Sáu năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Sáu năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Phỏng vấn ông George Weigel về 6 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Cách đây 6 năm, lúc 17 giờ 50 phút chiều ngày 19-4-2005, mật nghị Hồng Y đã bầu Đức Joseph Ratzinger làm Giáo Hoàng thay thế Đức Gioan Phaolô II, với tên hiệu là Biển Đức XVI. Chuông đền thờ thánh Phêrô đã rộn rã reo vui. Lúc 18 giờ 40 phút cửa bao lơn chính giữa đền thờ đã rộng mở và Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez, trưởng đẳng Phó tế đã loan báo tên của vị Tân Giáo Hoàng. Mười phút sau đó Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ lời với hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: ”Anh chị em thân mến, sau Đức Gioan Phaolô II vĩ đại, các Hồng Y đã bầu tôi, là một người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa. Tôi được an ủi bởi sự kiện Chúa biết làm việc và hành động cả với những dụng cụ không đầy đủ, và nhất là tôi xin phó thác cho lời cầu nguyện của anh chị em”.

Phát biểu về sáu năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Đức Hồng Y Roger Etchegaray nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình nói cần phải lấy lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II để đóng khung cho việc lượng định sáu năm đầu triều đại giáo hoàng này. Đức Ratzinger là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của mình, và đã từng là một trong các cộng sự viên thân tín nhất của vị ”Giáo Hoàng đền từ xa”. Đức Hồng Y Etchegaray và Đức Ratzinger đã quen biết nhau từ thời Công Đồng Chung Vaticăng II, một vị trong tư cách là Chủ tịch các Giám Mục âu châu, vị kia như Tổng Giám Mục giáo phận Muenchen và là thần học gia trẻ tuổi nổi tiếng, từng đề cập tới các vấn đề lớn của Âu châu.

Có người chỉ biết Đức Ratzinger vì các tác phẩm thần học của người, nhưng giờ đây họ biết hoạt động của người như là một mục tử hướng dẫn đoàn chiên Chúa giữa các cơn bão táp. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Ratzinger trở thành một cha sở: Giáo Hội đã khám pha ra một chủ chăn, chứ không phải chỉ là một thần học gia tên tuổi và thế giới là điểm tham chiếu không thể khước từ được. Đức Ratzinger là một cha sở vì người đã tự định nghĩa như là ”một người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”. Trong bài giảng Lễ Lá vừa qua Đức Thánh Cha đã nói tới sự khiêm hạ của Thiên Chúa, là Đấng đã lựa chọn thập giá để biểu lộ tình yêu của Người trong hình thái bề ngoài. Đức Thánh Cha cũng theo các con đường đó.

Một cách thanh thản nhưng cương quyết, người đặt các khoảng cách giữa Giáo Hội và các cấu trúc của các ý thức hệ và của một quan niệm thuần túy địa lý chính trị. Người đã nhắm tới điều chính yếu và đã theo dấu vết chính lộ của Chúa Kitô để dẫn toàn thể Giáo Hội đến chỗ suy tư về các vấn đề lớn đang lay động thế giới như: việc hội nhập mọi người, đặc biệt là giới trẻ trong một xã hội ngày càng đa văn hóa hơn; việc bảo vệ cơ cấu hôn nhân và gia đình cả trước các giá trị của luân lý sinh học; ý thức tinh thần trách nhiệm gia tăng của các quốc gia giầu đối với các nước nghèo.

Theo Đức Hồng Y Etchegaray, việc so sánh Đức Ratzinger với Đức Gioan Phaolô II, như có người vẫn làm, là điều vô nghĩa. Vì mỗi vị đều có cá tính và nền văn hóa riêng, nhưng cả hai đều mang cùng một truyền thống và sự tiếp nối của Giáo Hội, là các giá trị vượt qúa con người cụ thể của từng vị. Trong cuộc phỏng vấn dành cho ông Peter Seewald có một đoạn quan trọng: đó là Đức Thánh Cha ”muốn rằng ngày nay Giáo Hội tự đặt mình dưới một cuộc thanh tẩy nền tảng...” Đó là làm cho con người trông thấy Thiên Chúa và nói sự thật với họ. Sự thật về các mầu nhiệm của Việc Tạo Dựng. Sự thật về cuộc sống con người. Sự thật về niềm hy vọng của chúng ta vượt ngoài cuộc sống trên trần gian này. Tất cả có thể tổng kết trong tư tưởng sau đây: ”Kitô giáo luôn ở trong tình trạng bắt đầu trở lại”. Sự liều lĩnh đó của đức tin, chúng ta có thể tiếp nhận vào ngày mùng 1 tháng 5 tới đây từ cuộc sống của vị tiền nhiệm của người là Đức Gioan Phaolô II và từ chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, là người luôn đối thoại với Đức Wojtila, trong cách thế riêng của người, một cuộc đối thoại trên khung cửi của sự thánh thiện.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông George Weigel, thần học gia, về 6 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Giáo sư George Weigel là một trong các nhà thần học lớn của Hoa Kỳ và là tác giả cuốn tiểu sử của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tựa đề ”Chứng nhân hy vọng” là cuốn sách nổi tiếng bán chạy nhất thế giới, và cuốn ”Sự lựa chọn của Thiên Chúa” về việc Đức Ratzinger lên ngôi Giáo Hoàng. Theo giáo sư, trên bình diện trí thức và tinh thần Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp nối Đức Gioan Phaolô II, nhưng người cũng là một người dậy dỗ giáo lý đích thật biết đặt để tín hữu công giáo trước các thách đố của thời đại ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Weigel, đâu là các đường nét hướng dẫn triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người dậy dỗ giáo lý tuyệt vời. Người đã nhắc nhớ Giáo Hội về sự phong phú của gia tài thần học của mình, là điều quan trọng trong một thời đại được định tính bởi khuynh hướng hiện diện khoe mình và thiếu gốc rễ trí thức. Người đã dậy cho tín hữu biết vẻ đẹp của phụng vụ. Và Đức Thánh Cha đã cương quyết giải thoát Giáo Hội khỏi sự thối nát, đặc biệt là khỏi thảm cảnh lạm dụng tính dục trẻ em. Trong dấn thân đối với thế giới Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là người mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo, và người đã hướng cuộc đối thoại công giáo hồi giáo tới vấn đề đích thật của lúc này là quyền tự do tôn giáo và việc tách rời quyền bính chính trị khỏi quyềm bính tôn giáo trong các quốc gia thuộc thế kỷ XXI.

Hỏi: Theo giáo sư, đâu là kiểu làm việc mục vụ của Đức Thánh Cha?

Đáp: Người ta nhận ra kiểu làm mục vụ của Đức Thánh Cha trong các chuyến công du tại Hoa Kỳ và tại Anh quốc, nơi Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các nạn nhân của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Người đã cùng cầu nguyện và khóc với họ. Cả việc dậy giáo lý cũng thuộc kiểu làm mục vụ của Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha biết rằng trí tuệ con người cũng như linh hồn và con tim của nó cần được dưỡng nuôi.

Hỏi: Định nghĩa của Đức Thánh Cha về tình bạn giữa đức tin và khoa học đã góp phần khâu lại trực giác về sự tách biệt giữa các người của khoa học và các người của đức tin như thế nào, thưa giáo sư?

Đáp: Đức Thánh Cha đã tiếp tục tiến trình xích lại gần nhau giữa đức tin và khoa học, do Đức Gioan Phaolô khởi xướng. Nhưng vấn đề thực sự là vực sâu ngăn cách giữa Giáo Hội và khoa học của đời sống. Ở đây nỗ lực vĩ đại là tái tạo hình hài cho điều kiện nhân loại, bằng cách xây dựng và tái xây dựng việc là người: đó là điều sáng rỡ. Và đây là một vấn đề thuộc trật tự của siêu hình và của luân lý, nhưng không có cái nào trong cả hai được đánh giá cao trong thế giới các khoa học sự sống của thế kỷ XXI.

Hỏi: Thưa giáo sư Weigel, trong bài giảng đầu tiên, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người. Tại sao người lại cấp thiết làm điều này như thế?

Đáp: Đây là một thí dụ cho thấy sự tiếp nối với vị tiền nhiệm của người là Đức Gioan Phaolô II. Âu châu đang chết vì sự hiếm muộn không có con cái mà nó tự áp đặt cho chính mình. Phá thai được coi như một giải pháp cho các vấn đề của con người trên toàn thế giới. Và trong một vài trường hợp như tại Trung quốc chẳng hạn, việc kiểm soát dân số do nhà nước áp đặt. Các người già bị coi như là một vấn đề khác cần phải giải quyết, chứ không phải là các bản vị con người cần được săn sóc. Và điều tự nhiên là Đức Thánh Cha phải lên tiếng về các vấn đề đó, từ giảng đài đòi buộc sự chú ý của thế giới.

Hỏi: Cái gì đã cho thấy khía cạnh nhân bản trong sáu năm đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Đó là một người dễ thương, có lòng thương xót và tình bác ái linh mục.

Hỏi: Thưa giáo sư, trên đây giáo sư đã nhấn mạnh sự liên tục giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Gioan Phaolô II. Thế thì đâu là các yếu tố của sự liên tục này?

Đáp: Hai triều đại giáo hoàng này đang đưa tới một điểm cao sự phát triển của Giáo hội đã bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Leo XIII. Các vị đã đặt ra cho Giáo hội các thách đố của ”Công Giáo theo tinh thần Tin Mừng”. Một Giáo Hội truyền giáo, trong đó tất cả và mọi người đều đươc đo lường dựa trên phần đóng góp của họ cho công tác rao truyền tin Mừng ”trong chiều sâu” của thế kỷ XXI, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tnog thư ”Bước vào ngàn năm mới”.

(Avvenire 19-4-2011)

Top