Phụng vụ và truyền giáo trong bối cảnh văn hóa hiện đại

Phụng vụ và truyền giáo trong bối cảnh văn hóa hiện đại

WHĐ (27.07.2010) – Ngày 24.06.2010, Đức cha Chaput OFM, Tổng Giám mục Giáo phận Denver, đã có buổi nói chuyện tại Học viện Phụng vụ Chicago nhân kỉ niệm 10 năm thành lập học viện (2000-2010).

Đức Tổng Giám mục Chaput trình bày suy tư về các vấn đề liên quan đến truyền giáo và việc canh tân phụng vụ Công giáo. Ngài xem xét các vấn đề chính của việc cử hành phụng vụ hiện nay trong bối cảnh của nền văn hóa Mỹ; đâu là sự phù hợp với phụng vụ Công giáo trong một nền văn hóa đang đề cao công nghệ, khoa học và vật chất, nhưng lại biến mất những từ ngữ diễn tả nhu cầu căn bản và sâu xa nhất của con người - niềm tin vào một Thiên Chúa vô hình?

WHĐ giới thiệu cùng quý độc giả bài nói chuyện này.

Bản tiếng Việt do Anh Khoa chuyển ngữ, Đức Thành hiệu đính.

Nhan đề và các tiểu đề do Đức Thành đặt.

***

Tôi rất vinh dự có mặt ở đây tối nay. Bài nói chuyện hàng năm này nhắc chúng ta nhớ Giáo Hội tại Chicago đã đóng một vai trò lịch sử không chỉ trong việc canh tân phụng vụ, mà còn trong việc truyền giáo tại Mỹ.

Tầm nhìn của quý Đức Hồng y Mundelein và Stritch, cùng với những nỗ lực mang tính tiên phong của các linh mục như Đức Ông Hillenbrand và các nhà hoạt động tông đồ giáo dân như anh chị em trong Phong trào Gia đình Công giáo, đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Các vị ấy đã cống hiến cho Giáo Hội lòng nhiệt thành tông đồ, qua đời sống thờ phượng và chứng tá của người Công giáo được duy trì gần một thế kỷ qua trong nền văn hóa này.

Vì vậy, tôi rất hạnh phúc khi được góp một số suy tư vào mối quan tâm của Học viện.

Thực tế cho thấy, dịp Học viện Phụng vụ kỷ niệm 10 năm thành lập, nhắc cho chúng ta nhớ rằng những di sản thuộc giáo phận Chicago đang được tiến hành với nhiệt huyết và trí tuệ, dưới sự lãnh đạo của bạn tôi là Đức Hồng y Francis George.

Tôi là một thành viên của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng giám mục và được vinh dự làm việc với Đức Hồng y George nhằm tiếp tục đẩy mạnh nội dung chủ yếu của việc canh tân phụng vụ - còn về bản dịch Anh ngữ ấn bản mới của Sách Lễ Rôma, có thể sẽ bắt đầu áp dụng tại Hoa Kỳ vào năm tới.

Nhưng tối nay tôi đến đây không phải để nói về Sách Lễ mới, mà được yêu cầu trình bày về những vấn đề rộng lớn hơn của công cuộc truyền giáo và canh tân phụng vụ. Cũng xin lưu ý các bạn: những suy nghĩ sẽ chia sẻ với các bạn tối nay chỉ là của cá nhân tôi. Tôi không phát biểu thay cho bất kỳ anh em giám mục nào của mình, hoặc cho Hội đồng giám mục, và tôi rất vui khi tuân theo những nhận định của Đức Hồng y George về mọi vấn đề liên quan đến Công giáo.

Con người ngày nay đang mất dần cảm thức phụng vụ?

Tôi muốn bắt đầu buổi trò chuyện của chúng ta về một sự kiện ở nơi khác. Đó là tại thành phố Mainz bên Đức vào tháng 4 năm 1964. Chỉ một vài tháng trước đó, vào tháng 12 năm 1963, Công đồng Vatican II đã công bố một văn kiện liên quan đến sự đột phá về phụng vụ. Đó là Hiến chế về Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, một văn kiện xuất sắc cả về thực tiễn lẫn nghiên cứu thần học trong lĩnh vực phụng vụ.

Đó là những ngày rất bận rộn. Nhóm làm việc đã họp tại Mainz để tham dự Hội nghị phụng vụ Đức lần thứ ba, chúc mừng nhau về thành quả làm việc của nhóm. Một thành viên không thể tham gia hội nghị, đó là nhà thần học tiên phong trong phong trào phụng vụ của lục địa châu Âu, cha Romano Guardini. Ngài là tác giả của The Spirit of the Liturgy (Tinh thần của Phụng Vụ), một tác phẩm kinh điển.

Mặc dù không thể tham dự, nhưng cha Guardini đã gửi một thư ngỏ, khá dài, được đọc trong Hội nghị. Trong thư, cha ca ngợi công trình của Công đồng Vatican II là một minh chứng hùng hồn về sự hoạt động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Ngài nhận thấy Hiến chế về Phụng vụ Thánh mở ra một giai đoạn mới cho lĩnh vực phụng vụ.

Phần lớn bức thư của cha trình bày suy tư phức hợp về ý nghĩa của phụng tự. Và trong những dòng cuối cùng, ngài đưa ra một ý kiến gây kinh ngạc. Cha viết:

“Phải chăng hành động phụng vụ, kể cả dưới danh nghĩa phụng vụ, không liên quan gì đến bối cảnh văn hóa (cổ đại, trung đại, cận đại), thậm chí loại bỏ hoàn toàn mối liên hệ này thì tốt hơn? Cũng vậy, phải chăng con người thời đại công nghiệp và khoa học, với cơ cấu xã hội mới, sẽ chẳng còn khả năng tham gia hành động phụng vụ nữa?” (i)

Nhận xét của cha Guardini đã khiến nhiều người choáng váng, nhưng không hẳn là các nhà thần học hoặc các nhà phụng vụ chưa bao giờ lưu ý đến mối quan tâm của ngài một cách nghiêm túc. Theo tôi nghĩ, ngài đã chỉ ra một trong những vấn đề then chốt liên quan đến sứ vụ vào thời của ngài, và cả thời của chúng ta nữa.

Cha Guardini cho rằng hành động phụng vụ là sự biến đổi lời cầu nguyện cá nhân và lòng đạo đức thành phụng vụ của cộng đoàn, leitourgia, thành sự thờ phượng chung Giáo hội dâng lên Chúa. Cha nhận ra lời cầu nguyện chung của Giáo hội rất khác với lời cầu nguyện riêng của các tín hữu.

Hành động phụng vụ đòi hỏi chúng ta phải có một nhận thức mới, một thái độ “sẵn sàng đối với Chúa”, một ý thức nội tâm thống nhất toàn bộ con người, thân xác và linh hồn, cùng hợp với thân mình thiêng liêng của Hội Thánh trên thiên quốc và tại trần gian. Điều này cũng đòi chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa các dấu chỉ thiêng liêng và các hành động trong Thánh lễ như: đứng, quỳ, hát…, tất cả đều là “cầu nguyện”.

Cha Guardini cho rằng tinh thần của thế giới hiện đại đang làm suy yếu niềm tin vốn tạo ra ý thức về phụng vụ. Cha có cái nhìn sâu sắc khi cho rằng đức tin và việc thờ phượng của chúng ta không diễn ra trong trống rỗng. Chúng ta luôn có liên hệ với những sản phẩm nền văn hóa của mình. Những chuẩn mực ý nghĩa và những nhận thức của chúng ta về thực tại đều được hình thành từ nền văn hóa mà chúng ta đang sống, bất kể chúng ta có thích hay không.

Tôi muốn đem những thách đố của cha Guardini đặt vào bối cảnh nước Mỹ hiện nay của chúng ta.

Hãy cùng xem xét một số bằng chứng: chúng ta đang sống trong một xã hội được tổ chức theo nguyên tắc tiến bộ của công nghệ, khoa học và các điều kiện vật chất. Điều đó cho thấy, nền văn hóa của chúng ta bị thống trị bởi sự vượt thắng của thế giới quan khoa học và vật chất. Chúng ta đánh giá cái “thật”, cái “đúng” dựa trên những gì thấy được, sờ được và xác minh được thông qua nghiên cứu và thực nghiệm.

Trong bối cảnh nền văn hóa như vậy, liệu còn có ý nghĩa không quan niệm truyền thống của Công giáo cho rằng: con người được tạo ra theo hình ảnh của Đấng Thiên Chúa vô hình; con người là một thụ tạo có thân xác và linh hồn, được đổ đầy “tinh thần làm con” (ii) qua cử hành phụng vụ và các bí tích?

Trong thực tế, hầu như những điều người Công giáo tin đã không được nền văn hóa của chúng ta thừa nhận. Ngay cả ý nghĩa của các từ “con người” và “nhân vị” là những đề tài đang gây tranh cãi. Ngoài ra những điều trong Giáo lý Công giáo cũng đang bị người ta thẳng thừng bác bỏ hoặc dửng dưng.

Câu hỏi đặt ra là: Điều gì tác động đến tất cả việc thờ phượng của chúng ta, qua đó chúng ta tuyên xưng linh hồn và thể xác được gặp gỡ các thực tại thần linh, được ca hát với các thiên thần và các thánh trên trời, được đón nhận Mình thật và Máu thật của Chúa chúng ta, Đấng đã chết và sống lại, nay đang ngự nơi bàn thờ?

Một dữ kiện khác: trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta bị giam hãm bởi những tượng đài tôn vinh sức mạnh của chúng ta trong việc chiến thắng thiên nhiên và đáp ứng các nhu cầu. Đâu đâu cũng thấy các chiến lợi phẩm trong việc giành được quyền làm chủ và thỏa mãn, nào các tòa building, nào máy móc, thuốc men, nào những phát minh. Mọi thứ có vẻ như muốn nói lên rằng, với tri thức và công nghệ, chúng ta có thể đáp ứng mọi nhu cầu của mình.

Một lần nữa câu hỏi đặt ra là: đâu là tiền đề chính cho việc thờ phượng của chúng ta, những thụ tạo phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa? Phải chăng cử hành phụng vụ là thực hiện bổn phận tạ ơn Chúa về mọi ơn huệ Chúa ban, mà khởi đầu là ơn sự sống?

Từ những vấn đề đang được đặt ra cho phụng vụ, chúng ta có thể đặt những câu hỏi tương tự về sứ mệnh truyền giáo.

Chúng ta rao giảng tin mừng thế giới này có một Vị Cứu tinh, Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Tin mừng đó có mang lại ý nghĩa nào cho con người đang sống trong một thế giới không còn tin vào tội lỗi nữa, hoặc thấy mình cần được cứu chuộc không? Lời hứa chiến thắng sự chết có ý nghĩa gì đối với những người không tin vào sự hiện hữu của bất cứ điều gì ngoài thế giới hữu hình này?

Như thế, phải chăng cha Guardini có lý? Phải chăng con người hiện đại dường như không còn khả năng cử hành phụng vụ đích thực? Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn đối với chúng ta là: nếu vấn đề của cha Guardini đưa ra là đúng, chúng ta sẽ giải quyết thế nào đây?

Trong số những người đã chống lại những vấn đề cha Guardini nêu ra, có cha Robert Barron, một linh mục người Chicago. Ngài đã có những đóng góp quan trọng trong việc canh tân sự hiểu biết và phụng vụ của Giáo Hội.

Cha Barron đặt vấn đề như sau: “Công trình này không ảnh hưởng đến phụng vụ theo những giả thuyết đương thời đặt ra, nhưng cho phép phụng vụ đưa ra câu hỏi và định hướng các giả định của bất cứ thời nào. Phải chăng con người hiện đại không còn khả năng tham gia phụng vụ nữa? Có thể lắm. Nhưng điều này không có căn cứ để chúng ta thất vọng. Mục đích của chúng ta không phải là làm cho phụng vụ thích nghi với thế giới, mà là để cho phụng vụ được là chính nó, nghĩa là một biểu tượng chuyển hóa nghi lễ của Thiên Chúa.

Cha Barron cho rằng trong thời kỳ hậu công đồng, nhóm chuyên viên phụng vụ Công giáo lại chọn cho mình con đường cũ, là cố gắng thích nghi phụng vụ với các nhu cầu của nền văn hóa hiện đại. Có lẽ tôi đồng ý. Và tôi xin thêm rằng thời gian qua đã cho thấy điều này dẫn đến kết cục bi thảm. Cố làm cho phụng vụ trở nên “hợp thời” và “dễ hiểu” bằng sự tôn thờ cái mới, chỉ có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và khơi thêm sự phân rẽ giữa các tín hữu và tinh thần phụng vụ đích thực. (iii)

Cần có một cảm thức mới về Bí tích và Phụng vụ

Tôi đến đây không nhằm bàn cãi về những cuộc tranh luận đã qua. Chúng ta phải nhìn vào Chúa Giêsu Kitô. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải tiếp tục giải quyết thách đố do cha Guardini đưa ra.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của việc canh tân phụng vụ là xây dựng một nền văn hóa Thánh Thể đích thực, là truyền một cảm thức mới về bí tích và phụng vụ nhằm giúp người Công giáo có thể đối mặt với những thần tượng và những giả định của nền văn hóa chúng ta với lòng tín thác của người tín hữu đang khắc họa cuộc sống từ những mầu nhiệm thánh, nơi chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.

Chúng ta cần phải khám phá những cách thức mới để tham gia vào mầu nhiệm phụng vụ, để nhận ra chỗ đứng trung tâm của phụng vụ trong kế hoạch cứu độ của của Thiên Chúa; để thật sự làm cho cuộc sống của chúng ta thành của lễ thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa; và đảm nhận mọi trách nhiệm của chúng ta đối với sứ vụ của Giáo Hội bằng một linh đạo Thánh Thể được đổi mới.

Tôi hy vọng phần còn lại của bài nói chuyện sẽ đóng góp một phần nhỏ cho công việc tiếp theo của chúng ta về việc đổi mới.

Phụng vụ được canh tân theo tinh thần nào?

Tôi xin trình bày bốn điểm sau.

Thứ nhất, chúng ta cần phải phục hồi mối liên kết nội tại và không thể tách rời giữa phụng vụ và truyền giáo.

Phụng vụ vừa là nguồn gốc vừa là mục đích sứ mạng của Giáo Hội. Đây là lệnh truyền của Chúa Kitô và thực hành của Giáo Hội sơ khai. Điều này đã được Công đồng Vatican II tái khẳng định.

Hiến chế về Phụng vụ Thánh dạy rằng: “Phụng vụ là đỉnh cao hướng dẫn hoạt động của Giáo Hội; đồng thời là suối nguồn trào tuôn sức mạnh của Hội Thánh. Vì thế, mục tiêu và đối tượng của mọi hoạt động tông đồ là tất cả những người được làm con cái Thiên Chúa, nhờ đức tin và qua Bí tích rửa tội, sẽ tuôn đến hợp dâng lời chúc tụng Chúa giữa lòng Giáo Hội của mình, tham dự vào lễ tế hy sinh, và ăn bữa Tiệc Ly của Chúa”. (iv)

Đây là một viễn tượng tuyệt đẹp về một cuộc sống phát sinh từ Thánh Thể và vì Thánh Thể. Điều này phải là nền tảng không chỉ đối với suy tư của chúng ta về phụng vụ mà còn đối với các kế hoạch mục vụ của chúng ta. Sở dĩ chúng ta truyền giáo là để đưa mọi người vào hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống trong phụng vụ Thánh Thể. Mặt khác chính kinh nghiệm hiệp thông với Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta truyền giáo.

Trong chiều hướng này, nghi thức mới về Thánh Lễ được ban hành sau Công đồng, quả là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội. Phụng vụ mang lại cho chúng ta lòng nhiệt thành truyền giáo và thánh hóa thế giới. Ngôn ngữ địa phương đã giúp khai thác nội dung của phụng vụ trong những cách thức mới. Điều này đã khuyến khích người giáo dân tham dự cách năng động và sáng tạo - không chỉ trong phụng vụ, mà còn trong mọi khía cạnh của sứ vụ của Giáo Hội.

Nhân đây, cũng nên nhắc lại, tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha đã cho phép sử dụng rộng rãi nghi thức Thánh lễ của Công đồng Tridentino - không phải vì cá nhân tôi thích nó, nhưng do chúng ta cần tiếp nhận tất cả các di sản về cầu nguyện và đức tin của Giáo Hội. Thật sự, tôi thấy Novus Ordo (Nghi thức mới) nếu được cử hành một cách xứng hợp sẽ diễn tả rất phong phú ý nghĩa việc thờ phượng.

Vì vậy, điều trước tiên tôi muốn đề cập, là chúng ta không thể tách bạch phụng vụ khỏi sứ vụ của chúng ta. Việc phụng thờ Thiên Chúa trong Thánh lễ được hiểu như là một hành động tôn thờ, quy phục và tạ ơn. Điều đó cũng có nghĩa là yêu mến đón nhận ơn gọi làm môn đệ. Đó là lý do tại sao việc cử hành phụng vụ Thánh Thể được kết thúc bằng dấu chỉ truyền giáo - chúng ta được sai đi, được trao sứ vụ chia sẻ với tất cả mọi người kho tàng chúng ta đã khám phá trong thánh lễ.

Thứ hai, phụng vụ là sự tham dự vào cuộc cử hành trên trời; nơi đó, chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự thật, cùng với toàn thể Giáo Hội khắp hoàn cầu và các Thánh cùng thông công. (v)

Có lẽ đây là khía cạnh bị lãng quên nhất trong cử hành phụng vụ hiện nay. Nếu phụng vụ hướng chúng ta về phía trước như là khách lữ hành, thì việc cử hành của chúng ta lại chỉ hướng vào cộng đoàn và chú trọng những nhu cầu riêng một cách tỉ mỉ hẹp hòi; nếu không còn ý thức sâu xa về sự linh thánh và siêu việt, cũng là do chúng ta đã đánh mất ý thức cần phải làm gì để việc thờ phượng của mình có thể dự phần vào cuộc cử hành phụng vụ trên trời.

Để hiểu rõ điều này hơn, chúng ta nhớ lại câu chuyện truyền thuyết về sự du nhập Kitô giáo vào nước Nga. Chuyện xảy ra vào khoảng năm 988, ông hoàng Vladimir I của Kiev có ý đi tìm một tôn giáo để làm quốc giáo. Ông đã gửi sứ giả tới các nước láng giềng nhằm tìm hiểu các nhân đức cao trọng của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo. Trong suốt cuộc hành trình tìm hiểu thực tế, các sứ giả đã có dịp tham dự cuộc cử hành Thánh Thể tại ngôi nhà thờ lớn thuộc Hagia Sophia ở Constantinople.

Các sứ giả bị chinh phục trước lòng sùng mộ tôn thờ Thánh Thể. Họ trở về và tường trình cho ông hoàng: “Chúng tôi đã đến Hy Lạp và được các tín đồ Thiên Chúa giáo đưa đến nơi thờ phượng Thiên Chúa của mình... Chúng tôi không còn biết mình đang ở trên trời hay dưới đất... Chúng tôi chỉ biết rằng có Thiên Chúa ngự ở giữa con người” (vi). Không lâu sau đó, Vladimir được rửa tội và ông kêu gọi tất cả các thần dân trong nước lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Sự tích này đã có từ xưa, và nhiều nhà sử học ngày nay cho rằng câu chuyện được hư cấu. Tuy nhiên, câu chuyện đã phản ánh những chiều kích vũ trụ và truyền giáo của phụng vụ.
Những cảm nhận về cử hành Thánh Thể được các sứ giả của ông Hoàng xứ Kiev thuật lại cho thấy Bí tích Thánh Thể là một cử hành phụng vụ mang tính vũ trụ, đã hợp nhất việc thờ phượng trên trời và dưới thế. Trong Phụng Vụ Thánh, Vương quốc hình thành ở trần gian giống như Vương quốc ở trên trời. Trời Đất đầy vinh quang của Thiên Chúa. Đây là điều mà tất cả chúng ta tin, nhưng tôi không biết là có được bao nhiêu người tín hữu thật sự sống điều đó.

Chúng ta thấy phụng vụ trên trời được trình bày trong sách Khải huyền. Hãy nhớ lại sách Khải huyền được bắt đầu như thế nào. Đó là lúc Thánh Gioan “sống trong Thần Khí vào Ngày của Chúa”. Nói cách khác, khi đang cử hành phụng vụ Thánh Thể vào một Chúa nhật thì ngài được thị kiến việc thờ phượng trên trời và thế giới sắp đến. (vii)

Cuốn sách đầy dẫy những hình ảnh phụng vụ và bí tích. Có một chỗ Thánh Gioan thấy một đám đông nhiều vô kể từ các bộ tộc, ngôn ngữ, mọi dân nước đang thờ phượng trước Con Chiên - Thánh Thể. Đỉnh điểm của cuốn sách là sự xuất hiện “một trời mới đất mới” và tiếng hô to: “Này, Thiên Chúa đang ở giữa con người”.

Có hai điểm tôi muốn làm rõ ở đây: Trước tiên, việc thờ phượng của chúng ta là một biểu tượng mọi sự trên trời; là cửa sổ chúng ta ghé mắt nhìn thấy được thực tại và số phận của đời sống. Tiếp theo, phụng vụ trên trời đóng một vị trí quan trọng đối với tính phổ quát của sứ vụ trong Giáo Hội.

Theo cái nhìn của Công giáo về lịch sử, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa nhắm đến tột đỉnh của nghi thức phụng vụ mang tính vũ trụ, trong đó tất cả mọi loài thọ tạo ca ngợi và làm vinh danh Thiên Chúa, Đấng Dựng nên muôn loài. Chúng ta được cảm nếm trước sự hoàn tất của lịch sử mọi thời đại qua phụng vụ mà chúng ta đang cử hành nơi trần thế.

Chân lý này biến đổi cách thức thờ phượng của chúng ta. Nó sẽ gợi lên trong chúng ta lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì Ngài ban cho chúng ta đặc ân được cùng với các Thiên thần và các Thánh thờ phượng trước nhan Ngài. Nó sẽ làm cho chúng ta vươn tới sự tôn kính và vẻ đẹp của phụng vụ, và hướng lòng trí của chúng ta đến những thực tại trên.

Chân lý này cũng làm chúng ta thay đổi cách công khai làm chứng trong nền văn hóa này. Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, để làm cho lời của Ngài được nhiều người biết đến, để chiến đấu chống lại tất cả những gì xúc phạm đến sự thánh thiện và công bình của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải hiểu rõ sứ mệnh của chúng ta trong ánh sáng kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa, kế hoạch có trước khi tạo thành thế giới.

Mục đích cuối cùng của đời sống chứng tá là chuẩn bị con đường cho việc cử hành phụng vụ của vũ trụ, trong đó tất cả nhân loại sẽ thờ lạy Đấng Dựng nên muôn loài. Qua việc thờ phượng, chúng ta được tham dự vào kế hoạch cứu độ mà chính Chúa Kitô vẫn đang tiếp tục hoà giải tất cả mọi loài, cho đến khi trên trời và dưới đất đều quỳ gối phụng thờ, và như Thánh Phaolô nói: Thiên Chúa là “tất cả trong mọi sự”. (viii)

Thứ ba, chúng ta phải nỗ lực phục hồi và sống với linh đạo truyền giáo và phụng vụ sống động như các Kitô hữu tiên khởi.

Từ sau Công đồng đến nay, có một vài quan niệm phụng vụ không thích hợp được dựa trên tư tưởng lãng mạn mơ hồ về những gì các Kitô hữu tiên khởi tin tưởng và cách họ tôn thờ. Vấn đề này đã được đem ra tranh luận; ví dụ, đó là trong Giáo Hội sơ khai không có chức linh mục và Thánh Thể được cử hành với nghi thức ngắn gọn, giống như bữa ăn với bạn bè.
Tôi sẽ không muốn mất thời gian để phản biện. Vấn đề đối với mọi cố gắng xây dựng lại phụng vụ mang tính hoài cổ, trở lại thời sơ khai, có thể nói tóm gọn như sau: không ai lại để mình bị tra tấn và chết vì một bữa ăn với bạn bè. Vào thời Giáo hội sơ khai, những ai bị phát hiện đang cử hành Thánh Thể sẽ chịu hình phạt, hành hạ tra tấn đến chết.

Có vô số những câu chuyện chúng ta có thể nói đến. Tôi đặc biệt cảm động về câu chuyện xảy ra vào năm 304, trong thời kỳ đại bách hại của Diocletius. Câu chuyện về một cộng đoàn tu sĩ ở Abitina, một ngôi làng gần Carthage, bị bao vây. Chỉ sau vài năm sự việc xảy ra, một nhân chứng đã ghi chép rất cụ thể về việc các tu sĩ bị tra tấn rất tàn bạo, nhưng lòng tin vào Thánh Thể vẫn ngời sáng.

Khi bị tra hỏi tại sao không tuân lệnh hoàng đế cấm không cho dâng Thánh lễ, một thầy đọc sách còn trẻ tên là Felix nói: “Lẽ nào một Kitô hữu mà không dâng Thánh lễ, và lẽ nào một Thánh lễ mà không có tín hữu Kitô!... Người Kitô hữu tồn tại nhờ có Thánh lễ và Thánh lễ ở trong Kitô hữu! Cả hai cùng tồn tại không thể thiếu nhau… Chúng tôi cử hành cuộc quy tụ vinh quang. Chúng tôi họp nhau lại trong Thánh lễ để cùng đọc Sách Thánh của Chúa chúng tôi”. (ix)

Chúng ta nhận thấy trong lời tuyên xưng này có cùng một chủ đề chúng ta đang nói đến. Đối với các người môn đệ này, Thánh lễ không chỉ là bữa ăn mà chính là “cuộc quy tụ vinh quang”, một cử hành phụng vụ trên trời. Phụng vụ này xác định căn tính của người Kitô hữu, đồng thời cũng xác định rõ căn tính của Giáo Hội; đến độ một trong những người bạn tử đạo của Felix đã tuyên xưng rằng: “Chúng tôi không thể sống mà không có Thánh lễ”.

Đây chính là niềm tin truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc thờ phượng. Và cũng là đức tin mang cảm hứng phượng thờ. Vậy phải chăng hôm nay chúng ta có thể thật sự nói rằng mình sẵn sàng chết chứ không thể không có Thánh Lễ?

Phụng vụ chỉ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta nếu chúng ta đặt phụng vụ làm trọng tâm của đời sống mình. Và đó là một nhiệm vụ của chúng ta, những người đang hiện diện nơi đây. Trung tâm của một nền văn hóa Thánh Thể mới phải là việc cử hành Thánh lễ chúa nhật. Không có biểu hiện tác động văn hóa nào lớn hơn đối với cử hành Thánh Thể bằng thực tế là chúng ta không còn coi ngày chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần mà là ngày cuối của “cuối tuần” của mình.

Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết vào “ngày thứ nhất trong tuần” (x). Đó là lý do các Kitô hữu tiên khởi coi ngày chúa nhật, ngày của Chúa, là “lễ Phục sinh trong tuần”. Vì thế chúng ta cũng cần coi trọng ngày chúa nhật như vậy.

Thánh lễ là tặng phẩm thiêng liêng giúp chúng ta bắt đầu một tuần mới của mình. Thánh lễ không phải là điều chúng ta cố gắng “chêm vào” những hoạt động giải trí của chúng ta trước khi trở lại làm việc vào thứ hai. Ngay cả sự thay đổi tinh tế trong cái nhìn này có thể tạo ra tác động sâu sắc đến cách thức chúng ta thờ phượng và cách chúng ta sống đức tin trong thế giới.

Thứ tư, và cũng là cuối cùng, phụng vụ là trường học của tình yêu hiến tế.

Luật cầu nguyện của chúng ta phải thành luật sống. Lex orandi, lex vivendi. Chúng ta đang trở nên của lễ hiến tế do chính chúng ta dâng lên.

Thật ấn tượng biết bao về những câu chuyện kể về các Kitô hữu tử đạo tiên khởi, nhất là về các giám mục và linh mục, được nói đến trong điều mà chúng ta có thể gọi “bí quyết Thánh Thể”. Một câu chuyện có tính kinh điển chính là cuộc tử đạo của thánh Pôlycarpô, vị giám mục lão trượng. Toàn bộ trình thuật diễn ra theo trình tự của cử hành phụng vụ. Thánh Pôlycarpô đã dâng một lời cầu nguyện dài. Lời cầu nguyện này trở thành khuôn mẫu của phần sau lễ quy Thánh Thể trong thánh lễ.

Cuối cùng một câu hỏi của thánh Pôlycarpô nay vẫn vang vọng trong lời nguyện Thánh lễ: “Liệu hôm nay tôi có được Chúa đón nhận như một hiến lễ dồi dào và xứng đáng không?” Trình thuật tiếp tục kể về việc ngài lúc bị thiêu sống. Các nhân chứng quả quyết họ ngửi thấy không phải mùi thịt cháy, mà là mùi thơm của tấm bánh được bẻ ra (xi).

Một bằng chứng kinh điển khác là câu chuyện thánh Inhaxiô, giám mục thành Antiôkia. Trong lúc ở tù đợi ngày chết bằng cách bị ném cho chó ăn thịt, ngài viết như sau: “Tôi là hạt lúa mì của Chúa, bị nghiền nát bởi răng của loài dã thú, trở thành bằng cớ chứng minh tôi là tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kitô” (xii).

Không chỉ các vị tử đạo mới thấy mình là của lễ trong bí tích Thánh Thể, mà chính các bạn và tôi cũng làm nên của lễ như vậy. Mọi tín hữu đã chịu phép Rửa cũng là như thế. Đọc đi đọc lại trong Tân Ước, thì thấy tất cả chúng ta đều được mời gọi dâng hiến chính mình, làm hiến vật chúc tụng sống động, dâng lên Thiên Chúa, điều này sẽ làm cho chúng ta trở nên của lễ hoàn hảo, thánh thiện và được Thiên Chúa chấp nhận (xiii).

Đây là nền tảng hình thành niềm tin Công giáo vào chức tư tế của tất cả những ai được chịu phép Rửa. Các Kitô hữu tiên khởi tin rằng họ được thừa kế ơn gọi dành cho Israel, thành “dân được tuyển chọn, tư tế vương giả và dân tộc thánh thiện” (xiv). Nhờ chức tư tế bằng chính đời sống mình, tất cả các tín hữu được rửa tội đều hiến tế, không phải bằng máu hiến tế của động vật, nhưng hiến tế bằng trái tim mình, biểu tượng cho sự sống của chúng ta, theo gương Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta dâng hiến lễ chúc tụng trước hết và trên hết trong cử hành Thánh Thể. Đó là lời mời gọi của công đồng về sự “tham dự tích cực” của giáo dân trong phụng vụ (xv). Chẳng may, cách nói này đã bị lạm dụng, coi đó là sự cho phép mở ra những hoạt động hình thức ồn ào bên ngoài ngay trong việc thờ phượng, vốn là điều công đồng không nhắm đến.

“Tham gia tích cực” dùng để chỉ sự tác động bên trong linh hồn chúng ta, chỉ sự tham dự nội tâm của chúng ta vào hành động của Chúa Kitô hiến dâng Mình và Máu mình. Điều này đòi hỏi phải có không gian thinh lặng và “những điểm dừng” trong sự thờ phượng của chúng ta, vì những yếu tố đó giúp chúng ta có thể tập trung những cảm xúc và suy nghĩ của mình, và thực hiện một hành động có ý thức về sự tự hiến. Chúng ta hãy “nâng lên tâm hồn lên” và trong tâm tình thống hối và khiêm nhường được dâng trên bàn thờ cùng với bánh và rượu.

Nhưng công việc của chúng ta không dừng lại trong Thánh lễ.

Tất cả những gì trong ngày sống của mình – công ăn việc làm, những đau khổ, kinh nguyện, và làm việc tông đồ – tất cả những gì chúng ta làm và trải nghiệm đều được dâng lên Thiên Chúa làm của lễ thiêng liêng. Tất cả những gì chúng ta làm cho thai nhi, người nghèo và người tàn tật; tất cả những gì chúng ta làm vì quyền của người nhập cư được hưởng sự công bằng và cho phẩm giá của hôn nhân, gia đình: Tất cả những điều đó phải được dâng lên như lời ngợi khen và vinh danh Thiên Chúa cũng như phần rỗi của anh chị em mình.

Đây là một giáo huấn lớn lao khác của Công đồng, cho chúng ta biết mình phải tiến vào linh đạo Công giáo trong các nghi lễ. Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, Công đồng dạy rằng: tất cả những việc chúng ta làm “hợp cùng của lễ Thân Mình Chúa Kitô đều được dâng lên rất đẹp lòng Chúa trong cử hành Thánh Thể. Như vậy, giáo dân đã dâng chính thế giới lên Thiên Chúa mỗi khi thờ phượng Ngài bằng hành động thánh này ở bất cứ nơi đâu” (xvi).

Tất cả những việc chúng ta làm – trong phụng vụ và trong cuộc sống của chúng ta trên thế giới – là lễ tế hiến dâng thế giới này lên Thiên Chúa.

Hãy biến đời mình thành cuộc cử hành phụng vụ. Chính các bạn là người canh tân phụng vụ.

Kết luận: Tôn vinh Thiên Chúa bằng chính cuộc sống

Vì vậy, các bạn thân mến, chúng ta trở lại vấn đề thảo luận ban đầu.

Đây là câu trả lời cho thách thức của Cha Guardini. Bạn chính là câu trả lời cho thách thức của ngài.

Hành động phụng vụ đối với con người hiện đại là điều có thể thực hiện được, khi bạn làm cho cuộc sống của mình thành một cuộc cử hành phụng vụ, khi bạn sống tinh thần phụng vụ, làm cho đời mình thành một lễ tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa đã ban các ơn và cứu chuộc bạn. Bạn chính là tương lai của cuộc canh tân phụng vụ.

Hành động phụng vụ đối với con người hiện đại là điều có thể thực hiện được, khi bạn nhìn cuộc sống và việc làm của mình dưới ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới này, dưới ánh sáng ý Chúa muốn cho mọi người nam và nữ đều được cứu độ và nhận biết chân lí (xvii).

Mầu nhiệm chúng ta cử hành cùng với các thiên thần và các thánh phải được cắm rễ sâu vào đời sống và nhân cách của chúng ta. Mầu nhiệm đó phải sinh hoa kết quả. Mỗi người chúng ta phải đóng góp phần độc đáo của mình vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa – đó là mọi thụ tạo trở nên sự tôn thờ và hy tế ngợi khen Thiên Chúa.

Cảm ơn các bạn đã chăm chú theo dõi. Thật phù hợp để chúng ta đi đến kết luận và tiến về phía trước với lời nguyện giải tán trong Sách lễ Rôma mới. Vậy, trong buổi tối hôm nay, mỗi người chúng ta hãy dành cho nhau lời nguyện chúc này: “Hãy ra đi trong bình an và tôn vinh Thiên Chúa bằng cuộc sống của bạn”.

+ Charles J. Chaput OFM Cap, Tổng giám mục giáo phận Denver

 

–––––––––––––––––––––––––––––––––
Chú thích:

i. x. Robert Krieg, Romano Guardini: A Precursor of Vatican II (Notre Dame, 1997), 87–90.
ii. x. Rm. 8,15.
iii. Robert E. Barron, Bridging the Great Divide: Musings of a Post-Liberal, Post-Conservative Evangelical Catholic (Rowan & Littlefield, 2004), 66; cf. Chap. 5: “The Liturgical Act and the Church of the 21st Century.”
iv. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 10.
v. x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 8, Hiến chế Lumen Gentium 50; Giáo lý Công giáo, 1090, 1111, 1136, 1187, 1326, 2642.
vi. The Rus Primary Chronicle (Cambridge: Mediaeval Academy, 1953); cf. Ratzinger, Pilgrim Fellowship of Faith (Ignatius, 2005), 90–91.
vii. Kh 1,9.
viii. 2 Pr 3,13; Ep 1,10, 23; 1Cr 15,28; 2Cr 5,19; Cl 1,18, 20; Pl 2,5–12.
ix. Patrologia Latina, vol. 8, col. 696; dominico, tiếng latinh, có khi được hiểu là “ngày của Chúa/chúa nhật” hoặc “tiệc ly”. Ý nghĩa khẩu ngữ là “Thánh lễ”, x. Mike Aquilina, Fire of God’s Love: 120 Reflections on the Eucharist (Servant, 2009), 13.
x. Mc 16,2, 9; Lc 24,1; Ga 20,1.
xi. Martyrdom of Polycarp, 9, trong The Acts of the Christian Martyrs, bản dịch Anh ngữ của Herbert Musurillo (Clarendon, 1972).
xii. To the Romans, 4.
xiii. cf. Rm 12,1; 1Pr 2,5: Dt 9,14; 13,15, 16.
xiv. x. 2Pr 2,9; Kh 1,6; Xh 19,4.
xv. x. Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 14 (tiếng latinh: actuosa participatio, tham dự tích cực).
xvi. Hiến chế Ánh sáng muôn dân Lumen Gentium, 34.
xvii. x. 1Tm 2,4. 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top