Sự sống con người theo lý Thiền (3): Cái gốc của khắc khoải lo sợ

Sự sống con người theo lý Thiền (3): Cái gốc của khắc khoải lo sợ

PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN (tt)

3. Cái gốc của khắc khoải lo sợ

Tự quan sát một cách thật thà và không thiên vị, tôi thấy mình không phải là người chủ động kiến tạo nên những tâm tình và cảm nghĩ của mình. Những tâm tình và cảm nghĩ mà tôi có chỉ là những hiện tượng đến với tôi. Vì không phải là người chủ động kiến tạo nên tâm tình, cảm nghĩ và tư tưởng của mình, nên tôi phải nhìn nhận rằng tôi cũng không phải là người chủ động kiến tạo nên hành động của mình, nghĩa là tôi không thể làm gì một cách tự do.

Như thế ý thức và ý chí xuất hiện nơi tôi như thế nào? Có phương thế nào biến những khả năng đó thành hiện thực? Trước những câu hỏi đó, tôi cảm thấy tôi không làm chủ mình, tôi cảm thấy một nỗi khắc khoải lo âu, một nỗi đau đớn tinh thần đeo đuổi tôi triền miên.

Những ai công nhận con người có khả năng tự giải thoát mình khỏi tình trạng khốn đốn nói trên không phải là đã nhất trí với nhau về mặt lý thuyết. Đa số căn cứ trên lý luận sai lạc như sau: khi sinh ra, con người chưa có ý thức và ý chí, nên phải đắc thủ và kiến tạo chúng bằng một thứ hoạt động đặc biệt của nội tâm. Công việc đó khó khăn và lâu dài, có nghĩa là việc đắc thủ ý thức và ý chí là một biến hóa tiệm tiến. Leo lên những nấc thang phát triển, con người dần dần đạt đến những trình độ ý thức cao hơn, nhờ đó mỗi ngày họ tiến đến gần ý thức khách quan và tuyệt đối.

Quan điểm của Thiền thì ngược lại: con người đã sẵn có ý thức và ý chí, họ không thiếu gì cả, Nguyên lý Tối Thượng đã đặt để sẵn mọi sự để họ có được tự do trong suy nghĩ và hành động, ví như một bộ máy có đủ mọi bộ phận để hoạt động tốt. Nhưng từ khi sinh ra, thân phận con người đã mang một khuyết tật, bộ máy của họ như bị rạng nứt làm đôi, một bên là lòng thú, một bên là lòng thần. Vì thiếu sự thống nhất cơ bản, con người không hưởng được mọi đặc tính của bản thể tuyệt đối mà Nguyên lý Tối Thượng đã thông cho mình. Để bộ máy có thể hoạt động bình thường, cần phải gắn liền hai phần đã bị tách biệt nhau. Nếu ví con người như một khối nước đá, thì khối nước đá ấy không thiếu gì cả để mang bản chất nước, nhưng nó cần thiết phải tan đi để thể hiện đầy đủ mọi đặc tính của nước.

Ý thức đó tất nhiên bao hàm tính đường đột của sự thành đạt của con người. Khi hai phần tách biệt được gắn liền lại, thì tức khắc con người hưởng được những đặc tính của bản thể thần linh. Cái khó khăn, sư lâu dài và tiệm tiến, chính là công việc đưa đến thiết lập sự gắn liền. Nói cách khác, việc chuẩn bị cho sự giải thoát thì tiệm tiến, còn chính sự kiện giải thoát thì tức khắc.

Trong quá trình chuẩn bị, mỗi ngày ta tiến đến gần tự do hơn, nhưng thật ra chưa được tự do. Dầu vậy cũng cảm thấy bớt đau khổ. Giống như người tù mài miệt cưa song sắt cửa sổ nhà tù. Công việc của anh ta đang tiệm tiến, mỗi giờ khắc đưa anh ta đến gần mục tiêu giải thoát hơn, nhưng bao lâu cưa chưa xong thì bấy lâu anh ta vẫn còn ở trong ngục, vẫn chưa được tự do tí nào, anh ta chỉ được tự do tức khắc và hoàn toàn khi những song sắt rớt ra. Cái lợi song song với quá trình chuẩn bị vượt ngục là mỗi giờ khắc anh ta bớt đau khổ hơn và thêm hy vọng.

Đức Giêsu nói với Nicôđêmô rằng con người phải chết đi để được tái sinh. Chính nhờ quá trình hoạt động của nội tâm mà ta dần dần tiến đến cái chết cho con người cũ, nhưng chính cái chết đó cũng như sự kiện tái sinh trong một trạng thái mới thì chỉ là hai mặt của một biến cố nội tâm duy nhất và đột biến. Cơn hấp hối của con người cũ có thể mang tính chất ít nhiều khẩn trương, nhưng con người cũ không chết dần dần nhiều hơn. Con người mới hoặc là được tái sinh hoặc chưa, chớ không tái sinh dần dần. Biến cố nội tâm duy nhất và đột biến đó, Thiền gọi là khai ngộ, là mở con mắt thứ ba, là mở huệ nhãn. Thiền cũng gọi đó là về đến nhà mình.

Bây giờ ta có thể tìm hiểu hoàn cảnh thông thường của con người thiếu thống nhất nội tâm với những hệ quả của nó.
Nhưng để có thể hiểu nguyên nhân của hoàn cảnh thông thường đó, ta cần phác họa hoàn cảnh của con người thành đạt, con người hưởng đầy đủ mọi đặc tính của bản thể thần linh. Con người thành đạt cũng là một bộ phận bao gồm lòng thú và lòng thần. Lòng thần của họ không lụy thuộc ảnh hưởng lòng thú, nhưng lụy thuộc ảnh hưởng của Chân lý Tuyệt đối, của Thượng Trí tối cao. Một sức mạnh phát xuất từ Thượng Trí đi vào con người và gắn liền hai phần nên một, đồng thời nối kết nó với Nguyên lý Tối Thượng, nhờ đó nó được tham dự vào bản thể thần linh, và từ đó con người được tái sinh thành con người mới.

So với con người thành đạt đó, ta tìm hiểu con người tự nhiên thông thường phát triển như thế nào?

1. Lúc mở mắt chào đời

Lòng thú và lòng thần có đó và đang phát triển, nhưng chưa kiện toàn, nên đứa bé sơ sinh chưa ý thức và chưa phân biệt được cái ngã với cái phi ngã (phi ngã là cái không phải là tôi, là cái đối kháng với cái ngã), nó đắm chìm và chan hòa trong ngoại giới và không ý thức với biên giới của mình.

2. Đến một, hai tuổi

Bộ não động vật kiện toàn, có khả năng nhận thức cụ thể như loài vật, ý thức và phân biệt được cái ngã với cái phi ngã. Trước kia sống chan hòa, không phân biệt, còn nay thì nhận ra có những cái khác biệt với mình, có những cái đối kháng với mình, và cảm thấy khổ. Đó cũng là lúc xuất hiện nỗi sợ hãi cái chết, sợ hãi mối đe dọa từ phi ngã. Nỗi sợ đó làm phát sinh nơi trẻ tâm trạng chiến tranh đối đầu giữa cái ngã và cái phi ngã. Nói cách khác, nỗi sợ làm phát sinh nơi nó ước muốn sống đồng thời ước muốn triệt tiêu cái phi ngã, cái không thuận với nó. Đứa trẻ diễn tả điều đó khi nó khẳng định: tao chớ không phải mầy! Nó khẳng định bản thân bằng phủ nhận tha nhân. Cái ngã “tao” ở đây phải hiểu là tất cả những gì nó cảm thấy thuận lợi cho sự sống của nó. Còn cái phi ngã “mầy” là tất cả những gì nó cảm thấy đe dọa sự sống của nó. Tâm trạng của trẻ giản đơn và rõ ràng: có hai phe đứng ở hai phía đối địch nhau, cuộc chiến sẽ đưa đến một là sống, hai là chết. Khi mê nâng niu vỗ về, thì mẹ đứng về phe mình, mẹ là thuẫn che chở chống lại cái chết, và đứa trẻ cảm thấy an lòng với đồng minh đó. Nhưng khi mẹ rầy la quở phạt, mẹ lại thuộc loại phi ngã, thành trì bảo vệ đã sụp đổ, và đứa trẻ la khóc trong hoảng hốt sợ hãi. Đó là biểu hiện của nỗi sợ chết, mặc dù đó chỉ là cái sợ vô ý thức.

Trong tình trạng chiến tranh đó, đứa trẻ hoàn toàn thiên về một phe. Vì thiếu ánh sáng của Thượng Trí, nó chưa có tí nào tính không thiên vị, nó chưa có thể đặt mình vào quan điểm người khác, thái độ của nó trước phi ngã chỉ là phủ nhận. Tính quyết liệt của sự phủ nhận thì tùy thuộc mức độ của cuộc chiến, nguyên nhân của phong cách đứa trẻ hoàn toàn tùy thuộc tình cảm và phi lý.

3. Đến tuổi khôn

Đến tuổi khôn, đứa trẻ có khả năng nhận thức trừu tượng và không thiên vị. Nó có thể khái niệm về một sự thiện khác hơn sự khẳng định của cái ngã đối với phi ngã. Bên cạnh khuynh hướng phát triển cơ thể của riêng mình, xuất hiện khuynh hướng kiến tạo cái ta trong vũ trụ, cái phổ quát trong cuộc sống con người. Đó là bắt đầu có khái niệm về Chân Thiện Mỹ và hướng tìm về đó.

Nhưng khi trí khôn xuất hiện thì cũng là lúc mà bộ máy tình cảm đã được thiết lập vững vàng với cái nhìn thiên vị của hoàn cảnh riêng mình trong vũ trụ. Tư tưởng của lòng thần trong con người xuất hiện khi tư tưởng của lòng thú trong họ đã được xác lập trong thế đối địch với tư tưởng của lòng thần. Tư tưởng lòng thần khẳng định cái tổng thể vừa duy nhất vừa đa diện trong hòa hợp, còn tư tưởng lòng thú chỉ có thể khẳng định cái duy nhất qua việc phủ nhận cái đa diện. Tư tưởng của lòng thú không thể vươn lên với tư tưởng của lòng thần, tư tưởng lòng thần phải đi xuống với nó. Nhưng vì ở trong cái thế không thiên vị, nên tư tưởng lòng thần quay lưng với tính thiên vị của tư tưởng lòng thú. Thế là một hố ngăn cách được đào sâu giữa hai phần. Hai phần đó sống bên cạnh nhau trong con người, nhưng không gắn liền và thống nhất với nhau. Vì thiếu sự thống nhất nội tâm, nên con người không đạt được ý thức tuyệt đối, bao quát. Do đó phần tinh thần chỉ hoạt động trong lãnh vực hình thức và hình ảnh. Nhưng hình ảnh về cái phổ quát, về Chân Thiện Mỹ mà con người tạo ra thì phóng chiếu theo hình ảnh họ có về mình là cái tôi. Từ đó phát sinh ra lòng tự ái là yêu mình, tự tôn thờ mình. Cái thế nhị nguyên bất hòa hợp của hai phần trong con người tạo nên hai sức mạnh khi thì cấu kết khi thì kình chống nhau trong khắc khoải lo sợ, sợ thất bại, sợ chết…

1. Cấu kết với nhau

Thống nhất nội tâm là một nhu cầu của con người. Trong tình trạng thiếu sự thống nhất đó, con người cố làm ra vẻ như có sự thống nhất đó, bằng cách uốn nắn những ý niệm của mình cho phù hợp với tư tưởng lòng thú của mình. Đó là trường hợp của người có trí khôn và ý chí yếu kém. Nơi họ, lòng thần chiều theo lòng thú, chiều theo những đòi hỏi của bản năng, hợp lý hóa những đòi hỏi đó để tránh bứt rứt nội tâm, họ tự trình bày vấn đề như thế nào đó để lý trí chấp nhận những xu hướng của bản năng. Con người đó sống cho cái trước mắt và quay lưng cho cái lâu dài và vĩnh cửu.

2. Kình chống nhau trong khắc khoải lo sợ

Nơi người có lòng thần phát triển mạnh, trí khôn cảm thấy cái phổ quát hiện thực hơn cái riêng biệt. Họ suy nghĩ vấn đề dưới góc cạnh lâu dài và vĩnh cửu. Nhưng vì sống trong thời gian và vì thời gian và vĩnh cửu gặp nhau ở điểm khoảnh khắc, nên họ sống trong khoảnh khắc. Họ muốn chiến thắng cái phi ngã, cái tiêu cực trong khoảnh khắc hơn là về lâu về dài. Nhưng chiến thắng trọn vẹn cái tiêu cực trong khoảnh khắc lại là điều xem ra không thể được, vì công việc thuộc thời gian phải là một công việc lâu dài. Từ đó họ phải thích ứng với hoàn cảnh giới hạn của cuộc sống. Việc thích ứng đó chỉ là một thái độ miễn cưỡng cam chịu. Thái độ miễn cưỡng cam chịu bao hàm một sự chấp nhận trên thực tế và một khước từ trên lý thuyết. Chấp nhận và khước từ là hai yếu tố bất khả hòa hợp đào sâu thêm hố ngăn cách trong nội tâm. Để tạo ấn tượng là nội tâm mình thống nhất, con người làm ra vẻ chấp nhận hoàn cảnh, nhưng kỳ thực họ chỉ đóng kịch, họ tự dối mình. Họ muốn làm thiên thần, nhưng kỳ thực họ không phải là thiên thần.

Khi lòng thú nói không mà lòng thần nói có, thì cái có đó chỉ là tương đối tạm bợ, hư dối. Con người chỉ đạt được cái có tuyệt đối khi biết tổng hợp những cái có và những cái không tương đối trong một mối duy nhất.

Không biết đi vào con đường tổng hợp đó, con người bằng lòng với cái có tương đối và tạm bợ của mình, coi đó như bằng chứng mình làm chủ được bản thân mình, thích nghi được với hoàn cảnh thực tế, nhưng kỳ thực chỉ là đóng kịch. Con người đó bị phân xẻ làm hai mảnh là thần và thú.

Ý thức họ gây ấn tượng mình là thần, và cố quên đi phần thú của họ. Khi phần thú xuất hiện nơi họ, họ quả quyết đó không phải là họ. Dần dần phần thú tạm thời bị bóp nghẹt và bị đẩy lùi vào trong ngõ tối của tiềm thức (nhưng không nằm yên đó).

A. Đối với người mà xung lực của bản năng yếu nhược, việc bóp nghẹt đó coi như đạt, phần thú xem ra như bị triệt tiêu, và họ được coi như con người văn minh và thích nghi. Họ thành công như thế là nhờ trí tưởng tượng và khả năng tinh thần phong phú tác tạo được một thế giới chủ quan cho riêng mình.

B. Còn đối với người mà xung lực của bản năng mãnh liệt, bao lâu mà bộ máy thích ứng còn hiệu quả, thì bấy lâu lý trí và trí tưởng tượng còn hoạt động có hiệu quả: họ hướng về một thần tượng, một chính nghĩa để giải quyết cuộc xung đột giữa cái ngã và phi ngã, giữa lòng thần và lòng thú, giữa tích cực và tiêu cực. Thế nhưng khi bộ máy thích ứng đó mất hiệu quả, khi thần tượng và chính nghĩa mất đi sức thu hút, khi lòng thú gào thét muốn thoát ra khỏi hang động mà nó đã bị dồn ép từ lâu, thì hoàn cảnh trở nên nghiêm trọng. Lúc bấy giờ xuất hiện nỗi khắc khoải lo sợ thất bại, mất mát. Vì sợ thất bại nên lòng thần tránh né cuộc chiến, một cuộc chiến chắc chắn đưa đến chiến bại. Để tránh né cuộc chiến, lòng thần làm ngơ trước sự hiện hữu của phi ngã, của tiêu cực, bằng cách lẩn trốn vào thế giới ảo mộng mà mình dựng lên. Thái độ đào tẩu trước cuộc chiến giữa cái ngã và phi ngã đó mang lại ít nhiều lợi lộc cho lòng thú, như sự tán dương và tình bằng hữu của một số người, nói cách khác là nó tìm gặp một số đồng minh. Thế nhưng với thời gian, lòng thú cảm thấy những bất hạnh và bất công, nên sinh ra tuyệt vọng, không còn tin vào những ảo tưởng đó nữa, vì cảm thấy mình bị lừa gạt. Từ đó lòng thú bất đồng ý kiến với thái độ cầu hòa của lòng thần, và muốn đi vào cuộc chiến. Nó coi thái độ đào ngũ của lòng thần là hèn nhát.

Con người lâm vào tình trạng đó có thể sánh như một pháo đài bị vây hãm, nơi đó binh lính cảm thấy cần phải chiến đấu để bảo vệ mạng sống, còn cấp chỉ huy không muốn chiến đấu nên ra lệnh đầu hàng. Binh lính không thể hiểu được cái lệnh phi lý đó, nên cảm thấy bị bỏ rơi và khắc khoải lo sợ cho mạng sống mình. Đó là nỗi lo sợ cố hữu của con người từ tấm bé khi chạm trán với phi ngã, khi lần đầu cảm thấy người mẹ lúc nào đó không còn là đồng minh của mình nữa.

Do đó, tâm trạng khắc khoải bao hàm hai yếu tố sau đây: Một là chối bỏ sự thấy bại, hai là sợ chết. Bắt đầu là lý trí, lòng thần giả bộ như không biết đến mối đe dọa của phi ngã đối với cái ngã. Làm như thế trong thực tế là nó công nhận sự hiện hữu của phi ngã, đồng thời đào tẩu sang phía địch. Còn lòng thú thì hoảng hốt vì thấy rằng sự đào tẩu đó làm cho nó trở nên bất lực trước mối đe dọa tiêu diệt mình.

Từ đó ta hiểu được rằng tại sao lo âu khắc khoải gắn liền với thân phận con người có lòng thần và lòng thú đều mạnh.

Còn hai hạng người ít lo âu là:

* những người có lòng thần yếu và sống hưởng thụ ích kỷ.

* những người có lòng thú yếu và sống quên mình vị tha.

Như thế người có lòng thần và lòng thú đều mạnh là người khốn đốn nhất, nhưng đồng thời cũng là người được mời gọi mãnh liệt nhất để thành đạt trọn vẹn hơn, một sự thành đạt được thực hiện bằng bí quyết tạo hòa hợp giữa cái có và cái không, giữa cái hữu và cái vô, giữa cái ngã và phi ngã.

Qua những mô tả trên, ta có thể chú ý đến mối liên hệ giữa lo âu và tưởng tượng. Phân tích mối liên hệ đó giúp ta hiểu chính xác hơn bản chất của sự đau khổ tinh thần.

Trên ta đã phân tích hai hiện tượng tâm lý trong nỗi khắc khoải lo sợ: hiện tượng thứ nhất là lòng thần lẩn tránh thực tại bằng cách bỏ trốn vào thế giới tưởng tượng, hiện tượng thứ hai là sự đào tẩu đó làm cho lòng thú bị nỗi sợ chết giày vò. Như thế trí tưởng tượng đóng hai vai trò trong lo sợ:

- Vai trò bảo vệ những ảo tưởng vị kỷ của lòng thần.

- Vai trò hủy diệt đối với lòng thú qua việc bỏ rơi nó trong nỗi sợ chết. Nói cách khác, trí tưởng tượng vừa bảo vệ cái tôi là cái tạm bợ, vừa dày vò bản thân là cái hiện thực.

Nếu nhìn sâu hơn, ta thấy rằng lo sợ là điều hư dối, vì nguyên nhân của nó là hư dối, vì nó là bộ phim do trí tưởng tượng ta dựng lên: nếu lòng thần quay lưng cho thực tại cuộc sống để lẩn trốn vào thế giới ảo mộng do trí tưởng tượng của mình dựng lên, đó là vì nó đòi hỏi ở thực tại cái tuyệt đối, đó là vì ó không biết cái nguồn gốc thần linh của mình, không biết mình xuất thân từ Nguyên lý Tối Thượng, từ Thượng Trí tối cao. Đó là một sự thiếu hiểu biết có tính cách tạm bợ, hư dối. Con người tìm cách thần thánh hoámình trong thời gian, đó là vì họ không biết bản thể thần linh của họ. Con người sinh ra là con của Thượng Đế, con Tạo Hóa, con Thiên chúa, và được tham dự vào bản thể thần linh của Người. Nhưng khi được sinh ra, con người quên đi nguồn gốc thần linh của mình, cứ nghĩ như một cách hư dối rằng mình chỉ là thân xác hay chết này. Quên đi nguồn gốc thần linh của mình, con người đau khổ do bỏ rơi, do cảm thấy luôn luôn thất bại trong nỗ lực thần thánh hóa mình, và rốt cuộc là do thiếu ý thức hướng tìm về Thực tại Tuyệt đối là nguồn gốc của mình, mà chỉ lẫn trốn vào thế giới của ảo mộng do chính mình dựng lên.

Trên là phần lý thuyết chứng minh sự lo sợ là điều hư dối vì nguyên nhân của nó hư dối.Về mặt thực hành, ta cũng có thể dùng trực giác mà cảm nghiệm tính hư dối của lo sợ. lúc đau khổ về tinh thần, bạn hãy tìm nơi thanh vắng, hãy chuyển sự chú ý của suy nghĩ đến cái mình cảm, hãy bỏ đi mọi hình ảnh trong tâm trí, hãy tập trung tâm trí vào cái gọi là đau khổ tinh thần để cảm nếm nó, để biết nó là cái gì. Một điều chắc chắn mà bạn cảm nghiệm được, chỉ là một uể oải trong thân thể, dấu vết của một sự thất thoát sinh lực do nỗi lo sợ gây nên. Nhưng bạn không thể tìm gặp tí gì về cái gọi là đau khổ tinh thần, thì sự cảm thấy đó đều chỉ là sự hư dối.Đi trong sa mạc, lúc khát nước và thiếu nước, ta có thể có ảo giác là thấy một lùm cây xanh ở phía trước, nơi có giếng nước. Kỳ thưc, điều ta thấy là hư ảo, là giả dối, nó không có thật. Đối với đau khổ tinh thần cũng thế, điều ta cảm thấy là hư dối, là không có thật. Cái có thật là nỗi sợ chết cố hữu, với những hình ảnh đe dọa, khủng khiếp mà trí tưởng tượng phóng ra, làm tiêu hao sinh lực trong cơ thể, gây uể oải toàn thân, làm cho ta mất sức, xuống tinh thần, có thể làm tê liệt mọi hoạt động, có thể đưa đến ảo tưởng là thấy có người mưu toan giết hại mình, thấy có kẻ sát nhân đang hướng về mình….Như thế nỗi lo sợ khắc khoải có thể đưa ta vào hang động ma quái.

Trong lo âu sợ hãi, sự chú ý của con người hướng về màn ảnh của trí tưởng tượng (thế giới ảo mộng) để lẫn tránh thực tại. Như thế sự lo sợ tấn công ta từ phía sau lưng. Công việc nội tâm được miêu tả trên (chuyển sự chú ý đến cái mình cảm) là một hành vi quay đi 180 đ, quay lưng cho màn ảnh của trí tưởng tượng, và hướng về phía phát xuất nỗi lo sợ. Hiệu quả là nỗi lo sợ giảm đi, chỉ để lại sự uế oải cho cơ thể. Từ đó ta có thể kết luận rằng bóng ma quái chỉ hiện hữu một cách hư dối khi ta quay lưng cho nó, nhưng khi trực kiến nhìn vào nó, thì ta chẳng thấy gì cả, nó chỉ là cái gì hư dối.

Những gì được nói trên chưa phải là một phương thuốc chữa trị trực tiếp tâm trạng lo sợ của con người. Một trong những thiếu sót thông thường là dừng lại ở triệu chứng mà không đi sâu vào căn bệnh để trị tận căn. Dầu vậy, tìm hiểu cái gốc của lo sợ là điều cần thiết cho việc giải thoát những đau khổ tinh thần. Và khi con người nhận thấy được tính hư dối của sướng khổ, họ mới cố gắng vượt qua hai cực âm dương để lên đến đỉnh Thái hòa, nơi đó lòng tin bừng tỉnh nhận được ánh sáng và sức mạnh để đi đến thành đạt.

(còn tiếp)

Xem thêm:

Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức.

Sự sống con người theo lý Thiền (2): Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng.

 

Top