Nhật ký Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình – Ngày thứ sáu
WHĐ (14.10.2014) – Sau hai ngày nghỉ cuối tuần kết thúc giai đoạn làm việc thứ nhất, sáng thứ Hai 13-10, các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng ngoại thường về gia đình (THĐ) đã trở lại làm việc.
– Buổi sáng: Phiên họp khoáng đại XI
Các nghị phụ đã nghe Đức hồng y Péter Erdő, Tổng tường trình viên của THĐ, trình bày Bản Tường trình đúc kết thảo luận (Relatio post disceptationem) đã được Ban văn kiện soạn thảo, gồm các vị:
- Đức hồng y Péter Erdő (Hungary), Tổng tường trình viên
- Đức hồng y Lorenzo Baldisseri (Italia), Tổng thư ký THĐ
- Đức Tổng giám mục Bruno Forte (Italia), Thư ký đặc biệt của THĐ
- Đức hồng y Gianfranco Ravasi (Italia), Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa
- Đức hồng y Donald Wuerl (Hoa Kỳ), TGM Washington
- Đức Tổng giám mục Victor Manuel Fernandez (Argentina), Giám đốc Đại học Giáo hoàng Argentina
- Đức Tổng giám mục Carlos Aguiar Retes (Mexico), Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục châu Mỹ Latinh
- Đức Giám mục Peter Kang U-Il (Hàn Quốc), Giám mục giáo phận Cheju
- Linh mục Adolfo Nicolás, Bề trên tổng quyền Dòng Tên.
Bản Tường trình đúc kết thảo luận (Relatio post disceptationem) có đề cương như sau:
Dẫn nhập
Phần I - Lắng nghe: bối cảnh và những thách thức liên quan đến gia đình
- Bối cảnh văn hóa xã hội
- Tầm quan trọng của đời sống tình cảm
- Những thách thức mục vụ
Phần II - Nhìn về Đức Kitô: Tin Mừng của gia đình
- Nhìn về Chúa Giêsu và tiến từng bước trong lịch sử cứu độ
- Gia đình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
- Xem xét những giá trị hiện có trong các gia đình đang mang thương tích
- Và trong những tình huống bất thường
- Chân lý và vẻ đẹp gia đình và lòng thương xót
Phần III - Thảo luận: những quan điểm mục vụ
- Loan báo Tin Mừng về gia đình ngày hôm nay trong những bối cảnh khác nhau
- Hướng dẫn những đôi vợ chồng tương lai trên con đường chuẩn bị hôn nhân
- Đồng hành những năm đầu của cuộc sống hôn nhân
- Các khía cạnh tích cực trong kết hôn dân sự và sống chung
- Chăm sóc các gia đình đang mang thương tích (ly thân, ly dị không tái hôn, và ly dị tái hôn)
- Đón tiếp người đồng tính
- Thông truyền sự sống và thách thức của việc giảm sút tỷ lệ sinh sản
- Thách thức trong việc giáo dục và vai trò của gia đình trong công cuộc Phúc âm hóa
Kết luận
* * *
Đối với tất cả những ai, trong và ngoài Giáo hội, đang quan tâm đến tình trạng hôn nhân và gia đình hiện nay trên thế giới, có thể tìm thấy qua 58 số của Bản Tường trình đúc kết thảo luận một bức tranh khái quát về thực trạng và những nét chính nơi những quan điểm mục vụ đang xuất hiện trong Giáo hội.
Trong đó, nổi bật nhất là nhận thức về chân lý và vẻ đẹp của gia đình, đồng thời về lòng thương xót; quan điểm mục vụ đối với những trường hợp ly dị (không tái hôn, tái hôn, việc lãnh nhận các bí tích…), hôn nhân đồng tính, kiểm soát sinh sản…
Các nghị phụ tiếp tục khẳng định chân lý và vẻ đẹp của gia đình trong bí tích Hôn nhân, tức Tin Mừng gia đình:
“Khi Tin Mừng về gia đình được tỏa sáng qua chứng từ của đông đảo các gia đình sống trung tín với bí tích, sẽ sinh hoa kết quả là sự thánh thiện đích thực trong cuộc sống hằng ngày. Chứng từ của các gia đình sống trung tín này vừa nuôi dưỡng những hạt mầm Lời Chúa (semina Verbi) đang chờ đâm chồi, vừa săn sóc những cây đã khô héo vẫn mong đừng bị bỏ rơi” (số 21).
Đồng thời nhìn nhận ý nghĩa tích cực của hôn nhân dân sự là đề cao “tình yêu sâu đậm”, “có trách nhiệm đối với con cái”, “khả năng đương đầu với những thử thách”, đặc biệt coi hôn nhân dân sự là “nụ hoa đang nở hướng đến bí tích hôn nhân” (số 22).
Bàn luận về lòng thương xót đối với các trường hợp hôn nhân và gia đình đổ vỡ, các nghị phụ nhấn mạnh lòng thương yêu và sự chăm sóc đối với con cái trong những gia đình đổ vỡ:
“Noi theo ánh mắt đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, Giáo hội phải lưu tâm đồng hành và quan tâm đến con cái của họ, những con người dễ bị tổn thương nhất, đang mang ấn tượng về một tình yêu đã bị tổn thương và mất mát, bằng cách giúp chúng khôi phục lòng tin và hy vọng như tìm thấy ánh sáng hải đăng nơi bến cảng hoặc ánh đuốc vẫn bừng lên giữa cộng đoàn” (số 23).
Lòng thương yêu dành cho con cái những gia đình đổ vỡ sẽ tác động đến chính cha mẹ chúng, những người cần được ánh sáng hải đăng và ngọn đuốc của lòng tin và hy vọng “chiếu soi những ai đã lạc lối hoặc đang sống giữa bão tố”.
Các nghị phụ, qua những phát biểu tại các phiên họp giai đoạn một của THĐ, đã trình bày những quan điểm về những trường hợp mục vụ khó khăn, khác thường. Bản Tường trình đã dành nhiều số (từ 40 đến 52) để đúc kết những quan điểm đã được các nghị phụ trình bày về việc săn sóc những gia đình bị tổn thương (ly thân, ly dị không tái hôn và ly dị tái hôn) và việc đón tiếp những người đồng tính.
Các nghị phụ nhận thấy “phải khẩn cấp đề ra những con đường mục vụ mới”, không thể duy trì lối mục vụ lạnh lùng “còn cả hoặc mất hết”, đồng thời phải đề cao việc “đối thoại”, huy động được “sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau” nhằm đáp ứng những nhu cầu mục vụ hôn nhân và gia đình vốn ngày càng khó khăn và phức tạp.
Về vấn đề thủ tục tiêu hôn, các nghị phụ đã lưu ý “làm sao cho thủ tục công nhận hôn nhân vô hiệu được dễ dàng và nhanh chóng hơn” (số 43).
Đồng thời cũng nhấn mạnh “phải lưu ý các đôi sắp kết hôn về tầm quan trọng của đức tin đối với việc thành sự của bí tích hôn nhân” (số 43).
Nói đến trường hợp ly dị không tái hôn, các nghị phụ mời gọi:
“Hãy đến với bí tích Thánh Thể để tìm được lương thực nâng đỡ tình trạng của mình. Cộng đoàn địa phương và các mục tử cần quan tâm đồng hành với những người này, nhất là nếu họ có con nhỏ hoặc đang sống rất nghèo” (số 45).
Về những người ly dị tái hôn, các nghị phụ lưu ý về thái độ ứng xử của cộng đoàn đối với họ:
“Hoàn cảnh những người ly dị tái hôn cần phải được xem xét cẩn trọng và đồng hành với họ với thái độ tôn trọng, tránh cách nói năng và thái độ khiến họ cảm thấy bị phân biệt đối xử. Việc chăm sóc những người này, đối với cộng đoàn Kitô hữu, không nói lên mình đã sa sút về đức Tin về về việc làm chứng cho tính bất khả phân ly của hôn nhân, trái lại, chính những chăm sóc này đang diễn tả đức Ái của cộng đoàn” (số 46).
Về việc người ly dị tái hôn có được xưng tội, rước lễ hay không, ý kiến của các nghị phụ được đúc kết như sau:
“Về khả năng lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể, có một số lập luận ủng hộ kỷ luật hiện hành dựa trên cơ sở thần học, một số khác ủng hộ sự cởi mở đối với những điều kiện thật cụ thể, trong những trường hợp nên được đáp ứng để tránh phát sinh những bất công và đau khổ mới. Một số ý kiến cho rằng, để lãnh nhận bí tích, những người này trước đó phải qua giai đoạn ăn năn tội -thuộc phạm vi quyền hạn trách nhiệm của giám mục giáo phận-, và cam kết rõ ràng chăm lo cho con cái…” (số 47).
Các nghị phụ đề nghị cần có nghiên cứu sâu về thần học liên quan đến “rước lễ thiêng liêng”. Nhiều vị cho rằng đã rước lễ thiêng liêng được, sao lại không thể lãnh nhận bí tích (số 48).
Vấn đề những người đồng tính vốn được thế giới quan tâm đã được các nghị phụ bàn thảo và đúc kết trong ba số (50-52) của Bản Tường trình:
Các nghị phụ cho rằng người đồng tính có khả năng và mong muốn được đóng góp cho cộng đoàn. Các nghị phụ cũng nêu vấn đề: liệu việc chấp nhận khuynh hướng tính dục của những người này có làm ảnh hưởng đến giáo lý Công giáo về hôn nhân và gia đình không? (số 50)
Cùng với khẳng định cần chú ý đến giáo dục tính dục, các nghị phụ nhắc lại sự khẳng định của Giáo hội về đặc tính của hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, qua đó nêu rõ: “Sự kết hợp giữa hai người đồng tính không thể đồng nhất với hôn nhân giữa người nam và người nữ” (số 51).
Về trẻ em con nuôi của những cặp đồng tính, các nghị phụ bày tỏ “sự lưu tâm đặc biệt đến trẻ em đang sống với những cặp đồng tính, thấy rằng phải đặt những yêu cầu và quyền của trẻ nhỏ lên hàng đầu” (số 52).
Cuối cùng, trong phần Kết luận, Bản Tường trình cho biết các suy tư được trình bày –là hoa trái của việc đối thoại tại Thượng Hội đồng trong bầu khí tự do và lắng nghe nhau– nhằm nêu lên những vấn đề và những viễn cảnh sẽ chín mùi và sáng tỏ hơn qua suy tư của các Giáo hội địa phương từ nay đến khi diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ vào tháng Mười 2015 (số 58).
- Kinh Giờ Ba: do Đức Tổng giám mục Salvador Piñeiro García-Calderón, Tổng giáo phận Ayacucho (Peru), chủ sự.
Trong bài giảng, Đức Tổng giám mục García-Calderón đã giảng giải ý nghĩa câu trích sách Lêvi: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta là Thiên Chúa, là Ðấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (20, 26).
Đặt trong bối cảnh đang diễn ra THĐ, Đức Tổng giám mục nêu lên vai trò của gia đình giúp các thành viên của mình thực thi mệnh lệnh của Chúa: “Hãy nên thánh”. Con đường nên thánh của thánh nữ Rosa de Lima, đồng hương Peru với ngài, đã được vun đắp từ gia đình. Bản thân ngài nhớ mãi đã được cha mẹ dạy bảo từ tấm bé về nên thánh. Nên thánh qua việc phục vụ và yêu mến Giáo hội. Ngài hằng ghi nhớ giây phút cầm tay cha mẹ lúc giúp các ngài lâm chung, chiếc nhẫn giám mục của mình chạm vào nhẫn cưới của cha mẹ, ngài chợt nghĩ: Giáo hội được sinh ra từ giao ước hôn nhân.
Ngài kết thúc bài giảng: “Đừng quên rằng tình yêu vợ chồng, niềm an vui gia đình, và sự hy sinh hằng ngày đang giúp con người nên thánh”.
– Buổi chiều: Thảo luận theo nhóm
Buổi chiều cùng ngày, các nghị phụ thảo luận theo nhóm.
91 nghị phụ được chia thành 10 nhóm nhỏ, theo bốn ngôn ngữ: Tiếng Ý: 3 nhóm; tiếng Anh: 3 nhóm; tiếng Pháp: 2 nhóm; tiếng Tây Ban Nha: 2 nhóm.
Trước đó, vào cuối giai đoạn một, các nghị phụ đã bầu chọn vị trưởng nhóm (moderatore) và thư ký (relator) cho mỗi nhóm.
Thành Thi
bài liên quan mới nhất
- Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ