Những câu chuyện vui của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn kể nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập giáo phận Mỹ Tho

Những câu chuyện vui của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn kể nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập giáo phận Mỹ Tho

Tôi có câu chuyện như là món quà để tặng cho các Đức Cha, anh em linh mục, tu sĩ và giáo dân ở những miền khác nhau trên đất nước của chúng ta. Trong tuần vừa qua (5 ngày diễn ra Đại Hội Dân Chúa Toàn Quốc 21-25.11.2010), chúng tôi suy nghĩ, tìm cách ứng dụng Giáo hội hiệp nhất nhưng mà trong sự đa dạng khác nhau. Anh chị em ai cũng biết văn hoá Việt Nam gồm có những nét chung cho ba miền, đồng thời cũng gồm có những nét riêng của mỗi miền. Thế, tôi chia sẻ những cái riêng để góp phần vào trong cái kinh nghiệm của những miền khác, mong rằng những miền khác cũng góp những kinh nghiệm đa dạng, không những để xây dựng Giáo hội mà còn để truyền giáo. Trong việc truyền giáo, bước đầu tiên là phải hội nhập văn hoá, rồi muốn hội nhập hay dấn thân phục vụ như Chúa Giêsu qua hai chục mầu nhiệm mân côi; bước đầu tiên là phải hội nhập vào văn hoá đời sống xã hội của đất nước chúng ta; bước thứ hai là phải dấn thân phục vụ cho sự sống sự phát triển của con người và đất nước; bước thứ ba là năm sự thương là sự hy sinh. Hy sinh nhiều cái: cái riêng tư, hẹp hòi để dẹp đi cái tự ái của mình, cái sự tự cao của mình để tự hạ như Chúa, trở nên tấm bánh nuôi dưỡng sự sống của mọi người; rồi cái đổi mới là năm sự mừng.

Tôi xin kể những câu chuyện này, có cái cần phải đổi mới đi, có cái thì để bổ sung cho nhau. Nói về chuyện truyền giáo ở Mỹ Tho này, tôi sống ở đồng bằng Sông Cửu Long từ nhỏ đến lớn, trong cái hướng truyền giáo tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Ở đây tôi chỉ kể ba câu chuyện thôi:

Câu chuyện thứ nhất: Đừng có bắt chước

Ở miền Nam thì hồi nãy các Đức Cha đi (dự lễ) lại ghé Trạm Dừng Chân Mêkông ăn sáng, thì các Đức Cha thấy thì đó là văn hoá miền Nam đó. Nhà thì không có vách, mà nhiều khi có vách có cửa đi nữa mà nhiều khi không có đóng (cửa), không có khoá cửa, đang ăn cơm trong nhà thấy ai đi ngang qua thì mời vô hết, cũng phải làm với nhau một ly (rượu), thí dụ vậy. Đó là cái văn hoá miền Nam cần tình làng nghĩa sớm, bạn bè.

Rồi trên bàn cơm nhậu với nhau cũng truyền giáo nữa, mà truyền giáo kiểu này thì đừng có nên bắt chước: là trên bàn cơm có nhiều người đạo khác nhau. Uống hơi xỉn xỉn rồi thì mới coi đạo của thằng nào đúng. Cuối cùng thì cái anh Công giáo nói: “Đạo tụi bay không có chứng cớ cụ thể, đạo của tao thì cái trái của ông Adong ăn mắc kẹt ở đây nè (vừa nói vừa chỉ vào cổ).Do đó cái đạo của tao đúng nhất vì nó có chứng cớ lịch sử đàng hoàng.” Rồi có người hỏi: “Thế sao mấy ông có còn mấy bà không có?” thì không biết nói làm sao!? cho nên cũng không có chứng minh được cái đạo của mình là đạo thật bằng cái trái cấm này. Phải làm nhiều hơn nữa rồi sinh ra cãi cọ nhau, may ra rượu vô rồi xỉn hết nên không còn cãi nữa được.

Đó là cái kiểu văn hoá của người miền Nam, hội nhập văn hoá để truyền đạo theo cái kiểu này thì không có được.

Câu chuyện thứ hai:

Một kiểu khác, trong thời kỳ chiến tranh, Legio Mariae ở trong thôn quê cũng có nhiều, và những người chất phác, có nhiều khi ít biết chữ nữa. Thế thì có ông cụ, ổng đi thăm gia đình, gặp một anh, ảnh đi theo cách mạng nhưng mà cũng là con cháu trong làng thôi, rồi mới hỏi: “Ông đi làm cái gì?” rồi mới nói: “Tôi đi làm việc tông đồ.” Hỏi: “Để làm cái gì?” thì nói: “Để cứu linh hồn người ta.” Thế cái anh kia đáng tuổi con cháu thôi nói với ông cụ Legio Mariae, hỏi chứ: “Linh hồn ở chỗ nào đâu, ông chỉ cho tui coi? Ông lo linh hồn cho người ta mà linh hồn ông ở chỗ nào?” Ông cụ không biết ổng học sách vở nào mà ổng trả lời cho anh kia, cũng là cháu trong lối xóm thôi: “Chú mày về nhà coi chú mày với con chó khác nhau làm sao thì linh hồn ở chỗ đó.” Ta thấy rất là chất phác, nhưng luôn luôn trong tình làng nghĩa xóm.

Câu chuyện thứ ba: để nói về đối thoại theo văn hoá miền Nam

Ngày nay Giáo Hội kêu chúng ta phải đối thoại chân thành và hợp tác trong sự kính trọng nhau để phục vụ cho sự sống, sự phát triển của con người, đất nước; nhưng mà có nhiều kiểu đối thoại lắm. Ở đây một kiểu, một cái mẫu: Hai bà bạn già ở miền sông nước này, một bà ngồi ở trước cửa nhà, một bà thì chèo thuyền dưới sông. Hai bà bạn, nhưng mà hai bà hơi bị điếc hết trơn. Bà ngồi trên nhà thấy bà chèo xuồng dưới sông đi ngang qua, đi theo cái hướng biết thường là đi mua trầu, hay đi chợ, thì hỏi: “Chị ơi chị, chị đi chợ hả chị?” Bà chèo xuồng dưới sông nghe văng vẳng, chứ không nghe rõ, trả lời: “Hổng có, tui đi chợ.” Bà ngồi ở trên nhà cũng nghe văng vẳng, điếc điếc vậy, nên nói: “Dzậy mà tui tưởng chị đi chợ chớ!”

Hai người nói hổng ăn đâu vào đâu hết, nhưng mà vẫn có cái sự đồng cảm, vẫn có duy trì cái tình làng nghĩa xóm với nhau dầu là công cuộc đối thoại theo lý nó không đi tới đâu, nhưng mà tình nó vẫn còn đó, có khi nó tăng thêm cái tình nữa. Đó là cái văn hoá miền Nam trong đối thoại dân gian, xin gởi tặng cho các Đức Cha.

Ghi chú: những chữ trong ngoặc đơn được ghi thêm vào cho rõ nghĩa.

Linh mục Giuse Nguyễn Tuấn Hải ghi lại

Top