Phóng sự: Tình bao dung
Chúng tôi - một nhóm của lớp Phóng Sự MVTT 2019 - ngồi kể cho nhau nghe những chuyện tình éo le mà chúng tôi đã từng tận mắt chứng kiến[1]. Ở đây chỉ ghi lại ba câu chuyện có thật, mong được như một phóng sự nho nhỏ, nhằm minh họa và đi vào những nỗ lực mục vụ gia đình của Tổng giáo phận.
CHUYỆN ‘CON ĐƯỜNG SÁNG DẦN’ [2]
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
Đinh thị Minh Thu mới 20 tuổi khi là ca viên của một ca đoàn thuộc giáo xứ Bình Thuận, Tân Sơn Nhì. Lúc đó, trong ca đoàn có một chàng trai tên Nguyễn Văn Phương, chất giọng trầm ấm, hay tập hát chung với Thu. Gặp nhau nhiều nên tình yêu nảy nở, cho đến lúc họ quyết định về sống chung một nhà.
Chẳng may, họ gặp một trở ngại lớn. Gia đình Phương không đồng ý Minh Thu, dù lúc đó Thu đã có thai 6 tuần với Phương. Không được cha mẹ chấp thuận cho cưới Minh Thu, Phương đã ra đi biệt tăm, bỏ mặc người yêu lao đao khốn khổ với đứa con mới tượng hình trong bụng.
Nỗi đau đớn ê chề khiến Minh Thu có ý định tự tử. Nhưng rất may, Thu có một người mẹ tốt lành, hết mực khuyên giải và đưa tay nhận hết tất cả những bất hạnh của con gái mình. Con gái của Thu đã chào đời trong vòng tay yêu thương của bà ngoại. Ngày ẵm con tới nhà thờ rửa tội, Thu cũng cảm thấy phần nào được an ủi và hạnh phúc.
Vết thương nào rồi cũng được thời gian chữa lành, Minh Thu dần dần ổn định trong công việc kinh doanh, cho đến khi một chàng thanh niên khác xuất hiện làm thay đổi tất cả. Anh tên Lê Xuân Phong, khác đạo với Thu và còn độc thân. Anh biết rõ quá khứ của Thu và chấp nhận, tha thiết cầu hôn và muốn xây dựng tổ ấm cùng Thu với đứa con riêng của cô. Nhưng khi Thu ngỏ ý đề nghị anh theo đạo của cô thì anh từ chối vì lý do anh là con trai trong gia đình phải lo viêc thờ tự.
Cuối cùng một đám cưới cũng được tổ chức trong không khí ấm áp của gia đình đôi bên. Tuy nhiên, xem ra tâm hồn của Thu đang đi vào bóng tối với những trăn trở khi thường xuyên lủi thủi đi tham dự Thánh lễ một mình và không được rước Mình Thánh Chúa.
Thu có thói quen lần chuỗi Mân Côi vào cuối ngày, tha thiết xin Mẹ Maria giúp cô đưa được chồng đến nhà thờ, chỉ để học giáo lý hôn nhân và xin Cha xứ làm phép chuẩn cho đạo ai nấy giữ.
Khi đứa con thứ hai chào đời, niềm vui được nhân đôi khi anh Phong đồng ý cho con được rửa tội. Thu càng tích cực cầu nguyện cho chồng sớm nhận ra nỗi thiệt thòi của Thu khi không được cùng chồng đi dự lễ.
Lơi cầu xin của Thu mỗi ngày với Đức Mẹ đã được Chúa nhận lời. Phong vì thương vợ nên đã chấp thuận đăng ký lớp giáo lý để cùng đi học với Thu. Ngày hai người nắm tay nhau lên lãnh phép chuẩn hôn phối, ca đoàn của Thu đến dự đông đủ, dâng lời ca tiếng hát tạ ơn Chúa và Mẹ Maria. Thu đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc vì cuộc đời cô bắt đầu được bước đi trên con đường ngập tràn ánh sáng, dù vẫn ‘đạo ai nấy giữ’.
Đúng là “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng“, Phong yêu Thu thật tình, nên dù khác đạo, dù có nhiều trở ngại, những chỗ lệch nhau như thế cũng đã dần dần được ‘tình yêu bao dung’ của họ kê lại cho bằng phẳng. Họ đang sống trong hạnh phúc.
CHUYỆN ‘CON ĐƯỜNG TỐI DẦN’[3]
Còn đây là chuyện tình của Thiệu và Linh. Linh sống ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thiệu sống ở huyện Cam Lâm, cũng thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Thiệu từ huyện ra thành phố học, rồi đi làm ở nhà sách Fahasa và gặp Linh cũng làm ở đó.
Lúc đầu chị không thích anh, thậm chí còn rất ghét vì tính anh hay lăng nhăng và giễu cợt. Nhưng lâu dần, hai người cùng nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân.
Thiệu là người Công giáo đạo gốc, Linh là tân tòng. Trong quá trình học giáo lý hôn nhân, hai anh chị ăn cơm trước kẻng, nhưng linh mục Dòng Phanxicô vẫn đồng ý cho hai người cử hành thánh lễ hôn phối.
Linh vốn là cô gái bị tổn thương từ nhỏ. Ba Linh bỏ mẹ Linh để đi theo người khác, khiến tận thâm tâm, Linh không tin đàn ông. Mẹ chị cũng thế. Lúc đầu bà không đồng ý cuộc hôn nhân này, rồi sau cũng đành chấp nhận vì thấy Linh quá yêu Thiệu.
Nhưng sau khi kết hôn, giữa hai người lại thường xảy ra mâu thuẫn do kinh tế gia đình không ổn định. Làm lương thấp, mà chi tiêu vượt mức. Thêm vào đó, Linh lúc nào cũng ghen và thường xuyên theo dõi, kiểm tra chồng qua điện thoại, người thân, bạn bè…
Khi có em bé rồi, tình hình vẫn ngày một nghiêm trọng hơn giữa hai vợ chồng, và cả với mẹ vợ. Đến một ngày nọ, Linh đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Anh chồng đạo gốc không chịu ký nhưng Linh vẫn đơn phương đưa đơn ly hôn. Nhiều lần tòa gọi lên hòa giải, nhưng kết quả vẫn đáng buồn: hai người chia tay nhau.
Một thời gian sau, Linh kết hôn với người khác và đã có con với người chồng mới. Còn anh chồng đạo gốc thì việc làm không ổn định, quen hết cô này đến cô khác. Và giờ đây, Thiệu quen một cô gái khác, cũng đạo công giáo, rồi về sống chung với nhau. Và cuộc sống vẫn đang tiếp diễn…
Hai vợ chồng ly hôn đó chính là cậu mợ tôi. Và tôi không đồng ý cho sự quyết định của họ. Hy vọng Chúa thương xót, vâng, xin Chúa thương xót những người không có đủ ‘tình yêu bao dung’ để thực hiện được ý nghĩa của câu ca dao: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.“
CHUYỆN ‘CON ĐƯỜNG LỜ MỜ’[4]
Mười năm trước, đám cưới của Hoài Thu và Văn Tuấn trở thành chủ đề bàn tán nóng bỏng ở xóm đạo nghèo vùng đất giáp ranh Bình Dương. Một cô gái Công giáo đồng ý kết hôn với một người đàn ông bên lương đã ly dị. Cặp đôi không thực hiện bất cứ nghi thức hôn phối nào của Công giáo.
Hai bên gia đình đều không đồng tình ủng hộ mối nhân duyên. Nhiều khách Công giáo được mời đã e ngại sẽ mắc tội nếu tham dự đám cưới của họ…
Vượt qua hết những rào cản, cặp đôi đã đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt. Thời gian trôi qua, họ sống hạnh phúc cùng hai cô con gái ngoan hiền, dễ thương trong mái ấm riêng của họ. Tuy nhiên, giống như những gia đình khác, đời sống lứa đôi của họ cũng nhiều lần va chạm thử thách, bất đồng quan điểm.
Hoài Thu là giáo viên Mầm Non, tiếp xúc với nhiều bạn bè và phụ huynh có trình độ học thức, nên cô luôn giữ vẻ ngoài tươm tất, gọn gàng và siêng năng trau dồi kiến thức. Xuất thân từ gia đình nghèo đông con, Hoài Thu luôn nhắc nhở bản thân phải phấn đấu xây dựng đời sống kinh tế gia đình vững chắc.
Ngược lại, Văn Tuấn sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng lại bỏ học sớm, ít quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân. Tuy là chàng trai siêng năng làm việc nhưng Văn Tuấn không có khái niệm phấn đấu, tạo dựng một tương lai ổn định cho vợ con. Anh thường xuyên tụ tập bạn bè chè chén, ăn chơi phóng túng, cặp kè trai gái sau mỗi giờ làm.
Cách biệt tuổi tác và nền tảng học thức giữa họ dần dần trở nên rõ nét hơn khi cả hai bước vào lứa tuổi trung niên. Trong khi Hoài Thu vẫn giữ cho mình một vẻ ngoài tươi tắn, hợp thời thì Văn Tuấn đã lộ rõ nét cằn cỗi, thô ráp, thiếu sức sống.
Hoài Thu nhiều lần tạo cơ hội cho chồng tiếp xúc với bạn bè của mình, khơi lên những điểm tích cực nơi anh, nhưng anh luôn cảm thấy tự ti khi tiếp xúc với họ. Anh không muốn đi cùng vợ nhưng lại luôn ghen tuông khi để vợ đi một mình. Lâu dần, anh không muốn cho vợ đi đâu cả vì sợ mất Thu, luôn nghi ngờ Thu có tình nhân. Những lần say xỉn, anh thốt lên những lời cay độc, miệt hạ Thu không thương tiếc, đập phá nhà cửa, đồ đạc và đánh đập Thu. Văn Tuấn vẫn yêu vợ nhưng anh không biết bộc lộ cảm xúc cách thích hợp. Sự im lặng ít nói mà cộc cằn của anh nay trở thành một nhược điểm tai hại.
Về phần Hoài Thu, sau nhiều lần xung khắc, làm lành rồi lại xung đột, cô dường như chai lì cảm xúc. Không phải là loại người dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn nhưng Thu cảm thấy mệt mỏi khi những nỗ lực vun đắp của Thu lại được đón nhận bằng phản ứng hờ hững, vô lo của chồng.
Tiếp tục gồng mình nỗ lực tạo cơ hội mới cho cả hai vợ chồng, hay quyết định chia tay ‘cho rảnh nợ’, đâu là lựa chọn của Hoài Thu lúc này? Còn Văn Tuấn, anh đang suy nghĩ gì và sẽ làm gì? Liệu anh có sẽ thất bại trong hôn nhân một lần nữa, có chia tay vợ mình như đã từng đổ vỡ một lần trước đây? “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng“: phải kê cho bằng như thế nào đây?
ĐỒNG HÀNH
Ba câu chuyện hôn nhân trên đây cho thấy: Mục vụ đồng hành của Giáo hội thật là quan trọng. Cần có những người được Giáo hội đào tạo để đến với những gia đình đang gặp khó khăn, mà đồng cảm, yêu thương và thực hiện những bước đồng hành cần thiết với họ, ví dụ 3 bước cơ bản đã được Ủy ban Mục vụ Gia Đình đề nghị: Đón tiếp, Dẫn vào hành trình đức tin và Hoán cải.
1. Đón tiếp
Bước đầu tiên của ‘người đồng hành’ luôn phải là gặp gỡ đón tiếp cách tốt đẹp, làm sao để cho ‘đôi bạn đang gặp khó khăn’ cảm thấy mình đang được cùng với ‘người đồng hành’ bước vào trong một cộng đoàn Hội Thánh ấm áp và thân tình như trong một gia đình.
Trong bầu khí thân thương này, đôi bạn ấy được khuyến khích mong muốn tự xem xét lại tình trạng hôn nhân của mình. ‘Người đồng hành’ giúp họ quan tâm xét đến những mỏng manh yếu đuối và dễ tổn thương của con người, và nhận định rõ ràng những khó khăn cản trở khiến họ không thể xây dựng cho nhau một tình yêu đích thật của Tin Mừng.
2. Dẫn vào một hành trình đức tin
Sau khi ‘đôi bạn gặp khó khăn’ đã nhìn ra thực trạng đời sống hôn nhân của mình, họ cần tìm ra phương thuốc chữa lành bằng cách đi vào một hành trình đức tin do ‘người đồng hành’ gợi ý. Hành trình này đưa họ đến sự hiểu biết về những điều căn bản chủ yếu của đời sống kitô hữu, hiểu được ý nghĩa của ‘dây hôn phối bất khả phân li’ và phán đoán đúng đắn về những gì đang gây cản trở. Thực hành những điều căn bản của đời sống Kitô giáo sẽ giúp cho cuộc sống hôn nhân của họ được chữa lành, ổn định và thăng hoa.
3. Hoán cải
Điểm đến quan trọng của hành trình đức tin trên đây chính là sự hoán cải: biết mình phải thay đổi đời sống, quyết tâm và nỗ lực thực hiện sự thay đổi này. Hành trình trở về với ánh sáng ấy luôn hướng tới việc đón nhận bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, đón nhận sức mạnh của ân sủng bí tích để có đủ năng lực thiêng liêng mà vượt qua mọi trở ngại, đồng thời có đủ sự khôn ngoan của Chúa để “yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng“.
Nhóm PS Tháng Hoa (x. TMCN 5.2019) - Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ