Những ý tưởng nổi bật trong cuốn sách "Ánh sáng thế gian"
Giới thiệu
Hôm 23-11-2010, cuốn sách tựa đề ”Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các dấu chỉ thời đại” đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh và đã trở thành một cuốn sách ”bán chạy nhất”.
Sách gồm các câu trả lời của ĐTC cho 90 câu hỏi do Ký giả Peter Seewald người Đức nêu lên về rất nhiều vấn đề, kể cả đời tư của ngài. Tổng cộng ngài đã dành cho ông 6 tiếng đồng hồ trong những ngày từ 26 đến 31-7-2010 tại dinh thực Castel Gandolfo. Sách dầy 284 trang theo bản tiếng Ý và được chia thành 13 chương, gộp thành 3 phần: 1. ”Các dấu chỉ thời đại”, 2. ”Triều đại Giáo Hoàng”. 3. ”Chúng ta đang đi về đâu”.
Trong cuộc họp báo, ông Seewald phê bình sự kiện các cơ quan truyền thông trong những ngày trước đó đã nhấn mạnh tới vấn đề bao cao su được nói đến trong cuốn sách phỏng vấn ĐTC. Theo ông, hiện tượng này chứng tỏ có một sự khủng hoảng và nghèo nàn về văn hóa trong giới truyền thông. Ông nói: “Thật là điều lố bịch khi chỉ chú ý tới vấn đề đó trong khi cuốn sách trình bày một toàn cảnh rất bao quát, nói về cuộc khủng hoảng của Giáo Hội và thế giới, về sự lâu bền của cuộc sống xã hội...”
Sách được phổ biến trong thời gian qua với 8 ấn bản sinh ngữ khác nhau và Nhà xuất bản Vatican dự kiến sách sẽ được dịch ra ít nhất là 20 thứ tiếng khác nhau. Số tiền do tác quyền của ĐTC từ cuốn sách này, cũng như bao nhiêu tác phẩm ngài soạn khi còn là Hồng Y, lối một nửa sẽ được dùng vào các việc từ thiện bác ái và gần một nửa còn lại cho ngân quỹ mang tên ”Ratzinger - Benedetto 16” mới được thành lập với mục đích cổ võ việc nghiên cứu, học hỏi và xuất bản trong lãnh vực thần học và về tư tưởng của Đức Joseph Ratzinger.
Chủ tịch Ngân quĩ này là ĐHY Camillo Ruini, nguyên giám quản giáo phận Roma. Trong cuộc họp báo hôm 26-11-2010 tại Roma để giới thiệu ngân quỹ này, ĐHY Ruini cũng cho biết một giải thưởng cũng sẽ được thiết lập để khích lệ các nhà nghiên cứu nổi bật trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, Giáo Phụ và thần học cơ bản.
Theo ĐHY, số tiền do tác quyền các sách của ĐHY Ratzinger và ĐTC Benedetto 16 mang lại tính đến đầu tháng 11-2010 vào khoảng 5 triệu Euro.
Một số lập trường nổi bật
Trong số đề ngày 21-11-2010, báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, đã giới thiệu một số đoạn của cuốn sách về cuộc phỏng vấn ĐGH. Chẳng hạn đáp câu hỏi về bản thân ngài, ĐTC nói:
“Giáo Hoàng cũng chỉ là một người hành khất nghèo nàn trước mặt Chúa, và còn tệ hơn những người khác. Dĩ nhiên tôi luôn cầu xin Chúa, Đấng mà tôi gắn bó bằng một tình bạn cố cựu. Nhưng tôi cũng khẩn cầu các thánh. Tôi rất thân với thánh Augustinô, Bonaventura, Tômasô Aquino. Vì thế, tôi nói với các ngài “Xin giúp đỡ con!”. Rồi Mẹ Thiên Chúa vẫn luôn luôn là điểm tham chiếu của tôi ở mọi nơi. Theo nghĩa đó, tôi được tháp nhập vào cộng đồng hiệp thông của các thánh. Cùng với các ngài và được các ngài củng cố, tôi cũng thân thưa với Thiên Chúa từ nhân, nhất là ăn xin, và cũng cảm tạ Ngài nữa; và tôi hài lòng.”
Trả lời câu hỏi về những khó khăn gặp phải, ĐTC nói:
“Tôi đã có những khó khăn. Nhưng nhất là cần rất cẩn thận khi thẩm định về một vị Giáo Hoàng, khi cứu xét xem ngài có ý nghĩa quan trọng hay không, trong khi ngài còn sống. Chỉ sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời, người ta mới có thể nhìn rõ ngài chiếm chỗ nào trong toàn thể lịch sử. Nhưng điều hiển nhiên là xét chung về tình hình thế giới ngày nay, bầu không khí thường không vui tươi, với tất cả những lực lượng tàn phá hiện nay, với tất cả những mâu thuẫn hiện có, với tất cả những đe dọa và sai lầm. Giả sử tôi tiếp tục chỉ nhận được những sự đồng ý, thì tôi phải tự hỏi xem mình có thực sự rao giảng trọn vẹn Tin Mừng hay không.”
Lạm dụng tính dục
Trả lời câu hỏi về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục, ĐTC nói:
“Những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục không phải làm điều làm tôi ngạc nhiên chút nào. Hồi còn ở Bộ giáo lý đức tin, tôi đã lo xử lý về những vụ ở Mỹ; tôi đã thấy tình trạng này nổi lên ở Ai Len. Nhưng dầu sao chiều kích rộng lớn của những vụ ấy là một cú sốc rất lớn đối với tôi. Từ khi tôi được bầu lên Tòa Thánh Phêrô, tôi vẫn thường gặp các nạn nhân những vụ lạm dụng tính dục. Cách đây 3 năm rưỡi, vào tháng 10 năm 2006, trong một diễn văn nói với các GM Ai Len, tôi đã yêu cầu các vị “vạch rõ sự thật về những gì đã xảy ra trong quá khứ, đề ra tất cả những biện pháp thích hợp để tránh lập lại những vụ đó trong tương lai, đảm bảo sao cho các nguyên tắc công lý được hoàn toàn tôn trọng, và nhất là chữa lành các nạn nhân và tất cả những người bị thương tổn vì những tội ác kinh khủng ấy”.
“Khi thấy chức linh mục bất chợt bị bôi nhọ như vậy, và qua vụ đó chính Giáo Hội Công Giáo bị bôi nhọ, thật là điều khó có thể chịu đựng được. Nhưng điều quan trọng là đừng quên rằng trong Giáo Hội không phải chỉ có những điều kinh khủng ấy mà còn có sự thiện.”
Về thái độ các cơ quan truyền thông đối với những vụ lạm dụng, ĐTC nói:
“Hiển nhiên là hoạt động của các cơ quan truyền thông không phải chỉ được hướng dẫn bởi sự tìm kiếm chân lý, nhưng cũng có một sự thỏa mãn, một sự thích thú vì làm cho Giáo Hội phải tủi hổ và mất uy tín. Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng nếu đó là để đưa sự thật ra ánh sáng thì chúng ta phải biết ơn các cơ quan truyền thông. Sự thật, khi được liên kết với tình thương được hiểu đúng đắn, thì đó là giá trị số một. Tiếp đến, các cơ quan truyền thông sẽ không thể đưa ra những trình thuật như thế nếu trong Giáo Hội không có sự ác ấy. Chính vì trong Giáo Hội có sự ác như vậy, nên những người khác mới có thể dùng nó để chống lại Giáo Hội.”
Tính dục và phòng ngừa Aids
Trong số những đoạn trích từ cuốn sách về cuộc phỏng vấn ĐTC, được báo Quan sát viên Roma trích đăng trước, có đoạn ngài trả lời câu hỏi về tính dục và việc phòng ngừa Aids. Ngài nói:
“Nếu chỉ tập trung vào vấn đề bao cao su, thì có nghĩa là tầm thường hóa tính dục, và sự tầm thường hòa này là lý do nguy hiểm khiến cho bao nhiêu người không coi tính dục là điều biểu lộ tình yêu của họ, và chỉ coi đó như một thứ ma túy, người ta tự sử dụng cho mình. Vì thế, cuộc chiến chống sự tầm thường hóa tính dục cũng thuộc vào những nỗ lực lớn nhắm làm sao để tính dục được đánh giá tích cực và có thể có công hiệu tích cực trên con người trong toàn thể.”
ĐTC nói thêm rằng: ”Có thể có những trường hợp riêng rẽ, trong đó việc dùng túi cao su biện minh được, ví dụ khi một đàn ông mại dâm dùng túi cao su, điều này có thể là bước đầu để tiến tới một sự luân lý hóa, một hành động trách nhiệm đầu tiên để tái phát triển ý thức về sự kiện không phải tất cả đều được phép và không thể làm tất cả những gì mình muốn. Nhưng túi cao su không phải là cách thức thực sự để chiến thắng sự nhiễm vi trùng HIV gây bệnh Aids. Thực sự cần phải nhân bản hóa tính dục”.
Khi đọc đoạn trên đây, nhiều giới truyền thông cho rằng ĐTC đã đề ra một hướng đi mới, đã thay đổi lập trường cố hữu của Giáo hội đối với việc dùng túi cao su để phòng ngừa bệnh Aids.
Tuy nhiên, Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, đã ra thông cáo bác bỏ giải thích sai trái ấy. Cha nói:
“Vào cuối chương 10 của cuốn ”Ánh sáng thế gian”, ĐGH trả lời 2 câu hỏi của ký giả Peter Seewald về cuộc chiến chống bệnh Aids và việc sử dụng túi cao su, những câu hỏi này liên hệ tới cuộc tranh luận tiếp theo một vài lời của ĐGH về vấn đề này trong cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu hồi tháng 3 năm 2009.
ĐGH tái khẳng định rõ ràng rằng ngài không muốn đưa ra lập trường về vấn đề túi cao su nói chung, nhưng muốn mạnh mẽ khẳng định rằng vấn đề Aids không thể chỉ được giải quyết bằng cách phân phát các túi cao su, vì cần phải làm nhiều hơn nữa: phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp, tư vấn, ở cạnh con người, để họ khỏi bị ngã bệnh cũng như trong trường hợp họ bị bệnh.
ĐGH nhận xét rằng trong lãnh vực ngoài Giáo Hội người ta cũng phát triển ý thức tương tự, như lý thuyết gọi là ABC, tức là Abstinence - tiết dục, Be faithful - chung thủy, Condom - túi cao su; trong lý thuyết này, hai yếu tố đầu tiên tức là tiết dục và chung thủy có tính chất rất quyết định và cơ bản đối với cuộc chiến chống bệnh Aids, trong khi túi cao su xét cho cùng chỉ là lối thoát thân khi thiếu hai yếu tố trước đó. Vì thế, phải ý thức rõ rằng túi cao su không phải là giải pháp cho vấn đề.
Rồi ĐGH mở rộng cái nhìn và nhấn mạnh sự kiện chỉ tập trung vào túi cao su có nghĩa là tầm thường hóa tính dục, khiến cho nó mất ý nghĩa như một sự biểu lộ tình yêu giữa con người và trở thành một thứ “ma túy”. Chiến đấu chống sự tầm thường hóa tính dục là “thành phần trong nỗ lực lớn để tính dục được đánh giá tích cực và có thể có công hiệu tích cực trên con người trong toàn thể”.
“Dưới ánh sáng cái nhìn bao quát và sâu xa về tính dục con người và vấn đề
này ngày nay, ĐGH tái khẳng định rằng “Dĩ nhiên Giáo Hội không coi các túi cao su như giải pháp đích thực và hợp luân lý” cho vấn đề Aids.
Qua lời đó, ĐGH không cải tổ hoặc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội, nhưng ngài tái khẳng định giáo huấn ấy bằng cách đặt nó trong viễn tượng giá trị và phẩm giá của tính dục con người như một sự biểu lộ tình yêu và trách nhiệm.
Đồng thời ĐGH cứu xét một hoàn cảnh ngoại thường trong đó việc thực thi tính dục là một rủi ro thực sự đối với sự sống của người khác. Trong trường hợp ấy, ĐGH không biện minh về luân lý cho việc thực thi tính dục tháo thứ, nhưng chủ trương rằng việc sử dụng túi cao su để giảm bớt nguy hiểm lây bệnh là ”một hành vi trách nhiệm đầu tiên”, một bước đầu tiên trên con đường tiến về một tính dục nhân bản hơn”, tốt hơn là việc không sử dụng nó khiến cho tính mạng người khác bị rủi ro.
Qua đó, lý luận của ĐGH không thể bị coi là một sự thay đổi cách mạng. Nhiều nhà thần học luân lý và những nhân vật thế giá của Giáo Hội đã và đang chủ trương những lập trường tương tự; nhưng quả thực là họ chưa nghe những lời rất rõ ràng từ miệng của một vị ĐGH, dù rằng dưới hình thức nói chuyện chứ không phải là giảng dạy.
“Vì thế, ĐTC Bênêđictô 16 can đảm mang cho chúng ta một sự đóng góp quan trọng để làm cho rõ ràng và đào sâu một vấn đề đã được thảo luận từ lâu. Đó là một sự đóng góp đặc sắc vì một đàng đóng góp ấy trung thành với các nguyên tắc luân lý và đàng khác chứng tỏ sự sáng suốt trong việc bác bỏ một con đường ảo tưởng như “sự tín thác nơi túi cao su”; nhưng đàng khác đóng góp của ĐGH chứng tỏ một cái nhìn bao quát và nhìn xa trông rộng, quan tâm khám phá những bước tiến nhỏ - cho dù mới chỉ là bước đầu và chưa rõ ràng - của những người thường rất nghèo về tinh thần và văn hóa, tiến tới một sự thực thi tính dục một cách nhân bản và trách nhiệm.”
- Trả lời câu hỏi về Giáo Hội, ĐTC nói:
“Thánh Phaolô không bao giờ hiểu Giáo Hội như một định chế, một tổ chức, nhưng như một cơ thể sinh động, trong đó tất cả đều hoạt động cho nhau và với nhau, được liên kết từ Chúa Kitô. Đó là một hình ảnh, nhưng là một hình ảnh dẫn tới chiều sâu và rất thực tế, do nguyên sự kiện chúng ta tin rằng trong Thánh Thể, chúng ta thực sự lãnh nhận Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh. Và nếu mỗi người nhận cùng một Chúa Kitô, thì thực sự chúng ta được liên kết với nhau trong thân thể mới phục sinh như một không gian bao quát của nhân loại mới. Điều quan trọng là cần hiểu điều này, và hiểu Giáo Hội không phải như một guồng máy phải làm tất cả, nhưng như một guồng máy thuộc về Giáo Hội, trong giới hạn của mình, một cơ thể sinh động xuất phát từ chính Chúa Kitô.
Cũng trong chiều hướng đó, ĐTC cho biết về cách thức cai quản Giáo Hội và nói rằng:
“Quả thực tôi có chức năng điều khiển, nhưng tôi không làm gì một mình và tôi luôn làm việc trong êkíp; tôi giống như một trong bao nhiêu thợ trong vườn nho của Chúa, có lẽ tôi đã làm công việc chuẩn bị, nhưng đồng thời tôi cũng là một người không được tạo nên để trở thành người thứ nhất và đảm nhận tất cả mọi trách nhiệm. Tôi đã hiểu rằng bên cạnh các vị đại Giáo Hoàng phải có cả những Giáo Hoàng nhỏ, góp phần của mình. Trong lúc tôi tôi đang nói đây, tôi thực sự cảm thấy điều đó (..)
Công đồng chung Vatican 2 đã dạy chúng ta một cách chí lý rằng, qua cơ cấu của Giáo Hội, đoàn thể tính của hàng GM được hình thành; hoặc Công đồng dạy về sự kiện Giáo Hoàng là người đầu tiên trong cộng đoàn hiệp thông chứ không phải là một ông vua chuyên chế quyết định đơn độc và làm mọi sự một mình.
- Về thái độ đối với Do thái giáo, ĐTC nói:
“Chắc chắn tôi phải nói ngay rằng từ ngày đầu tiên khi mới bắt đầu học thần học, tôi đã thấy rõ sự thống nhất sâu xa giữa Cựu và Tân Ước, giữa hai phần của Kinh Thánh. Tôi đã hiểu rằng chúng ta chỉ có thể đọc Tân Ước cùng với những gì đã đi trước, chẳng vậy chúng ta sẽ không hiểu được Tân Ước. Rồi dĩ nhiên là những gì đã xảy ra trong thời Đức quốc xã đã đánh động chúng tôi trong tư cách là người Đức, và nhất là đã thúc đẩy chúng tôi nhìn dân tộc Israel với lòng khiêm tốn, tủi hổ và yêu mến. Trong sự huấn luyện về thần học mà tôi nhận được, những điều này quyện lấy nhau và đã đánh dấu hành trình tư tưởng thần học của tôi. Tôi thấy rõ - và ở đây tôi hoàn toàn nối tiếp Đức Gioan Phaolô 2 - rằng trong việc rao giảng đức tin Kitô của tôi, sự giao nhau mới mẻ này phải giữ vai trò chủ yếu, yêu mến và cảm thông, giữa Israel và Giáo Hội, dựa trên sự tôn trọng lối sống của mỗi người và sứ mạng riêng (..)
Về Lời kinh cầu cho người Do thái trong phụng vụ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ĐTC nhận xét:
“Về điểm này, trong phụng vụ cũ tôi thấy cần phải có sự thay đổi. Thực vậy, công thức ấy làm thương tổn thực sự cho người Do thái và chắc chắn là không diễn tả một cách tích cực sự thống nhất sâu đậm giữa Cựu và Tân Ước. Vì thế, tôi đã nghĩ rằng trong phụng vụ cũ cần có một sự thay đổi, đặc biệt là về quan hệ với các bạn Do thái. Tôi đã thay đổi lời cầu cho người Do thái Thứ Sáu Tuần Thánh, làm sao để lời cầu ấy chứa đựng đức tin của chúng ta, nghĩa là Chúa Kitô là ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Không có hai con đường cứu độ và vì thế Chúa Kitô cũng là Đấng Cứu độ người Do thái, không phải chỉ cho dân ngoại mà thôi. Nhưng cả trong kinh mới ta không trực tiếp cầu nguyện cho người Do thái theo nghĩa truyền giáo, nhưng xin Chúa làm cho giờ lịch sử mau đến, trong đó tất cả chúng ta được hiệp nhất với nhau. Vì thế, những lý lẽ được sử dụng do một loạt các nhà thần học bút chiến chống tôi là bịa đặt và không xử đúng những gì đã làm được.
- Trả lời câu hỏi về việc nhiều tổ chức Do thái trách Đức Piô 12 đã không can đảm lên tiếng bênh vực người Do thái chống lại cuộc bách hại của Đức Quốc xã, ĐTC đáp:
“Đức Piô 12 đã làm tất cả những gì có thể để cứu con người. Dĩ nhiên người ta luôn luôn có thể hỏi: ”Tại sao Ngài không công khai phản đối Đức quốc xã một cách rõ ràng hơn?”. Tôi nghĩ rằng Ngài đã hiểu đâu là những hậu quả của một sự phản đối công khai. Chúng ta biết rằng chính vì tình trạng đó, bản thân Đức Piô 12 đã chịu đau khổ rất nhiều. Ngài biết rằng ngài phải nói, nhưng hoàn cảnh lúc đó ngăn cản ngài.
“Giờ đây những người hữu lý hơn đều nhận rằng Đức Piô 12 đã cứu vớt nhiều người, nhưng họ cho rằng ngài có những ý tưởng cổ xưa về người Do thái và không xứng với mức độ của Công đồng chung Vatican 2. Nhưng vấn đề không phải là điều đó. Điều quan trọng là điều mà ngài đã làm và đã tìm cách làm, và tôi tin rằng cần thực sự nhìn nhận ngài là một trong những người đại công chính, và không ai khác đã cứu nhiều người Do thái như ngài.”
Trả lời câu hỏi về hiện tượng nhiều người ở Đức, Thụy Sĩ chống xây tháp chuông các Đền thờ Hồi Giáo, hoặc ở Pháp, Thụy Sĩ, chính quyền cấm phụ nữ Hồi giáo không được chùm áo burqa, ĐTC nói:
“Các tín hữu Kitô có tinh thần bao dung và như thế họ cũng để cho những người khác tự hiểu về mình. Chúng tôi vui mừng về sự kiện tại những nước vùng Vịnh Arập như Qatar, Abu Dhabi, Dubai, Kuwait, có những nhà thờ trong đó các tín hữu Kitô có thể cử hành thánh lễ và chúng tôi hy vọng điều này cũng xảy ra khắp nơi. Vì thế, điều tự nhiên là nơi chúng tôi, những người Hồi giáo cũng có thể tụ họp nhau để cầu nguyện trong các Đền thờ của họ.
“Về áo chùm đầu burqa, tôi không thấy có lý do để cấm chung tất cả. Người ta nói rằng một số phụ nữ không sẵn lòng mặc áo chùm như thế và trong thực tế có một thứ bạo lực áp đặt cho họ. Hiển nhiên là chúng ta không thể đồng ý với sự ép buộc như vậy. Nhưng hếu họ tự ý mặc, thì tôi không hiểu tại sao lại cấm họ không được làm như vậy.”
- Về tệ nạn ma túy, ĐTC nhận xét rằng:
“Bao nhiêu Giám mục, nhất là các vị Mỹ châu la tinh, nói với tôi rằng tại nơi có đường giây trồng cấy và buôn bán ma túy - và điều này xảy ra tại phần lớn các nước ấy - thì chúng giống như thể một con quái vật xấu xa bành trướng trên đất nước ấy để hủy hoại con người. Tôi tin rằng con “mãng xà” buôn bán và tiêu thụ ma túy này đang bao phủ thế giới, thực là một quyền lực mà chúng ta không luôn có được một ý tưởng chính xác về nó. Nó hủy hoại người trẻ, gia đình, và đưa tới bạo lực, đe dọa tương lai của toàn thể các dân nước.”
“Đây cũng là trách nhiệm kinh khủng của Tây Phương: họ cần ma túy và thế là họ tạo nên những quốc gia cung cấp ma túy cho họ, điều mà sau đó sẽ làm cho họ hao mòn và hủy hoại họ. Và nảy sinh một sự đói khát hạnh phúc mà họ không thể thỏa mãn với những điều họ có; và rồi có thể nói là họ tìm quên trong thiên đường của ma quỷ và hoàn toàn phá hủy con người.”
- ĐTC cũng đưa ra nhận xét về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới hiện nay, và nói rằng:
“Ngoài những kế hoạch tài chánh riêng, cần tuyệt đối thực hiện một cuộc xét mình hoàn vũ. Và Giáo Hội tìm cách góp phần của mình với thông điệp Caritas in veritate, Bác ái trong chân lý. Thông điệp không mang lại câu trả lời cho mọi vấn đề, nhưng muốn là một bước tiến để nhìn sự việc từ một quan điểm khác, quan điểm này không phải là xét xem có làm được không và thành công hay không, nhưng theo đó có một qui luật yêu thương đối với tha nhân, hướng theo ý Chúa chứ không phải theo những muốn riêng của chúng ta mà thôi. Theo nghĩa này, cần phải đẩy mạnh để thực sự có sự biển đổi lương tâm.”
- Về nạn bất bao dung thực sự, ĐTC nhận định rằng:
“Đe dọa thực sự mà chúng ta đang gặp phải chính là sự bao dung bị bãi bỏ nhân danh chính sự bao dung. Có một nguy hiểm là lý trí, cái gọi là lý trí tây phương, chủ trương là đã nhận ra được điều đúng và đưa ra một sự tự phụ phổ quát vốn là kẻ thù của tự do. Tôi nghĩ rằng cần phải mạnh mẽ tố giác đe dọa này. Không ai bị bó buộc trở thành Kitô hữu. Nhưng không ai có thể bị bó buộc phải sống theo thứ “tôn giáo mới”, như thể nó là tôn giáo duy nhất và đích thực, có tính chất bó buộc cho toàn thể nhân loại”.
Cũng trong chiều hướng này, ĐTC nói về tương quan giữa Kitô giáo và chủ nghĩa tân thời. Ngài nói:
“Nguyên sự kiện là Kitô hữu đã là một cái gì sinh động, mới mẻ, qua đó hình thành, nhào nặn toàn thể sự tân thời mới mẻ của tôi, và vì thế, tôi thực sự chấp nhận sự mới mẻ tân thời như thế.”
“Ở đây cần có một cuộc chiến đấu tinh thần lớn lao, như tôi đã muốn chứng tỏ qua việc thành lập Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng. Điều quan trọng là chúng ta tìm cách sống và suy tư Kitô giáo làm sao để đạo này đảm nhận sự mới mẻ tốt lành và đúng đắn, vì thế đồng thời rời xa và tách biệt với những cái đang trở thành một thứ phản tôn giáo.”
- Lạc quan. Tuy có bao nhiêu vấn đề Giáo Hội đang gặp phải, nhưng ĐTC vẫn tỏ ra lạc quan và nói rằng:
“Người ta có thể lạc quan khi nhìn một cách hời hợt và thu hẹp chân trời vào thế giới tây phương mà thôi. Nhưng nếu ta quan sát kỹ lưỡng hơn - và đây là điều tôi có thể làm nhờ các cuộc viếng thăm của các GM trên toàn thế giới cũng như bao nhiêu cuộc gặp gỡ khác, - ta thấy rằng Kitô giáo trong lúc này đang phát triển một sự sáng tạo hoàn toàn mới mẻ (...)”
“Chế độ bàn giấy hao mòn và mệt mỏi. Có những sáng kiến nảy sinh từ bên trong, từ niềm vui của người trẻ. Có lẽ Kitô giáo sẽ có một khuôn mặt mới, có lẽ một khía cạnh văn hóa mới. Kitô giáo không xác định dư luận quần chúng trên thế giới, mà những người khác hướng dẫn dư luận ấy. Kitô giáo là sức mạnh sinh tử mà nếu không có nó thì cả những sự khác không thể tiếp tục hiện hữu. Vì thế, dựa trên những điều mà tôi thấy và theo cảm nghiệm bản thân, tôi rất lạc quan về sự kiện Kitô giáo đang đứng trước một năng động mới.”
- Nhiều chi tiết về cuộc sống và quan niệm của ĐTC
Trong cuốn sách phỏng vấn, người ta cũng được biết nhiều chi tiết về cuộc sống của ĐTC. Chẳng hạn, trong một câu hỏi, ký giả Seewald nhắc lại một lần vào mùa đông, ĐGH đội chiếc mũ nhung màu đỏ có viền lông chồn màu trắng, gọi là Camauro, đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan 23 đội, nhưng không hề được 3 vị Giáo Hoàng kế tiếp đội lần nào. Ký giả người Đức hỏi ĐTC phải chăng đó là một dấu hiệu chứng tỏ ngài muốn trở lại với cách thức cổ thời của Giáo hội hay không. ĐGH thanh minh rằng:
“Tôi chỉ đội mũ Camauro một lần. Bấy giờ trời lạnh mà tôi dễ cảm thấy lạnh ở đầu. Tôi tự nhủ, vì có mũ camauro ở đây, tôi đội lên. Và thực tế là tôi đội mũ ấy chỉ là để chống lạnh”.
Hồi đó, khi thấy ĐGH đội mũ Camauro như thế, nhiều cơ quan truyền thông bấy giờ đã hô hoán, và coi đó là một thứ “tuyên ngôn tiền Vatican 2”. Trong cuốn sách phỏng vấn, ĐTC cho biết sau đó ngài không đội chiếc mũ ấy lần nào nữa, để tránh những giải thích quá lố và sai trái.
Trong cuốn “Ánh sáng thế gian”, người ta thấy nhiều điều có tác dụng giải trừ những huyền thoại về ĐGH, đồng thời giải thích về những quyết định của ngài và chiếu rọi những tia sáng, giúp người ta thấy rõ hơn về con người của ngài.
Có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất, đó là ĐGH Bênêđictô, vốn là một nhà thần học uyên bác từng có những bài diễn văn gây thách đố cho cả các thính giả uyên thâm, nhưng đồng thời qua những câu trả lời trong sách, người ta thấy ngài như một nhân vật rất bình dị và đơn sơ, truyền đạt tư tưởng một cách đơn giản và trực tiếp.
Cha Ciro Benedettini, dòng Thương Khó, Phó giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, nhận xét rằng “Hình ảnh mà cuốn sách làm nổi bật đó là ĐGH không phải là một người bị cô lập tại Vatican, nhưng là một vị Giáo Hoàng biết rõ những gì xảy ra trên thế giới và sẵn sàng nói về bất kỳ điều gì, với một ý tưởng rõ ràng có thể góp phần kiến tạo an sinh về tinh thần và xã hội của nhân loại”.
Chính ĐGH dường như cũng nhận thấy việc trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Seewald là một cơ hội để điều chỉnh một số điều mà báo chí thường viết không đúng về ngài. Nhiều khi báo chí mô tả Đức Giáo Hoàng đương kim như một nhân vật xa cách, giảm bớt các cuộc hội họp và những cuộc tiếp xúc với bên ngoài, nhưng ĐTC Bênêđictô 16 nói đó thực là điều không đúng. “Tôi tin rằng ít có những người có nhiều cuộc gặp gỡ như tôi... Tôi gặp gỡ hàng chuỗi các GM, các vị lãnh đạo thế giới, các bạn cũ và các cố vấn thân cận, và cũng giải trí vào ban tối với các cộng sự viên bằng cách xem DVD. Vì thế, chắc chắn là tôi không thể nói tôi sống trong một thế giới giả tạo với những nhân vật thuộc triều đình; trái lại, qua những cuộc gặp gỡ vừa nói, tôi đích thân cảm nghiệm trực tiếp thế giới thường nhật thời nay”.
- Giải trừ những tin đồn sai trái
Với những người cho rằng ĐGH Bênêđictô toan tính dần dần lật ngược lại Công đồng chung Vatican 2, kể cả qua những thay đổi về phụng vụ, ĐGH cảnh giác họ đừng giải thích sai trái như thế. Ví dụ ngài nói về quyết định du nhập việc quì rước lễ bằng miệng dành cho những người mà ngài đích thân cho rước lễ và giải thích rằng: “Trên nguyên tắc tôi không chống lại việc rước lễ bằng tay; tôi đã từng cho rước lễ bằng cả hai cách và cũng rước lễ như thế. Sở dĩ tôi ấn định việc quì rước lễ bằng miệng trong thánh lễ tôi cử hành là để gửi đi một tín hiệu và nhấn mạnh sự hiện diện thực của Chúa với tất cả lòng kính trọng ngưỡng mộ... Tôi cảm thấy cần thi hành điều đó trong các thánh lễ tôi cử hành, các tín hữu tham dự gồm đủ mọi thứ người, và trong các thánh lễ đó, nhiều người cho rằng ai cũng có thể tự động được rước lễ... Tôi đã nghe nói có những người sau khi nhận Mình Thánh Chúa trong tay, liền bỏ vào ví và mang về nhà giữ như một vật kỷ niệm”.
Với những người muốn hỏi: ”Vậy ngài đang làm gì trong tư cách là Giáo Hoàng?”, cuốn sách “Ánh sáng thế gian” cung cấp những cái nhìn quan trọng. ĐGH ấn định một công tác ưu tiên cần thi hành, đó là khơi lại sự ý thức về Thiên Chúa trong đời sống bản thân cũng như trong xã hội. Ngài mô tả dự án này không phải là để tái lập ảnh hưởng của Giáo hội, nhưng là để đối phó với những vấn đề hoàn cầu, chẳng vậy chúng ta sẽ có thêm những thảm họa về kinh tế, môi sinh, sinh học và luân lý. Theo nghĩa đó, - ĐGH nói, - Giáo hội có nghĩa vụ cổ võ một thái độ mới về ý thức luân lý và một tinh thần hy sinh. Con người thực sự đang bị lâm nguy: con người gây nguy hiểm cho bản thân và thế giới... Nhân loại chỉ có thể được cứu thoát nếu các năng lực luân lý tạo được sức mạnh trong trái tim họ; và những năng lực ấy chỉ có thể đến từ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa”.
ĐGH đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề những món nợ khổng lồ mà nhiều nước trên thế giới đang vướng mắc và phải trả: “Chúng ta đang sống và gây thiệt hại cho các thế hệ tương lai, và các món nợ khổng lồ chỉ được coi như một cái gì thường tình vậy thôi”. Và trong bối cảnh đó, ĐGH kêu gọi thực hiện một cuộc xét mình toàn cầu về những vấn đề kinh tế.
Tóm lại cuốn sách “Ánh sáng thế gian” cho thấy ĐGH rất sẵn sàng lắng nghe các vấn đề thực tiễn hằng ngày hơn là nhiều người vẫn tưởng. Ngài cũng tỏ ra rất cụ thể đối với những vấn đề đức tin và minh xác: “Tôi không phải là một nhà thần bí”.
Cũng vậy, ĐTC không để mình bị lôi kéo vào một cuộc thảo luận về tận thế và những giải thích tưởng tượng về sách Khải Huyền. Ngài tỏ ra nghi ngờ về những giải thích ấy và nói rằng không thể dùng Kinh Thánh để tính toán về ngày tận thế.
Trong cuộc phỏng vấn, có những vấn đề ĐTC chỉ trả lời hết sức vắn tắt, chẳng hạn câu hỏi ”ĐTC có sợ bị ám sát hay không?”, ngài đáp: ”Không”.
Hơn một lần ngài nói về ”những kẻ thù” đang nằm chờ, sẵn sàng tấn công Giáo hội vừa khi có cơ hội. ĐGH nói: ”Trong giới Công Giáo ở Đức, có thể nói có một nhóm khá đông vẫn chờ cơ hội để tấn công Giáo Hoàng, đó là một sự kiện có thực”.
Qua cuốn sách người ta cũng thấy ĐTC tìm được hy vọng tại một nơi lạ thường: không phải nơi những cơ cấu Công Giáo truyền thống hoặc guồng máy hành chánh của Giáo hội, những cơ cấu mà ngài mô tả là “mệt mỏi và không còn nhuệ khí”, nhưng là nơi những sáng kiến mới, đặc biệt là những sáng kiến có người trẻ can dự. ĐGH nói: trong khi Kitô giáo không còn giữ vai trò chỉ huy dư luận thế giới, nhưng Kitô giáo có tinh thần ngay chính, và “Tôi rất lạc quan về điều này là Kitô giáo đang có một sức năng động mới”.
- Về những người đồng tính luyến ái
Ký giả Seewald hỏi ĐGH: “Phải chăng giáo huấn của Giáo hội dạy phải tôn trọng những người đồng tính luyến ái, là điều mâu thuẫn với lập trường của Giáo hội theo đó những hành vi đồng tính luyến ái là điều ”tự nó là không hợp luân lý”, là xáo trộn về luân lý?
Ngài đáp: “Không có mâu thuẫn. Những người đồng tính luyến ái với những vấn đề và công việc của họ, trong tư cách là người, họ đáng được tôn trọng, dù họ có xu hướng đồng tính luyến ái, và không được kỳ thị họ vì xu hướng ấy. Nhưng đồng thời tính dục có một ý nghĩa và hướng đi nội tại, không phải là đồng tính luyến ái. Ý nghĩa và hướng đi của tính dục là để tạo nên sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và qua cách thức đó, giúp nhân loại duy trì dòng dõi và có tương lai. Giáo hội cần phải giữ vững điều đó, cho dù đây là điều không làm hài lòng nhiều người thời nay”.
ĐGH nói thêm rằng người ta vẫn còn tranh luận về vấn đề các xu hướng đồng tính luyến ái là điều bẩm sinh hay là chúng chỉ xuất hiện sớm trong cuộc sống. Dầu sao đi nữa, nếu các xu hướng ấy ở mức độ mạnh mẽ thì cũng là một điều gây phiền toái lớn cho người đồng tính luyến ái. Nhưng điều này không có nghĩa là đồng tính luyến ái trở thành một điều đúng về luân lý. Đúng hơn, nó vẫn tiếp tục trái ngược với ý muốn nòng cốt ngay từ ban đầu của Thiên Chúa”.
Khi ký giả Seewald nhận xét rằng vấn đề đồng tính luyến ái cũng hiện hữu trong các đan viện và nơi hàng giáo sĩ, dù rằng xu hướng ấy không được thực hành, ĐGH đáp: ”Đó thực là một trong những điều lầm than của Giáo hội và những người có xu hướng đồng tính luyến ái như thế ít nhất phải cố gắng không được biểu lộ tích cực xu hướng ấy... Đồng tính luyến ái là điều không thể dung hợp với ơn gọi linh mục, nếu không thì việc độc thân sẽ không còn ý nghĩa như một sự từ bỏ nữa. Thật là điều hết sức nguy hiểm nếu việc độc thân trở thành một cái cớ để đưa vào chức linh mục những người không muốn kết hôn với bất cứ giá nào”.
ĐGH nhắc lại văn kiện năm 2005 của Tòa Thánh mạnh mẽ chống lại việc truyền chức linh mục cho những người đồng tính luyến ái. Văn kiện này nhấn mạnh rằng các ứng sinh đồng tính luyến ái không thể trở thành linh mục vì xu hướng tính dục của họ trái ngược với ý nghĩa chức phận làm cha vốn thuộc về chức linh mục. Vì thế, cần phải hết sức tuyển chọn kỹ lưỡng các ứng sinh linh mục, để tránh tình trạng trong đó việc độc thân của linh mục trong thực tế rốt cuộc bị đồng hóa với xu hướng đồng tính luyến ái.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô