Sau hơn 30 năm, tôi lại … “đi tu”

Sau hơn 30 năm, tôi lại … “đi tu”

Tưởng chừng như cánh cửa đã đóng kín khi ta xách va li lê bước ra khỏi tu viện. Sẽ là dấu chấm hết cho ai đó: bơ vơ, lạc lõng giữa trần đời, không biết tương lai đưa ta về đâu?!

Cánh cửa tu viện khép lại sau lưng tôi từ dạo ấy, cho đến nay đã trên 30 năm, và chưa một lần tôi ghé lại thăm, dù rằng “ngôi nhà thân yêu” ấy, với tôi, không quá xa xôi! Công việc mưu sinh với “cơm áo gạo tiền” khiến tôi thường xuyên đi ngang qua nơi này. Lý do duy nhất khiến tôi cứ ngần ngại, lần lửa không dám bước vào mà chỉ dừng lại đôi ba phút để hoài niệm chỉ vì một lẽ: chốn ấy đã “thay tên đổi họ”, không còn là chủng viện Lê Bảo Tịnh thân yêu của chúng tôi nữa.

Thế rồi, dòng đời cứ lững lờ trôi, trôi mãi như dòng sông, hết tháng này đến năm nọ, thấm thoát trong anh em chúng tôi nhiều người đã lên hàng ông nội, ông ngoại, cả những người đã vĩnh viễn ra đi… Nhiều lần, tôi định tâm bước vào “chốn xưa” ấy, nhưng mỗi lần như thế, tôi lại bị cảm giác xa lạ ập đến bao trùm, níu giữ chân tôi lại. Tôi tự an ủi mình rằng: Chốn ấy không còn là “nhà mình” nữa!

Bất chợt tôi nhận được thông tin: Ngày 05.08.2010, Tòa Giám mục Ban Mê Thuột sẽ tổ chức khóa huấn luyện Mục vụ Truyền Thông tại số 03 Trần Hưng Đạo Tp. Buôn Ma Thuột và trong danh sách hơn 150 người học viên ấy từ 4 Giáo hạt trong Giáo phận cùng một số tỉnh lân cận, có cả tên tôi. Thời gian học tập tuy ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn có 4 ngày, nhưng chương trình thì dày đặc: gồm đủ các môn: linh đạo truyền thông – sử dụng internet – viết tin, viết phóng sự, chụp ảnh - phương pháp cai nghiện internet và game online v.v. và v.v…

Trong số học viên có người còn rất trẻ, mới bước sang tuổi 15, nhưng cũng có những vị cao niên tuổi ngoài 70. Độ tuổi từ 40 – 60 chiếm đa số. Ban giảng huấn cũng đa dạng, nhiều thành phần: Đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ và quý thầy. Một điều mà tôi ấn tượng nhất trong thời gian sống tại nhà lưu trú Hòa Bình để tập huấn, đó là mối tương quan con người với con người được thể hiện rất ư là thân ái. Chúng tôi đã sống rất chan hòa với nhau, từ quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, quý giảng viên, học viên và kể cả Ban tổ chức. Có thể nói, chúng tôi sống với nhau như một gia đình hoặc hơn thế nữa! Các giảng viên diễn giải rất dễ hiểu, tinh thần kỷ luật của học viên ý thức cao nên kết quả rất tốt, lại thêm vào đó tính hài hước của các giảng viên khiến cho những tiết học rất sinh động, vui vẻ.

Những ngày học tại cơ sở lưu trú Hòa Bình (03 Trần Hưng Đạo) đã đưa tôi sống lại quãng thời gian hơn 30 năm về trước: những khuôn mặt thân quen thuở nào nơi “ngôi nhà thân yêu” như các anh: Trần Khánh Điệp, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Mạch là lớp đàn anh cho đến các “chú” lớp Don Bosco, lớp em út Savio: Hoàng Mạnh Cường; những giờ dâng lễ, những tiếng chuông hiệu, những nội quy, kỷ luật, giờ giấc, ăn nghỉ; những dãy giường tầng và cả tình trạng “biệt giam” nữa… Hình như tôi đang “đi tu” lại thì phải! (tôi tự nhủ như vậy), chỉ khác một điều là “tu” bây giờ “dễ chịu” hơn vì trong số học viên không chỉ là nam giới mà còn có cả phái đẹp nữa!... Riêng các xơ cũng xấp xỉ con số 40 người, thuộc 2 dòng: dòng Nữ Vương Hòa Bình và dòng Thánh Phaolô.

Giờ đây, ngồi lại để viết những dòng tâm sự này, trong tôi đang sôi sục niềm khát mong rằng: Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ hân hoan trở lại “ngôi nhà thân yêu” thuở xưa, nơi ấy tôi sẽ gặp mặt và bắt tay với tất cả sự cung kính và quý mến những vị “thầy” đáng kính và các đồng môn thân yêu như thủa nào. Liệu ngày đó sẽ bao xa và tôi phải làm gì để ngày đó đến gần hơn?!

Một buổi chiều nhớ về 03 Trần Hưng Đạo Tp. Buôn Ma Thuột.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top