Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27)

Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27)

Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27)

“Ông lấy quyền nào
mà làm các điều ấy ?
Ai đã cho ông quyền ấy ?”
(Mt 21,23)

 

BÀI ĐỌC I: Ds 24, 2-7. 15-17a

“Ngôi sao từ nhà Giacóp mọc lên”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Balaam ngước mắt lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con ông Beor, lời sấm của người đang mở mắt; lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người chiêm ngắm Đấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường nào! Nó rộng lớn như thung lũng, như những vườn bên dòng sông, như cây trầm hương mà Thiên Chúa đã trồng, như cây hương nam bên suối nước. Nước tràn ra khỏi thùng chứa, và hạt giống của ngươi được tưới dư dật. Vua ngươi sẽ trổi vượt Agag, và vương quốc ngươi sẽ uy hùng”.

Balaam lại tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con của Beor, lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người biết ý nghĩ Đấng Tối Cao, của người xem thấy hình ảnh Đấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Đáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Đáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 21, 23-27

23Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?”

24Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?”

Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?”

26Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” 27Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đấng Cứu Thế đã đến trong trần gian. Nhưng ta có chấp nhận Ngài hay không là tùy ở ta có khiêm nhường và thành tâm hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã xuống thế làm người. Chúa đã tỏ mình ra qua lời giảng dạy và qua những việc làm đầy uy quyền. Vậy mà các thượng tế và kỳ mục vẫn không nhận ra Chúa. Vì họ đã quá kiêu căng.

Con cũng lo sợ cho chính con. Con đã để cho lòng của con đầy ắp sự kiêu căng. Con dễ dàng đánh mất sự bén nhạy trước lời ngỏ của Thiên Chúa. Con cũng dễ dàng loay hoay tìm kiếm bảo vệ quyền lợi mình. Con cũng dễ dàng để cho mình rơi vào tình trạng chán ngán và không còn đói khát sự công chính. Con cũng nhận thấy rất rõ khuynh hướng để mình đi trong mê lầm giả trá.

Chúa đã từ chối không tỏ mình ra cho những vị thượng tế và kỳ mục kiêu căng cố chấp. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin Chúa giúp con luôn biết khiêm nhường trong cuộc sống. Xin cho con luôn được ơn biết mở rộng tâm hồn để thành tâm đón nhận chân lý và ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, con đang sống trong Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Con không mong chờ Chúa giáng sinh vì Chúa đã giáng sinh rồi. Nhưng con mong chờ Chúa đến lần thứ hai như Chúa đã hứa để hoàn tất quyền làm Chúa trên vũ hoàn. Đang khi đó, Chúa vẫn đến với con qua từng biến cố, qua từng anh em con gặp gỡ, và nhất là trong thánh lễ hằng ngày. Xin Chúa ban cho con luôn nhậy bén và hằng thức tỉnh đợi chờ Chúa đến mỗi ngày. Amen.

Ghi nhớ: “Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có ?”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

1. Chúa Giêsu bị chất vấn:

- Ai chất vấn ?”Các thượng tế và kỳ mục” (c.23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng hội đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của đạo.

- Chất vấn về điều gì ? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán, đã chữa bệnh và nay đang giảng dạy. Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ ?

- Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.

2. Phản ứng của Chúa Giêsu:

- Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn: chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu: có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa ?

3. Kết cuộc: Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.

Suy gẫm

1. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.

2. Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ: cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen... có gì không ổn không ? Có gì phải sửa đổi ? Có gì phải từ bỏ ? Phải cố gắng thêm gì ?... Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.

3. Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật: Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói ra ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra uy quyền của Chúa trên đời chúng con. Vì Ngài là Đấng uy quyền và bất biến, vĩnh cửu và toàn năng. Xin cho uy quyền của Chúa lan tỏa ra qua Lời Chúa để thay đổi tâm hồn chúng con, để cuộc sống chúng con chứng tỏ uy quyền của Chúa qua cuộc sống, qua vũ trụ và những biến cố cuộc đời.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Lấy quyền ai? (Mt 21,23-27)

  1. Chúng ta biết Đức Giêsu là cái gai trước mắt các nhà lãnh đạo Do thái, họ quyết không chịu đội trời chung với Ngài. Họ căm ghét và tìm cách giết Ngài. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ tìm đến mở cuộc khẩu chiến với Ngài. Họ mong kiếm tìm được lời gì có thể buộc tội hay ít ra làm cho Ngài mất ảnh hưởng và dân chúng bớt ngưỡng mộ Ngài.
  2. Hôm đó, Đức Giêsu vào Đền thờ Giêrusalem và thanh tẩy Đền thờ “khi đánh đuổi bọn buôn bán cùng với bò lừa ra khỏi khu vực Đền thờ” (Mt 21,12). Các thượng tế, luật sĩ và kỳ mục họp bàn với nhau để chủ ý ghép Đức Giêsu vào tội “lộng quyền” nhằm giết Ngài. Họ bàn bạc, sắp xếp và quyết định đưa ra một câu hỏi để chất vấn Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy?” Họ cố ý dùng câu trả lời của Đức Giêsu để kết tội Ngài. Đây là một câu hỏi không thành tâm muốn biết quyền năng của Chúa để tin Ngài nhưng thực ra lại mang một ý đồ xấu.
  3. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, nhưng thay vì trả lời, Đức Giêsu đặt ngược lại cho họ một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tẩy giả: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Đây không phải là Đức Giêsu né tránh vấn đề, Người chỉ muốn đặt vấn đề vào đúng vị trí về sứ mệnh của Gioan Tẩy giả, vì Gioan có thông dự vào vào việc loan báo vương quyền Thiên Chúa. Như thế nói về Gioan tức là nói về Đức Giêsu. Người đặt câu hỏi như vậy khiến những người hạch hỏi Chúa rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
  4. Nhưng kẻ đặt câu hỏi với Đức Giêsu biết rõ rằng: toàn dân đã xác tín Gioan là một tiên tri được Chúa sai đến, cho nên phép rửa của Gioan là bởi trời. Họ cũng biết chắc Ngài sẽ trách họ: “Nếu các ông đã biết bởi trời, tại sao các ông không tin Gioan?” Còn nếu trả lời rằng của Gioan là bởi người ta, thì họ lại sợ dân chúng ném đá... Cho nên, họ trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không được biết”.
  5. Sở dĩ các thượng tế và kỳ lão không nhận bằng chứng của Gioan, cũng không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa là vì họ có thành kiến, kiêu ngạo, họ cho rằng họ biết hết, kỳ thực họ chẳng biết gì. Họ chỉ nhìn Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu theo định kiến thiển cận thấp hèn của họ. Muốn nhận biết Chúa, phải gạt bỏ mọi thành kiến.

Một vị giảng thuyết được mời đến một nhà thờ nọ. Ông được báo trước rằng một số giáo dân thường bỏ về trước khi bài giảng kết thúc. Bắt đầu giảng, ông loan báo: “Sáng nay, tôi sẽ nói với hai hạng người: trước tiên nói với người tội lỗi, và sau đó với những người thánh thiện”.

Ông diễn thuyết cho “những người tội lỗi” được một lát, rồi ông nói họ: “Bây giờ các bạn có thể ra về”. Thế nhưng hôm đó, mọi người ở lại cho đến kết thúc bài giảng.

Thính giả như người biệt phái và luật sĩ.....

  1. Trước câu hỏi này của Đức Giêsu, các thượng tế và kỳ mục đã nói “Chúng tôi không biết”. Đó không phải là trả lời mà cách nói tránh né sự thật. Họ dư biết phép rửa của Gioan là bởi trời, nhưng sợ phải nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên họ không dám đối diện với sự thật; vì một khi nhìn nhận vai trò của Gioan Tẩy giả, mà Gioan Tẩy giả là người giới thiệu Đức Giêsu, thì họ cũng phải nhìn nhận vai trò cứu thế của Đức Giêsu như Gioan loan báo. Nếu đón nhận sự thật đó, hệ quả là các ông phải thay đổi tất cả: từ não trạng, niềm tin, đến nếp sống. Vì không muốn hoán cải nên họ đã quanh co, tránh né sự thật mà nói: “Chúng tôi không biết” (5 phút Lời Chúa).
  2. Truyện: Kẻ cắp gặp bà già

Thời Xuân Thu chiến quốc có kể câu chuyện về vài cách ứng đối của Án Tử như sau:

Nghe tin Án Tử sắp sang nước Sở. Vua Sở bảo quần thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không?” Cận thần thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.

Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế?” Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?”

Án Tử đứng dậy bèn thưa: “Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc lại thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại sao? Thưa là tại thuỷ thổ khác nhau. Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thuỷ thổ nên sinh ra đổi khác chăng?”

Qua câu chuyện này chúng ta có thể rút ra bài học: Chúa muốn dạy ta hãy cố gắng mà đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa, ta cũng phải cố gắng mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có con đường đó thì lương tâm ta mới được vui tươi và nếu cố sống như thế ta mới được Chúa chúc phúc.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top