Ngày thứ ba trong chuyến tông du Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô
Ngày thứ ba trong chuyến tông du Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô: Sứ điệp Đối thoại liên tôn, Sống tình huynh đệ và Hân hoan phục vụ Hội Thánh
WHĐ (27.05.2014) – Ngày 26-05, chuyến tông du Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô bước sang ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng.
Chương trình làm việc của Đức Thánh Cha trong ngày thứ ba tông du Thánh Địa hoàn toàn diễn ra trên lãnh thổ quốc gia Israel, gồm:
(1) Thăm vị Đại giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem, (2) Viếng Bức tường Phía Tây tại Giêrusalem, (3) Đặt vòng hoa tưởng niệm tại Núi Herzl (tiếng Do Thái là Har Hazikaron, Núi Tưởng niệm), (4) Viếng Yad Vashem, Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị thảm sát trong Đệ II Thế chiến, (5) Thăm chính thức hai vị Giáo trưởng Do Thái giáo tại Trung tâm Heichal Shlomo ở Giêrusalem, (6) Thăm chính thức Tổng thống Nhà nước Israel tại Dinh Tổng thống ở Giêrusalem, (7) Hội kiến riêng với Thủ tướng Israel tại Trung tâm Notre Dame ở Giêrusalem, (8) Ăn trưa với phái đoàn cùng đi tại Trung tâm Notre Dame, (9) Thăm và hội kiến riêng với Thượng phụ Giáo chủ Constantinopolis tại nhà thờ Chính thống giáo Viri Galileai ở Núi Cây Dầu, (10) Gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane dưới chân Núi Cây Dầu, (11) Đồng tế với hàng Giáo phẩm và phái đoàn cùng đi tại Phòng Tiệc ly ở Giêrusalem, (12) Kết thúc chuyến tông du: Chào từ biệt tại phi trường quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv. Máy bay cất cánh lúc 20g15 (giờ địa phương) tại Tel Aviv và về đến Roma lúc 23g00 (giờ Roma).
Thăm vị Đại Giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem: “Chúng ta cùng đương đầu với những thách đố chung”
Sáng thứ Hai 26-05, mở đầu chương trình làm việc ngày thứ ba chuyến tông du thánh Địa, lúc 8g15 (giờ địa phương), Đức Thánh Cha đã đến thăm vị Đại giáo trưởng Hồi giáo tại Giêrusalem, Ngài Muhammed Hussein.
Trong diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn Ngài Đại giáo trưởng, Hội đồng tối cao và cộng đồng Hồi giáo đã cho ngài cơ hội được đến thăm một nơi thánh và nêu rõ mục đích chuyến tông du của ngài:
“Tôi rất ước ao được làm người hành hương viếng những nơi đã từng chứng kiến sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô nơi trần gian. Nhưng cuộc hành hương của tôi sẽ không hoàn tất nếu không được gặp gỡ những con người và các cộng đồng sống tại Đất này. Vì thế tôi đặc biệt vui mừng được đến với quý vị, những anh em tín hữu Hồi giáo thân mến”.
Đức Thánh Cha nói đến tổ phụ Abraham, vị tổ phụ đức Tin của các Kitô hữu và của anh em Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh tấm gương hành hương của đấng tổ phụ vẫn soi chiếu hành trình trần thế của các tín hữu Kitô và Hồi giáo:
“Trong cuộc hành hương nơi trần thế, chúng ta không đơn độc. Chúng ta vượt qua những nẻo đường cùng với tín đồ thuộc niềm tin khác; lúc này chúng ta cùng đi với họ một chặng đường, còn lúc khác, ta lại cùng họ nghỉ ngơi giây lát, lấy lại sức. Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là như thế. Vì vậy tôi đặc biệt biết ơn quý vị đã lấy lòng hiếu khách mà làm cho giây phút này, trong cuộc hành hương của cuộc đời chúng ta, của cộng đoàn chúng ta, thành một thời gian đón tiếp, nghỉ ngơi. Chúng ta đang sống cuộc đối thoại, trao đổi trong tinh thần huynh đệ, giúp chúng ta được phục hồi và mang lại cho chúng ta một sức mạnh mới để đương đầu với những thách đố chung đang đặt ra trước chúng ta”.
Kết thúc đáp từ, Đức Thánh Cha bày tỏ nguyện ước:
“Anh em thân mến, các bạn thân mến, từ nơi thánh này, tôi chân thành cầu mong cho mọi người và mọi cộng đồng đang đến với tổ phụ Abraham: Mong sao chúng ta biết tôn trọng và yêu thương nhau như anh em, chị em! Mong sao chúng ta học biết nhận ra những nỗi đau khổ của mọi người! Mong sao không có ai lạm dụng Danh Thiên Chúa qua việc sử dụng bạo lực! Mong sao chúng ta cùng nhau phục vụ công lý và hòa bình!”.
Viếng Yad Vashem, Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị thảm sát trong Đệ II Thế chiến: “Đừng bao giờ xảy ra nữa”
Sau khi viếng Bức tường Phía Tây và đặt Vòng hoa tưởng niệm tại Núi Herzl, đúng 10g00 sáng ngày 26-05, Đức Thánh Cha đã đến Yad Vashem, Đài Tưởng niệm sáu triệu người Do Thái bị phát xít Đức giết hại trong cuộc Đại thảm sát (Holocaust) hồi Đệ II thế chiến. Tại đây, Tổng thống, Thủ tướng và vị Giáo trưởng chủ tịch Hội đồng Yad Vashem nghênh đón Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha đã đặt vòng hoa tưởng niệm và đọc một đoạn Cựu ước. Ngài chia sẻ với mọi người hiện diện:
“Tại Đài tưởng niệm này, chúng ta nghe vọng lại lời Chúa hỏi: ‘Ađam, ngươi đang ở đâu?’. Câu hỏi mang trọn nỗi niềm của một người Cha mất con. Người Cha thấu hiểu mối nguy của việc sử dụng tự do; Ngài biết con cái mình có thể bị hư mất, nhưng có lẽ Ngài không thể hình dung sự hư hỏng lại lớn đến vậy, vực thẳm lại sâu đến vậy! Tại đây, trước cuộc Đại thảm sát vô cùng bi thảm, câu hỏi ‘Ngươi đang ở đâu?’ vọng lên như một tiếng nói yếu ớt từ đáy vực thẳm hun hút”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu bằng lời nguyện:
“Xin Chúa lấy lòng thương xót nhớ đến chúng con. Xin ban cho chúng con ơn biết xấu hổ những gì loài người chúng con đã làm, xấu hổ vì đã tôn thờ chính mình, đã khinh thường và hủy hoại thân xác đã được Chúa dựng nên từ đất và dùng hơi thở của chính Chúa mà ban cho sự sống. Xin đừng bao giờ để điều này xảy ra nữa, lạy Chúa, đừng bao giờ nữa!”.
Thăm chính thức hai vị Giáo trưởng Do Thái giáo tại Trung tâm Heichal Shlomo ở Giêrusalem: “Chúng ta cùng nhau làm chứng cho chương trình tạo dựng của Chúa”
Lúc 10g45, Đức Thánh Cha đã đến Trung tâm Heichal Shlomo, cạnh Đại Hội đường Do Thái giáo ở Giêrusalem, thăm hai vị Giáo trưởng Do Thái Yitzhak Yosef và David Lau.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự trân trọng của ngài trước thành quả của cuộc đối thoại Công giáo–Do Thái giáo từ Công đồng Vatican II đến nay, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai tôn giáo có cùng một nguồn gốc sẽ còn thắt chặt hơn nữa qua những hành động thiết thực:
“Việc cùng nhau hiểu biết về di sản tinh thần của chúng ta, đề cao những điểm tương đồng, tôn trọng những gì chưa đồng thuận, sẽ giúp đưa chúng ta tiến đến mối quan hệ gần gũi hơn, chính là ước nguyện chúng ta ký thác nơi Chúa. Cùng nhau, chúng ta sẽ có thể đóng góp lớn cho sự nghiệp hòa bình. Cùng nhau, chúng ta có thể làm chứng, giữa một thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, về tầm quan trọng bất diệt của chương trình tạo dựng của Chúa. Cùng nhau, chúng ta chắc chắn chống lại được mọi hình thức của chủ nghĩa bài Do Thái và các loại phân biệt đối xử. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta được tin tưởng vững bước theo đường lối của Ngài!”.
Hội kiến Tổng thống Israel: “Cần kiên quyết khước từ những gì không vun đắp hòa bình”
Sau cuộc viếng thăm hai vị Giáo trưởng Do Thái, Đức Thánh Cha đến Dinh Tổng thống Israel chào thăm Tổng thống Shimon Peres.
Đức Thánh Cha đã gọi Tổng thống Shimon Peres là “người của hòa bình” và là “người kiến tạo hòa bình”. Chính vì vậy, ngài chia sẻ với Tổng thống Shimon Peres tự do tôn giáo là yếu tố căn bản xây dựng nền hòa bình tại Israel nói riêng và tại Trung Đông nói chung:
“Cần phải kiên quyết khước từ tất cả những gì đi ngược lại việc xây đắp hòa bình và những mối quan hệ đáng được tôn trọng giữa các tín đồ Do Thái, Kitô và Hồi giáo. Ví dụ, việc dựa vào bạo lực và khủng bố, mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, những nỗ lực nhằm áp đặt quan điểm riêng bất chấp quyền lợi của người khác, mọi biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái, những biểu hiện chống lại cá nhân hoặc những nơi thờ phượng của người Do Thái, Kitô giáo hay Hồi giáo”.
Gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane: “Các con được Chúa mời gọi hãy hân hoan bước theo Ngài trên miền đất thánh này”
Vào lúc 16g00, sau cuộc hội kiến riêng với Đức Thượng phụ Chính thống giáo, Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane, dưới chân Núi Cây Dầu.
Đây là hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du ba ngày tại Thánh Địa. Ngài muốn dành thời gian cuối của chuyến tông du để gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, những người âm thầm và kiên nhẫn phục vụ Giáo hội tại một nơi rất khó khăn. Đức Thánh Cha khích lệ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh:
“Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đừng để nỗi sợ hãi hay sự chán nản lấn lướt chúng ta nhưng hãy để cho lòng can đảm và tin tưởng thúc đẩy chúng ta tiến bước trên hành trình cuộc sống và sứ vụ”.
Đức Thánh Cha trân trọng sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ tại Thánh Địa, giúp Giáo hội thực thi sứ mạng của mình:
“Các con được Chúa mời gọi hãy hân hoan bước theo Ngài trên miền đất thánh này. Đó là một ơn Chúa ban và cũng là trách nhiệm các con gánh vác. Sự hiện diện nơi mảnh đất này của các con là hết sức cần thiết. Toàn thể Hội Thánh biết ơn các con và nâng đỡ các con bằng lời cầu nguyện”.
* * *
Sau cuộc gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ tại nhà thờ Gethsemane, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ đồng tế với hàng Giáo phẩm và phái đoàn cùng đi tại Phòng Tiệc ly ở Giêrusalem.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dùng hình ảnh Phòng Tiệc Ly để nói đến nhiều điều: về sự phục vụ, hy sinh, về tình bạn, về lời từ biệt của Chúa Giêsu, về thói nhỏ nhen, tọc mạch và sự phản bội, về sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hoà hợp và bình an; và về sự ra đời của một gia đình mới là Giáo hội. Từ Phòng Tiệc Ly Giáo hội đã ra đi, nhờ được hơi thở ban sự sống của Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Quy tụ bên Mẹ Chúa Giêsu để cầu nguyện, Giáo hội luôn sống trong niềm trông đợi lại được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng lời nguyện xin: “Lạy Chúa, xin gửi Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt trái đất” .
Đúng 19g30 (giờ Giêrusalem), Đức Thánh Cha đáp trực thăng từ Núi Scopus bay đến phi trường quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv.
20g00, Chính phủ Israel thay mặt nhân dân cử hành nghi thức chào từ biệt Đức Thánh Cha.
20g15, máy bay chở Đức Thánh Cha cất cánh, rời Tel Aviv, trở về Roma, kết thúc chuyến tông du ba ngày tại Thánh Địa.
Một chuyến tông du đầy ắp chương trình làm việc và đầy ắp niềm hy vọng vào những thành quả của công cuộc xây dựng hòa bình cho Trung Đông và thế giới, tôn trọng tự do tôn giáo, hiệp nhất các Kitô hữu và đối thoại chân thành với các tôn giáo.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô