Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Mùa Chay

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Mùa Chay

THỨ HAI TUẦN 3 MÙA CHAY
Lc 4,24-30

Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình."
(Lc 4,24)

1. Bài đọc I kể chuyện tiên tri Êlisê chữa bệnh cùi cho ông Naaman, một người ngoại đạo.

Bài Tin Mừng cũng nhắc lại câu chuyện trên và còn nhắc thêm chuyện tiên tri Êlia giúp cho một bà góa - cũng ngoại đạo - ở xứ Sarepta khỏi đói trong thời kỳ hạn hán.

Như thế, Lời Chúa hôm nay muốn nói rằng, Chúa không thiên vị ai. Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù là người ngoại nhưng nếu họ tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng lại không tin thật thì không đáng lãnh nhận ơn Ngài.

Chúng ta thấy ban đầu vì kiêu căng, tướng Naaman đã không chịu đến với một tiên tri xứ Israel nhỏ bé. Cũng vì kiêu căng, ông đã không chịu đi tắm ở sông Giođan mà ông cho là quá nhỏ và thua kém xa những con sông trong nước của ông. Thế nhưng, sau đó, nhờ khiêm tốn nghe theo lời khuyên của những người đầy tớ nên ông đã chịu đến với Êlisê, làm theo lời chỉ dạy của Êlisê mà ông đã được khỏi bệnh cùi. Câu chuyện này cho thấy những nét tương phản rõ rệt và hậu quả khác nhau giữa kiêu căng và khiêm tốn.

Đối với những người đồng hương ở Nazareth, Chúa Giêsu ưu ái nhưng không thiên vị. Ưu ái và thiên vị khác nhau. Vì ưu ái họ nên Chúa đã chọn Nazareth làm nơi Ngài công bố chương trình cứu độ của Ngài, vì ưu ái họ nên Chúa muốn ban cho họ ơn lớn nhất là ơn đức tin. Nhưng Chúa không thiên vị: vì họ không tin nên Ngài không làm phép lạ cho họ.

2. Có lẽ ngày nay nhiều người cũng vẫn còn nghĩ một cách hẹp hòi là Thiên Chúa chỉ thương những người “có đạo”, còn “kẻ ngoại đạo” thì bị bỏ ra rìa. Thực ra, Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi người. Ngày nay, chẳng thiếu gì những người như bà góa xứ Sarepta và tướng quân Naaman được Chúa thương. Còn những người có đạo tự hào mình là người có đạo, coi chừng lại bị “Chúa tiến qua giữa họ mà bỏ đi”(Lc 4,30) giống như ở làng Nazareth thuở xưa.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kết thúc không có hậu, không phải vì Chúa muốn như thế, nhưng là Do Thái độ của những người làng Nazareth chỉ muốn thu vào mà không biết mở ra. Nói rõ hơn: họ chỉ muốn được ban ơn, mà không biết mở rộng cõi lòng ra để tin Chúa Giêsu, cũng không nghĩ đến dân ngoại đang cần ơn cứu độ bên cạnh mình.

Trong một cuốn phim Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn, có diễn lại câu chuyện sau: một thanh niên đang lim dim đôi mắt để tận hưởng những ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do những tiếng ồn ào của đám trẻ. Tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng người qua lại, mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường cách âm để ngăn chặn các âm thanh. Mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn dần, cao dần, cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động lúc đó anh mới bằng lòng. Thế nhưng, anh có ngờ đâu rằng, khi ngăn chặn được hết các âm thanh thì lúc đó bức tường cũng che mất hết ánh nắng tuyệt vời. Bức tường đã trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.

Dân Do Thái cũng đã được tắm gội trong ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Họ tưởng đã xây lên được bức tường để bảo vệ niềm tin của mình nhưng hóa ra lại tự hại chính mình.

Nhiều khi chúng ta tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gãy đổ. Đó là thứ niềm tin được chứng minh bằng tấm giấy rửa tội, chứ không phải đức tin của đời sống.

Nếu chỉ đóng khung trong một số nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ xa rời cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em như vậy.

Trong Mùa Chay này, xin cho chúng ta biết trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng để đón nhận được ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.

Lạy Chúa,
Xin cho con một quả tim quảng đại như Chúa
vượt lên mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con một quả tim đủ lớn
để yêu những người con không ưa.
và đôi tay rộng mở
để có thể ôm cả những kẻ thù. Amen


THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY
Mt 18,21-35

 "Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế,
nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

(Mt 18,35)

Các bản văn Phụng vụ hôm nay nói đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ miễn là chúng ta cũng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài.

Vâng, muốn tha thứ thì chỉ nên nghĩ đến tình chứ không nên nghĩ đến lý, cũng không được tính theo lẽ công bằng. Để cầu xin ơn tha thứ cho dân, Adaria không dám kể đến những lễ vật dâng cho Chúa, mà chỉ dám nói: “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Ông vua trong dụ ngôn Tin Mừng tha thứ cũng chỉ vì “động lòng thương”.

Sau khi nói đến việc ông vua phạt người đầy tớ không chịu tha cho bạn mình, Chúa Giêsu kết luận “Cha trên trời cũng sẽ đối xử với các con đúng như thế nếu các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mt 18,35). Ta đừng coi đây chỉ là một lời hăm dọa suông, mà hãy coi đây là một sự thật.

Như vậy, một trong những việc cần làm ngay trong Mùa Chay là hãy duyệt lại những mối tương giao của mình với người khác. Nếu thấy có bất hoà, xung khắc hoặc nghịch với ai thì phải lo giải quyết cho xong.

Đây là chứng từ của một tù nhân Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Tác giả của câu chuyện tên là bà Anne Furish, người Tiệp Khắc. Vì bà đã lén lút săn sóc các thương binh, nên đã bị quân Đức Quốc Xã bắt giữ. Đây là chứng từ bà kể lại:

"Mỗi ngày, những người lính canh chỉ cho chúng tôi một mẩu bánh mì nhỏ có dính cả mạt cưa, cho nên nhiều người trong chúng tôi ăn vào đã mắc bệnh. Những khi nhận được bánh mì đã khô cứng không còn ăn được, thì chúng tôi vò lại để làm thành những hạt chuỗi. Ở đó, có một tên quản giáo đặc biệt hung ác. Nếu mỗi tuần hắn không giết được hai tù nhân thì hắn ta không ăn ngủ được. Tôi đã bị hắn đánh đập nhiều lần. Nhưng tôi vẫn hằng cầu xin Chúa cho tôi biết tha thứ cho hắn, bởi vì tôi biết rằng, nếu tôi không tha thứ, thì thù oán có thể đục khoét và trở thành độc dược phá hủy tâm hồn tôi. Tôi cầu xin Chúa cho tôi có thể nói với hắn thế này: "Tôi tha thứ cho anh và tôi thương yêu anh, bởi vì Đức Kitô đã chết cho tôi và anh trên cây Thập Giá". Lần cuối cùng, khi hắn đánh đập tôi, tôi tưởng mình chết đến nơi, thế nhưng, Chúa đã dùng trận đòn ấy để nhận lời tôi.

Sau trận đòn, tên quản giáo đưa tôi về trại giam. Và lạ lùng thay, từ đó, hắn đến thăm tôi mỗi ngày. Hắn còn mang cả sữa tới và nhờ các tù binh khác dùng muỗng đút cho tôi uống nữa. Tôi bị hôn mê nhiều ngày và khi tỉnh dậy, tôi đã ngạc nhiên hết sức khi thấy tên quản giáo đang ngồi bên cạnh tôi. Lính tráng như họ vì sợ lây bệnh cho nên ít có khi nào họ đến trại giam. Hắn nói với tôi:

- Cô hãy nói cho tôi biết ai là bạn trai của cô?

Tôi hỏi lại hắn:

- Ông muốn nói gì?

Hắn giải thích:

- Người bạn trai tên là Giêsu của cô đó! Tôi muốn được nghe cô nói cho tôi biết về người đó!

Tôi hiểu rằng, Chúa đã cho tâm hồn sắt đá này trở nên dịu dàng. Tôi bắt đầu khóc vì sung sướng. Và từ lúc đó, tên quản giáo không bao giờ đánh đập tôi nữa. Mỗi ngày hắn đến thăm tôi và nghe tôi nói về Đức Giêsu, từ lúc Ngài sinh ra cho đến khi Ngài chết trên cây Thập Giá.

Một ngày nọ, tên quản giáo lại hỏi tôi:

- Cô có nghĩ rằng, Chúa của cô cũng yêu thương cả tôi nữa không? Cô có nghĩ rằng, Chúa đã tha thứ cho những gì tôi đã làm không?

Tôi nói với hắn ta:

- Dĩ nhiên Chúa yêu thương anh, cũng như chính Ngài đã ban ơn để anh đến hỏi tôi về điều đó.

Năm 1946, vào một đêm kia, người quản giáo ấy đến đánh thức tôi dậy. Ông ra hiệu cho tôi thinh lặng và đưa tôi lên một chiếc xe tải đậu gần đấy. Sau này tôi mới được biết là đúng lý ra, một người đàn bà khác đã được chọn để di chuyển trong chuyến xe đó, nhưng rồi bà ta lại qua đời trong chính đêm ấy, nên người quản giáo đã tráo tên tôi vào tên của người quá cố. Tôi đã được cứu sống trên chuyến đi này. Và cũng kể từ đó, tôi đã không gặp lại người quản giáo ấy nữa. Qua sự tha thứ, tôi cảm thấy mình được tự do để yêu mến người khác. Thêm vào đó, tôi còn cảm thấy mình dễ dàng thông cảm với thân phận con người hơn! Phải, nhờ sự tha thứ mà tôi đã trưởng thành hơn nhiều!

Biết đâu trong chúng ta đã có lần cưu mang trong mình những kỷ niệm oán thù. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng ta được tham dự vào sự sống Thần Linh, sự sống tuôn trào niềm yêu thương và sự cảm thông tha thứ của Ngài.


THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA CHAY
Mt 5,17-19

"Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn." (Mt 5,17)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta hãy tuân giữ lề luật theo tinh thần mới của Tin Mừng.

1. Lề luật giống như đường ray giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc phải sống và làm trong khuôn khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quý giá “Ubi amatur, non laboratur” (khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn).

Cách đây ít lâu, có một báo cáo về một trường hợp một thủy thủ thuộc hải quân hoàng gia Anh, bị phạt rất nặng vì vi phạm kỷ luật. Hình phạt nặng đến độ dư luận bên ngành dân chính cho rằng, quá khắt khe.

Nhưng một người từng phục vụ nhiều năm trong hải quân đã trả lời rằng, theo quan điểm ông ta, đó không phải là hình phạt quá nặng. Ông cho rằng, kỷ luật là một biện pháp tối cần thiết, vì mục đích của kỷ luật là khiến con người tự động vâng lệnh không thắc mắc và sự sống tùy thuộc vào sự vâng lệnh này.

Ông kể lại một kinh nghiệm riêng, trong một hải vụ, tàu của ông phải cẩu một chiếc tàu rất nặng đang khi biển động. Chiếc tàu hư được cột vào chiếc tàu ông bằng một sợi cáp. Thình lình, giữa cơn gió bão có lệnh của thuyền trưởng:"Xuống!", tức khắc toàn thể thủy thủ phóng xuống hầm tàu. Ngay lúc đó, sợi dây cáp cột tàu bị đứt, quất xuống như một con rắn thép điên cuồng, trúng người nào thì người đó chắc chết ngay tại chỗ. Nhưng vì thủy thủ đoàn đã tuân lệnh, nên tất cả đều được thoát hiểm và an toàn. Nếu có ai dừng lại để tranh luận hay hỏi lý do, chắc người ấy đã chết. Sự vâng lời cứu mạng người. (WB).

Chúa Giêsu không hề chủ trương vô kỷ cương. Ngài đã từng tuyên bố. "Ta đến không phải để huỷ bỏ lề luật và các lời tiên tri, nhưng Ta đến để kiện toàn lề luật " (Mt 5,17). Ngài tuân giữ lề luật của Do Thái giáo. Nhưng, trong khi các luật sĩ, Pharisêu chỉ biết bám vào hình thức, thì Chúa Giêsu mặc cho lề luật một tinh thần mới. Ngài giữ chay và kêu gọi con người xé lòng chứ đừng xé áo. Ngài giữ ngày hưu lễ và kêu gọi con người thực thi bác ái. Ngài cảnh cáo những Pharisêu và luật sĩ khi họ cố tình bóp nghẹt tinh thần của lề luật. Ngài không ngần ngại lên án thái độ giả hình bên ngoài của họ bằng những lời rất nặng. Ngài ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng bẩy nhưng bên trong thì thối tha.

2. Về việc giữ luật, ta cũng có thể liên tưởng tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).

Vào một ngày thứ sáu tuần thánh buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quán sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”...

Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra muôn ngàn cách để tự an ủi và miễn thứ cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng. (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Chúng ta hãy nhìn lại một ít bài học trong Đạo để thấy rằng, có những con người rất can đảm. Họ thà chết còn hơn là lỗi luật Chúa.

* Xưa kia, Giuse con Giacob “thà chết” còn hơn là nghe theo lời rường mật, rồi sau đó là những lời đe dọa mà ngả vào vòng tay của người đàn bà xấu nết, là vợ quan Putipha.

* Bà Suzanna, cũng thà chết còn hơn là phạm luật Chúa trước những lời hăm dọa của ba lão mê dâm.

* Ông lão Aliazarô thà bỏ mạng sống còn hơn là nghe theo lệnh truyền của hoàng đế Antiocô mà ăn thịt trái luật Chúa.

* Ba thánh trẻ kia, sẵn sàng chịu thiêu trong đống củi chứ không chịu sấp mình trước tượng Nabucodonosor.

* Đaniel cũng thà chết còn hơn là bỏ việc thờ phượng Chúa dù việc đó làm cho Đaniel bị bỏ vào hang sư tử.

* Bảy anh em tử vì đạo đời Antiôcô cũng vì sợ mất lòng Chúa nên thà chết chẳng thà bỏ đạo.

* Tại Việt Nam ta ngày trước, nhiều tín hữu bị nhốt vào tù. Quan dạy đi ra hai cửa: sinh môn và tử môn. Ai qua “sinh môn” thì phải đạp ảnh. Những người bị giam đều qua “tử môn” có quân lính trực sẵn, hễ ai bước qua thì chém đầu.

* Trên đồi Dã Viên, đời cấm đạo, giáo hữu phải giam trong cũi, nhịn khát mấy ngày bên bờ sông Hương. Ai đạp ảnh mới được uống nước. Các đấng thà chết khát...

Người Công giáo thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa, bỏ nghĩa vụ.


THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA CHAY
Lc 11,14-23

"Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán."
(Lc 11,23
)

1. Qua bài Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy sự cố chấp của những người luật sĩ và Pharisêu đã lên tới mức độ thật cao. Trước một sự thật ai cũng thấy: Chúa vừa chữa lành một người bị quỉ câm ám hại, mọi người đều thấy phấn khởi….vậy mà những người luật sĩ và Pharisêu lại cố tình muốn bẻ cong sự thật…Đây là tội ngoan cố. Tội ngoan cố là tội tuy thấy rõ con đường Chúa chỉ dạy nhưng vẫn cố tình không đi theo, tuy thấy rõ sai lầm của mình nhưng vẫn cố tình không chịu sửa. Tội ngoan cố là tội kể như “hết thuốc chữa”. Bởi vậy, đã có lần Chúa gọi tội đây là tội chống lại Chúa Thánh Thần và là tội duy nhất Thiên Chúa không tha. Chúa sẵn sàng tha nếu ta yếu đuối, Chúa sẵn sàng tha nếu ta sai lầm. Nhưng Chúa không thể tha nếu ta ngoan cố.

Thánh Macariô tu hành ở Ai-Cập, lần kia gặp một chiếc đầu lâu của người chết, ngài mới hỏi:

- Cái sọ này của ai?

Cái sọ trả lời:

- Thưa cha, cái sọ này là của một ngoại giáo.

Thánh Macariô hỏi thêm:

- Linh hồn mày hiện giờ ở đâu?

Cái sọ trả lời:

- Thưa cha, linh hồn tôi ở dưới hỏa ngục, vì khi còn sống, thấy giữ đạo phải hy sinh nhiều quá, nên tôi không chịu trở lại.

Thánh Macariô lại hỏi:

- Hỏa ngục có sâu lắm không?

Cái sọ trả lời:

- Thưa cha, hỏa ngục sâu lắm, sâu bằng khoảng cách giữa trời và đất.

Thánh Macariô hỏi tiếp:

- Dưới hỏa ngục, có ai khổ hơn mày nữa không?

Cái sọ trả lời:

- Có các người Do Thái, đã cố chấp không chịu tin Chúa mặc dầu đã xem thấy bao nhiêu phép lạ Chúa làm.

Thánh Macariô lại hỏi thêm:

- Dưới hỏa ngục, còn ai khổ hơn người Do Thái không?

Cái sọ trả lời:

- Có những người Công giáo xấu, đã giày đạp lên lòng thương xót Chúa đã đổ máu ra cứu chuộc họ. Rồi cái sọ nói thêm: “Còn phần cha, cha hãy lợi dụng lòng thương xót Chúa nghĩa là hãy sử dụng ơn Chúa cũng như hãy lợi dụng thời giờ Chúa ban mà lập công phúc, để khỏi phải khổ cực dưới hỏa ngục, nhưng được vinh hiển trên Trời”

Vâng, chúng ta hãy biết lợi dụng lòng thương xót của Chúa để lập thêm công phước, phải lợi dụng lòng thương xót của Chúa để xin ơn tha thứ như vậy.

2. Chúa nói: "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán" (Lc 11,23).

Đi với Chúa là chọn Chúa, là đứng về phía của Chúa. Nhưng làm cách nào biết rằng, chúng ta đã thực sự chọn Chúa và đứng về phía Chúa.

Chúng ta hãy nghe lời giải thích của Mirjana, cô gái được chính Đức Mẹ hiện ra dạy bảo tại Mễ Du. Khi người ta hỏi cô:

- Bằng cách nào chúng ta chọn Chúa Giêsu?

Cô trả lời:

- Đức Mẹ nói rằng: muốn chọn Chúa Giêsu, ta phải nên giống Chúa. Nhiều người cho mình là tín hữu nhưng lại sống như người ngoại đạo. Kitô hữu chân chính phải là người được Kitô-hóa. Một người Kitô-hữu đích thực phải giống Chúa Giêsu.

Và khi được hỏi:

- Nên giống Chúa Giêsu như thế nào?

Cô nhắc lại lời Đức Mẹ dạy:

- Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật và là ánh sáng cho cuộc sống chúng ta. Đường đi thì đã được vạch rõ trong Kinh Thánh. Còn sự thật thì nằm ở cả trong Kinh Thánh và trong Giáo Hội. Ánh sáng thì từ Thiên Chúa mà đến cho những ai trung tín.

Mẹ luôn xin các con cái của Mẹ hãy đọc Sách Thánh, có như vậy ta mới biết về Thiên Chúa. Vì thế, Đức Mẹ xin những ai nói mình là tín hữu hãy sống cuộc sống của Chúa Giêsu như khi Chúa sống ở trần gian. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường về Thiên Đàng. Cuộc đời của Ngài là mẫu mực cho các tín hữu noi theo. Nếu tín hữu sống theo mẫu mực đó, họ sẽ là những môn đệ trung thành của Tin Mừng. Đời sống của họ sẽ nêu gương cho thấy có một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chăm sóc dưỡng nuôi ta, đỡ nâng ta trong hết mọi sự. Nhưng Mẹ cũng không quên nhắc: "ngày nay, có nhiều người đã quên, nhiều người đã chọn lựa những điều phù phiếm mau qua, nhiều kẻ không hề quan tâm tới chân lý, chỉ biết say mê những lạc thú trần gian, trí khôn đâm mù tối và sống co rút lại trong ích kỷ."

Cha Gioan Maria Vianney nói: "Chẳng có gì làm cho chúng ta nên giống Chúa bằng cách vác lấy Thánh Giá của Người. Đẹp thay bao linh hồn biết kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua việc yêu mến Thánh Giá của Ngài! Cha thật không tài nào hiểu được một Kitô-hữu mà không yêu mến và chạy trốn Thánh Giá! Như vậy, chẳng phải chúng ta đang chạy trốn Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống ôm chặt lấy Thánh Giá, và chịu chết cho chúng ta sao?

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

 Ước gì khi sống như thế, con giống Chúa hơn. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY
Mc 12,28b-34

"Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận

như chính mình." (Mc 12,33)

1. Trong Do Thái giáo, chúng ta thấy có hai khuynh hướng liên quan đến luật pháp luôn đi song hành với nhau. Một khuynh hướng muốn mở rộng tới vô hạn định, thành hàng trăm, hàng ngàn điều luật và qui tắc khác nhau. Khuynh hướng thứ hai thì cố gắng hết sức tóm tắt luật pháp lại càng gọn càng tốt, nếu cần thì chỉ trong một câu cũng đủ.

Có lần một người mới gia nhập Do Thái giáo yêu cầu thầy Hillel hãy dạy cho ông ta toàn thể luật pháp trong thời gian ông ta có thể đứng trên một chân. Câu trả lời của Hillel là:

- Điều gì ngươi ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn luật pháp, phần còn lại là nhằm giải thích.

Thầy Akiba đã nói:

- Hãy thương yêu người lân cận như chính bản thân mình, đó là nguyên tắc tổng quát và quan trọng nhất.  

Thầy Simon, biệt danh là người công chính, có nói:

- Thế giới này đứng trên ba điều: luật pháp, sự thờ phụng và hành động yêu thương.

Còn Chúa Giêsu khi trả lời câu hỏi người ta đặt ra cho Ngài, Ngài đã nhập chung hai điều quan trọng lại với nhau.

Đây là điều mới lạ. Trước đó, chưa hề có một Rabbi nào làm vậy. Như vậy, đạo đối với Chúa là yêu Chúa yêu người và Chúa cũng ngụ ý dạy rằng, phương pháp duy nhất để người ta chứng minh được mình yêu mến Chúa là yêu thương người khác.

2. Vâng! Nói thì đơn sơ như vậy, nhưng đem vào cuộc sống thì là cả một vấn đề.

Thánh Gioan Tông đồ viết: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu" (1Ga 4,7-8)

Không có tình yêu, cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nhưng sống yêu thương đó mới là điều tốt đẹp làm sao!

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn của Nga:

Một hôm, có một người đàn bà khó tính qua đời. Bà ta nổi tiếng là keo kiệt, cằn cỗi, cả đời không làm điều gì tốt, cũng chẳng yêu thương ai. Những người hàng xóm biết rất rõ về tính hận thù và hay ghen ghét của bà. Khi thấy bà hấp hối lũ quỷ cảm thấy vô cùng sung sướng. Chẳng cần phải đợi kết quả của sự phán xét ra sao, chúng đã hung hăng kéo luôn bà xuống hồ lửa đang cháy hừng hực bởi vì chúng tin rằng, một cuộc sống chẳng có một chút tình thương nào như thế thì chẳng cần phải phán xét cũng biết được kết quả như thế nào rồi.

Ma quỉ thì như thế, nhưng vị thiên thần bản mệnh của bà thì không chịu như vậy. Thiên thần nhất định không chịu thua. Ngài lăng xăng chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm từ trong dĩ vãng của bà xem có thể có một chứng cứ nào có thể cứu bà khỏi hình phạt khổ hình được không. Tìm tới tìm lui, loay hoay sổ này sổ nọ mà vẫn không thấy. Không thất vọng, thiên thần còn đi vào cả dĩ vãng của cha mẹ bà để xem có phải vì hoàn cảnh nào đó mà bà trở nên một con người như vậy chăng!

Nhưng rồi cuộc tìm kiếm chỉ để lại thất vọng. Rất may, đúng phút đó, thì thiên thần nhớ lại được một cử chỉ bác ái rất nhỏ của bà: Có một lần bà đã cho người nghèo kia một cọng hành. Thế là thiên thần vội vàng đến trình diện trước tòa Chúa. Thiên thần đưa ra chứng cớ, xin Chúa cứu xét trường hợp của bà. Chúa nhân lành ưng ngay, và ra lệnh cho thiên thần hãy kiểm tra lại cái cọng hành kia. Vâng! Quả là may mắn cho bà. Cộng hành vẫn còn được lưu giữ trong kho công nghiệp.

Sau khi được phép, thiên thần dùng cọng hành biến thành dây, để kéo người đàn bà đó ra khỏi hồ lửa. Vớ được cọng hành, bà nắm thật chặt và được từ từ kéo lên.

Thiên thần kéo cọng hành một cách hết sức thận trọng. Mọi sự diễn tiến rất tốt đẹp. Người đàn bà kia hớn hở mừng rỡ, tin rằng, giờ cứu thoát đã gần đến.

Thế nhưng, trước khi được hoàn toàn giải thoát, đang lâng lâng lướt nhẹ, thì bà chợt cảm thấy như bị níu kéo lại bởi nhiều bàn tay. Bà cảm thấy mình bị đụng chạm từ nhiều chỗ: nào là gấu áo, nào là chân, nào là tay và cả lưng áo nữa. Bà vội nhìn xuống lại thì thấy nhiều linh hồn khác đang “canh-me” bám vào bà với hy vọng mình cũng được cứu. Dĩ nhiên là bà không bằng lòng chút nào. Rồi với quyết tâm không cho những con người đó bám vào mình, bà lấy hết sức mình hất tất cả những bàn tay ấy ra. Rủi thay, chính hành động đó đã làm cộng hành bị đứt ra làm hai. Thế là bà và những người khác, tất cả lại rơi thẳng xuống đáy lò lửa.

Vâng, sống yêu thương thật khó. Mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm về vấn đề này. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Nếu biết cậy dựa vào ơn của Chúa.Vì đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được. (Lc 1,37)


THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY
Lc 18,9-14

"Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
(Lc 18,14)

1. Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta:

Đây là lời của một bản thánh ca: con chẳng có gì dâng Chúa hôm nay.

Một đêm Giáng Sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân:

- Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

- Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.

- Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không?

- Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

- Con còn điều gì khác nữa không?

- Nào con còn có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu! Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo:

- Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

- Ôi lạy Chúa, thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được?

- Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích "Món quà giáng sinh")

2. Lời Chúa hôm nay cũng muốn nhắc nhớ chúng ta về sự cầu nguyện. Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy được một số gợi ý cho chúng ta:

a. Người kiêu ngạo không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ ai biết quì gối xuống mới vào được. Có một bài cầu nguyện của một Rabbi Do Thái mà người ta ghi lại được. Bài cầu nguyện đó như sau:

"Lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi, tôi cảm tạ Ngài vì Ngài đã đặt tôi dự phần với những viện sĩ trong Hàn lâm viện chứ không phải ngồi chung với những kẻ đầu đường xó chợ. Vì tôi dậy sớm thì chúng cũng dậy sớm, tôi dậy sớm để học luật pháp Chúa, còn chúng dậy sớm vì những sự hư không. Tôi làm việc, chúng cũng làm việc. Tôi làm việc và lãnh phần thưởng, còn chúng làm việc và không được lãnh phần thưởng. Tôi chạy và chúng cũng chạy, tôi chạy tới sự sống của đời sau, còn chúng chạy tới hố diệt vong".

Người ta nói, Rabbi Simon ben Gacai đã có lần nói: "Nếu chỉ có hai người công chính trên thế gian thì đó là tôi và con trai tôi; nếu chỉ có một người công chính thì người đó là tôi". Người Pharisêu này thực ra không đến Đền thờ để cầu nguyện. Ông ta đến để nói cho Thiên Chúa biết ông ta tốt như thế nào.

b. Người nào khinh dể anh em mình cũng không có thể cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, chúng ta không được nâng mình lên trên kẻ khác. Cần nhớ rằng, chúng tôi là một phần nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quì gối trước ngai xót thương của Thiên Chúa.

c. Chỉ có sự cầu nguyện thật khi chúng ta biết đặt đời sống mình bên cạnh sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta không hồ nghi điều mà người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay đã nói. Tất cả đều đúng. Ông ta đã ăn chay và đã kỹ lưỡng dâng 1/10, ông ta đã không giống người khác, lại càng không giống người thâu thuế bên cạnh ông. Nhưng vấn đề không phải là "Tôi có tốt như kẻ khác chăng?" nhưng là "Tôi có tốt như Chúa không?"

Trong cuốn “Tâm Hồn Nhật Ký”, Đức Gioan XXIII đã ghi lại tất cả cuộc sống thiêng liêng của ngài, trong đó phần quan trọng nhất là phần ghi lại những lần tĩnh tâm từ lúc còn ở chủng viện (1898) cho đến những năm trên ngôi Giáo Hoàng (1963). Đối với ngài, mỗi lần tĩnh tâm là mỗi lần kiểm điểm lại cuộc đời và có quyết định mới. Đặc biệt là lúc đã ngoài 80 tuổi, gần từ giã dương thế, mặc dù ở trên ngôi Giáo Hoàng bận rộn muôn vàn công việc đại sự, ngài vẫn thường xuyên tự kiểm điểm. Ngài luôn quyết tâm sống xứng đáng là một tâm hồn cao cả, muốn sửa đổi mình liên lỉ để sống đẹp lòng Chúa cho đến giây phút cuối cùng, sống thế nào đó cho được giống như Người.

Như vậy, tất cả là tùy ở chỗ chúng ta so sánh mình với đối tượng nào. Khi chúng ta đặt đời sống mình bên cạnh đời sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, bên cạnh sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi khốn nạn".

Mẹ Têrêsa phụ hoạ thêm:

Cầu nguyện sẽ mở rộng hơn tấm lòng của bạn, mãi tới mức lòng bạn lớn đủ, để chứa cả món quà tặng là chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện không đòi chúng ta bỏ dở công việc nhưng đòi chúng ta tiếp tục làm việc vì làm việc cũng là cầu nguyện.

Cầu nguyện dẫn tới đức tin, đức tin dẫn tới tình yêu, tình yêu đưa tới phục vụ vì lợi ích người nghèo.

Lạy Chúa, xin làm con nên dụng cụ phục vụ mọi người trên thế giới với tình yêu thương như Chúa. Amen.

Top