Phóng sự: Báu vật Chúa ban
WGPSG -- Có con nữa ư? Nuôi một đứa con cực khổ biết bao nhiêu! Nó khỏe thì ít, bịnh thì nhiều. Ở vùng quê này, tìm viên thuốc chữa đúng bịnh rất khó khăn. Tìm ra bịnh đã khó, mà đi được đến Sài Gòn để vào bệnh viện lại càng khó hơn nữa. Dấu ấn khó phai về cái chết của đứa con thứ ba càng làm chị thêm hoảng. Làm sao bây giờ ?
1.
Vào năm 1980, vợ chồng anh chị Khoa đã có 4 đứa con. Không may thằng bé thứ ba bị sốt và ra đi cấp kỳ; anh chị không kịp đưa nó vào bịnh viện chạy chữa, nên lòng họ cứ ray rứt mãi…
Hồi ấy phải đi vùng kinh tế mới, miếng ăn hằng ngày còn chưa đủ, đầu óc đâu mà nhớ đến chuyện chụp hình cho con! Thằng bé ra đi không có được tấm hình nào để lại, bây giờ muốn nhìn hình bóng con cũng vô phương! Vì thế, anh chị quyết định phải dồn tiền mua một cái máy chụp hình, dù vẫn còn chật vật trên vùng kinh tế mới. Nhờ vậy, đứa con út trong nhà có vô số hình lưu lại: hình nằm nôi, tập đi, tập chạy, tập đá banh, đánh cờ tướng… đều có đủ. Có những tấm hình trong trạng thái Ađam mà lớn lên, nó phải giấu đi không để bạn gái nhìn thấy!
Chị Khoa là cô giáo. Trường học nằm ngay trong làng, hai đứa lớn cùng dắt tay nhau đi học dễ dàng. Riêng thằng út lúc nào cũng được mẹ ẵm theo vì chị sợ nó đột ngột biến đi như thằng bé thứ ba. Bên bàn dạy trong lớp chị, bao giờ cũng có một cái ghế nho nhỏ cho thằng út. Học trò chị đã quen như thế cho đến năm bé út vào lớp một. Bắt đầu thực sự là học trò lúc 6 tuổi, thằng út đã thuộc gần hết những bài tập đọc lớp một vì thường xuyên nghe mẹ dạy các bài này cho các học trò của những năm trước!
2.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe, chị vẫn thường nghe bác sĩ dặn dò ngay từ khi sinh thằng út: “Chị không nên sinh con nữa vì có khả năng sảy thai với nhiều triệu chứng khác…” Bất ngờ năm đó, chị có triệu chứng lạ trong người. Hai vợ chồng bàn bạc, rồi anh đưa chị lên khám trên bệnh viện tỉnh, cách nhà gần cả trăm cây số.
Ngồi chờ đến gần trưa mới đến phiên mình, chị xây xẩm mặt mày khi nghe bác sĩ tuyên bố “Chị đã có thai được 6 tuần lễ!”
Có con nữa ư? Nuôi một đứa con cực khổ biết bao nhiêu! Nó khỏe thì ít, bịnh thì nhiều. Ở vùng kinh tế mới, tìm viên thuốc chữa đúng bịnh rất khó khăn. Tìm ra bịnh đã khó, mà đi được đến Sài Gòn để vào bệnh viện lại càng khó hơn nữa. Dấu ấn khó phai về cái chết của đứa con thứ ba càng làm chị thêm hoảng. Làm sao bây giờ ?
- ‘Giữ’ hay ‘bỏ’? Tiếng người nữ bác sĩ vang lên làm chị giật mình.
- Dạ… Em chưa biết… Có ông xã đi theo, em cần hỏi ý kiến ổng!
- Vậy ra bàn bạc đi, muốn ‘bỏ’ thì đầu giờ chiều có mặt tại đây!
Chị bần thần bước ra. Anh tiến lại:
- Có sao không em?
- Có bầu, bác sĩ nói muốn ‘bỏ’ thì đầu giờ chiều quay lại!
Anh bàn ngay:
- Thôi ra ăn gì đi, đầu giờ chiều quay lại, chứ em sinh làm sao được nữa mà sinh! Lại nữa, mình là công nhân viên, sinh thêm nữa, bị phê bình, kiểm điểm đủ cách, mệt lắm!
Chị đi theo mà trong lòng nghĩ ngợi. Phá thai ư? Phải như thế sao? Tuy ở vùng kinh tế mới xa nhà thờ, mỗi năm đi lễ được 2 lần thôi, nghe giảng dạy không bao nhiêu, nhưng chị vẫn biết như thế là phạm tội. Đặt vòng đã là tội, huống hồ phá thai trắng trợn? Sinh thì đau, nuôi con thì khổ, chị biết thế. Nhưng phá thai là chuyện ghê gớm lắm, không phải đơn giản như anh nói.
Chị ngồi ăn cơm mà như nhai phải dăm bào, nuốt không vô.
- Ăn nhiều vô đi em, không tý nữa mất sức đó! Anh nhắc nhở
- Em không ‘phá’ đâu! Chị trả lời.
- Sao được! Em nuôi con không nổi, mà còn cơ quan ‘này nọ’ nữa. Mình 3 đứa là quá tiêu chuẩn một đứa rồi. May là có đứa sinh trước 75 nên không bị làm khó dễ!
- Em sợ lắm, mang tội chết! Cơ quan mặc kệ, em không sợ cơ quan.
- Cơ quan anh thì không được!
- Anh cần cái chức đảng chứ gì? Anh phải nhớ mình chỉ là ngụy quân, họ không cần mình lâu đâu! Mình phá thai là có tội suốt đời, Chúa phạt đấy! Chi bằng anh nuôi con đi! Khi anh già 50 tuổi, có con hầu hạ, bưng cơm rót nước, có phải hơn không?
- Không được! Anh nói không là không! Già với cả gì, anh chẳng cần chuyện đó, nghe lời anh đi!
Ăn cơm xong chị nói anh đưa chị đến nhà thờ. Chị muốn cầu nguyện. Anh cũng vào nhưng ra ngay. Chị ngồi đó thầm thì với Chúa:
- Chúa ơi! Con phải làm sao? Giúp con đi, Chúa ơi! Không có ai bên cạnh để giúp con cả. Giờ con chỉ còn biết trông vào thánh ý Chúa; Chúa bảo sao con làm vậy. Con viết 2 tờ “Giữ” và “Bỏ”, con sẽ nhắm mắt bốc một tờ; tờ ấy nói điều gì là con tin Chúa bảo con làm việc ấy!
Thế là chị nhắm mắt bốc một trong 2 tờ giấy chị xếp kỹ để trên ghế ngồi: “GIỮ”! Chị cười, vui sướng trong lòng, bước ra khỏi nhà thờ. Đến bên anh, chị nói nhỏ:
- Về thôi anh!
- Sao? Sao về?
- Em nhất định không ‘phá’!
- Em có điên không? Em có biết là em đang tự làm khổ mình không?
- Kệ em, khổ bao nhiêu em cũng chịu đựng được!
Anh hằm hằm nhìn chị như muốn ăn tươi nuốt sống: Người đâu mà cứng đầu không chịu nổi!
Lên xe, anh không hề muốn nhìn vào mặt chị. Sau 2 giờ ngồi bên chị không nói một lời, anh dừng xe, hậm hực:
- Về trước đi, tý nữa tôi mới về!
Và anh bỏ mặc chị đi bộ trên quãng đường 7 cây số từ thị trấn về làng. Nhờ ơn Chúa, lúc ấy chị chẳng thấy buồn phiền và mệt mỏi gì cả, cứ lầm lũi bước nhanh về nhà với ba đứa con đang trông chờ mẹ.
3.
Theo lời bác sĩ thì chị sẽ sinh em bé vào cuối năm đó, nhưng em bé hình như chưa muốn ra! Chị quyết định không về Từ Dũ sinh con như hai đứa trước, mà nhất định sinh ở nhà. Sẽ nhờ cô y tá bạn bè “đỡ” dùm… Phó thác cho Chúa mọi sự, chị bình tâm đến độ “nếu Chúa muốn đưa con về với Chúa, con sẵn sàng!”
Thêm 2 tháng nữa vẫn chưa sinh, bạn bè dạy chữa mẹo: bước qua dây thừng trâu, xin gạo ăn cơm góp… Cuối cùng, chị cũng sinh ra được một bé gái nặng hơn 4 ký lô, nhau quấn cổ ba vòng; nếu cô y tá không cứng tay nghề, bình tĩnh cho kéo vào cắt dây nhau, thì không biết chị và đứa con sẽ ra sao?
Anh Khoa, ngay từ tờ mờ sáng đã đạp xe chở cô y tá về nhà, vội vã lo sẵn nồi nước đun sôi thật lớn. Khi chị oằn mình trong cơn đau mà khóc, anh chưa bao giờ được chứng kiến cảnh này: Tiếng chị khóc, tiếng vỗ về an ủi của cô y tá làm anh nóng ran cả ruột.
Chỉ cách một tấm màn, anh nghe rõ từng hơi thở của chị. Anh cũng lặng đi với tiếng tắc nghẹn của chị. Anh giận chị quá: Đau đớn thế này mà cứ sinh!
Những lần sinh trước, chị nằm trong bệnh viện, làm sao anh biết được người đàn bà đau như thế nào khi một mình “vượt cạn”. “Sao cô ấy dám sinh bốn đứa và lần sinh này là lần thứ năm?”, anh vừa thương vừa giận. “Cô ấy cứng đầu quá, phải lúc đầu nghe lời mình thì đâu có ra nông nỗi!”
Thời gian như dừng lại, không nhúc nhích. Anh chờ mãi một âm thanh oe oe mà chẳng thấy đâu! Anh chợt nghĩ đến cái chết:
“Mà dám chết lắm! Mọi khi cô ấy chuẩn bị về Sài Gòn vào Từ Dũ rồi báo ngày mình xuống đón về. Đợt này, hai vợ chồng không thống nhất, nên mình bỏ mặc cô ấy muốn làm gì thì làm… Lỡ có chuyện gì thì biết làm sao đây?”
Anh bắt đầu lo sợ. Chưa lường trước được chuyện này, anh bối rối, đi ra đi vào. Thấy khó thở, anh hít thật sâu cho nhẹ đi nỗi lo mà vẫn nghe tiếng rên, tiếng khóc bật ra nho nhỏ từ đôi môi cố kìm nén của chị…
Khi anh căng thẳng đến độ chịu không nổi nữa thì bất chợt tiếng khóc em bé bật ra. Anh chạy ào vào phòng: Ôi, xong rồi! Anh ôm đầu chị, nước mắt hai người nhỏ lên mặt nhau.
Cô y tá làm vệ sinh và tắm nước bia cho bé, quấn chặt người bé lại rồi trao cho anh .
Kể từ lúc đó, anh đã quyến luyến với bé, chưa đứa con nào anh bận rộn như đứa bé này. Ở công ty, anh được thăng chức Cửa hàng trưởng. Các thương gia nho nhỏ ở chợ mong đến ngày đầy tháng của bé, để được đến nhà thủ trưởng ăn mừng…
Đầy tháng của bé, nhà thật đông người, nhiều quà cáp. Thôi nôi của bé lại càng đông hơn, anh bế con đi từng bàn chụp hình với người thân, bạn bè…
Anh vui vẻ ra mặt. Bé càng lớn càng xinh đẹp, khỏe mạnh. Anh hạnh phúc, sung sướng vì có bé.
Anh quên mất những lời đã nói với mẹ bé, khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Anh quên mất mình đã bỏ mặc chị trong những tháng ngày chị mang nặng bé. Anh quên cả rồi…
Chị vô cùng hạnh phúc khi thấy bé dễ ăn, dễ ngủ. Thấy ba bé cứ luôn bồng bế, nựng nịu bé, chị muốn nói ra điều gì đó nhưng tắc nghẹn ở cổ khi bố con anh cứ vui đùa với nhau.
Chị chỉ còn biết ngước mắt lên nhìn Chúa mà cảm tạ: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Nguời”.
4.
Cả xóm ai cũng buồn cười vì con bé đã ra thiếu nữ rồi mà lúc nào nghe tiếng xe bố về cũng la lên:
- Bố về, bố con về rồi! Đi làm việc vui không Bố? Vô đi Bố, vô đi Bố, rồi con dọn cơm Bố Con mình cùng ăn. Con chờ Bố dữ lắm đó, đói bụng lắm mà con vẫn cứ chờ…
Anh Khoa mát lòng mát dạ với đứa con này. Anh lo buồn nhất là những ngày nó đi đâu xa, không đứa con nào hồn nhiên, vồn vã đón bố, săn sóc bố như nó, khi thấy bố về đến nhà.
Chị Khoa thì yêu nó lắm. Là báu vật Chúa ban tặng cho riêng chị, nó hiếu thảo và thương yêu cha mẹ vô cùng. Đã đi làm có lương, nhưng chẳng bao giờ giữ đồng nào. Bao nhiêu cũng đưa hết cho mẹ, rồi xin lại từng cuốc xe buýt một. Biết là con đưa một mà xin lại mười, nhưng chị vô cùng hài lòng, vì có được mấy người con biết cách làm vui lòng cha mẹ được như nó đây? Nó vui đùa với chị: “Mẹ thấy con ‘ga lăng’ chưa?” Rồi vui vẻ cười ha hả…
Chị nhìn nó, lòng bồi hồi nhớ lại lời cầu nguyện năm xưa…
Sài Gòn - Đất Lành Chim Đậu,
Anna Hoàng Vân (NSTM 4.2017) - Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Dạy con như thế nào?
-
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội -
Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen -
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ