Sứ điệp của Uỷ Ban Tòa Thánh về Trung Quốc
WHĐ (15-04-2011) – Như tin đã đưa, từ ngày 11 đến 13-04-2011, tại Vatican, đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban Tòa Thánh về Trung Quốc. Ủy ban này được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thiết lập năm 2007 nhằm nghiên cứu những vấn đề có tầm quan trọng liên quan đến đời sống của Giáo Hội tại Trung Quốc.
Kết thúc cuộc họp, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Ủy ban gửi các tín hữu Công giáo Trung Hoa.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
1. Được thúc đẩy bởi lòng yêu mến đối với Giáo Hội tại Trung Quốc, niềm ưu tư trước những thử thách anh chị em đang trải qua cũng như lòng mong muốn khích lệ anh chị em, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về tình hình Giáo Hội với cái nhìn toàn cảnh về tổ chức và đời sống tại các địa bàn hoạt động của Giáo Hội tại đất nước của anh chị em. Chúng tôi đã ghi nhận bầu khí hoạt động mất phương hướng và niềm lo lắng về tương lai, những đau khổ của anh chị em tại những nơi không có Mục tử, còn nơi khác lại chịu tình cảnh phân hóa nội bộ, bận tâm về tình trạng không đủ nhân sự và phương tiện để giải quyết hiện tượng đô thị hóa ngày càng tăng cũng như tình trạng giảm dân số tại các vùng nông thôn.
Việc xem xét các thông tin cho thấy đã xuất hiện một đức Tin sống động và sự cảm nghiệm về Hội Thánh, có thể đối thoại một cách hiệu quả với những thực tại xã hội trong từng địa bàn.
2. Chúng tôi khuyến khích các giám mục, cùng với hàng linh mục của mình, hãy nên giống Chúa Kitô Mục tử Tốt lành hơn nữa, bảo đảm việc giáo dục đức Tin cho các tín hữu, khuyến khích hãy siêng năng chịu khó, và tại những nơi còn thiếu thốn và có nhu cầu khẩn thiết, hãy cố gắng xây dựng những nơi thờ phượng và dạy giáo lý, nhất là hình thành được các cộng đoàn Kitô hữu sống trưởng thành.
Chúng tôi cũng mời gọi các vị Mục tử quan tâm chăm sóc đời sống giáo dân bằng cách canh tân sự cam kết và lòng nhiệt thành sống đạo, nhất là quan tâm đến những nội dung cốt yếu của giáo lý và phụng vụ.
Chúng tôi mong mỏi các vị Mục tử hãy dạy các linh mục, qua gương mẫu đời sống của mình, biết sống yêu thương, tha thứ và giữ lòng trung thành.
Chúng tôi cũng kêu mời các cộng đoàn giáo xứ hãy tiếp tục loan báo Tin Mừng với niềm hăng say hơn bao giờ hết, khi chính chúng ta hiệp thông với lời tạ ơn Chúa của những anh chị em lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy được cử hành vào dịp Lễ Phục sinh sắp tới.
3. Chúng tôi đã đặc biệt lưu tâm đến những khó khăn mới xuất hiện gần đây nơi một số cộng đoàn của anh chị em.
Về sự kiện đáng buồn liên quan đến việc tấn phong giám mục tại Thừa Đức, Tòa Thánh, dựa trên những thông tin và các bản tường trình nhận được, thấy không có lý do để xét lại tính cách bất hợp lệ, nên việc tấn phong này được coi là bất hợp pháp nghiêm trọng, vì thụ phong mà không được phép của Đức Giáo hoàng và điều này khiến cho việc thực thi tác vụ trở nên bất hợp pháp. Chúng tôi cũng lấy làm đau buồn vì việc này xảy ra sau một loạt các cuộc tấn phong giám mục mang tính thỏa thuận và vì các giám mục đứng ra tấn phong đều do chịu những ép buộc khác nhau. Như Đức Thánh Cha đã viết trong Thư 2007 gửi các tín hữu Trung Hoa: “Tòa Thánh theo dõi việc bổ nhiệm các giám mục với sự quan tâm đặc biệt kể từ khi nó chạm đến cốt lõi đời sống của Giáo Hội, bởi vì quyền bổ nhiệm các giám mục thuộc về Đức Giáo hoàng là một bảo đảm cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh và cho sự hiệp thông trong phẩm trật của Giáo Hội. Vì lẽ đó, Giáo luật (điều 1382) đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nặng đối với cả giám mục tự tiện tấn phong không có sự ủy quyền của Đức Giáo hoàng cũng như giám mục thụ phong: trong thực tế việc tấn phong như vậy làm tổn thương đến sự hiệp thông trong Giáo Hội và vi phạm nghiêm trọng kỷ cương của Hội Thánh về phương diện Giáo luật. Khi ủy quyền tấn phong giám mục, Đức Giáo hoàng đã thực thi thẩm quyền thiêng liêng tối cao của mình: thẩm quyền và sự can thiệp này hằng được duy trì trong phạm vi thuần túy tôn giáo. Do đó, thẩm quyền này không phải là thẩm quyền chính trị, đòi hỏi quá đáng đối với những công việc nội bộ và xâm phạm chủ quyền của một quốc gia” (số 9).
Những áp lực bên ngoài và những ép buộc có thể có nghĩa là không đương nhiên bị vạ tuyệt thông, tuy nhiên, vẫn để lại trên thân mình Hội Thánh một vết thương nghiêm trọng. Từng giám mục trong số những người tham gia việc tấn phong buộc phải tường trình với Hội Thánh và phải tìm cách giải thích cho hàng linh mục và các giáo dân biết quan điểm của mình, phải nhắc lại lời tuyên xưng trung thành với Đức Giáo hoàng, như vậy mới giúp cho các vị vượt qua nỗi đau khổ trong lòng và khắc phục việc đã gây ra tai tiếng bên ngoài.
Chúng tôi luôn ở bên anh chị em trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi mời gọi các linh mục, tu sĩ, giáo dân hiểu được những khó khăn các giám mục của mình đang gặp phải, hãy giúp các vị thêm lòng can đảm, nâng đỡ các vị bằng tình liên đới và lời cầu nguyện.
4. Về Đại hội Đại biểu Công giáo Toàn quốc lần thứ VIII, những lời của Đức Thánh Cha soi sáng cho chúng ta: “Rõ ràng cái gọi là “Kế hoạch khởi thủy của Chúa Giêsu” chính là luận điệu của một số tổ chức do Nhà nước chỉ đạo và xa lạ với cơ cấu của Giáo Hội, tự đặt mình trên các Giám mục và cho mình quyền dẫn dắt cộng đoàn Giáo Hội, không phù hợp với giáo thuyết của Giáo Hội Công giáo, theo đó Giáo Hội là “tông truyền” như Công đồng Vatican II khẳng định. (…) Tương tự, mục đích mà các tổ chức nói trên tuyên bố là nhằm thực hiện “những nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự quản lý và điều hành Giáo Hội một cách dân chủ” là không phù hợp với giáo thuyết công giáo, (số 7).
5. Việc chọn các Mục tử cai quản nhiều giáo phận trống tòa là một đòi hỏi cấp thiết, và đồng thời, cũng là mối quan tâm sâu sắc. Ủy ban rất hy vọng sự hiệp thông trong Giáo Hội sẽ không chịu những vết thương mới, đồng thời nài xin Chúa củng cố và thêm sức cho những ai có liên hệ. Liên quan đến việc này, cũng nên nhớ lại Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng viết: “Tòa Thánh mong muốn được hoàn toàn tự do trong việc bổ nhiệm giám mục, do đó khi xem xét những phát triển đặc biệt gần đây của Giáo Hội tại Trung Quốc, tôi tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận với chính quyền để giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc tuyển chọn các ứng viên giám mục, công bố sự bổ nhiệm giám mục, và sự công nhận – liên quan đến những tác động dân sự trong trường hợp cần thiết – đối với các giám mục mới về phía chính quyền dân sự” (số 9). Chúng tôi đưa ra những đề nghị này và lo âu nhìn về tương lai: chúng tôi biết tương lai không hoàn toàn nằm trong tay mình và đưa ra lời kêu gọi đừng làm cho vấn đề nghiêm trọng thêm và đừng đào sâu thêm sự chia rẽ, đừng làm cho sự hòa hợp và an bình phải trả giá.
6. Xem xét tình hình tại các giáo phận, thấy xuất hiện nhiều khó khăn về các ranh giới. Về vấn đề này, cần lưu ý về những trường hợp thay đổi đã được công nhận cũng như cần phải tôn trọng những chuẩn tắc được Giáo Hội đề ra và luôn ghi nhớ những điều được Đức Thánh Cha viết trong Thư 2007: “Tôi muốn khẳng định Tòa Thánh đã sẵn sàng đem toàn bộ vấn đề về các địa hạt và các giáo tỉnh vào cuộc trao đổi cởi mở và xây dựng với hàng giám mục và – nếu hoàn cảnh cho phép và ích lợi – với nhà cầm quyền” (số 11).
7. Cuối cùng chúng tôi đã bàn về việc đào tạo chủng sinh và các nữ tu, trong nước cũng như tại hải ngoại. Chúng tôi vui mừng ghi nhận những cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc đang có những sáng kiến hướng đến việc đào tạo này.
8. Chúng tôi hy vọng cuộc đối thoại chân thành và có sự tôn trọng với nhà chức trách dân sự có thể giúp vượt qua những khó khăn hiện nay, để những quan hệ với Giáo Hội Công giáo có thể góp phần vào sự hòa hợp trong xã hội.
9. Chúng tôi vui mừng được biết giáo phận Thượng Hải có thể khởi sự tiến hành án phong Chân phước cho Phaolô Từ Quang Khải, vị được ghi thêm vào án của cha Matteo Ricci, SJ.
10. Để vượt qua tình hình khó khăn của các cộng đoàn, việc cầu nguyện sẽ mang lại sự trợ giúp rất lớn. Việc tổ chức thực hiện những sáng kiến cũng sẽ giúp anh chị em canh tân mối liên hệ đức Tin trong Đức Kitô và sự trung thành với Đức Giáo hoàng, nhờ đó sự hiệp nhất trong anh chị em được sâu bền và trở nên rõ ràng hơn.
11. Vào cuối Phiên họp toàn thể, Đức Thánh Cha nhắc lại, các tín hữu Trung Hoa không ngừng bày tỏ niềm mong mỏi được hiệp nhất với Ngai tòa Phêrô và với Giáo Hội phổ quát, dù phải sống giữa biết bao khó khăn và đau khổ. Đức Tin của Hội Thánh, được trình bày trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và được bảo vệ bằng cả sự hy sinh, chính là nền tảng giúp cho Giáo Hội tại Trung Quốc phát triển trong sự hiệp nhất và hiệp thông.
(Theo VIS)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô