Những điều cần chú ý trong lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV
TGPSG/ Aleteia --- Thánh lễ này, giàu biểu tượng và các cử chỉ quan trọng, dự kiến có một số thay đổi đáng chú ý so với lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2013.
Vào ngày 18-5-2025, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ cử hành Thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của ngài, bắt đầu từ khi ngài chấp nhận sứ vụ giáo hoàng sau cuộc bầu chọn vào ngày 8-5-2025.
Nghi lễ này, phong phú với những biểu tượng và cử chỉ đầy ý nghĩa, dự kiến có một số thay đổi đáng chú ý so với lễ nhậm chức năm 2013, phản ánh một cách tiếp cận tổng thể khác biệt.
Điểm đáng chú ý là sau nghi thức trao dây pallium và Nhẫn Ngư phủ, không chỉ các hồng y mà cả các đại diện của Dân Thiên Chúa cũng sẽ tuyên hứa vâng phục vị Tân Giáo Hoàng.
Trước Thánh lễ: Cầu nguyện cùng các Thượng phụ - và cuộc rước của Đức Giáo Hoàng
Phụng vụ chính thức của lễ nhậm chức không bao gồm nghi thức chào hỏi công khai trước Thánh lễ, khác với năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn di chuyển qua Quảng trường Thánh Phêrô bằng xe giáo hoàng (popemobile) để chào các tín hữu trước nghi lễ.
Đức Thánh Cha sẽ tiến vào đền thờ để xuống mộ phần Thánh Phêrô. Không gian thánh thiêng này, nằm dưới Bàn thờ Tuyên xưng Đức Tin, được xem là nơi an nghỉ của Thánh Tông đồ Phêrô - người môn đệ đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là vị giáo hoàng tiên khởi.
Tại đây, vị tân giáo hoàng sẽ dành thời gian cầu nguyện, cùng với các Thượng phụ và Tổng Giám mục trưởng của các Giáo hội Công giáo Đông phương, như một dấu chỉ hiệp nhất với các cộng đoàn cổ xưa này đang hiệp thông với Rôma.
Sau giờ cầu nguyện, Đức Lêô XIV sẽ tiến lên gian giữa của đền thờ, theo sau là các giám mục, tổng giám mục, hồng y và thượng phụ, trước khi bước ra bậc thềm của Đền thờ Thánh Phêrô - nơi Thánh lễ sẽ được cử hành.
Ngôn ngữ và sự hiệp nhất trong phụng vụ
Kinh nguyện Thánh Thể sẽ được đọc bằng tiếng Latinh, ngôn ngữ phổ quát của Hội Thánh. Tuy nhiên, để phản ánh nguồn gốc Peru và Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng, bài đọc I sẽ được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha và bài đọc II sẽ bằng tiếng Anh. Thánh vịnh sẽ được hát bằng tiếng Ý, và bài Tin Mừng sẽ được công bố hai lần - trước tiên bằng tiếng Latinh, sau đó bằng tiếng Hy Lạp - như một dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa truyền thống Latinh và Đông phương.
Nghi thức trao dây Pallium
Sau phần công bố Tin Mừng - chứ không phải vào đầu Thánh lễ như truyền thống trước đây - một vị hồng y thuộc đẳng phó tế sẽ tiến đến gần Đức Thánh Cha và đọc lời nguyện bằng tiếng Latinh, tuyên bố: “Hôm nay, Đức Thánh Cha kế vị Thánh Phêrô trong sứ vụ giám mục của Hội Thánh này, Hội Thánh mà ngài đã đưa đến đức tin cùng với Thánh Tông đồ Phaolô.”
Sau đó, vị hồng y sẽ đặt dây pallium lên vai Đức Giáo Hoàng. Áo lễ này là một dải len trắng, có thêu các thánh giá màu đen, tượng trưng cho các thương tích của Đức Kitô.
Dây pallium được đeo bên ngoài áo lễ (casula), biểu trưng cho vai trò mục tử của Đức Giáo Hoàng - Đấng mang con chiên lạc trên vai (Lc 15,5). Đây cũng là dấu chỉ sự hiệp nhất với các Tổng Giám mục chính toà của Hội Thánh, những người cũng lãnh nhận dây pallium từ Đức Giáo Hoàng vào ngày 29-6, lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Kể từ lễ nhậm chức của Đức Gioan Phaolô I, dây pallium đã thay thế mũ ba tầng giáo hoàng (papal tiara) như biểu tượng chính của quyền bính giáo hoàng, thể hiện một cách tiếp cận mang tính mục vụ hơn đối với sứ vụ này. Chính vì vậy, thuật ngữ “Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Giáo hoàng” được ưa chuộng hơn “Thánh lễ Đăng quang.”
Thánh lễ này là một thời khắc trọng đại trong việc khởi đầu triều đại giáo hoàng, dù không phải là một lễ truyền chức. Đức Lêô XIV đã là giám mục từ năm 2014 và trở thành giáo hoàng một cách trọn vẹn kể từ khi chính thức chấp nhận việc được tuyển chọn làm đấng kế vị thứ 267 của Thánh Phêrô vào ngày 8-5-2025.
Nhẫn Ngư phủ
Ngay sau nghi thức trao dây pallium, một vị hồng y thuộc đẳng linh mục sẽ đọc một lời nguyện khác để cầu nguyện cho vị tân giáo hoàng, khẩn xin Thiên Chúa nâng đỡ ngài trong sứ vụ được trao phó.
Tiếp đó, một vị hồng y thuộc đẳng giám mục sẽ tiến lên và trao Nhẫn Ngư phủ - dấu hiệu chính thức biểu thị mối liên kết của Đức Giáo Hoàng với Thánh Phêrô, cũng như lời mời gọi trở nên “kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Nhẫn này truyền thống được làm bằng bạc, trước đây từng được dùng để niêm ấn các văn kiện giáo hoàng bằng sáp hoặc chì; ngày nay, nhẫn mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ về sứ vụ mục tử của vị Giáo Hoàng.
Tuyên hứa vâng phục: Một hướng tiếp cận mới
Lần đầu tiên, “các đại diện của Dân Thiên Chúa” tuyên hứa vâng phục vị tân giáo hoàng, thay vì chỉ một nhóm nhỏ các hồng y cao cấp, phản ánh một tầm nhìn hiệp hành hơn về Hội Thánh. Trong các lễ nhậm chức trước đây, nghi thức này chỉ được dành cho 6 vị hồng y - mỗi đẳng giám mục, linh mục và phó tế có hai vị - đại diện Hồng y đoàn tuyên hứa trung thành thay cho toàn thể.
Nghi thức kết lễ và chào thăm cá nhân
Sau Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV dự kiến sẽ trở lại đền thờ để chào thăm các nguyên thủ quốc gia và các vị chức sắc, một tập tục làm nổi bật vai trò của Đức Giáo Hoàng như một vị lãnh đạo thiêng liêng toàn cầu.
Vào năm 2013, nghi thức này kéo dài hơn một giờ, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đứng để đích thân chào từng vị lãnh đạo quốc tế - một cử chỉ ngoại giao có ý nghĩa lớn, cho thấy vị thế đặc biệt của giáo hoàng trên trường quốc tế.
Tác giả: Agence I.Media
bài liên quan mới nhất

- Diễn văn Đức Thánh Cha Lêô XIV dành cho các tu sĩ Dòng Lasan ngày 15.5.2025
-
Thi hài của Thánh Têrêsa Avila được trưng bày công khai lần thứ ba trong hơn bốn thế kỷ -
Diễn văn của Đức Thánh Cha Lêô XIV dành cho các đại diện truyền thông thế giới ngày 12/5/2025 -
Thánh Giá của Đức Lêô XIV có thánh tích của hai Thánh Augustinô và Monica -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV: Truyền thông cần thúc đẩy hòa bình và giải giới ngôn từ -
Các Hồng y Hoa Kỳ ca ngợi tấm lòng truyền giáo và kinh nghiệm quốc tế của Đức Thánh Cha Lêô XIV -
Đức Tân Giáo hoàng và Bốn Kỵ Sĩ của Cuộc Cách mạng -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV điện đàm với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (11/5): Cầu nguyện cho các ơn gọi -
Châm ngôn và Huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y