Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XIV Mùa Thường Niên
CHÚA NHẬT THỨ 14 THƯỜNG NIÊN
NĂM B
Mc 6, 1-6
"Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc,
và trong gia đình mình mà thôi." (Mc 4,4)
A. Sau một thời gian lên đường truyền dạo, Chúa Giêsu trở lại thăm nơi mà Ngài đã sống hầu như suốt đời thơ ấu của Ngài. Việc Ngài về Nagiareth có tương quan mật thiết với những gì xẩy ra trước đó.
Như Tin Mừng kể lại: Trước khi về Nagiareth Chúa đã làm một loạt các phép lạ: dẹp yên bão tố, chữa lành người bị quỷ ám, thắng được chứng bệnh bất trị, và cứu sống cả người chết.
Những phép lạ này là kết quả của một niềm tin mà con người đã đặt ở nơi Chúa, dầu niềm tin này chưa được hoàn hảo. Thế nhưng những việc xảy ra ở nơi nọ nơi kia thì lại không thể xảy ra ở Nagiareth, quê hương của Chúa. Chúa không thấy một niềm tin nào ở đây, dù chỉ là một niềm tin bất toàn cũng không có, cho nên Marcô ghi lại: “Ngài không làm phép lạ nào được”.
Kể ra thì cũng thật buồn cho Chúa, một con người rất giàu tình cảm đối với quê hương xứ sở của mình.
Thực ra không phải là Chúa có ý trở về quê quán một cách riêng tư, chỉ cốt ý để thăm lại ngôi nhà cũ và những người thân thuộc thuở xưa, nhưng là Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là Ngài về quê với tư cách là một Rabbi, một ngôn sứ.
Với tư cách là một Rabbi, Ngài vào nhà hội và dạy dỗ, nhưng những Nagiareth đã không hào hứng tiếp nhận lời giáo huấn của Chúa. Trái lại họ còn tỏ ra là thù địch. “Họ vấp phạm vì Ngài”. Họ tức giận vì một người xuất thân từ bối cảnh xã hội chẳng khác gì họ mà lại dám nói năng và hành động như vậy. Sự quá quen thuộc đã làm cho họ thù ghét Chúa một cách mù quáng.
B. Họ đã không chịu nghe những lời Ngài nói vì hai lý do:
1. Họ bảo nhau: “Anh ta không phải là làm thợ mộc đó sao?”.
Từ ngữ chỉ người thợ mộc là tekton. Tekton có nghĩa là một người thợ làm đồ gỗ, nhưng không phải chỉ đơn giản là làm đồ gỗ mà thôi, nó còn có nghĩa như một người làm nghề thủ công tinh xảo. Đó là thợ thủ công với ít dụng cụ hay nhiều khi chỉ có một số rất ít công cụ nhưng họ vẫn có thể làm được rất nhiều việc cho những ai cần đến họ. Chúa Giêsu là người thợ như thế.
Người làng Nagiareth khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân, một người thợ, một người bình thường, một dân thường, một con người mà trước đây khi ở với họ Ngài chẳng có gì đặc biệt cả. Vậy mà bây giơ lại đứng lên giữa họ như một người dạy dỗ.
Nói tới đây tôi nhớ đến một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây cũng khá lâu. Chuyện Thánh Alêxù. Thánh Alêxù là con của một thượng nghị sĩ Rôma vào thế kỷ thứ năm. Sợ những trần gian quyến rũ, ngài đã từ bỏ gia đình, vinh dự, tiền của, và cả người vợ trong ngày cưới, để trốn đi sang Tiểu Á. Ở đấy ngài sống cuộc đời nghèo khó và đền tội trong 17 năm. Khi sự thánh thiện của ngài vang xa khắp nơi, ngài lại trốn đi một lần nữa, và những con gió trái chiều đã đẩy thuyền ngài đi trở lại về Rôma. Nhờ ơn Chúa trợ giúp, ngài cải trang về trú tại nhà cha mẹ mình. Ngài sống ở chân gác suốt 17 năm trời, xin của bố thí để sinh sống. Sau khi ngài qua đời, người ta tìm thấy trong túi áo ngài một miếng giấy ghi lại tông tích và lý do ngài tự ẩn giấu mình. Bấy giờ, thân mẫu ngài mới khóc to: "Ồ, con ơi, người con lưu lạc lâu ngày của mẹ ơi, sao đến bây giờ mẹ mới nhận ra con".
Vâng! Suốt 17 năm trời! Một con người với hai dáng vóc, một con người đã từng sống ở cùng một nơi, với những con người đã từng quen thuộc vậy mà họ đã không nhận ra nhau chỉ vì cái dáng vẻ bên ngoài không giốnh nhau! Thật là một điều đau lòng.
Dân chúng ở Nagiareth khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân bình thường. Chúa Giêsu không phải là một con người sống trong một gia đình, dòng tộc, giàu có thế giá. Chính vì thế mà họ đã chẳng kiêng nể gì đối với Chúa Giêsu, mặc dầu là Chúa đang được mọi người kính trọng ở nhiều nơi.
Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ để đánh giá một người căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy cố mà nhìn vào giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, chúng ta mới có thể có được cái nhìn công bằng.
2. Và họ còn nói “đây không phải là con trai bà Maria hay sao?”
Những người ở Nagiareth còn khinh dể Ngài vì họ biết rõ Ngài và gia đình Ngài: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Toàn là quen thuộc cả...những người ấy có hơn gì chúng ta. Vậy thì tại sao "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Thật là chuyện ngược đời. Nghèo như thế! Tầm thường như thế mà lại lên tiếng giảng dạy. Lại còn ngạo mạn dám nói là những lời Kinh Thánh đó ám chỉ về mình. Và Maccô ghi: "Và họ vấp ngã vì Ngài."
Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Vâng! Đó là ý nghĩ của những người Nadareth, đồng hương với Chúa.
Vâng! Thật là người ta quả khó mà tin được vào sự vĩ đại vượt bậc của một người nhất là người đó quá quen thuộc với mình, từng chung sống gần gũi với mình.
3. Bài học
Thomas Campell là một thí dụ. Ông là một nhà thơ lớn. Cha ông ta lại chẳng biết gì về thi ca. Khi Thomas xuất bản tập thơ đầu tay, với tên tác giả là Thomas, ông gửi một tập tặng cha mình. Ông cụ cầm tập thơ lên xem. Thật ra ông chỉ nhìn vào bià sách chứ chẳng đọc gì trong nội dung. Ông cụ kinh ngạc tự nhủ “nó mà có thể làm được cuốn sách như vậy à?”.
Nhiều khi trong cuộc sống, chính sự thân quen đã làm cho chúng ta không nhận ra được cái sự vĩ đại, cái tốt đẹp của nhau. Thậm chí chúng ta có khi còn coi thường nhau, xem nhẹ nhau.
Kết quả là Chúa Giêsu không thể làm được gì tại Nagiareth. Thế là họ đã đánh mất đi một cơ hội bằng vàng.
C. Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế.
Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, những lời nói, cử chỉ, lời cảm ơn, xin lỗi ta dùng chúng như một phản xạ máy móc mà quên đi giá trị thực tại của chúng. Khi sực nhớ ra thì đã muộn màng rồi. Không còn cơ hội thứ hai cho ta nữa.
Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thầy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiareth và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.
Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương, một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thắm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những đấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.
THỨ HAI TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,18-26
"Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con."
(Mt 9,22)
Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm hai phép lạ. Thánh Matthêô ghi lại vắn gọn. Dưới ngòi bút của Thánh Marcô thì câu chuyện sinh động hơn nhiều. Qua hai phép lạ này, chúng ta học được hai bài học rất cụ thể cho cuộc sống chúng ta.
1. Bài học đầu tiên là bài học về đức tin.
Cả hai người được thụ hưởng phép lạ trong bài Tin Mừng hôm nay đều là người có niềm tin mạnh.
Ông trưởng hội đường có đứa con gái. Nó đã chết. Chính ông xác định như thế. Khi Chúa Giêsu nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài. Ở đây chúng ta thấy đức tin của vị kỳ mục rất mạnh. Trước sự ra đi của đứa con. Tất cả mọi phương thế trần gian đã chào thua. Lịch sử chưa bao giờ nói về một người đã chết được sống lại. Chính Chúa Giêsu cũng chưa cho ai sống lại từ cõi chết vậy mà ông chạy đến với Chúa, ông nói chắc ăn như bắp: "Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại" (Mt 9,18).
Còn người đàn bà mắc bệnh loạn huyết:
Bệnh bà rất nặng vì đã chữa trị suốt 12 năm mà không khỏi. Khi được nghe biết Chúa xuất hiện bà tin sẽ được khỏi: "Tôi chỉ cần sờ vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!" (Mt 9,20).Và đã xảy ra đúng như vậy.
Chúa Giêsu cũng xác nhận cả hai trường hợp được thụ hưởng phép lạ của Chúa là nhờ "Đức tin".
Đức tin là một yếu tố rất cần thiết để Chúa thực hiện những việc lạ lùng cho chúng ta. Nhưng đức tin chỉ có khi chúng ta hoàn toàn biết ký thác cuộc đời của chúng ta cho Chúa.
Có hai thanh niên da đen làm nô lệ cho một ông chủ Hồi giáo ở Bắc Phi. Ông thường hay dạy hai đứa phải tin lời tiên tri Mahomed. Ông cũng kể cho hai đầy tớ biết thi hài của Mahomed hiện đang được lưu giữ trong một chiếc hòm ở thành Mecca bên xứ Ả-rập.
Một ngày kia, hai anh em được nghe một nhà truyền giáo nói về sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đêm hôm đó hai người bàn với nhau:
- Anh nghĩ sao, ông chủ chúng ta nói Mahomed đã chết và xác vị tiên tri này đang được giữ trong một chiếc hòm. Còn vị giáo sĩ da trắng lại dạy chúng ta rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đến trần gian chịu chết cho chúng ta và đã sống lại, hiện đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trên trời, như vậy biết tin bên nào?
Anh kia trả lời:
- Tôi nghĩ, chúng mình nên tin vào người đang sống hơn là tin vào một kẻ đã chết.
2. Bài học thứ hai: Sự khiêm nhường.
Người khiêm tốn là người biết sống với cái chân, cái thật của mình. Mình có thế nào thì mình quyết sống như vậy.
Mẹ Têrêsa đã từng nói: "Sự khiêm nhường cao quý nhất là khi ta nhận thức rằng, mình không là gì cả. Ta chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi giữa thế giới rộng lớn này, một hạt bụi được Thiên Chúa gìn giữ bằng tình yêu".
Ngày xưa Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi thi hành việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng mình tay cầm cái dù, tay cầm giây cương, mặt vênh váo ngước mặt lên trời, dương dương tự đắc. Lúc chồng về đến nhà, nàng liền xin với chồng để bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi:
- Tại làm sao?
Nàng nói:
- Án Tử, người vừa gầy vừa thấp bé nhỏ nhoi làm đến chức tể tướng của nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông ấy vẫn có ý khiêm nhường như chưa bằng ai. Còn như chàng, cao lớn đẫy đà như thế mà cũng chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường, hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.
Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ mặt vênh váo, chữa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế lấy làm lạ liền hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại, Án Tử bèn cất cho làm đại phu.
Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn được diễn tả qua thái độ bên ngoài. Với ông trưởng hội đường là người có thế giá trong xã hội. Một người như ông mà lại đến quỳ mọp dưới chân của "Anh thợ mộc" tầm thường thì kể cũng lạ. Tin Mừng Matthêô cho biết thêm: "Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người"(Mt 9,18). Còn với người đàn bà, Tin Mừng cho biết:Sau khi bị phát hiện, giữa thanh thiên bạch nhật, vậy mà Tin Mừng ghi: "Bà phủ phục dưới chân Chúa và tỏ bày tất cả mọi sự."(Mc 5,33). Chẳng ai hiểu được chuyện này trừ bà. Việc Chúa làm phép lạ cho bà nào có ai biết đâu. Bà hiểu rất rõ điều đó vì phép lạ xảy ra hoàn toàn bí mật….chỉ có bà và Chúa Giêsu biết. Thái độ khiêm nhường ấy đã làm Chúa xúc động. Chúa cảm thấy có một sức mạnh từ trong con người của Ngài xuất ra.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống khiêm nhường noi gương Chúa. Amen.
THỨ BA TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,32-38
"Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc,
giảng dạy trong các hội đường,
rao giảng Tin Mừng Nước Trời
và chữa hết nhữngbệnh hoạn tật nguyền"
(Mt 9,35)
Bài Tin Mừng này gồm hai ý:
1. Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người câm để anh nói được. Căn cứ theo lời tiên tri Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Messia. Nhưng những người Pharisêu cố tình không hiểu ý nghĩa phép lạ này, họ còn xuyên tạc rằng, Ngài đã cậy sức quỷ vương mà làm việc đó.
Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân ít học thì khen ngợi Ngài, còn những người Pharisêu thông thái thì lại xuyên tạc. Việc xuyên tạc này phát xuất từ những "định kiến xấu" và người đã có định kiến xấu thì dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như Pharisêu) cũng rất dễ phạm sai lầm.
Trong cuốn phim có tựa đề là "Dấu ấn của quỷ", người ta được chứng kiến một câu chuyện rất thương tâm như thế này.
Trong một ngôi làng kia còn nhiều mê tín dị đoan. Một bé gái vừa sinh ra đã mang sẵn một cái bớt trên ngực. Dân làng nói đó là dấu ấn của quỷ nên họ bỏ em vào thúng rồi thả xuống biển tính cho em chết đi. Nhưng rất may cho em, một ông lão cùi đã vớt được em và đem về nuôi. Lớn lên cô gặp một chàng trai. Hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạnh ông lão cùi.
Tình cờ một ngày kia, dân làng khám phá ra tung tích của cô và họ bắt cô lại. Thật là trớ trêu, giữa lúc vừa bị bắt thì người phụ nữ trẻ ấy sinh con, và đứa con cũng có một cái bớt như mẹ nó trên ngực. Thấy thế người mẹ sợ quá nên đã lấy một bó đuốc cố đốt sạch cái bớt mà người ta cho là dấu ấn của quỉ trên ngực con mình nhưng vô ích.
Cuốn phim kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết. Ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác không hiểu số phận mình sẽ ra sao.
Đó là kết quả của những đầu óc thiển cận đầy định kiến xấu.
Chúa Giêsu thì không như thế. Không ai là người mang dấu ấn của quỷ, mà chỉ có hình ảnh cao quý của Thiên Chúa trong mỗi người mà thôi.
Xin Chúa cho chúng ta có được một tấm lòng và một cặp mắt trong sáng, để có thể nhận ra những giá trị tốt đẹp nơi anh chị em chúng ta.
2. Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng:
Ngài tận tình giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt, Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy: "Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt"(Mt 9,37), mặt khác, Ngài bảo họ cầu xin: "Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa"(Mt 9,38).
Và Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước cảnh bơ vơ của dân chúng.
Có lần mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: "Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình Yêu hoàn toàn đối với Chúa, Ðấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con."
Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.
Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thực. Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường ngỡ ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng,
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 10,1-7
"Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại,
để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế,
để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền."
(Mt 10,1)
1. Bài Tin Mừng hôm nay có ba ý:
- Chúa Giêsu ban quyền cho nhóm 12: họ có quyền trên các thần ô uế và có quyền chữa lành các bệnh tật.
- Chúa đưa ra những chỉ dẫn đầu tiên về cách cư xử mà các tông đồ phải theo:
* Đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với chiên lạc nhà Israel.
* Nội dung lời rao giảng là: "Nước Trời".
- Hãy loan báo cho mọi người là "Nước Trời đã gần đến"(Mt 10,7).
Vâng, trước khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi thực tập rao giảng, Chúa đã ban quyền cho các ngài. Nói một cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu chia sẻ quyền của Ngài cho nhóm 12. Như vậy, nhóm 12 cũng được dùng những quyền của Chúa Giêsu (Mt 10,1).
Hơn nữa, nếu đem so với Mt 4,17: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." với câu cuối cùng của đoạn Tin Mừng này: "Các con hãy rao giảng rằng, Nước Trời đã gần đến" thì chúng ta thấy các ông cũng rao giảng cùng một sứ điệp như Chúa Giêsu. Như vậy là người rao giảng Tin Mừng vừa có cùng một quyền năng như Chúa Giêsu mà còn cùng phải rao giảng một sứ điệp như Chúa. Đó là một vinh dự rất lớn lao.
2. Chúa Giêsu không chọn những người tài cao, học rộng, giàu sang và có địa vị xã hội, mà lại chọn những người có tấm lòng và có thiện chí. Vâng, chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo.
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện, Ngài không chọn được ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài. (Chờ đợi Chúa).
Chúa cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Tin Mừng. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng vào Giuđa. Nhưng Giuđa không đáp lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Sứ mạng của người rao giảng Tin Mừng là "xua đuổi các thần ô uế tức là đẩy lùi sự xấu và "chữa lành những người bệnh" tức là cứu chữa những người khổ đau, đau khổ nơi thân xác cũng như đau khổ trong tâm hồn. Kết quả là "Các ông đã trừ khử được thần ô uế và cũng chữa hết được các bệnh hoạn tật nguyền". (Mt 10,1).
Còn chúng ta hôm nay thì sao? Sứ mạng loan báo cho mọi người biết Tin Mừng của Chúa Giêsu phải được thực hiện cho đến ngày tận thế.
Phải nói rằng, ngày hôm nay, sự ô uế vẫn còn hiện diện ở khắp nơi dưới rất nhiều khuôn mặt: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đọa. Cánh cửa ô uế vẫn luôn luôn mở rộng và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời. Nếu xưa kia, sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ một đặc ân là: trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật thì đặc ân ấy, hôm nay Chúa cũng ban cho mọi người tín hữu chúng ta như vậy. Mỗi người Kitô hữu phải nhận lấy trách nhiệm của mình trong việc làm giảm đi những khổ đau, những bất hạnh, những nỗi nhục của anh em mình để tất cả được sống một cuộc sống xứng đáng là con Thiên Chúa hơn.
Sáng thứ bảy, 13/9/97, tại Sân Vân Ðộng Netaji của thành phố Calcutta, với sức chứa khoảng 15 ngàn người, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và là Ðặc sứ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cầm đầu phái đoàn Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ An Táng Mẹ Têrêsa thành Calcutta, cùng với 3 vị Hồng Y, 30 vị Giám Mục và khoảng 170 linh mục đến từ 14 quốc gia. Ba vị Hồng Y cùng đồng tế với Ðức Hồng Y Sodano, là Ðức Hồng Y Lourdusamy, người Ấn Ðộ, cựu tổng trưởng bộ Giáo Hội Ðông Phương; Ðức Hồng Y Pimenta, cựu Tổng Giám Mục Bombay; và Ðức Hồng Y Jean Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montreal, Canada. Trong bài giảng thánh lễ, phần kết, Ðức Hồng Y Angelo Sodano đã nói: "Mẹ Têrêsa đã thắp lên ngọn lửa tình yêu thương, mà những người con tinh thần của mẹ, nam cũng như nữ, những nhà truyền giáo của tình bác ái, từ nay cần tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy sáng mãi. Thế giới ngày nay đang hết sức cần ánh sáng và sự nồng ấm của ngọn lửa này".
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành dụng cụ của tình yêu thương. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 10,7-15
"Dọc đường hãy rao giảng rằng:
Nước Trời đã đến gần.
Anh em hãy chữa lành người đau yếu,
làm cho kẻ chết sống lại,
cho người phong hủi được sạch bệnh,
và khử trừ ma quỷ."
(Mt 10,7-8)
1. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là những chỉ dẫn về những điều người được sai đi rao giảng Tin Mừng phải có:
Công việc sẽ làm: chữa bệnh và trừ quỷ.
Tinh thần phải có: phải quảng đại phục vụ.
Thái độ phải giữ: Đừng quá bận tâmđến những phương tiện vật chất.
Mục đích phải đạt tới: đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.
Như vậy, người môn đệ phải có một tinh thần hoàn toàn phó thác. Sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa đòi hỏi người môn đệ phải trung thành trong sứ mệnh được trao, mà không gì tách rời họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8 31-39). Họ phải nhìn bông huệ trắng ngần và bầy chim trời nhởn nhơ mà đọc Kinh Lạy Cha "xin bánh hàng ngày" (Mt 6,11). Họ phải nhớ rằng, Thiên Chúa Cha biết tất cả những gì cần cho đời họ (Mt 6,25-34). Họ phải kiên trì và vâng lời tới cùng để có thể nói được "Lạy Cha, con phó linh hồn con…"(Lc 23,46).
Người rao giảng Tin Mừng cũng phải luôn quảng đại phục vụ. Lý do: "Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không"(Mt 10,8). Như vậy, làm tông đồ là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội, cho nên tôi cũng phải biết cho đi.
Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền là 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả dạng đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương liền lấy 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng ngài. Khi giã từ, ông ta còn tặng thêm 150 đồng nữa ngoài số 25 đồng ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gửi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo.(Góp nhặt).
Ngạn ngữ Ấn-Độ có câu: "Tất cả những gì chúng ta cống hiến cho tha nhân sẽ không bao giờ mất".
Quên mình để cống hiến cho tha nhân mỗi ngày một nhiều hơn thì sẽ không bao giờ thua lỗ mất mát, mà sẽ được lớn lên mỗi ngày. Vì sự triển nở và trưởng thành của bản thân sẽ dần dần được tăng lên với mức độ và khả năng tự hiến.
Những ai càng quên mình, càng tự nguyện hy sinh thì lại càng đầy tràn, giàu có. Thiên Chúa cứ theo nhịp độ xả thân của họ mà trải rộng tình thương và làm cho họ lớn lên mãi để họ lại càng cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân loại.
Những người biết quên mình vì Nước Trời, vì mọi người là những bản nhạc thơm, những khúc hoan ca làm đẹp lòng Thiên Chúa. Còn có gì đẹp hơn những quả tim luôn mở rộng đón tiếp mọi người. Đời họ là những khúc ca hùng tráng từ đất thấp vọng đến trời cao, làm cho địa cầu vốn cằn cỗi âm u vì tham lam và ích kỷ, sẽ nở mùa hoa dịu ngọt của những cuộc đời tận hiến mà Thiên Chúa sẽ biến thành một tế phẩm kỳ bí của Tình Yêu.
2. Mục đích của sự trao ban đó là đem bình an và niềm vui đến cho những người được trao ban và cũng như chính người trao ban.
Roberto de Vicenzo, người Argentina, tên tuổi nổi tiếng nhất trong bộ môn côn cầu. Sau khi thắng trận đấu và nhận được một tấm ngân phiếu tiền thưởng, anh tươi cười bước vào phòng thay quần áo và chuẩn bị ra về. Giữa đường, một người thiếu phụ chặn anh lại chúc mừng và kể lể về đứa con đang phải nằm bệnh viện trong cơn ngặt nghèo, và bà không có tiền để trả viện phí.
Xúc động về câu chuyện đứa trẻ bất hạnh ấy, anh đã ký tên vào tấm ngân phiếu tiền thưởng và trao cho người thiếu phụ.
Một tuần sau, một người bạn cho anh biết người đàn bà đó là kẻ lường gạt, bà ta không hề có gia đình, cũng không có con cái gì, và cũng chẳng hề có đứa bé nào hấp hối trong bệnh viện cả.
Roberto de Vicenzo hỏi lại:
- Anh bảo là không có một đứa bé nào hấp hối trong bệnh viện phải không? Đó chính là tin vui lớn nhất mà tôi nhận được trong tuần này.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống của con. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 10,16-23
"Này, Thầy sai anh em đi
như chiên đi vào giữa bầy sói.
Vậy anh em phải khôn như rắn
và đơn sơ như bồ câu."
(Mt 10,16)
1. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó:
Một mặt phải vừa đơn sơ phải vừa khôn ngoan.
Mặt khác phải đừng sợ: vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.
Chúa bảo phải "Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu"(Mt 10,16). Đơn sơ và hiền lành là điều Chúa rất ưa thích. Sự đơn sơ giúp người tông đồ dễ gần gũi với mọi người.
Quận công Philipphe d’Anjeau, sau khi lên ngôi hoàng đế của cường quốc Tây-Ban-Nha, đi kinh lý đến đâu cũng đều được thần dân tung hô vạn tuế vang trời dậy đất đến đó. Nhà vua vốn là người bình dân, ngoan đạo và khiêm tốn. Đã nhiều lần Ngài tỏ ra bực bội khi phải nghe những bài diễn văn chúc mừng quá dài dòng và quá văn hoa chải chuốt đến mức giả tạo, của những kẻ nịnh thần chỉ mong thủ lợi.
Một lần nọ, nhà vua đến thăm một họ đạo nhỏ nọ, cha sở đã tổ chức nghi thức nghênh đón ngài một cách đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng. Khi đức vua đến, cha tiến ra và đọc lời chào mừng thật giản dị và ngắn gọn:
"Tâu hoàng đế, thay cho những bài diễn văn chúc tụng như ở mọi nơi, tôi chỉ xin phép thay mặt toàn thể họ đạo để hát mừng ngài 2 câu thơ, nói đúng hơn, là một lời cầu nguyện với Thiên Chúa như sau:
"Nguyện xin Thiên Chúa độ trì,
Đức vua trường thọ trị vì muôn dân".
Nghe những lời như thế, nhà vua cảm thấy vui sướng vô cùng. Với một khuôn mặt rạng rỡ, ngài hô lên như truyền một mệnh lệnh:"Nào, hãy thêm một lần nữa!" Cha sở lập lại bài thơ một lần nữa, giọng ngân nga trầm bổng.
Sau đó, nhà vua liền gọi cận thần tùy tùng đến và ra lệnh trao cho họ đạo một món tiền thưởng lớn, để cho cha sở có thể dùng vào việc từ thiện bác ái giúp những người nghèo trong họ đạo.
Lần này thì đến lượt cha sở. Cha cũng kêu lên thật to: "Thêm một lần nữa chứ ạ!"
Thật hết sức thâm ý. Nhà vua tủm tỉm cười, và quyết định trao tặng thêm gấp đôi số tiền định ban cho toàn họ đạo. Một kết quả hết sức bất ngờ nhưng không phải là không có lý do.
2. Chúa còn căn dặn thêm: "Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì"(Mt 10,19).
Người tông đồ phải biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa "kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát (Mt 10,22). Niềm tin là điều không thể thiếu trong cuộc sống. "Không có niềm tin con người sẽ chẳng khác gì một chiếc máy bay không động cơ và không tài nào hướng lên Thiên Chúa được."
Thánh Hiêrônimô nói: "Người nào không biết nhìn nhận Đấng tạo thành nó, kẻ đó chỉ là một con vật."
Ngày nọ, ở Clervaux hết muối, vị tu trưởng - thánh Bernađô - gọi một thầy Guibert và bảo:
- Con hãy lấy con lừa (vì đây là con vật duy nhất mà tu viện còn sở hữu ) và đi ra phố mua muối.
- Xin cha cho con tiền để trả - Guibert nói.
- Con ơi - thánh Bernađô trả lời, - đã khá lâu cha không còn tiền, không còn vàng. Nhưng trên cao kia có Đấng giữ túi tiền và kho tàng của cha!
Nghe nói thế thầy Guibert suýt nữa phì cười, nhưng thầy không thể không lưu ý cha thánh điều này:
- Thưa cha nếu con đi với hai bàn tay trắng thì chắc chắn con cũng trở về với hai tay không.
- Đừng sợ con ạ, hãy tin tưởng. Đấng giữ kho báu của cha sẽ ở với con và người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để làm xong công tác.
Thầy Guibert cúi đầu nhận phúc lành từ tay vị tu viện trưởng và dẫn con lừa ra đi. Các mối nghi ngờ của thầy vẫn còn đó làm thầy lo lắng. Nhưng khi thầy sắp băng qua cửa thành thì có một vị linh mục đến gần và hỏi:
- Thầy từ đâu đến vậy và đi đâu vậy?
Thầy Guibert không do dự thú nhận sự túng thiếu tột cùng của tu viện cũng như chính sự bối rối hiện nay của thầy. Nghe xong vị linh mục rất cảm động, ngài dẫn thầy về nhà, cho thầy nửa thùng muối cộng thêm một số tiền là 30 xu (tương đương với 300 quan Pháp.)
Chúng ta hãy tưởng tượng xem niềm vui của thầy Guibert như thế nào. Thầy trở về lại tu viện và chỉ còn việc là phải kể lại câu chuyện đó cho cha bề trên biết ngay.
- Cha đã nói rõ với con, thánh Bernađô đáp, và cha lập lại với con điều đó: Đối với người Kitô hữu không có cái gì khác ngoài đức tin!
Mẹ Têrêsa nói: "Ðức Tin là Quà Tặng của Thiên Chúa".
"Không có đức tin chúng ta không thể tin những gì bí ẩn và ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện". Amen.
THỨ BẢY TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
Mt 10,24-33
"Phàm ai tuyên bố
nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy
trước mặt Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời."
(Mt 10,32)
1. "Anh em đừng sợ người ta" (Mt 10,26).
Sự sợ hãi thường làm cùn nhụt chí khí của con người. Vì sợ bị đói khát, nghèo khổ, thiếu thốn mà rất nhiều người đã trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam.
Vì sợ bị coi thường, bị khinh dể, bị chà đạp mà nhiều người đã trở nên kênh kiệu, kiêu căng, độc ác.
Vì sợ mất uy tín, mất uy quyền, mất quyền lợi thế gian mà Giáo Hội đôi khi cũng đã có những quyết định không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng.
Vì sợ bị bắt bớ, bị thiệt thòi phiền hà, mà nhiều người đã có thái độ đóng chặt cửa giống như các tông đồ ngày đầu tuần trước biến cố Phục Sinh. Họ cố "chôn thật kỹ nén bạc của mình", với một thái độ lúc nào cũng cảnh giác đối với những người chung quanh, làm cho bầu khí yêu thương bị chết nghẹt.
Josepth Staline, vị chủ tịch thét ra lửa của nước Nga rất sợ khi đi ngủ mỗi đêm. Ông ta đã làm cho mình bảy phòng ngủ khác nhau, mỗi phòng được khóa cẩn thận như một cái tủ sắt vậy. Để cho kẻ thù không biết ông ngủ ở phòng nào, đêm nào Staline cũng thay đổi phòng ngủ. Ông có năm chiếc xe với năm tài xế khác nhau. Khi đi đâu, màn cửa các xe đều rũ kín để không ai biết ông ngồi trên chiếc xe nào. Ông sợ người ta đầu độc đến nỗi ông phải tuyển một người hầu để chỉ làmmột việc duy nhất là nếm trước những món ông ăn thật kỹ mỗi ngày.
Vâng, sự sợ hãi đã làm cho con người nói chung và những người con của Chúa nói riêng, không còn giữ được lòng trung thực với chính mình nữa.
Bởi vậy, người môn đệ của Chúa cần phải biết "không sợ"."Đừng sợ"(Bất úy) thì chúng ta mới có thể có được thái độ trẻ thơ mà tha thứ và yêu thương.
Trong kho truyện Thiền có câu chuyện sau: Trong một ngôi làng kia có một nhà sư rất mực đạo đức được mọi người mến chuộng. Nhưng rồi một ngày kia có một cô gái trong làng lỡ mang thai với tình nhân. Vì sợ hãi, cô đã đổ thừa cho nhà sư kia là tác giả của bào thai đó. Nghe vậy, cả làng phỉ nhổ ông và khi đứa bé chào đời thì người ta đem đến trao cho ông, bắt ông phải nuôi. Người ta đã không tiếc lời mắng nhiếc ông một cách thậm tệ. Nhưng ông vẫn bình tĩnh trả lời họ:
- Thế à! Rồi vui vẻ nhận đứa bé, rồi hằng ngày đi xin sữa mà nuôi nó.
Sau một thời gian vì hối hận, cô gái kia thú nhận sự thật. Cả làng hốt hoảng đến xin lỗi và xin nhận đứa bé trở lại. Nhà sư cũng chỉ nói:
- Thế à! Rồi giao lại đứa bé cho mẹ của nó.
Trước mỗi biến cố cuộc đời, người Kitô hữu thường hay băn khoăn: "Tôi phải làm gì? Phải cầu nguyện hay hành động, phải im lặng hay lên tiếng? Phải đấu tranh hay chia sẻ, phải lên án hay cảm thông?" Chúa muốn chúng ta phải luôn trung thực. Muốn thế thì phải không biết sợ. Bằng không, chúng ta khó có thể có được tự do để đứng về phía chân lý và tình yêu.
Mục sư Wumbrant bị cầm tù nhiều năm. Ông bảo rằng, trong Thánh Kinh có 365 lần Lời Chúa dạy ta đừng sợ, như thế mỗi ngày ông sống một câu. Và trong suốt năm lúc nào ông cũng giữ được tinh thần bình an thanh thản và yêu thương những người bắt giam ông.
2. Khi thực sự yêu thương ai, người ta sẽ lấy làm sung sướng được chịu khổ vì người mình yêu. Các tông đồ đã sung sướng như thế ( Cv 5,4-41).
Các ngài đã yêu thương Chúa, đến độ cảm thấy vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa.
Một sỹ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, người vợ viên sỹ quan thì lại sợ hơn cả. Phần ông thì ông cứ bình thản như chẳng có gì xảy ra. Vợ ông trách ông là đã không quan tâm gì đến an nguy của vợ con.
Trước thái độ hoảng hốt của người vợ như thế, ông không nói một lời. Ông vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt đi nhưng ngay sau đó thì bà phá lên cười thật lớn tiếng như không biết sợ hãi là gì. Thái độ đó làm cho vị sĩ quan thắc mắc:
- Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em?
- Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm trong tay một người rất thương em!
- Vậy thì tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng, nó ở trong tay Cha anh là người hằng yêu mến anh? (Góp nhặt).
Mẹ Têrêsa nói: "Đừng sợ. Cuộc sống phải có nỗi thống khổ, phải có sự đau đớn - đó là dấu hiệu rõ ràng Chúa Giêsu đã kéo bạn đến gần trái tim của Ngài đến mức Ngài có thể chia sẻ nỗi đau đớn của Ngài cùng bạn."
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống phó thác. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)