Sự tôn trọng có vai trò then chốt trong đối thoại với các tôn giáo khác

Sự tôn trọng có vai trò then chốt trong đối thoại với các tôn giáo khác

Một linh mục nói tổ chức các buổi cầu nguyện với tín đồ các tôn giáo khác và xuất bản sách nói về đối thoại liên tôn đang giúp Giáo hội Công giáo Myanmar đến với mọi người trong xã hội.

“Chỉ khi nào chúng ta nhận ra những bất đồng tồn tại giữa các tôn giáo, chúng ta mới có thể chấp nhận và tôn trọng nhau và làm việc với nhau” - linh mục Mark Tin Win, thư ký Ủy ban Giám mục về Đối thoại Liên tôn, nói.

Mục đích tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo khác không phải là cải đạo họ mà là chia sẻ Đức Giêsu với họ, theo linh mục thuộc tổng giáo phận Mandalay, ngài còn là thư ký điều hành Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar.

Cha Tin Win nói về những thử thách Giáo hội gặp phải khi tham gia đối thoại liên tôn ở Myanmar trong cuộc phỏng vấn sau đây.

UCAN: Giáo hội đang làm gì về đối thoại liên tôn?

Linh mục Mark Tin Win: Chúng tôi đã tổ chức ba chương trình cầu nguyện với người Ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo cầu cho nạn nhân bão Nargis, hòa bình ở Myanmar và Đức Thánh cha Gioan Phaolô II khi ngài qua đời.

Ở Mandalay, chúng tôi quản lý Trung tâm Giáo dục Thánh Gioan và học viên thuộc các tôn giáo khác nhau theo học các lớp vi tính, tiếng Anh và tiếng Ý ở đó. Vì thế chúng tôi có thể giữ liên lạc với nhiều người khác nhau và một số tu sĩ Phật giáo.

Tôi cũng đích thân liên lạc với các lãnh đạo Ấn giáo và Hồi giáo.

Chúng tôi còn làm việc với các nữ tu dòng Columban dạy tiếng Anh trong các tu viện Phật giáo. Sứ mệnh của họ cũng là đối thoại liên tôn vì thế chúng tôi có chung sứ mệnh.

Giáo hội còn tổ chức hội nghị cho chủng sinh và các dòng tu và tôi thuyết trình về đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa cho học viên năm cuối của Đại Chủng viện Công giáo Thánh Giuse ở Yangon.

Tôi đã viết các bài báo về đối thoại liên tôn trên thư thông báo truyền thông xã hội của tổng giáo phận Mandalay, Tiếng nói của Mục tử, trong nhiều năm và còn cho xuất bản hai quyển sách về đề tài này cho tất cả người dân Myanmar.

Giáo hội gặp phải những thử thách nào?

Nhiều người không biết “đối thoại” có nghĩa gì. Một số lãnh đạo của các tôn giáo khác nghĩ rằng đối thoại là giảng dạy.

Một thử thách nữa là Giáo hội Công giáo Myanmar khá tây hóa. Cách chúng ta nói chuyện và sinh hoạt không theo văn hóa Miến Điện. Chúng ta không biết văn hóa của chính mình. Đó là lý do những người thuộc các tôn giáo khác cho chúng ta là ngoại lai.

Đâu là lợi ích của việc tương tác với các tôn giáo khác?

Nếu chúng ta có thể làm bạn với những người thuộc các tôn giáo khác, chúng ta có thể truyền giáo cho họ. Truyền giáo không có nghĩa là cải đạo người khác theo Công giáo nhưng chỉ là chia sẻ với họ về Đức Giêsu.

Chỉ khi nào chúng ta nhận ra những khác biệt tồn tại nơi các tôn giáo chúng ta mới có thể chấp nhận và tôn trọng nhau và làm việc với nhau.

Các linh mục và tu sĩ hoạt động như thế nào trong đối thoại liên tôn?

Nữ tu thường tham gia công tác này nhiều hơn các linh mục triều. Các giám mục cũng đã khuyến khích.

Cha đã viết sách về đối thoại liên tôn. Mục đích của cha trong việc này là gì?

Tôi muốn người dân Myanmar biết được ý nghĩa thực sự của đối thoại. Một số tu sĩ Phật giáo tán thành những điều tôi đã viết và đã có những bình luận tích cực. Họ còn khuyến khích tôi tiếp tục viết và xuất bản sách về đối thoại liên tôn.

Văn phòng đối thoại liên tôn của Mandalay có kế hoạch gì?

Chúng tôi dự định viếng thăm lãnh đạo các tôn giáo khác. Văn phòng không chỉ dành để đối thoại liên tôn mà còn là một trung tâm văn hóa vì Mandalay là trung tâm văn hóa Miến điện.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top