốn kẻ khác làm cho anh thì anh đừng làm cho ai khác".

Khi người ta hỏi đức Khổng Tử rằng: "Có lời nào có thể làm luật thực tiễn cho cả đời sống con người không?". Cụ trả lời: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân".

Tóm lại, tất cả các hình thức trên đều là tiêu cực. Dù không phải dễ để giữ mình đừng làm các điều đó, và cũng vô cùng khó khi chúng ta phải ép mình làm cho kẻ khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình.

Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật yêu thương đã có một khuôn mặt mới. Nó có tính cách tích cực hơn: "Hãy làm cho kẻ khác những điều như chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta." (Lc 6,31)

Tại Newban (Châu Úc), mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập tàn nhẫn, toàn thể mình mẩy anh ta bầm tím. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến để điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh: "Ai đã đánh anh?" thì người thanh niên này nhất định không chịu trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh và bỏ ra về. Lúc đó, mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:

- Sao con không khai người đánh đập con với cảnh sát?

- Thưa mẹ, - cậu ta trả lời - nếu con khai ra thì người đó sẽ bị trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng sẽ không thể làm giảm đi nỗi đau khổ của chính con!

Có lẽ phải can đảm lắm mới có được cách ứng xử như vậy. Nào có ai muốn khổ cho mình đâu….Vậy thì đừng làm cho người khác. Ai mà lại không muốn cho mình được yên hàn bình an, hãy cố mà làm cho người khác như vậy. Đó là điều Chúa muốn.

2. "Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy". (Lc 6,31)

Lời Chúa chẳng có gì khó hiểu.

Ông chủ cửa hàng bán thú nuôi mang tấm biển "Tại đây bán chó con" đóng lên cửa ra vào.

Một cậu bé xuất hiện bên dưới tấm biển hỏi:

- Ông định bán những chú chó con này bao nhiêu ạ?

- Cũng tùy, từ 30 - 50 đô-la, cháu ạ.

Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ:

- Cháu chỉ có 2 đô-la và 37 xu. Ông cho phép cháu ngắm chúng nhé.

Người chủ mỉm cười , huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó lơn tơn chạy ra, có một con chậm chạp theo sau. Ngay lập tức cậu bé chỉ vào chú chó khập khiễng:

- Con chó nhỏ ấy làm sao thế ạ?

- Bác sĩ bảo rằng xương chậu nó bị khiếm khuyết nên phải khập khiễng, què quặt suốt đời.

- Đây chính là con chó cháu muốn mua – cậu bé tỏ vẻ rất thích thú.

- Không, ta nghĩ cháu không nên mua nó. Còn nếu cháu thật sự thích nó thì ta tặng cho cháu đó.

Cậu bé hơi bối rối, nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng, rồi chìa tay đáp:

- Cháu không muốn được ông tặng. Nó cũng đáng giá như những con chó khác và cháu sẽ trả đủ tiền cho ông. Đây là 2 đô-la 37 xu và cháu sẽ đưa ông thêm 50 xu mỗi tháng đến khi nào đủ tiền.

 - Cháu không nên mua con chó này. Nó không thể chạy nhảy vui đùa với cháu như những con chó khác – người chủ tỏ vẻ phản đối.

Cậu bé lặng lẽ đưa tay kéo ống quần lên, để lộ chiếc chân trái bị teo cơ đang được nâng giữ bằng một khung kim loại. Nhìn lên người chủ, nó dịu dàng nói:

- Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con chó này cần một ai đó thông cảm với nó ông ạ!

Nhìn lại cuộc đời của Chúa ta thấy Chúa đã không chỉ nói suông nhưng những điều Ngài dạy thì Ngài đã làm trước.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
là Lời Chúa, Lời linh thiêng, Lời uy quyền, Lời hằng sống,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.


THỨ SÁU TUẦN  23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,39-42

"Anh em đừng xét đoán,
thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha."

(Lc 6,32)

Những lời trong Bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các  thầy dạy trong đạo DoThái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.

1. Chúa muốn nói rằng muốn hướng đẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải "biết" điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì "mù dắt mù, thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố"(Lc 6,39).  Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. 

Bởi thế, điều kiện để được trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.

Một ông vua kia được viên quan cận thần báo cho một tin khẩn như sau:

- Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bịnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.

Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:

- Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống kẻ đó.

Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:

- Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó sống.

Nhà vua trả lời:

- Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải lo cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.

Chúng ta thường có khuynh hướng thích được khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời thành thật giúp chúng ta thanh luyện khỏi những điều tiêu cực, nhất là khi chúng ta có chút ít quyền hành. Bởi thế, muốn biết rõ về mình nhiều hơn, chúng ta lại càng cần phải có những kẻ can đảm, dám nói cho chúng ta biết những sự thật, điều lầm lỗi của chúng ta, để biết sửa chữa và giúp mình vươn lên.

2. Tiếp đến, Chúa bảo muốn cho lời dạy của mình có sức quyến rũ và thuyết phục được người khác thì phải sống những điều mình dạy trước đã. "Sao anh lại có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?-  Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!"(Lc 6,42)

Trong Tin Mừng chúng ta thấy, khi Chúa muốn dạy điều gì, thì Chúa đã làm trước.

Các việc ở đời cũng vậy.

Cha mẹ muốn con cái siêng năng đạo đức, thì chính cha mẹ hãy siêng năng đạo đức trước. "Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người" thì không được. 

Nói tới đây tôi nhớ tới một câu truyện có thật. Truyện thế này:

Năm 16 tuổi, Albert Einstein thường thích làm bạn với những đứa trẻ chỉ thích ham chơi chứ không thích học hành. Vì thế mà việc học hành của cậu ngày càng kém, thậm chí nhiều lần còn phải thi lại.

Một buổi sáng chủ nhật nọ, Einstein chuẩn bị cần câu để đi câu với bọn trẻ đó thì bị bố ngăn lại và nói:

- Con trai, suốt ngày bố thấy con chỉ biết ham chơi, lại còn vài môn phải thi lại. Bố mẹ rất lo cho tương lai của con.

Einstein thản nhiên đáp lại bố:

- Chẳng có gì đáng lo cả bố ạ. Bố thấy đấy, nhiều đứa cũng phải thi lại, đâu phải vì chúng suốt ngày đi chơi ?

Bố ân cần nói với Einstein:

- Con trai, con không được nghĩ như thế. Bố kể cho con nghe một câu chuyện ngụ ngôn nhé. Có hai chú mèo nhỏ chơi đùa cạnh ống khói. Vì không cẩn thận nên cả hai đều rơi xuống ống khói, khó khăn lắm chúng mới bò ra ngoài được. Hai chú mèo nhìn nhau, một chú mèo mặt nhem nhuốc bụi khói, còn chú mèo kia thì rất sạch sẽ. Chú mèo sạch sẽ nhìn chú mèo mặt dính đầy khói, tưởng rằng mặt mình cũng bẩn nên vội vàng chạy đi rửa mặt. Còn chú mèo mặt dínhđầy bụi kia tưởng mặt mình sạch nên chạy đến chỗ khác chơi. Những con vật khác nhìn thấy nó đều bỏ chạy tán loạn, tưởng rằng nhìn thấy yêu quái. Con trai, chúng ta không nên coi người khác là chiếc gương của mình, chỉ có mình mới là chiếc gương cho chính mình thôi.

Sau khi nghe bố kể câu chuyện, Einstein xấu hổ đặt cần câu xuống, quay về phòng học.

Vâng! Muốn cho lời nói có uy, có nghĩa là có sức thuyết phục thì ta phải sống trước.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp cho mỗi người biết sống những gì Chúa muốn, để chúng ta có thể nên những chứng nhân cho Ngài giữa cuộc sống hôm nay. Amen.


THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,43-49

"Thật vậy, xem quả thì biết cây.
Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả,
trong bụi rậm, làm gì hái được nho!"

(Lc 6,44)

A. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách ứng xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:

1) Qua Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43,44): Chúa muốn nói đến những hành động của ta. Bên ngoài phải phù hợp với bên trong. Đối với những người biệt phái và luật sỹ thì một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với luật.

Còn đối với Chúa Giêsu thì một hành động đuợc coi là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt. Một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu coi cõi lòng con người như một kho tàng, nơi xuất phát ra những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Kho tàng tốt thì sẽ phát sinh ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.

Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu. Hay nói một cách chính xác hơn là chính Chúa Giêsu.

3) Phải thi hành (cc 46-49): Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà được xây trên đá vững chắc.

B. Như vậy, qua dụ ngôn Cây và Trái: Chúa muốn dạy rằng: Muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một quy luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sẽ sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. "Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra." (Lc 6,45)

Đây là câu chuyện có thật ở Nhật Bản. Chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một anh thanh niên đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở nhỏ giữa hai bức tường bằng gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chân chú thằn lằn tội nghiệp bị cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn mười năm, điều đó đồng nghĩa với việc chú đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.

Quá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc, tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị "cầm tù" như vậy. Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.

Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt 10 năm qua. Không ngờ loài vật tưởng chừng không suy nghĩ, không cảm xúc lại có thể có những việc làm như vậy. Có lẽ, chỉ có tình yêu mới tạo nên nghị lực sống và tinh thần phục vụ kỳ diệu đến thế. Lev Tolstoy nói: "Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống."

Phải thi hành: Lý thuyết có hay cách mấy đi nữa nhưng nếu không đem đến thi hành thì cũng chẳng ích lợi gì. Chúa Giêsu ví những người nghe mà đem ra thực hành thì giống như người xây nhà của mình trên đá. Đá đây chính là Lời Chúa và Ý Chúa.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân  mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

Top