Ngày thứ nhất chuyến tông du Mexico của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
WHĐ / Tin tổng hợp (25.03.2012) – Họp báo trên chuyến bay tới Mexico. Trên chuyến bay từ Italia tới Mexico kéo dài 14 tiếng, ĐTC Bênêđictô XVI đã nhân dịp này trình bày với giới báo chí niềm tin, niềm hy vọng của ngài trong chuyến viếng thăm Mexico và Cuba, và qua hai quốc gia này, về châu Mỹ La tinh nói chung. Ngài đã đề cập đến các vấn đề bạo lực, nạn buôn bán ma túy, cuộc khủng hoảng và hố ngăn cách giàu nghèo, các vấn đề xã hội, quyền con người, vai trò của Giáo hội tại lục địa và việc Tân Phúc âm hóa.
“Đối với tôi, ĐTC nói, chuyến đi này quả là một niềm vui lớn vì tôi đã mong ước điều này từ lâu. Tôi chia sẻ vui mừng và hy vọng và cả những sầu khổ và những khó khăn của một dân tộc lớn là Mexico”. Về vai trò và trách nhiệm của Giáo hội công giáo tại Mexico, một đất nước đang phải đương đầu với nạn buôn bán ma túy và bạo lực, ĐTC khẳng định: “Giáo hội, dĩ nhiên, có trách nhiệm chống lại cái ác này, vốn hủy hoại loài người và đặc biệt giới trẻ”. Theo ĐTC, vai trò của Giáo hội “trước tiên là phải loan báo Thiên Chúa: một Thiên Chúa phán xét, yêu thương và thúc đẩy chúng ta tới điều lành, sự thật và xa lánh sự dữ. Trách nhiệm lớn của Giáo Hội là giáo dục lương tâm, vạch mặt cái ác, lên án sự tôn thờ tiền bạc làm con người trở thành nô lệ, chỉ cho thấy những hứa hẹn dối trá. Chúng ta phải thấy rằng nhân loại cần đến Đấng Vô biên”.
Về chuyến viếng thăm Cuba, ĐTC tin tưởng: “Với chuyến viếng thăm này, một con đường hợp tác và đối thoại đã khởi sự -một con đường dài đòi hỏi sự nhẫn nại, nhưng đang tiến tới phía trước”. Về vai trò của Giáo hội tại châu Mỹ Latinh đang cử hành hai trăm năm độc lập, ĐTC khẳng định: “Dĩ nhiên, Giáo hội phải luôn tự hỏi mình đã làm đầy đủ trách nhiệm đối với sự công bằng xã hội trên lục địa to lớn này hay chưa?”. Nhưng ngài cũng nói: “Giáo hội không phải là một quyền lực chính trị, không phải là một đảng phái mà là một thực tại tinh thần, một sức mạnh tinh thần”.
Đức Thánh Cha tới Mexico
ĐTC tới sân bay León của tiểu bang Guanajuato, nằm tại trung tâm Mexico, vào cuối buổi chiều ngày 23-03. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân trên đất Guanajuato, đã từng là nơi chào đời của phong trào giành độc lập khỏi tay người Tây Ban Nha dưới sự khởi xướng của linh mục Miguel Hidalgo với lá cờ Đức Trinh Nữ Guadalupe trong tay, vào năm 1810. Đây cũng là cái nôi của cuộc đấu tranh của người công giáo cho sự tự do tôn giáo trong giai đoạn từ 1926-1929. Vị tiền nhiệm của ngài, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, tuy đã năm lần viếng thăm Mexico, nhưng chưa lần nào tới đây, mặc dù ngài rất muốn. Bởi vậy, trong bài diễn văn đáp lại lời chào mừng của Tổng thống Mexico, Đức Bênêđictô XVI đã nhắc tới mong ước này của Đức Gioan Phaolô II và cho mình là người diễm phúc được thực hiện mong ước này của vị tiền nhiệm.
Tổng thống Mexico, Felipe Calderon, và phu nhân, chính quyền, đông đảo hồng y và giám mục, cùng với một nhóm trẻ em và một quần chúng đông đảo đại diện cho một đất nước có 108 triệu dân với 92% là người công giáo có mặt tại sân bay để đón tiếp ĐTC.
Diễn văn chào mừng của Tổng thống Mexico
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Tổng thống bày tỏ lòng biết ơn và vui mừng được ĐTC đáp lại lời mời tới viếng thăm Mexico nhân chuyến viếng thăm chính thức Vatican của Tổng thống năm 2007. Tổng thống nói: “Chúng tôi xin mở rộng tay đón tiếp ngài” và “xin bày tỏ tấm lòng quý mến của hàng triệu người dân Mexico đối với Đức Thánh Cha”.
Tổng thống cũng nói đến những “vấn đề”, những thách thức của “bạo lực” và của “tội ác có tổ chức”, những thiên tai, những động đất và lụt lội, theo Tổng thống, “một phần là do bàn tay con người gây nên khi phá hoại thiên nhiên và môi trường”, những ngày tháng “khó khăn” Mexico đang phải trải qua, “những khổ đau” và cả những “nỗ lực to lớn” của người dân Mexico để “nuôi dưỡng”, “giáo dục” con cháu của mình.
Đồng thời, bên cạnh những khó khăn, Tổng thống cũng nhấn mạnh đến tinh thần quả cảm của nhân dân Mexico vẫn “đứng vững”, bởi vì đây là một dân tộc “mạnh mẽ”, “bền vững trong hy vọng” khi phải đương đầu với những khó khăn này. Dân tộc ấy “tin tưởng ở gia đình, ở tự do, công bằng, ở nền dân chủ, ở tình yêu thương đối với người khác” và đó là “những giá trị mạnh” bảo đảm cho “niềm vui” của người dân Mexico trong thử thách nhưng luôn tha thiết với “công bằng”, “hòa bình”, với “công ích”: “Chúng tôi lao động để đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu, để đem lại cho gia đình những điều kiện bình ổn để phát triển toàn diện”.
Cuối cùng, Tổng thống hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ soi sáng người dân Mexico nhờ ở “tư tưởng vững chắc của ngài”, ở những “ý nghĩ kiên quyết”, nhờ “những giá trị và niềm tin” của ngài, và ngài sẽ đem lại những “lời ủi an và gợi hứng để đổi mới sự cậy trông của hàng triệu người dân Mexico”.
Đáp từ của ĐTC Bênêđictô XVI
Đáp lại lời chào mừng của Tổng thống Felipe Calderon, ĐTC Bênêđictô XVI trình bày ý nghĩa của chuyến viếng thăm này của ngài:
“Tôi đến như khách hành hương của lòng tin, lòng cậy trông và của lòng mến. Tôi ao ước có thể củng cố lòng tin của những kẻ tin ở Đức Kitô, bằng cách mời gọi họ tăng thêm sức sống cho niềm tin ấy qua việc lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và sống gắn bó. Như vậy, họ sẽ có thể chia sẻ niềm tin ấy cho người khác, với tư cách là những thừa sai giữa những người anh em của mình, và là men trong xã hội bằng việc góp phần vào cuộc sống chung trong sự tôn trọng và hòa bình đặt nền tảng trên phẩm giá vô song của mọi con người, được Thiên Chúa tạo dựng, và không một quyền lực nào có quyền quên hay phủ nhận. Phẩm giá này được biểu lộ một cách cao cả nơi quyền căn bản là được hưởng sự tự do tôn giáo, hiểu theo nghĩa đích thực và trọn vẹn của nó.
“Với tư cách khách hành hương của lòng trông cậy, tôi xin mượn lời của thánh Phaolô để thưa với quý vị: “Anh em đừng buồn phiền như những người khác là những kẻ không có niềm hy vọng” (1Tx 4, 13). Lòng tin tưởng ở Thiên Chúa đem lại sự chắc chắn sẽ được gặp Ngài, nhận được ân sủng của Ngài, nền tảng của sự cậy trông của kẻ có lòng tin. Với lòng trông cậy, người tín hữu cố gắng biến đổi những cơ cấu và những biến cố khó chịu hiện nay, vốn có vẻ như bất di bất dịch và không thể vượt qua, bằng cách giúp đỡ những ai không tìm thấy ý nghĩa cũng như tương lai trong đời sống. Vâng, lòng tin cậy thay đổi cuộc sống cụ thể của mỗi con người một cách đích thực (xem Spe salvi, 2). Lòng trông cậy chỉ ra “một trời mới và một đất mới” (Cv 21, 1), khiến người ta có thể ngay từ bây giờ, sờ nắm được một số ánh phản chiếu. Ngoài ra, một khi cắm rễ sâu trong một dân tộc, một khi được chia sẻ, lòng trông cậy ấy sẽ lan tỏa như ánh sáng đẩy lui bóng đen làm mù tối và gây tổn thương. Đất nước này, lục địa này được mời gọi để sống lòng trông cậy nơi Thiên Chúa như một xác tín sâu đậm, bằng cách biến nó thành một thái độ của con tim và bằng một sự cam kết cụ thể cùng nhau đi tới một thế giới tốt đẹp hơn. Như tôi đã nói ở Roma: “Đừng mệt mỏi, hãy cứ tiếp tục xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên sự phát triển điều thiện, trên sự toàn thắng của tình yêu và trên sự lan tỏa của công lý” (Bài giảng Lễ Đức Bà Guadalupe, Roma, 2/12/2011).
Với lòng tin và lòng trông cậy, người tín hữu tin ở Đức Kitô và toàn thể Hội Thánh, sống và thực hành đức bác ái như một yếu tố thiết yếu của sứ vụ của mình. Theo nghĩa tiên khởi, bác ái trên hết “là việc đáp ứng nhu cầu tức thì trong một hoàn cảnh nhất định” (Deus caritas est, 31a) như, cứu tế kẻ đói, kẻ không nhà, kẻ ốm đau hay thiếu thốn cách nào đó trong cuộc sống của họ. Không ai bị loại khỏi sứ vụ này của Hội Thánh vì gốc gác hay vì niềm tin của họ. Hội Thánh vốn không cạnh tranh với các sáng kiến khác, của cá nhân hay xã hội. Hơn thế nữa, Hội Thánh vui mừng hợp tác với những ai theo đuổi các mục tiêu này. Hội Thánh không nhắm điều gì khác hơn là làm điều lành, một cách vô vị lợi và với lòng tôn trọng, cho những ai đang túng thiếu, những người thiếu một bằng chứng của tình yêu thương chân thật”.
Kết luận bài đáp từ, ĐTC nói:
“Kính thưa ngài Tổng thống, kính thưa quý vị, vào những ngày này, tôi sẽ không ngừng cầu xin Chúa và Đức Bà Guadalupe cho dân tộc này tỏ ra xứng đáng với đức tin đã lãnh nhận và các truyền thống tốt đẹp nhất của mình...”
“Tôi biết là mình đang ở trong một đất nước hãnh diện về lòng hiếu khách và ước ao không một ai cảm thấy xa lạ trên đất nước của mình. Tôi biết cũng như đã biết điều này, nhưng giờ đây, tôi được chứng kiến và cảm nhận một cách sâu sắc điều này trong tâm can của mình. Với tất cả tấm lòng, tôi cũng ước mong những người Mexico đang sống ngoài tổ quốc của họ nhưng vẫn không bao giờ quên và luôn ước mong tổ quốc của mình lớn mạnh trong sự hòa hợp và trong sự phát triển toàn diện đích thực, cũng cảm nhận được điều này. Xin cảm ơn rất nhiều.”
ĐTC và Tổng thống đã trao đổi riêng tư với nhau trong ít phút, kế đó ngài lên xe để tới trường Miraflores của thành phố León, cách sân bay khoảng 34 km. Ngài sẽ dùng bữa tối và nghỉ đêm tại Miraflores.
(WHĐ tổng hợp)
bài liên quan mới nhất
- Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên cuộc họp được tổ chức bởi Tòa Thượng thẩm Rota ở Rôma năm 2024
-
Đức Thánh Cha sẽ thăm đảo Corsica của Pháp vào ngày 15/12/2024 -
Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em -
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô