Nhà thờ Đức Bà Paris có thể chỉ mở cửa trở lại vào năm 2025
TGPSG / Aleteia -- Năm 2024 hẳn phải là năm đánh dấu việc mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris, 5 năm sau khi bị hỏa hoạn. Nhưng việc mở cửa này có thể sẽ chỉ diễn ra vào năm 2025, vì sao?
Khi công trường trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris tiếp tục lại giữa mùa Hè (năm nay), mọi cặp mắt đều đã hướng đến năm 2024, năm đánh dấu việc mở lại Vương cung thánh đường. Mốc thời gian này, như một lời hứa được Tổng thống Pháp Macron đưa ra vào tối hôm hỏa hoạn, là "một mục tiêu căng thẳng, nghiêm túc và phức tạp", theo lời nói có phần tế nhị của Tướng Jean-Louis Georgelin, người chịu trách nhiệm công việc trùng tu Vương cung thánh đường, trong cuộc trao đổi với báo Le Figaro ngày 22-7-2022. Ông nói tiếp: "Chúng tôi sẽ chiến đấu để chiến thắng cuộc chiến này hầu có thể mở cửa cho sinh hoạt phụng tự vào năm 2024. Lúc đó, nhà thờ sẽ được quét dọn sạch đẹp hoàn toàn, đến mức khách viếng thăm có thể sẽ bị sốc khi đi vào."
Bị chậm trễ vì dịch Covid-19 và thiếu vật liệu chì (plomb), công trường trùng tu do đó phải kéo dài hơn dự kiến ban đầu. Trong cùng cuộc phỏng vấn trên, tướng Georgelin thừa nhận: "Trên công trường thì luôn có những phát sinh và khó khăn". Nhưng, "cho đến lúc này, chúng tôi vẫn có cách để thích nghi, tiến về phía trước và lắng nghe tín hiệu xem chừng nào nó chuyển sang màu cam (báo động)".
Ông còn nhấn mạnh thêm khi nói với hãng thông tấn AFP hôm thứ Năm 28-7: "Lúc này thì chẳng có gì, vâng, chẳng có gì cho phép nói rằng mốc thời gian 2024 sẽ không được tuân thủ".
Điều gì sẽ diễn ra vào năm 2024
Mục tiêu hướng đến là năm 2024, nhưng chính xác là để làm gì? Không hẳn là để mở cửa cho công chúng nhưng là để cử hành một Thánh lễ và một buổi Tạ Ơn. "Nói đến mốc điểm 2024, người ta nghĩ đến việc mở cửa cho việc phụng tự và thăm viếng. Điều đó không có nghĩa là mọi việc đã xong, mà chỉ có nghĩa là Đức Tổng Giám mục sẽ sử dụng lại Vương cung thánh đường để làm những việc đúng theo mục đích của ngôi thánh đường, tức là sinh hoạt phụng tự công giáo", tướng Jean-Louis Georgelin, phụ trách tiến độ công việc trùng tu, đã giải thích như thế nhân cuộc điều trần vào ngày 22-9-2021 trước Ủy ban văn hóa Thượng Viện Pháp.
Trong những tháng gần đây, mốc thời gian nhiều lần được dự tính là ngày 8-12 (2024), ngày Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. "Ý này quả là hay", Đức ông Patrich Chauvet, chánh sở Vương cung thánh đường, đã công nhận như thế với Aleteia hồi tháng Tư 2022. "Lý tưởng là sao cho ngày đó trùng với ngày mừng kính Đức Mẹ". Và ngày mừng kính Đức Mẹ thì có rải rác suốt năm! Đã có một tháng Năm theo truyền thống được dành riêng để kính Đức Mẹ Maria. Và, cụ thể hơn, ngày 19-5, là ngày Vương cung thánh đường Đức Bà Paris đã được cung híến cho Đức Mẹ vào năm 1182. Lại còn có cả ngày 16-6, kỷ niệm cung hiến bàn thờ (của VCTĐ) do Đức Giám mục Lustiger chủ trì. Và còn có ngày 8-9, sinh nhật Đức Mẹ; và ngày 7-10, kính Đức Mẹ Mân Côi.
Phần đế của tháp nhọn vương cung thánh đường sẽ được đặt vào trong quý một 2023
Trả lời báo Le Parisien, một người nắm vững hồ sơ, đang làm việc tại tòa thị chính Paris, đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết: "Xem ra không thể thiếu một Thánh lễ được cử hành vào năm 2024 tại nhà thờ Đức Bà Paris. Đó là nhiệm vụ đã được giao cho tướng Georgelin; ông ấy sẽ làm tất cả mọi sự để có thể đạt được mục tiêu này."
Người nắm nguồn tin trên còn giải thích thêm với tờ báo Le Parisien rằng: "Nhưng điều đó không có nghĩa là Vương cung thánh đường sẽ mở cho mọi người ngay ngày hôm sau. Biết tính ông tướng và tìm cách giải mã những tuyên bố gần nhất của ông ấy, người ta hiểu ngay là vấn đề sẽ không được giải quyết theo hướng đó. Nhiều khả năng là nhà thờ sẽ lại phải đóng cửa trở lại để công trình xây dựng có thể được hoàn thành một cách êm ả, chắc chắn là vào năm 2025.”
Cho đến tháng Tám 2021, giai đoạn trùng tu ban đầu bao gồm gia cố và bảo đảm an toàn cho tòa nhà đã tốn khoảng 150 triệu euro (khoảng 3.600 tỷ đồng VN). Giai đoạn 2, sắp bắt đầu vào cuối mùa Hè này gồm dựng lại khung sườn, ở đây là mái của Vương cung thánh đường, được trang trí với tháp nhọn và trùng tu vòm trần bị hư hại do những chi tiết của khung sườn rơi trúng.
Tờ nhật báo tiết lộ thêm: Song song với việc ấy, từ tháng Chín này, một giàn giáo nặng 600 tấn sẽ được đưa vào bên trong thánh đường để xây dựng lại tháp nhọn. Ban Bảo tồn và Trùng tu Vương cung thánh đường Đức Bà Paris cho biết cụ thể: "Nền của tháp nhọn - nghĩa là cái đế của nó - sẽ được đặt vào quý một năm 2023. Và người ta sẽ nhìn thấy tháp nhọn vươn lên trên bầu trời Paris vào giữa năm 2023."
Về phần tài chánh, tướng Georgelin hé lộ: "550 triệu euros sẽ được chi để hoàn tất việc làm sạch bên trong Nhà thờ chính tòa - kể cả cây đại phong cầm, để trùng tu phần gạch vữa và vòm trần bị cuộc hỏa hoạn làm hư hại, và để tái tạo lại khung sườn, mái nhà và tháp nhọn, cộng với việc thay mới trang thiết bị kỹ thuật."
bài liên quan mới nhất
- Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ
-
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô