Niên giám Tòa Thánh năm 2013: số phó tế vĩnh viễn tăng mạnh ở châu Âu và Mỹ

Niên giám Tòa Thánh năm 2013: số phó tế vĩnh viễn tăng mạnh ở châu Âu và Mỹ

WHĐ (14.05.2013) – Sáng thứ Hai 13-05, Đức hồng y Tarcisio Bertone - Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức Tổng giám mục Angelo Becciu - Phụ tá Quốc vụ khanh đã đệ trình Đức Thánh Cha quyển Niên giám Tòa Thánh (Annuario Pontificio) năm 2013 và quyển Thống kê Giáo hội Thường niên (Annuarium Statisticum Ecclesiae) năm 2011. Cả hai công trình đều do Đức ông Vittorio Formenti, phụ trách Văn phòng Thống kê Trung ương của Giáo hội biên soạn, cùng với giáo sư Enrico Nenna và các cộng tác viên khác. Hai quyển sách này sẽ sớm được phát hành tại các hiệu sách.

Đức Thánh Cha rất quan tâm đến các số liệu trong sách và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những người đã góp phần vào việc soạn thảo các ấn phẩm mới này.

Sách Niên giám trình bày các thống kê mới liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới trong năm 2012 và cho đến cuộc bầu cử Đức giáo hoàng Phanxicô.

Trong khoảng thời gian này đã có thêm 11 Tòa Giám mục, 2 giáo hạt tòng nhân, 1 Hạt Đại diện Tông tòa và 1 Hạt Phủ doãn Tông tòa được thành lập; 1 Giám hạt tòng thổ được nâng lên hàng giáo phận và 2 Chuẩn giáo phận Tông tòa (Giáo hội Đông phương) được nâng lên hàng giáo phận.

Số liệu thống kê trong quyển Thống kê Giáo hội Thường niên năm 2011 nêu bật các khía cạnh về sự hiện diện và sứ vụ của Giáo hội Công giáo trong 2.979 địa hạt của Giáo hội trên toàn thế giới.

Số người Công giáo trên toàn thế giới tăng từ 1 tỉ 196 triệu trong năm 2010 lên 1 tỉ 214 triệu trong năm 2011 (tăng 1,5%) và sự gia tăng này chỉ nhỉnh hơn một chút so với dân số thế giới (1,23%), nên tỉ lệ người Công giáo trên thế giới chủ yếu vẫn không thay đổi (17,5%).

Xét theo từng châu lục: tại châu Phi số người Công giáo tăng 4,3%, trong khi dân số ở đây tăng 2,3%. Châu Á tăng thêm 2% số người Công giáo, so với dân số tăng 1,2%. Sự gia tăng số người Công giáo ở Mỹ và châu Âu vẫn ổn định ở mức 0,3%, phù hợp với tỉ lệ tăng trưởng dân số. Trong năm 2011, tổng số người Công Giáo được rửa tội phân phối trên các lục địa là: 16% ở châu Phi, 48,8% ở châu Mỹ, 10,9% ở châu Á, 23,5% ở châu Âu và 0,8% ở châu Đại Dương.

Số các giám mục trên thế giới gia tăng từ 5.104 (năm 2010) đến 5.132 (năm 2011), với mức tăng tương đối là 0,55%. Khu vực gia tăng nhiều nhất là châu Đại Dương (4,6%) và châu Phi (1%), trong khi tại châu Á và châu Âu, tỉ lệ gia tăng chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình trên toàn cầu và tỉ lệ tại châu Mỹ không thay đổi. Trong vòng hai năm qua, số giám mục của châu Mỹ và châu Âu vẫn chiếm gần 70% tổng số giám mục trên toàn thế giới.

Số linh mục giáo phận và dòng tu trên toàn cầu đã tăng 2,1% trong thập kỷ qua: từ 405.067 (31-12-2001) lên 413.418 (31-12-2011). Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều tại các khu vực: châu Phi tăng 39,5%, châu Á tăng 32%. Chỉ tính riêng năm 2011, hai châu lục này đã có thêm 3.000 linh mục. Trong khi đó, châu Mỹ vẫn giữ nguyên con số trung bình 122.000 linh mục; và tại châu Âu, số linh mục trong thập kỷ qua đã sụt giảm hơn 9%, trái ngược với mức trung bình toàn cầu.

Số phó tế vĩnh viễn đang “bùng nổ” cả trên toàn cầu và từng châu lục: năm 2001 có tổng cộng hơn 29.000 phó tế, một thập kỷ sau số phó tế lên đến 41.000 (tăng hơn 40%). Châu Âu và châu Mỹ có tỉ lệ tăng mạnh nhất. Cụ thể, trong năm 2001 châu Âu có khoảng 9.000 phó tế, đã tăng lên 14.000 vào năm 2011 (tăng hơn 43%). Tại châu Mỹ, số phó tế tăng từ 19.100 vào năm 2001 lên hơn 26.000 vào năm 2011. Số phó tế vĩnh viễn của riêng hai châu lục này chiếm 97,4% tổng số phó tế vĩnh viễn trên toàn cầu, số 2,6% còn lại thuộc châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.

Số nam tu sĩ không phải là linh mục vẫn ổn định trong thập kỷ qua, với hơn 55.000 tu sĩ vào năm 2011. Châu Phi tăng 18,5% và châu Á tăng 44,9%. Năm 2011, số tu sĩ của hai châu lục này chiếm hơn 36% tổng số tu sĩ trên toàn cầu (tỉ lệ này trong năm 2001 là 28%). Trái lại, số tu sĩ tại châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 3,6% và châu Đại Dương giảm 21,9%.

Số liệu thống kê về nữ tu cho thấy số nữ tu đã giảm mạnh trong thập kỷ qua: từ 792.000 nữ tu vào năm 2001 chỉ còn 713.000 vào năm 2011 (giảm 10%), cụ thể: châu Âu giảm 22%, châu Mỹ giảm 17% và châu Đại Dương giảm 21%. Tuy nhiên số nữ tu vẫn gia tăng tại châu Phi và châu Á, cụ thể: châu Phi tăng hơn 28% và châu Á tăng 18%. Do đó, tỉ lệ nữ tu ở châu Phi và châu Á so với tổng số nữ tu toàn cầu đã tăng từ 24,4% lên khoảng 33%, trong khi tỉ lệ này tại châu Âu và Mỹ giảm từ 74% xuống 66%.

Các ứng viên linh mục giáo phận và dòng tu trên toàn cầu tăng từ 112.244 trong năm 2001 lên 120.616 vào năm 2011 (tăng 7,5%). Cụ thể: châu Phi tăng 30,9%, châu Á tăng 29,4%; châu Âu giảm 21,7% và châu Mỹ giảm 1,9%.

(Theo Vatican Radio)

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top