Phúc âm hóa và Đối thoại liên tôn tại châu Mỹ
Hội đồng đặc biệt về châu Mỹ của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã nhóm phiên họp lần thứ mười sáu trong hai ngày 27-28 tháng Mười 2011. Theo một thông báo được công bố hôm thứ Sáu 04.11.2011, cuộc họp đã thảo luận về các đề tài như Tân Phúc Âm hóa, đối thoại liên tôn và tình hình của Giáo Hội cũng như của xã hội tại nhiều vùng của châu lục này, dưới ánh sáng của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục “Giáo Hội châu Mỹ” .
Thông báo cho biết: “Tông huấn “Giáo Hội châu Mỹ” tái lập cho lục địa này tiêu chí để đánh giá các tôn giáo ngoài Kitô giáo, theo cách diễn tả của Công đồng Vatican II trong Tuyên ngôn “Nostra Aetate”. Tiêu chí này là: “Giáo Hội Công giáo, trong khi khẳng định tính độc đáo cụ thể của Kitô giáo, không hề phủ nhận những gì là chân thực và thánh thiện nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo”.
“Trong lĩnh vực đối thoại đại kết và liên tôn, đôi khi các Nhà nước cũng xen vào ở một mức độ nào đó. Trong khi tuyên bố mình là thế tục, các Nhà nước –với đủ mọi ý hướng và mục đích– lại thường chỉ xem Giáo Hội Công giáo như là một trong nhiều tôn giáo khác. Quan điểm này đã bỏ qua bản chất thực sự của Giáo Hội Công giáo và vai trò lịch sử không thể chối cãi của Giáo Hội trong cuộc loan báo Tin Mừng đầu tiên cho lục địa cũng như trong việc hình thành bản sắc của mỗi quốc gia. Chiến lược này được các nhà cầm quyền dân sự theo đuổi, nghĩa là đối thoại đại kết và liên tôn được thay thế bằng khái niệm chung chung: “quan hệ giữa các tôn giáo”. Như thế, người ta không chỉ xem mọi tôn giáo như hiện tượng tinh thần bình đẳng với nhau, nhưng còn có khuynh hướng coi tôn giáo như một công cụ phục vụ cho đời sống chính trị. Tuy nhiên, Giáo Hội tại châu Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động đại kết và liên tôn của mình, theo các hướng dẫn mục vụ được Công đồng Vatican II và Huấn Quyền đề ra”.
Thông báo này cũng nêu bật các mối quan hệ tốt đẹp với những hệ phái Kitô khác và với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đặc biệt là người Do Thái và người Hồi giáo. Nói về các tôn giáo bản địa đã có trước khi Kitô giáo đến, bản thông báo giải thích: “Giáo Hội Công giáo tìm kiếm khám phá các yếu tố tương hợp với Tin Mừng, để thanh tẩy và hội nhập chúng một cách thích đáng vào đời sống của các cộng đồng Giáo hội địa phương”. Tuy nhiên, các giáo phái tạo nên “thách đố thực sự cho Giáo Hội trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa”, bởi vì, “qua việc hăng say cải giáo, chúng lan tràn nhanh chóng đến các thành phố lớn và đến bất cứ nơi đâu Giáo Hội suy yếu”.
Nghèo đói, bạo lực và truyền bá các giá trị không tôn trọng đời sống con người vẫn là một mối quan tâm. Chúng được xem như là “kết quả tiêu cực của quá trình tục hóa đang mở rộng từ Bắc xuống Nam”. Những ảnh hưởng của trận động đất ở Haiti vẫn còn đó, lại càng trầm trọng hơn do bệnh tật và hoàn cảnh xã hội khó khăn. Hy vọng rằng tình liên đới cụ thể sẽ được thúc đẩy bởi các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức Giáo Hội.
Một hiện tượng khác có quy mô rộng lớn ảnh hưởng đến toàn bộ lục địa là việc di dân. “Trong lĩnh vực này, Giáo Hội tham gia việc thúc đẩy các chương trình trợ giúp xã hội và tôn giáo cho người di cư, nhằm giúp họ hội nhập văn hóa và được an ninh xã hội. Mặc dù sự thật là những người di cư bất hợp pháp phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, hiện tượng di dân cũng có mặt tích cực: tạo thuận lợi cho việc hội nhập giữa các dân tộc khác nhau và cho sự thống nhất của châu lục này”.
Bản thông báo bày tỏ sự hài lòng về sự gia tăng số ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến của các tu sĩ nam, nhưng lưu ý đến việc suy giảm số nữ tu tại một vài khu vực. Tuy nhiên, “các thế hệ mới lại rất sẵn sàng đón nhận đức tin”.
Thông báo kết luận bằng cách nhắc lại kết quả tích cực của Hội nghị khoáng đại lần thứ năm của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, diễn ra tại thành phố Aparecida, Brasil hồi năm 2007, “nâng cao nhận thức rằng toàn thể Giáo Hội trên lục địa này phải ở trong tình trạng truyền giáo”. Thông báo cũng ghi nhận việc tích cực đón nhận bản “Đề cương” của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII, được tổ chức tại Vatican vào tháng Mười năm 2012 với chủ đề: “Tân Phúc Âm hóa để truyền bá đức tin Kitô giáo”.
(VIS, 04-11-2011)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô