Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân năm 2024 - Con người ở một mình thì không tốt
WHĐ (14.01.2024) – Hôm 13.01, Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô, cho Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ XXXII, sẽ được cử hành vào ngày 11.02.2024 sắp tới.
Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN
LẦN THỨ XXXII, NGÀY 11.02.2024
“Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2,18)
Chăm sóc bệnh nhân bằng việc quan tâm đến các mối tương quan
“Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2,18). Ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã tạo dựng con người để hiệp thông và ban cho con người khả năng thiên phú để bước vào những mối tương quan khác. Cuộc sống của chúng ta, được mô phỏng theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhằm đạt được sự viên mãn thông qua mạng lưới các mối tương quan, tình bằng hữu, và tình yêu thương hỗ tương. Chúng ta được dựng nên để ở bên nhau chứ không phải để sống đơn độc. Và chính vì dự án hiệp thông này đã được khắc sâu vào tâm hồn con người nên trải nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn là một điều gì đó đáng sợ, đau đớn, và thậm chí vô nhân đạo. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn vào những thời khắc mong manh, bấp bênh, và bất an, thường do sự bùng phát của một căn bệnh hiểm nghèo nào đó.
Chẳng hạn, tôi nghĩ đến biết bao người cảm thấy mình bị rơi vào cảnh cô đơn khủng khiếp trong đại dịch Covid-19: không chỉ những bệnh nhân không thể tiếp khách đến thăm, mà cả các y tá, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ cũng đều quá tải vì công việc và phải sống tách biệt trong các khu cách ly. Đồng thời, chúng ta không thể không nhớ đến những người phải đối diện với giờ chết một mình, dù được các nhân viên y tế giúp đỡ nhưng phải xa cách gia đình.
Tôi cũng chia sẻ nỗi đau khổ và cô đơn của những người, vì chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, thấy mình bị bỏ rơi cũng như không được hỗ trợ và giúp đỡ. Chiến tranh là căn bệnh xã hội khủng khiếp nhất và chính những người mong manh nhất lại phải trả giá cao nhất.
Đồng thời, cần phải nói rằng ngay cả ở những quốc gia được hưởng hòa bình và nguồn lực dồi dào hơn, thì giai đoạn tuổi già và bệnh tật cũng thường xuyên phải trải qua trong cô đơn và đôi khi thậm chí bị bỏ rơi. Thực tế nghiệt ngã này trước hết là hậu quả của nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, vốn đề cao hiệu suất bằng mọi giá và nuôi dưỡng huyền thoại về tính hiệu quả, trở nên thờ ơ, thậm chí tàn nhẫn khi con người không còn đủ sức lực cần thiết để theo kịp nhịp sống. Sau đó, nó trở thành một nền văn hóa vứt bỏ, trong đó “con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người nghèo hoặc khuyết tật, chưa hữu dụng (như trẻ sắp ra đời), hoặc chẳng còn ích lợi gì (như người già cả)” (Thông điệp Fratelli Tutti, 18). Thật không may, lối suy nghĩ này cũng hướng dẫn một số chọn lựa chính trị, không tập trung vào phẩm giá và nhu cầu của con người, và không luôn luôn ủng hộ các chiến lược và nguồn lực cần thiết để bảo đảm mọi người có quyền cơ bản về sức khỏe và tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra, việc bỏ rơi những người yếu đuối, và sự cô đơn của họ cũng được ủng hộ bằng việc giảm thiểu sự chăm sóc sức khỏe thành sự cung cấp các dịch vụ y tế đơn thuần mà không kèm theo một “giao ước trị liệu” giữa bác sĩ, bệnh nhân và thành viên gia đình.
Thật là tốt để chúng ta một lần nữa lắng nghe lời Kinh thánh này: “Con người ở một mình thì không tốt!” Thiên Chúa đã công bố những lời đó ngay từ lúc khởi sự công cuộc sáng tạo, và do đó, mạc khải cho chúng ta ý nghĩa sâu xa về kế hoạch của Ngài dành cho nhân loại, nhưng đồng thời, vết thương chí tử của tội lỗi, len lỏi vào bằng việc tạo ra những nghi ngờ, rạn nứt, chia rẽ, và dẫn đến hậu quả là sự cô lập. Tội lỗi tấn công con người và mọi mối tương quan của họ: với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, và với thụ tạo. Sự cô lập này làm cho chúng ta đánh mất ý nghĩa của cuộc đời; tước đi niềm vui của tình yêu và khiến chúng ta trải qua cảm thức cô đơn ngột ngạt trong mọi giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Anh chị em thân mến, phương thức chăm sóc đầu tiên cần có đối với bất kỳ căn bệnh nào là sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Do đó, chăm sóc người bệnh trước hết có nghĩa là quan tâm đến tất cả các mối tương quan của họ: với Thiên Chúa, với người khác – thành viên trong gia đình, bạn bè, nhân viên y tế –, với thụ tạo, và với chính mình. Điều này có thể thực hiện được không? Có, điều này có thể thực hiện được và tất cả chúng ta đều được mời gọi để biến điều này thành hiện thực. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương Người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10, 25-37), vào khả năng sống chậm lại, và tiến đến gần người khác của ông, vào tình yêu dịu dàng khi ông chăm sóc những vết thương của người anh em đang đau khổ.
Chúng ta hãy nhớ chân lý trung tâm này của cuộc đời chúng ta: chúng ta đến thế gian này vì có ai đó đã chào đón chúng ta; chúng ta được tạo dựng cho tình yêu; và chúng ta được mời gọi hiệp thông và huynh đệ. Chiều kích này của cuộc sống nâng đỡ chúng ta nhất là vào những lúc bệnh tật và yếu đuối. Đó cũng là liệu pháp đầu tiên mà tất cả chúng ta phải áp dụng để chữa lành những căn bệnh của xã hội nơi chúng ta đang sống.
Đối với anh chị em, những người đang trải nghiệm bệnh tật, dù là tạm thời hay mãn tính, tôi muốn nói điều này: Đừng xấu hổ vì anh chị em ước muốn nhận được sự gần gũi và dịu dàng! Đừng che giấu điều đó và đừng bao giờ nghĩ rằng mình là gánh nặng cho người khác. Tình trạng đau bệnh thôi thúc tất cả chúng ta lùi lại nhịp khỏi sống bận rộn của mình để tái khám phá bản thân.
Vào thời điểm thay đổi mang tính thời đại này, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi để biến ánh nhìn đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu thành của chúng ta. Chúng ta hãy quan tâm đến những người đau khổ và cô đơn, thậm chí bị gạt ra bên lề xã hội và bị bỏ rơi. Với tình yêu hỗ tương mà Đức Kitô ban cho chúng ta trong cầu nguyện, đặc biệt là trong Thánh Thể, chúng ta hãy chữa lành những vết thương của sự cô đơn và cô lập. Qua đó, chúng ta hãy hợp tác để chống lại nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, sự thờ ơ và vứt bỏ, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của một nền văn hóa dịu dàng và trắc ẩn.
Người đau bệnh, người dễ bị tổn thương, và người nghèo là trung tâm của Giáo hội và cũng phải là trung tâm của mối quan tâm nhân bản và sự chăm sóc mục vụ của chúng ta. Mong sao chúng ta đừng bao giờ quên điều này! Chúng ta phó thác mình cho Đức Maria Rất Thánh, Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nghệ nhân của sự gần gũi và các mối tương quan huynh đệ.
Rôma, đền thờ Thánh Gioan Laterano, ngày mồng 10 tháng 01 năm 2024
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (13.01.2024)
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô