Những hướng dẫn mục vụ của Chân phước Gioan Phaolô II đối với GH Việt Nam: Đừng sợ hy vọng – Đừng sợ đối thoại
WHĐ (28.04.2011) – Càng gần đến ngày 1-05-2011, đại lễ tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước, Dân Chúa khắp các lục địa đều cảm nhận mối dây hiệp nhất trong Giáo hội cụ thể, hữu hình biết bao.
Hiệp nhất trong suy nghĩ và tình cảm hướng về người Cha đang hưởng vinh phúc Thiên Đàng. Hiệp nhất trong lời tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh đương đại một vị Mục tử “như lòng Chúa mong muốn” (x. Gr 3, 15).
Riêng đối với Dân Chúa tại Việt Nam, hình ảnh vị Cha chung – Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II – dù đại đa số tín hữu chưa được trực tiếp diện kiến, vẫn đang ngời lên trong ký ức về những việc ngài đã làm, những lời ngài đã giáo huấn cộng đoàn tín hữu của đất nước này.
Đọc lại những huấn từ của Đức cố Giáo hoàng liên quan đến Giáo hội tại Việt Nam, có thể cảm nhận tính chất nhất quán, xuyên suốt trong những hướng dẫn mục vụ của vị Mục tử toàn thể Giáo hội. Nhất quán về tầm nhìn. Xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo. Và bao trùm trong các huấn từ (những bài giảng về Việt Nam, các phát biểu với Hội đồng Giám mục Việt Nam) là tấm lòng và sự sáng suốt của một người cha đối với con cái đang sống niềm Tin vào Đấng Phục sinh tại một quốc gia Á châu, trên mảnh đất được máu các Thánh Tử đạo tưới đẫm.
Niềm đồng cảm của một người cha dành cho con cái sống trong thử thách
Trong những huấn từ về Giáo hội tại Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II luôn nhắc đến hoàn cảnh khó khăn, thử thách các tín hữu Việt Nam xưa và nay gặp phải. Xưa là các tín hữu tiên khởi xây dựng Hội Thánh, các vị tử đạo, các Thánh chứng nhân của Tin Mừng. Nay là Dân Chúa đang sống niềm Tin giữa mọi loại khó khăn, thử thách. Thử thách đến từ nhiều phía: nhà cầm quyền, người đồng hương. Thử thách về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa… Thử thách với nhiều hình thái, mức độ: bách hại, xuyên tạc, hiểu lầm, vật chất, tinh thần, hữu hình hoặc vô hình, vô tình hoặc hữu ý…
Trong bài giảng Thánh lễ tuyên phong 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam lên bậc Hiển Thánh 19-06-1988, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolộ II nêu rõ tình thế vô cùng khó khăn của những ngày đầu Tin Mừng được loan báo tại Việt Nam:
“Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa đựơc truyền đạo, Giáo hội Việt Nam đã bị bách hại suốt ba thế kỷ (...) Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Mười hai năm sau, ngày 5-03-2000, trong bài giảng Thánh lễ tôn phong Thầy giảng Anrê Phú yên lên bậc Chân phước, một lần nữa Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh các tín hữu Việt Nam tiên khởi phải sống trong tình thế hết sức khó khăn:
“Những người sống gắn bó với đức Tin Kitô giáo phải sống giữa muôn vàn khó khăn” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Tôn phong 44 Vị Tôi tớ Chúa lên bậc Chân phước 5-03-2000).
Khi Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời tại Rôma ngày 16-09-2002, trong bài giảng thánh lễ An táng, Đức Gioan Phaolô II đã xúc động thuật lại cặn kẽ, cụ thể, chi tiết, với một niềm xúc động lớn lao về những ngày ĐHY bị bắt giam, bị cầm tù vô cớ tại Việt Nam:
“Trong tù, ngài (ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là bàn thánh của ngài, là nhà thờ chánh tòa của ngài” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ An táng ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận 20-09-2002).
Với trái tim người Cha cộng với trải nghiệm bản thân, Đức Gioan Phaolô II luôn thấu hiểu và đồng cảm những cách thức và mức độ đau khổ con cái đang gánh chịu.
Ngài như nhìn thấy những khốn khó hữu hình, lại còn cảm nhận những gian lao vô hình của các thành phần Dân Chúa đang cử hành niềm Tin và thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Việc thiếu linh mục, tình trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, nhất là tình cảnh thiếu những điều kiện vật chất và tinh thần thể hiện sự tôn trọng và giúp thăng tiến phẩm giá con người:
“Các linh mục vừa ít lại vừa lớn tuổi. Mùa gặt đang cần thợ, rất cần. Giáo hội có hoạt động được hay không là do những thợ gặt này. Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam đã thể hiện sự can đảm, lòng quảng đại và lòng trung thành vô song đối với Chúa Kitô và Hội Thánh của Người khiến cho cả thế giới đã và đang phải thán phục. Điều này càng cho thấy các tín hữu có quyền được có linh mục coi sóc, và đây là một đòi hỏi căn bản của quyền tự do tôn giáo, để các tín hữu có thể giữ đức Tin và được hưởng nhờ các ơn ích do tác vụ linh mục mang lại, giúp họ sống đạo theo sự đòi hỏi của lương tâm” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 17-06-1980).
Đức Gioan Phaolô II thấu hiểu tình cảnh khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của các tín hữu Công giáo Việt Nam bên cạnh những người anh em, đồng bào của mình. Thiện chí đóng góp cho công ích xã hội của người Công giáo chưa được nhìn nhận một cách khách quan và công bằng:
“Tôi mong rằng, trong một tương lai gần, vị trí của Giáo hội Việt Nam trong xã hội sẽ được nhìn nhận. Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam trong quá khứ đã đóng góp cho nền độc lập của đất nước, ngày nay cũng mong được làm việc, qua sự đóng góp của mọi thành phần Dân Chúa – linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân - cho lợi ích của đồng bào mình và cho công cuộc xây dựng lại đất nước. Tôi biết anh chị em tín hữu đã đóng góp với lòng quảng đại, tận tâm và trung tín. Không ai có thể nghi ngờ người Công giáo thực sự sẵn sàng dấn thân phục vụ người nghèo, những người chịu thiệt thòi, các bệnh nhân, với mong muốn đem lại cho xã hội sự công bằng, tình thương yêu và cuộc sống ấm no” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 24-11-1990).
Từ những trải nghiệm bản thân, nhất là với kinh nghiệm mục vụ của mình tại đất nước Ba Lan, một quốc gia có hoàn cảnh khá giống Việt Nam, Chân phước Gioan Phaolô II đặc biệt nhạy cảm với những khó khăn các mục tử và giáo dân gặp phải khi hoạt động tông đồ. Ngài nói trong cuộc tiếp kiến Ad limina 14-12-1996 của các giám mục Việt Nam:
“Tôi hiểu những khó khăn của anh em là những người nhận lãnh nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tông đồ do Chúa Kitô trao phó, cũng như anh chị em giáo dân muốn làm việc tông đồ, đều gặp phải những hạn chế” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 14-12-1996).
Thấu hiểu, đồng cảm với Dân Chúa tại Việt Nam phải sống trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra những hướng dẫn mục vụ thể hiện tầm nhìn quy chiếu Tin Mừng Cứu độ, giúp Dân Chúa làm chứng một cách sống động và sáng tạo về niềm Tin vào Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại, minh chứng cho Tình yêu Cứu độ.
Có thể tóm tắt những hướng dẫn mục vụ của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong phương châm “Đừng sợ”, gồm hai nội dung: Đừng sợ hy vọng và đừng sợ đối thoại.
Đừng sợ hy vọng
Lịch sử 300 năm Hội Thánh tại Việt Nam được dệt nên với muôn trùng khó khăn, thử thách. Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ tình cảnh này, đồng thời cũng đã nhận ra và nêu thành bài học cho toàn thể Giáo hội về kinh nghiệm Dân Chúa tại Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách. Vượt qua bằng niềm hy vọng. Vượt qua trong hy vọng. Đó là niềm hy vọng và tín thác vào Đức Kitô và Thần Khí của Người, ngoài ra không cậy dựa vào bất kỳ sức mạnh nào khác.
Hy vọng thể hiện niềm tin. Có tin tưởng mới biết hy vọng. Gian lao và chịu bách hại là những hoàn cảnh thách đố niềm hy vọng. Vượt lên gian lao và nhẫn nại chịu bách hại là phản ứng cụ thể và cao cả của người có niềm tin. Tin vào chân lý đã được xác tín. Niềm xác tín này được hiện thực hóa bằng hy vọng. Hy vọng càng mãnh liệt bao nhiêu, niềm tin càng sâu sắc và vững vàng bấy nhiêu.
Các Thánh Tử đạo Việt Nam và những chứng nhân Tin Mừng trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam là những tấm gương về niềm hy vọng.
Đức Gioan Phaolô II, mượn lời trong sách Khôn ngoan, nêu cao bài học hy vọng của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Niềm hy vọng “mang mầm mống trường sinh”, không hướng vào những hứa hẹn trần thế, nhưng đặt trọn hoài bão vào vinh quang trên trời:
“Một người điên dại cho rằng các ngài đã mệnh một và kết liễu cuộc đời bằng cái chết là một tai họa: Chết đi là một đổ vỡ, tuy nhiên, các ngài vẫn sống trong an bình. Trước mắt trần gian, các ngài đã bị đau khổ, nhưng niềm hy vọng nơi các ngài mang nặng mầm mống trường sinh (Kn 3, 2-4)” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã chiếm lấy “mầm mống trường sinh” bằng sức mạnh của sự kiên trung, thành tín, đón lấy mọi khổ ải với niềm tin vững vàng những lời Chúa hứa không hề hão huyền. Chân phước Gioan Phaolô II cảm kích về tấm gương này của các Thánh Tử đạo Việt Nam, những người vững tin vào Chúa:
“Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần, nhưng với thói quen nói thẳng lời chân lý toàn diện, Chúa chuẩn bị tâm hồn các ngài trước nguy cơ: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí tới cùng sẽ đựơc cứu độ” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Đức cố Giáo hoàng đã hướng dẫn Dân Chúa tại Việt Nam sống tinh thần “tử đạo” ngày nay. Đó là tinh thần “trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa”:
“Ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng với danh hiệu những người quản lý trung thành trong Nước Trời” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Sự trung kiên không hướng vào những đối tượng trần thế, không nhằm những mục đích trần thế, không đòi những lợi ích trần gian, nhân loại, kể cả những lợi ích nghe dễ lọt tai như công bằng, công lý, hòa bình, thịnh vượng, phát triển…, mà hướng vào chính Chúa và Vương quốc của Ngài: tình yêu, sự thật, lòng khoan dung, sự khiêm hạ, hy sinh, từ bỏ chính mình…, những lý do và động lực khiến các Thánh Tử đạo quyết trung kiên canh tác vườn nho cho Chúa. Canh tác bằng mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu để vun xới cho cây nho Phúc âm được đơm hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam.
Vì thế, khi nói về Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Gioan Phaolô II đặc biệt nêu cao tấm gương luôn sống trong hy vọng của vị mục tử đã từng trải qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt của chốn tù đày:
“Trong lúc này, dường như ngài (Đức cố Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận), với một tình yêu có sức thuyết phục, đang gởi lời mời hy vọng đến tất cả chúng ta. Vào năm 2000, khi tôi mời ngài hướng dẫn suy tư trong Tuần Tĩnh tâm Giáo triều Roma, ngài đã chọn chủ đề: “Những chứng nhân hy vọng”. Giờ đây, khi Chúa đã thử ngài “như thử vàng trong lửa” và đã đón nhận ngài “như của lễ toàn thiêu”, chúng ta có thể nói một cách đích xác rằng: niềm hy vọng của ngài đầy tràn sự trường sinh” (x. Kn 3, 4-6). Nghĩa là niềm hy vọng đó đầy tràn Chúa Kitô, sự sống và sự sống lại của những ai trông cậy nơi Người.
Hãy hy vọng nơi Chúa! Đức cố Hồng y đã khởi sự những suy tư trong tuần Tĩnh tâm bằng lời mời gọi này. Những lời khuyên của ngài đã in sâu vào ký ức của tôi do chiều sâu những suy tư của ngài, luôn luôn thêm phong phú với những kỷ niệm cá nhân ngài, phần lớn liên hệ với 13 năm bị giam cầm. Ngài thuật lại chính lúc ngồi tù, ngài đã hiểu nền tảng đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi”, bằng cách phó thác hoàn toàn trong bàn tay của Thiên Chúa là Cha.
Dưới ánh sáng những kinh nghiệm bản thân, Đức cố Hồng y nói: Chúng ta được kêu gọi phải loan báo “Tin Mừng hy vọng”, và ngài xác quyết: chỉ khi nào biết hy sinh triệt để mới có thể chu toàn ơn gọi này, dù phải sống giữa những thử thách cam go nhất” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ An táng ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận 20-09-2002).
Tin vào Chúa thì đặt trọn hy vọng vào Ngài. Trông cậy nơi Chúa, nhất là lúc “phải sống giữa những thử thách cam go nhất” như ĐHY Phanxicô đã từng trải qua, là dấu hiệu rõ rệt nhất của người tin theo Chúa, tin vào Thiên Chúa duy nhất. Duy nhất toàn năng. Duy nhất có thể làm được mọi điều tốt đẹp cho con người.
Hướng dẫn mục vụ và sống đạo này của Chân phước Gioan Phaolô II vẫn còn nguyên vẹn giá trị và ý nghĩa thực tiễn. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, tại Việt Nam, đang lan tràn những lời kêu gọi đặt niềm tin vào sức mạnh trần thế và quên mất chỉ có Chúa mới làm cho mọi sự được nên mới.
Đừng sợ đặt mình vào niềm hy vọng. Tinh thần này của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn được nêu cao trong các huấn từ của ngài đối với các mục tử và Dân Chúa tại Việt Nam. Đối với ngài, niềm hy vọng được vun xới trong tâm hồn mỗi người sẽ lan tỏa thành niềm hy vọng lớn lao của mọi người:
“Mong sao mọi người mở lòng đón nhận Phúc âm luôn mang lại điều mới mẻ và đón nhận niềm hy vọng thế giới sẽ được hòa giải trong bình an” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 24-11-1990).
Chân phước Gioan Phaolô II khích lệ các mục tử của Giáo hội tại Việt Nam hãy lãnh đạo Dân Chúa bằng niềm hy vọng, tín thác vào Chúa:
“Tôi mong anh em hãy thực thi sứ vụ tông đồ trong niềm hy vọng đã được Chúa Giáng sinh phát khởi trong lòng chúng ta (…). Thiên Chúa đã muốn mình trở thành “Emmanuel”, Đấng ở giữa chúng ta hôm qua, hôm nay và ngày mai. Xin Người trở thành sức mạnh và là nguồn ánh sáng cho anh em” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 14-12-1996).
Chính niềm hy vọng vào Chúa sẽ giúp các tín hữu đạt đến tầm nhìn, có được nội lực và chiều sâu thuyết phục để bước vào các mối quan hệ xã hội và thực hiện đối thoại, mở đường thực hiện trách nhiệm truyền giáo.
Vì lẽ đó, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ trương tinh thần mục vụ “không sợ’ đối thoại.
Đừng sợ đối thoại
Đức Gioan Phaolô II ‘đọc’ được ý nghĩa giá trị của việc làm chứng bằng máu nơi các vị Tử đạo. Qua việc chịu đổ máu, hy sinh, các Thánh Tử đạo nêu cao niềm tin vào Chúa và chân lý Phúc âm. Như vậy, các ngài đã gửi đi thông điệp về chân lý và đức tin cho mọi người, trong đó có kẻ bách hại các ngài:
“Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu”, có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời, các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Cũng từ sự suy ngẫm về bài học làm chứng và đối thoại của các thánh Tử đạo, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II rút ra cung cách đối thoại, trong đó bao gồm phong thái đối thoại với chính những kẻ bách hại. Đó là cung cách và phong thái hiền lành, nhẫn nại trong đối thoại như chính Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc khổ nạn.
Nhờ vậy, các Thánh tử đạo, qua cuộc khổ nạn của mình, nói lên được ý nghĩa đích thực của Thánh giá cho những ai đang muốn tìm hiểu và cho những người chưa hiểu, kể cả thù nghịch với Thánh giá:
“Hạt giống các tín hữu là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô: Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống” (Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Phong Thánh Tử đạo Việt Nam 19-06-1988 – Bản tiếng Việt của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).
Như vậy “biết thinh lặng”, “biết tha thứ” và “biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương” chính là sức mạnh nội lực của người kiên trì theo đuổi con đường đối thoại, nhất là đối thoại với những kẻ đang tìm cách làm hại mình.
Đức Gioan Phaolô II cũng rất cảm kích, khâm phục cuộc đời làm chứng rất can trường và hiệu quả của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Ngài nhận thấy có sự tương đồng lạ lùng về phong thái giữa Đức cố HY và các Vị Tử đạo Việt Nam, nhất là “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu chịu khổ nạn, nhờ đó Đức cố HY thuyết phục được nhiều người, đối thoại được với nhiều người về “Tình yêu” và “Niềm Hy vọng’. Đối thoại bằng tha thứ. Đối thoại trong yêu thương và tôn trọng con người.
Vì thế Đức cố Giáo hoàng đã yêu cầu các mục tử tại Việt Nam đưa tinh thần đối thoại vào đường lối mục vụ:
“Cuộc đối thoại được mở ra trong bàu khí hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và có thiện chí báo hiệu cho một tương lai tốt đẹp. Con đường vẫn còn dài và không ít khó khăn, nhưng dường như đây là con đường đúng” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 24-11-1990).
Cũng trong huấn từ vừa nêu, Đức Gioan Phaolô II, bày tỏ ước mong của mình đối với Dân Chúa tại Việt Nam:
“Mong sao anh em canh tân Giáo hội và đổi mới đất nước mình, trong tinh thần hòa giải giữa anh chị em tín hữu với nhau, giữa người công giáo và anh chị em đồng bào gồm những tín ngưỡng khác nhau” (Gioan Phaolô II – Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngày 24-11-1990).
* * *
Mừng Giáo hội có thêm một Vị Chân phước - Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng là mừng và tạ ơn vì Hội Thánh, trong đó có Giáo hội tại Việt Nam, được hưởng nhiều ơn ích từ những hướng dẫn của Vị Mục tử Giáo hội toàn cầu.
Ngài đã dẫn Dân Chúa đi trong hành trình Loan báo Tin Mừng với tinh thần “Đừng sợ”.
Đừng sợ sống trong hy vọng. Đừng sợ đối thoại.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton
-
Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi