Philippine: Giáo hội Công giáo sau cuộc bầu cử tổng thống

Philippine: Giáo hội Công giáo sau cuộc bầu cử tổng thống

ROMA, 16.06.2010 (ZENIT.org) - Các giám mục Công giáo hưởng ứng việc ông Noynoy Aquino dành ưu tiên cho cuộc đấu tranh chống lại tham nhũng, đồng thời kêu gọi vị tổng thống mới được bầu canh tân đất nước.

Vào đúng ngày Quốc hội chính thức phê chuẩn liên danh tổng thống - phó tổng thống Noynoy Aquino đắc cử tổng thống Philippin, Đức cha Nereo Odchimar, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippin, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ ủng hộ các lý tưởng của tân tổng thống, nhưng không làm tổn hại đến các xác tín của chúng tôi, đặc biệt trong các lĩnh vực đức tin và luân lý.”

Đắc cử vào ngày 10-5 vừa qua với 15,2 triệu phiếu (42% số phiếu bầu), ông Benigno ‘Noynoy’ Aquino III, 50 tuổi, hôm 10/6 đã được tuyên bố là Tổng thống thứ mười lăm của Philippin, và sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30-6 này. Tại một đất nước trong đó khoảng một trong ba người dân có không đầy một đô la/ngày để sống, tổng thống Noynoy Aquino đã lấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng và nghèo đói làm mục tiêu chính cho nhiệm kỳ của mình.

Đức cha Angel Lagdameo, cựu Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippin, hôm 10-6, đã nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng liên danh cầm quyền mới sẽ giữ các lời hứa đã được đưa ra trong cuộc tranh cử, đặc biệt liên quan tới cuộc đầu tranh chống tham nhũng và nghèo đói. Chúng tôi hy vọng tổng thống sẽ có thể cắt cử những viên chức lương thiện không chỉ biết có chìa tay cầm tiền móc ngoặc.”

Nhiều giám mục đã nhân ngày Lễ Độc Lập của Philippin, ngày kỷ niệm Tuyên ngôn độc lập năm 1898, để nhắc nhở: “Sự độc lập đích thực có nghĩa là giải thoát mình khỏi tội lỗi. Do đó, điều thiết yếu thâm sâu của độc lập là giải thoát khỏi các nạn hối lộ và tham nhũng thối nát”, Đức cha Diosdado Talamayan, Giám mục giáo phận Tuguegarao, tuyên bố.

Đức Hồng y Gaudencio Rosales, Tổng Giám mục Manila, phát biểu: “Vào chính giờ phút chúng ta mừng nền độc lập của đất nước mình, hãy cầu xin để chúng ta có được sự tự do đích thực, thoát khỏi mọi tinh thần chia rẽ. (…) Tôi hy vọng rằng những người lãnh đạo mới của đất nước sẽ nhận ra những gì cần phải làm cho dân, chứ không phải chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng này hay phe nọ, tôn giáo này hay tôn giáo nọ, thậm chí quyền lợi của Nhà nước, mà phải nghĩ đến quyền lợi của dân tộc.”

Các giám mục cũng kêu gọi tổng thống phải có những chính sách cụ thể. Ngày 15-6, bảy trong số các giám mục đứng đầu các giáo phận tại trung tâm đảo Luzon, đã ký vào một bức thư ngỏ có tựa đề “Restoring Integrity, Alleviating Poverty / Tái lập sự liêm chính, giảm thiểu sự nghèo đói”. Các ngài đã lên án quyết định của nhà cầm quyền tại Urdaneta City (tỉnh Pangasinan) và San Leornardo (tỉnh Nueva Ecija) đã cho phép mở hai casino trong địa hạt của mình, dưới chiêu bài là tạo thêm công ăn việc làm và làm giàu cho người dân trong vùng. Các giám mục lo sợ rằng đây sẽ là những cơ hội dẫn đến tham nhũng và tình cảnh táng gia bại sản của các con bài.

Các giám mục kết luận: “Chúng tôi đề nghị, nếu về mặt pháp lý chưa thể đóng cửa ngay tất cả các casino, thì yêu cầu nhà nước ngưng cấp phép mở các casino mới”.

Bộ phận phụ trách hoạt động xã hội của Hội đồng Giám mục Philippin, hôm 8-06, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, đã yêu cầu phải có thay đổi trong chính sách khai thác mỏ. Theo linh mục Edwin Gariquez, thuộc bộ phận này, chính sách hiện hành dành quá nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hầm mỏ và chẳng mấy quan tâm đến việc bảo vệ môi trường hay lợi ích của các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của việc khai thác mỏ. Trên toàn quốc, có 500.000 mẫu đất đã được các nhà cầm quyền nhượng cho các công ty tư nhân. Đối với Giáo hội, linh mục nhấn mạnh, việc đấu tranh chống lại sự bành trướng không được kiểm soát việc khai thác mỏ của Philippin sẽ là một ưu tiên bởi vì của cải khai thác được không bù đắp được các thiệt hại gây ra cho môi trường và các mất mát mà người nông dân và ngư dân phải gánh chịu.

Các giám mục Philippin cũng đã không ngần ngại đưa ra yêu cầu của mình trong một vấn đề được xem ra rất nhạy cảm, vấn để cải cách nông nghiệp. Đức cha Broderick Pabillo, Giám mục phụ tá Manila, một trong số các giám mục đặc biệt dấn thân trong thế giới nông dân ủng hộ một cuộc cải cách thực sự, kêu gọi tổng thống mới đắc cử chỉ định một vị bộ trưởng mới phụ trách chương trình Cải tạo nông nghiệp trong mục đích tạo sự “công bằng xã hội”: “Ông Aquino hẳn sẽ phải chọn một bộ trưởng biết và hiểu luật (liên quan đến việc Cải cách nông nghiệp) và sẵn sàng áp dụng luật này một cách thực sự để tạo thuận lợi cho công bằng xã hội”.

Vị tổng thống mới đang rất được chờ đợi trong lĩnh vực cải cách nông nghiệp này và không ít người Philippin coi đây như một thử thách đối với thiện chí của tân tổng thống trong lĩnh vực chính trị. Nếu đạt được kết quả trong lĩnh vực này, một số nhà quan sát khẳng định, đây sẽ là dấu cho người ta tin tưởng rằng ông sẽ là người có khả năng mở đầu cho một sự thay đổi thực sự tại đất nước này. Và một trang sử mới có thể sẽ bắt đầu. Ngược lại, người ta sẽ có thể kết luận là vị tổng thống mới cũng chỉ là kẻ thừa kế của một hệ thống, người con của một thiểu số giàu có và quyền thế.

Hacienda Luisita, một “trang trại” 4000 mẫu, thuộc tài sản của gia đình Aquino-Cojuangco từ năm 1958, sẽ là điểm thử thách đối với vị tân tổng thống. Nằm khoảng 100 cây số phía Bắc Manila, trong tỉnh Tarlac, “trang trại” này cho tới nay đã thoát khỏi cuộc cải cách ruộng đất đã được phê chuẩn vào năm 1988 dưới thời tổng thống Cory Aquino, mẹ của tân tổng thống Noynoy Aquino.
PV

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top