Phỏng vấn Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội
Vatican News (17/9/2024) - Chủ đề về phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội được quan tâm không chỉ bởi các tham dự viên của khoá họp thứ hai của Thượng hội đồng đang diễn ra ở Roma, nhưng còn bởi nhiều người ưu tư về các quyền căn bản, về vị trí của phụ nữ trong xã hội và Giáo hội. Trong cái nhìn này, Báo quan sát viên Roma của Toà Thánh đã có một cuộc trò chuyện với bà Mónica Santamarina, Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (UMOFC) từ tháng 5/2023.
Bà Mónica Santamarina, năm nay 65 tuổi. Trước khi được bầu làm Chủ tịch tổ chức phụ nữ Công giáo quốc tế, bà là một nhà tư vấn pháp lý và giáo viên, trợ lý hội đồng tại Viện Phụ nữ Quốc gia ở Mexico, thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành, và Chủ tịch của Phong trào từ năm 1996 đến 2001.
Đối với Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, bà từng là Phó Chủ tịch, rồi thủ quỹ và hiện là Chủ tịch. Bà chia sẻ: “Tôi luôn làm việc với phụ nữ. Tôi mơ ước Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có thể đại diện cho đa số phụ nữ Công giáo trên thế giới và hoạt động vì công cuộc loan báo Tin Mừng và phát triển toàn diện phụ nữ, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất”.
Trong cuộc trò chuyện, trước khi đi vào chủ đề Thượng hội đồng, bà Mónica Santamarina, cho biết một số hoạt động gần đây của tổ chức. Được thành lập năm 1910, và được Tòa Thánh công nhận vào năm 2006, Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có tám triệu thành viên, thuộc hơn 50 quốc gia. Các thành viên đa số là giáo dân, một số tu sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực giáo hội, xã hội và văn hóa.
Tham gia Phong trào và nền tảng Laudato si' cùng với dự án “trồng cây” là một phần đang được quan tâm đối với hệ sinh thái toàn diện, được chia sẻ bởi hàng trăm tổ chức phụ nữ Công giáo thuộc Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới. Cụ thể, trong ba năm, đã có 24 triệu cây xanh được trồng.
Ngoài ra còn có các dự án đa dạng khác như giếng nước trong sa mạc, đào tạo cho phụ nữ bản địa ở châu Mỹ, châu Phi và châu Úc, các khóa học chống lạm dụng và bạo hành gia đình ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Các thành viên hoạt động trong mạng lưới với các thực tại dân sự, đại kết, các tôn giáo khác. Mục đích là để khuyến khích và tạo ra một mạng lưới dựa trên tình chị em, công việc chung và sự hợp tác.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn về Thượng hội đồng:
Thưa bà, theo cái nhìn của Thượng Hội đồng, Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới đã tổ chức một trường học về hiệp hành để đào sâu sự tham gia của phụ nữ vào đời sống Giáo hội. Kết quả như thế nào?
Con đường hiệp hành hướng tới sự tham dự đầy đủ và bao gồm hơn trong Giáo hội được đánh giá cao. Các phụ nữ tin tưởng đây có thể là con đường đúng để Giáo hội nhìn nhận các đặc sủng của phụ nữ. Điểm hội tụ quan trọng nhất là cần đào tạo nhiều hơn cho phụ nữ, cho phép phụ nữ thi hành những vai trò quan trọng trong Giáo hội và đảm nhận vai trò lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau, ở những nơi đưa ra quyết định. Để làm được điều này, chúng ta cần một cuộc cải thiện, một sự thay đổi trong tâm hồn, các linh mục và giám mục, cũng như cả giáo dân nam nữ.
Bà có thể đưa ra một số ví dụ về sự thay đổi cần thiết không?
Trước hết cần phải khiêm tốn hơn. Và rồi không lo sợ. Đôi khi các linh mục và giám mục muốn chúng tôi ở xa, nhưng chúng tôi ở đó và chúng tôi muốn được lắng nghe, để có thể đóng góp bằng những ân sủng, tài năng và kinh nghiệm của chúng tôi, cũng như tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Tóm lại, vấn đề không chỉ là nói: “Được, được rồi, đến đây, tôi sẽ cho chị một vị trí trong hội đồng mục vụ”. Cần một sự thay đổi thực sự, hiểu rằng phụ nữ rất quý giá: chúng tôi muốn làm việc cùng với các linh mục và giám mục, không chống lại, không tranh giành vị trí của các linh mục và giám mục. Điều khó tin là đôi khi các quyết định chỉ được đưa ra bởi những người nam, trong khi hầu hết những người đến nhà thờ, làm việc ở các giáo xứ, dạy giáo lý, những người sống chung với những người dễ bị tổn thương nhất đều là phụ nữ. Nhờ Đức Thánh Cha Phanxicô, nhiều điều đã được thực hiện, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Cần lên kế hoạch, đầu tư tiền của và thời gian.
Nhiều người, như ở phương Tây, đã bỏ Giáo hội vì họ cảm thấy Giáo hội xa cách. Giáo Hội phải làm gì để “có sự lôi cuốn” đối với người trẻ?
Tại một số vùng trên thế giới, mỗi ngày chúng ta đang mất đi người Công giáo, đặc biệt là các bạn trẻ nam nữ. Tôi cho rằng chúng ta chưa lôi cuốn giới trẻ được vì chúng ta chưa linh hoạt, phụ nữ có những thời điểm khác nhau, đi làm, phải chăm sóc con cái. Và những người trẻ cần những chứng từ. Vấn đề lạm dụng trẻ em đã lấy đi rất nhiều thứ khỏi Giáo hội. Nhiều người trẻ cần được hướng dẫn, nhưng cùng với cuộc khủng hoảng của các gia đình và Giáo hội, sự hướng dẫn đã bị mất. Tôi thúc đẩy để Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới có những người còn rất trẻ và biết cách giao tiếp bằng ngôn ngữ phù hợp. Chúng ta cần nói về những vấn đề của họ, về những gì thực sự ảnh hưởng đến họ. Và cuối cùng tôi cho rằng Giáo hội đã quên làm việc với con người.
Những người bị lãng quên?
Đúng vậy, ở một số vùng trên thế giới có những người nam không thể chấp nhận sự thay đổi. Ở các nước Mỹ Latinh cũng như ở những nơi khác, bạo lực đã gia tăng từ khi phụ nữ đi làm. Có những người nam đang tức giận. Họ không chấp nhận phụ nữ có những quyền như họ, không chấp nhận tất cả nam nữ đều có phẩm giá như nhau. Chúng ta phải làm việc rất nhiều với cả phụ nữ và nam giới. Nếu chúng ta không làm điều này cùng nhau, chúng ta sẽ không thành công.
Theo bà, cần chú trọng những hoạt động nào khác để tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ?
Tôi biết nhiều phụ nữ muốn học thần học tại các trường đại học tốt nhưng không thể có được học bổng. Vì thế họ phải bỏ cuộc, họ bị tổn thương và không thể chữa lành. Chúng ta có những người phụ nữ tuyệt vời, những nữ tu tuyệt vời, những nữ thần học gia và họ phải có những cơ hội như nam giới. Có rất nhiều nhu cầu đào tạo, nhưng ở các cấp độ khác nhau Giáo hội không đầu tư nguồn lực, tiền bạc và thời gian để đào tạo phụ nữ. Khi nói đến nam giới, linh mục, không có vấn đề gì. Ví dụ đối với phụ nữ, không có trường dành cho các nhà ngoại giao, chỉ có nam giới mới được theo học ngành ngoại giao tại Tòa Thánh. Trái lại tôi nghĩ phụ nữ sẽ làm việc này rất tốt. Tiếp đến, luật sư, tôi rất ngạc nhiên khi biết trong các tòa án Giáo hội, phụ nữ có thể tham gia, nhưng giáo dân không thể làm chánh án. Ở Mexico, phụ nữ làm việc nhiều và làm chánh toà các tòa án gia đình, họ có nhiều kinh nghiệm hơn về cuộc sống hôn nhân, nuôi dạy con cái và các vấn đề. Tại sao không đào tạo và để phụ nữ làm việc đó? Tại sao chỉ có linh mục thi hành công việc này? Một khi đã được đào tạo, nam nữ giáo dân sẽ có thể làm tốt.
Theo bà, còn điều gì khác để trao tiếng nói cho phụ nữ trong Giáo hội?
Tôi nghĩ Giáo hội phải đào tạo phụ nữ cho một số thừa tác vụ. Không phải các thừa tác vụ chức thánh, nhưng là những mục vụ về công bằng xã hội, phục vụ phụ nữ và trẻ em. Để bảo vệ họ khỏi bạo hành gia đình, khỏi nạn buôn người, khỏi mọi hình thức lạm dụng. Đối với những phụ nữ phải chạy trốn nguyên nhân do người chồng, phải chạy trốn vì là nạn nhân của nạn buôn người. Chúng tôi có những trải nghiệm rất đau đớn về điều này. Tôi đã làm việc với những phụ nữ và trẻ nữ là nạn nhân trong nhiều năm. Nhưng chúng ta cần thành lập một thừa tác vụ đặc biệt và chuẩn bị cho phụ nữ tham gia.
Về chủ đề thừa tác vụ, điều gì đáng lưu ý từ cuộc khảo sát về phó tế cho phụ nữ?
Từ cuộc khảo sát, một phần ba cho biết họ ủng hộ, hai phần ba phản đối. Vấn đề là có sự khác biệt giữa việc phục vụ phó tế và thừa tác vụ thánh chức của các phó tế, nhưng mọi người không biết điều đó. Phụ nữ đã thực hiện nhiều việc phục vụ của phó tế, ở châu Mỹ, ở Úc, ở những nơi chỉ có một linh mục trong một vùng rộng lớn, và chẳng hạn, các linh mục chỉ đến được hai tuần một lần.
Bà có ủng hộ phụ nữ làm linh mục không?
Không. Tôi không phải là một thần học gia. Tôi tin tưởng vào những gì cho đến nay Giáo hội cho là phù hợp.
Bà mong đợi điều gì từ Thượng Hội đồng?
Điều quan trọng nhất về Thượng Hội đồng và sự hiệp hành không phải là các vấn đề được thảo luận, nhưng là cách giải quyết các vấn đề, để bắt đầu học để trở thành Giáo hội với cách thức khác. Tôi hy vọng sự hiệp hành được thúc đẩy không chỉ ở cấp độ quốc tế, nhưng còn ở các giáo phận và giáo xứ. Những đề xuất cụ thể của Tài liệu Làm việc cho phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì chúng tìm cách làm phong phú đời sống Giáo hội bằng các đặc sủng và kỹ năng của phụ nữ nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ của thời đại chúng ta. Đây là lý do tại sao với tư cách là Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, chúng tôi cổ vũ phương pháp hiệp hành và đào tạo những người điều phối, bởi vì chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào con đường mới này của Dân Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô