Ngày thứ sáu cuộc hành hương Thánh địa: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm trại tị nạn Aida ở Bethlehem

Ngày thứ sáu cuộc hành hương Thánh địa: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm trại tị nạn Aida ở Bethlehem

Ngày thứ sáu cuộc hành hương Thánh địa: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm trại tị nạn Aida ở Bethlehem 

WHĐ (14.05.2009) – Ngày thứ sáu (13-05-2009) của “Người hành hương hòa bình” bắt đầu với thánh lễ tại Quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem. Trong nghi thức tiếp đón trước đó tại Dinh Tổng thống, Đức Thánh Cha đã khẳng định với Tổng thống Palestin, ông Mahmoud Abbas về lập trường của Tòa Thánh là ủng hộ một nước Palestin độc lập, có chủ quyền. Đức Thánh Cha nói: “Tòa Thánh ủng hộ quyền của dân tộc của ngài có một quê hương Palestin có chủ quyền trên mảnh đất của tổ tiên của mình, vững chắc và trong hòa bình với những nước láng giềng của mình, ở bên trong biên giới được quốc tế nhìn nhận”. Nhưng mục tiêu đó chắc hẳn còn lâu mới đạt được nên ĐTC khuyên nhủ dân tộc Palestin luôn giữ vững niềm hi vọng về một giải pháp khả dĩ đáp ứng nguyện vọng hợp pháp của cả người Israel và Palestin. Ngài dẫn lời của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Sứ điệp ngày Thế giới Hòa bình năm 2002: “Không có công lí thì không có hòa bình, không có tha thứ thì không có công lí”. Vì thế, ĐTC Bênêđictô kêu gọi người Palestin, nhất là người trẻ can đảm chống lại những cám dỗ của bạo lực và khủng bố.

Trong thánh lễ cử hành tại Quảng trường Máng cỏ, ngay trước Vương cung Thánh đường Chúa Giáng sinh ở Bethlehem, ĐTC đã bắt đầu bài giảng với lời chào mừng “những người hành hương đến từ dải Gaza bị chiến tranh xâu xé”. Với tư cách người kế vị thánh Phêrô, ĐTC khích lệ các Kitô hữu Palestin ở lại và đừng sợ: “Anh chị em hãy dựa vào lời cầu nguyện và tình liên đới của anh chị em trong Giáo Hội hoàn vũ, hãy dùng những sáng kiến cụ thể để củng cố sự hiện diện của anh chị em tại đây và đem lại những cơ hội mới cho những ai bị cám dỗ ra đi” ĐTC nói tiếp: “Trên hết, hãy trở nên chứng nhân của sức mạnh sự sống, sự sống mới của Chúa Kitô phục sinh, sự sống có khả năng thắp sáng và biến đổi những cảnh đời đen tối và thất vọng nhất. Quê hương của anh chị em không chỉ cần đến những cấu trúc kinh tế chính trị mới, nhưng quan trọng hơn, cần một “cấu trúc nền tảng thiêng liêng” có khả năng huy động năng lực của mọi người thiện chí để phục vụ cho giáo dục, cho phát triển và thăng tiến thiện ích chung. Anh chị em có những tài nguyên con người để xây dựng nền văn hóa này, nền văn hóa của hòa bình và tôn trọng lẫn nhau để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu của anh chị em”. 

Buổi chiều, ĐTC viếng Hang đá Giáng sinh ở Bethlehem, sau đó đến thăm Bệnh viện nhi đồng Caritas ở Bethlehem và trại tị nạn Aida ở Bethlehem. 

Tại Bệnh viện nhi đồng Caritas ở Bethlehem, bệnh viện nhi duy nhất thuộc vùng lãnh thổ Palestin - được xây dựng từ năm 1952 - phục vụ các trẻ em và bà mẹ không phận biệt tôn giáo, ĐTC đã ca ngợi công tác phục vụ vô cùng quý báu mà Ban giám đốc, các bác sĩ, y tá và nhân viên của bệnh viện dành cho các trẻ em Bethlehem và toàn đất Palestin trong hơn 50 năm qua. Nhờ nỗ lực của Chương trình cứu trợ Trẻ em Bethlehem, Bệnh viện vẫn là một ốc đảo an bình và yêu thương đối với các người dễ bị tổn thương nhất là các trẻ em, và là một ngọn đèn hy vọng cho thấy tình thương thắng vượt thù hận và hòa bình thắng vượt bạo lực. Với các bệnh nhi, ĐTC nhắn nhủ: “Cha chỉ nói đơn giản: “Giáo hoàng ở bên cạnh chúng con”. Hôm nay đích thân cha ở đây, nhưng cha sẽ đồng hành với mỗi người trong chúng con cách thiêng liêng mỗi ngày trong tư tưởng và trong kinh nguyện, cầu xin Đấng Tối Cao luôn âu yếm chăm sóc chúng con.”

Tại trại tị nạn Aida bên cạnh hàng rào phân cách do Israel dựng lên, ĐTC đã phát biểu trong sân của một trường học bị án ngữ bởi một bức tường bêtông cao 8 mét lấn sâu vào vùng đất Palestin để làm hàng rào phân cách. Ủy ban tiếp đón đã sắp đặt việc đón tiếp ĐTC trong trại tị nạn tại nơi gần bức tường nhất có thể được để gây sự chú ý đối với thế giới. 

Chia sẻ đau khổ của người tị nạn Palestin, ĐTC nói: “Tôi biết rằng nhiều gia đình của anh chị em đã bị ly tán, vì bị cầm tù hay bị giới hạn tự do đi lại. Tôi cũng biết rằng nhiều người trong anh chị em phải chịu cảnh tang chế vì sự thù địch. Trái tim tôi hướng về tất cả những ai đau khổ như thế. Xin anh chị em tin chắc rằng tất cả những người tị nạn Palestin trên khắp thế giới, nhất là những ai phải mất nhà cửa và người thân yêu trong cuộc xung đột vừa qua ở Gaza, luôn ở trong kinh nguyện của tôi”. 

ĐTC xác nhận rằng sự trợ giúp nhân đạo là rất cần thiết, nhưng giải pháp lâu dài để giái quyết xung đột như hiện nay chỉ có thể là giải pháp chính trị. Không bên nào, Palestin hay Israel, có thể tự đạt được giải pháp đó, mà cần có cộng đồng quốc tế hỗ trợ. ĐTC kêu gọi các phe liên hệ: “Hãy dùng ảnh hưởng của mình để đạt tới một giải pháp chính đáng và vững bền, tôn trọng những đòi hỏi hợp pháp của mọi phía và thừa nhận quyền được sống trong hòa bình và đúng phẩm giá của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Kim chỉ nam chính là những lời tuyệt vời được gán cho thánh Phanxicô mà ĐTC lặp lại: “Nơi đâu có hận thù con sẽ đem đến yêu thương, nơi đâu có lăng nhục con sẽ mang lại thứ tha, nơi đâu có tối tăm con sẽ chiếu giọi ánh sáng, nơi đâu có buồn đau, con sẽ đem đến niềm vui”. 

Tiếp theo ĐTC đã gặp hai cặp cha mẹ của các tù nhân, một kitô hữu và một hồi giáo. Ngài cũng nói chuyện với cha mẹ của binh sĩ Gilad Shalit, bị quân Hamas bắt giữ từ năm 2006. Trại tị nạn Aida hiện có khoảng 4.600 người tị nạn, từ 43 ngôi làng bị lực lượng Israel triệt hạ từ khi thành lập quốc gia Do thái năm 1948. 

Rời trại tị nạn Aida Đức Thánh Cha đã trở về Bethlehem, đến thăm xã giao tổng thống Mahmoud Abbas và kết thúc ngày thứ sáu của chuyến hành hương Thánh Địa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top