Nhìn lại năm 2020: Giáo hội và đại dịch Covid 19

Nhìn lại năm 2020: Giáo hội và đại dịch Covid 19

Nhìn lại năm 2020: Giáo hội và đại dịch Covid 19

TGPSG -- Sự kiện quan trọng nhất bao trùm cả năm 2020 chính là đại dịch Covid 19, do virus Corona chủng mới gây ra, làm thay đổi bao nhiêu nề nếp sinh hoạt phụng vụ và mục vụ trong Giáo hội.

Virus Corona chủng mới - phát xuất từ Vũ Hán - lần đầu tiên được Trung Quốc báo cáo cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) vào ngày 31-12-2019. Trước đó, đã có nhiều người bị nhiễm bệnh này, trong đó ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 17-11-2019 ở Hồ Bắc.

Ca nhiễm virus Corona đầu tiên được phát hiện tại Hoa Kỳ vào ngày 21-1-2020, tại Việt Nam ngày 23-1-2020, tại Ý ngày 31-1-2020, và tại Vatican ngày 5-3-2020.

Trung Quốc đã phải phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23-1-2020; và vào Chúa nhật 26-1-2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đặc biệt cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus Corona. Hôm sau, ngài đã tặng 600.000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc.

Vào ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới vì dịch bệnh này.

Và vào ngày 11-3-2020, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là 'đại dịch'.

Trước đó 5 ngày, ngày 6-3-2020, Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican đã công bố với các ký giả về ca nhiễm virus Corona đầu tiên tại Vatican - được xác định dương tính vào ngày 5-3.

Ba ngày sau, do covid-19 bùng phát, nước Ý đã phong tỏa toàn quốc vào ngày 9-3-2020. Trong buổi chiều cùng ngày, Hội đồng Giám mục Ý đã thông báo về việc ngưng toàn bộ các Thánh lễ trên toàn nước Ý từ ngày 10-3 đến ngày 3-4-2020 để ngăn ngừa sự lây lan của virus Corona.

Buổi đọc Kinh Truyền Tin của ĐTC vào Chúa nhật 8-3 và thứ Tư 11-3, cũng như các Thánh lễ hằng ngày lúc 7g của ĐTC tại nhà nguyện thánh Marta, tạm thời không có sự tham dự tại chỗ của cộng đoàn, nhưng được trực tuyến nhằm giúp mọi người có thể xem và hiệp thông tại nhà riêng.

Sáng 13-3-2020, Đức Hồng y giám quản giáo phận Roma ra sắc lệnh cho phép “các nhà thờ giáo xứ và các trụ sở truyền giáo vẫn được mở cửa" để ai muốn thì cũng có thể vào cầu nguyện cách riêng tư.

Lúc 12g trưa lễ Truyền Tin 25-3-2020, ĐTC đã cùng mọi tín hữu trên toàn thế giới đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cách đặc biệt cho các anh chị em bị nhiễm virus Corona.

Lúc 18g thứ Sáu 27-3-2020, trong cơn mưa ảm đạm, ĐTC đã một mình chủ sự buổi cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô rộng mênh mông và trống vắng để  ban Phép lành Urbi et Orbi cho Rôma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá.

CÁC GIẢI PHÁP PHỤNG VỤ

Khi quảng trường Thánh Phêrô bị đóng cửa vì Covid 19, Thánh lễ hằng ngày cũng như các buổi đọc kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô được truyền hình trực tuyến cho các tín hữu tham dự cách riêng tư. Không có Thánh lễ và sinh hoạt phụng vụ - mục vụ cộng đồng, nhưng các nhà thờ giáo xứ vẫn có thể mở cửa cho giáo dân vào cầu nguyện cách riêng tư.

Trong tình hình cách ly của nước Ý, các giám mục và linh mục Ý đã đưa ra nhiều sáng kiến mục vụ để có thể nâng đỡ đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa. Hội đồng Giám mục Ý đã thiết lập trang web “Chi ci separerà - Ai có thể tách chúng ta” với nội dung bao gồm tất cả các thông cáo của Hội đồng Giám mục Ý về tình trạng khẩn cấp do virus Corona, các hoạt động của Caritas, các sáng kiến của các giáo phận Ý và các ý chỉ cầu nguyện.

Nhiều linh mục đã cử hành Thánh lễ, phát trực tiếp các bài giảng và giáo lý trên các mạng xã hội để các tín hữu tham dự, lắng nghe. Có những linh mục kiệu Mình Thánh Chúa ngoài đường để dân chúng có thể từ trong nhà nhìn ra, thờ lạy và cầu nguyện.

Các Thánh lễ, các giờ chầu Thánh Thể và cầu nguyện trực tuyến được thực hiện  trên khắp thế giới, giúp thành viên của các gia đình tham dự chung với nhau trong nhà mình để biến mái ấm của mình thực sự trở thành Hội Thánh tại gia.

CÁC GIẢI PHÁP XÃ HỘI

Khi cả thế giới điêu đứng vì đại dịch, ĐTC đã kêu gọi mọi người “cùng đứng bên nhau trong tình yêu, kiên nhẫn và chuẩn bị cho một thời kỳ tốt đẹp hơn… Hãy làm một cử chỉ âu yếm và quan tâm đến những người đau khổ, trẻ em và người già…”

Khắp nơi trong Giáo hội cũng như xã hội, xuất hiện nhiều tấm lòng quảng đại - thực hiện nhiều sáng kiến bác ái - để giúp đỡ bao nhiêu người khó khăn trong đại dịch, cũng như động viên và ghi ơn các chuyên viên y tế, các linh mục tu sĩ, đang hy sinh vất vả ở tuyến đầu để cứu chữa và nâng đỡ các bệnh nhân covid-19. 

Tòa Thánh đã mời gọi xóa nợ cho các ngước nghèo trong đại dịch và có rất nhiều hoạt động từ thiện.

Đồng thời, Đức Giáo hoàng cũng cùng các vị lãnh đạo trên thế giới và các chuyên viên, gấp rút hoạch định các ‘kế hoạch hậu đại dịch’ hầu ứng phó kịp thời với những đòi hỏi cấp bách của thời cuộc.

VATICAN DẦN DẦN MỞ CỬA TRỞ LẠI

Ngày 16-5, nước Ý ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất kể từ lúc phong tỏa hôm 9-3, nên đã phê chuẩn sắc lệnh khôi phục phần lớn hoạt động kinh tế, dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển.

Tại Vatican, sau hơn 10 tuần lễ, lần đầu tiên các tín hữu được vào quảng trường thánh Phêrô vào Chúa Nhật 24-5 để nhận phép lành Đức Thánh Cha ban. Mỗi người vào quảng trường phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Và viện Bảo tàng Vatican bắt đầu đón du khách từ ngày 1-6. Mọi du khách phải đeo khẩu trang và được kiểm tra nhiệt độ. Các nhóm tham quan giới hạn đông nhất là 10 người.

Chúa Nhật 31-5-2020, ĐTC đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Tuy nhiên trước khi ra quảng trường, ĐTC vẫn cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không có giáo dân tham dự tại nhà nguyện Thánh Thể bên trong đền thờ thánh Phêrô.

Nước Ý đã mở biên giới quốc tế từ ngày 3-6-2020, cho phép các du khách từ châu Âu thăm Ý mà không bị cách ly khi nhập cảnh nước này. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10-2020, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu đi rất nhanh, nên nước Ý đã đưa ra những giải pháp cách ly từng phần.

Do đại dịch vẫn tiếp diễn và để tránh giờ giới nghiêm, ĐTC đã dâng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 24-12 vừa qua vào lúc 19g30 tại đền thờ Thánh Phêrô, tức là sớm hơn mọi năm và với chỉ một số ít người tham dự. 

Vào cuối năm 2020, một số vắc-xin đã được mang ra sử dụng, đem lại nhiều niềm hy vọng. Nhưng những phát hiện về virus Corona biến thể khiến thế giới lại thêm lo lắng…

Lm Vi Hũu tổng hợp (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top