Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức
Ngày 11 tháng 2
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Buổi sáng ngày 11 tháng 02 năm 1858 tại Lộ Đức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam Nước Pháp, trời lạnh như cắt, cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ tiếng thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.
Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì từ trong hang một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ mỉm cười.
Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh kính mừng bằng ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh mắt chan hoà yêu thương, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ đưa tay làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn..
Ba ngày sau đó, sau khi đã có tiếng xì xầm về tiếng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bức được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em cô. Lần này khi người thiếu nữ áo trắng xuất hiện, cô đã mạnh dạn hô lớn: “nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Đây là lần thứ hai người thiếu nữ áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào 18.02 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette diễm phúc được Đức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ của Bà“Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội”.
Từ nơi cô cầu nguyện mỗi khi Đức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.
Đó là nguồn gốc hang Đức Mẹ lộ đức. ngày nay, từng giờ, từng phút khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Đến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nén và quỳ gối cầu nguyện.
Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều có những hang lộ đức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhở biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng mẫu tâm.
II. SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN.
Nhân việc cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXIX vào ngày 11/02/2021, lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức,Đức Thánh Cha Phanxicô có gửi một sứ điệp rất dài và cũng rất hay nhưng ở đây trong giới hạn của một bài suy niệm, tôi chỉ xin trích một ít đoạn quan trọng.
1. Trước Ngài cho biết sở dĩ có sứ điệp hôm nay là để nói lên sự quan tâm đặc biệt của Giáo Hội đến những bệnh nhân và những người trợ giúp cũng như chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như trong các gia đình và cộng đoàn nhất là những người đang đau khổ và tiếp tục đau khổ, bởi ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu virus corona, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội.
2. Tiếp đến Đức Thánh Cha lên án lối sống đạo giả hình. Người nói: "Khi đức tin của chúng ta chỉ là những lời nói suông trống rỗng, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu của người khác, thì nó sẽ không có sự nhất quán giữa kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng và đời sống của chúng ta.
Trước nhu cầu của các anh chị em, Chúa yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe, kiến tạo mối tương quan trực tiếp và cá nhân với người khác, cảm thông và động lòng trắc ẩn, và để cho những đau khổ của họ trở thành đau khổ của chính chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (x. Lc 10,30-35).
3. Kế tiếp Ngài cho biết: "Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những người bệnh, nhưng cũng có khuôn mặt của những người cảm thấy bị phớt lờ, bị loại trừ và làm mồi cho những bất công xã hội đã từ chối các quyền cơ bản của họ (x. Fratelli Tutti, 22). Đầu tư nguồn lực vào việc chăm sóc và trợ giúp người bệnh là một ưu tiên được liên kết với nguyên tắc cơ bản là sức khỏe là công ích hàng đầu.
4. Tình liên đới và tương quan huynh đệ
Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cách cụ thể trong phục vụ và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội và trong người dân của chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20/9/2015). Phục vụ là luôn nhìn vào khuôn mặt của người anh em, đụng chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí trong một số trường hợp, ‘chịu đựng đau khổ của họ’, và tìm cách thăng tiến họ. Phục vụ không bao giờ là ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng nhưng phục vụ con người.”(sđd).
5. Để một cách thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có khía cạnh tương quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Việc nhấn mạnh khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên viên và tình nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân trên con đường chữa bệnh dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (x. Điều lệ mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe [2016], 4). Điều này tạo ra một hiệp ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó, một hiệp ước dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp khắc phục thái độ phòng thủ, giúp tôn trọng nhân phẩm của người bệnh, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình người bệnh.
6. Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận: "Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su để lại cho các môn đệ của Người cũng được thực thi cụ thể trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.
Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại trợ giúp các anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ của lòng Thương xót và Sức khỏe của bệnh nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho tha nhân với tình yêu huynh đệ. Tôi chân thành ban phép lành cho từng người và tất cả anh chị em.
Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, 20/12/2020,
Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
TÌNH YÊU VÀ ƠN CHỮA LÀNH CỦA ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
1. Ngày 11/2 – Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân và kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức
Ngày 11/2 hàng năm, Giáo Hội Công Giáo cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân – một dịp đặc biệt để cầu nguyện và nâng đỡ những người đau khổ về thể xác lẫn tinh thần.
Cũng vào ngày này, Giáo Hội kỷ niệm sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra với thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức (Pháp) vào năm 1858, mở ra một hành trình thiêng liêng của đức tin, hy vọng và những phép lạ chữa lành.
Năm 1992, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn ngày này làm Ngày Thế giới Bệnh nhân.
Biến cố Lộ Đức dạy chúng ta rằng không một ai đang chịu bệnh tật lại có thể bị gạt ra ngoài lề, nhưng phải được hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống như bất kỳ ai khác.
2. Tâm tình của những bệnh nhân được chữa lành
Từ ngày Đức Mẹ hiện ra, Lộ Đức trở thành nơi hành hương thiêng liêng của hàng triệu người trên thế giới. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mang trong mình những căn bệnh trầm trọng đã được chữa lành một cách kỳ diệu.
- Thầy Rosemberg Augusto Franco, một chủng sinh bị bệnh nặng. Được Xức Dầu Bệnh Nhân vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, thầy Franco được chữa lành.
Từ tháng 01/2017, thầy bị liệt một bên khuôn mặt không thể cử động và biểu lộ cảm xúc. Ngày 11 /2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, mặc dù đã trải qua hai năm trong chủng viện, thầy Rosemberg thừa nhận rằng thầy không có nhiều hiểu biết về ý nghĩa bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
Nhưng được sự khuyến khích của mẹ, thầy đã đến giáo xứ tham dự Thánh lễ ngày 2/1, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, trong thánh lễ có nghi thức xức dầu cho những người đau yếu, không cần họ phải lâm nguy.
Điều kỳ diệu đã xảy ra. "Một tuần sau, tôi đã phục hồi khả năng vận động của khuôn mặt", thầy nói sau khi cho biết trước đó thầy đã thực hiện các liệu pháp điều trị và uống các loại thuốc nhưng không mấy hiệu quả. Được chữa khỏi, thầy đã hứa với Đức Mẹ sẽ hành hương đến Lộ Đức để tạ ơn Mẹ. Như thế, vào năm 2020 thầy đã đến Đền thánh Lộ Đức để tạ ơn Đức Mẹ như lời đã hứa. (Nguồn: Vatican News)
- Được ơn chữa lành tâm hồn tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) của ông Robert
Ông Francis Vanhove ở Gironde, Pháp, sau 20 năm làm việc tại một bệnh viện, và hiện nay ông đã nghỉ hưu. Ông cho biết Lộ Đức là nơi ông thường xuyên đến theo các cuộc hành hương của Giáo phận, nhưng mối liên hệ của ông với đền thánh lại rất riêng tư, đó là việc cha ông, ông Robert đã nhận được ơn chữa lành thể xác và tâm hồn.
Gia đình ông thường dành thời gian nghỉ hè đến thung lũng Argelès-Gazost, Lộ Đức. Trong thời gian nghỉ nếu ngày nào thời tiết không được đẹp, mẹ ông sắp xếp cho gia đình một chuyến đi nhỏ đến đền thánh với những việc làm cụ thể: kính viếng vương cung thánh đường Mân Côi, leo lên các mái vòm lớn, đi chặng đàng Thánh Giá trước khi đi đến hang và lấy nước phép.
Năm này qua năm khác, tất cả gia đình Vanhove đều thực hiện những chuyến nghỉ như vậy. Ông Robert, người cha gia đình không còn thực hành đức tin, nhưng vẫn cùng với vợ và 6 người con đến đền thánh.
Ông Francis kể lại: “Khoảng 40 tuổi, cha tôi bị bệnh ngoài da. Bệnh làm cho ông rất khó chịu. Gia đình chúng tôi đã đưa ông đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Bệnh làm cho cha tôi phải băng đôi bàn tay suốt ngày”.
Khi gia đình trở lại Lộ Đức vào cuối mùa hè năm 1960, họ vẫn thực hành những việc đạo đức theo truyền thống. Ông Francis nhớ lại: “Chúng tôi cũng xếp hàng như mọi người để được đến hang đá có nguồn nước. Khi tới nơi, mẹ tôi nói cha tôi cởi băng ở tay ra để ngâm vào nước. Sau đó chúng tôi trở về nơi nghỉ đêm. Vào buổi tối, như thường lệ mẹ tôi thay băng cho cha tôi, nhưng bà nhận thấy có điều gì đó đang thay đổi”.
Sáng hôm sau, cả gia đình đều ngạc nhiên vì đôi bàn tay của ông Robert hầu như đã trở lại bình thường. Người vợ muốn thoa thuốc lên tay ông như mỗi sáng bà vẫn làm như vậy, nhưng ông từ chối. Và rồi từ ngày đó ông không phải dùng thuốc cũng không cần phải băng tay. Ông đã được ơn chữa lành hoàn toàn.
Ông Francis kể tiếp: “Vào tháng 7/1999, cha tôi đi hành hương Lộ Đức và tôi được bệnh viện chỉ định là người đồng hành với cha tôi. Một hôm, cha tôi nói ông muốn xưng tội trước khi tham dự Thánh lễ. Tôi ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên cha tôi muốn lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Cha tôi đã lãnh nhận Bí tích, tham dự Thánh lễ và rước lễ một cách sốt sắng. Sau khi trở về từ Lộ Đức, cha tôi đã được biến đổi hoàn toàn, ông đã sống những tháng ngày cuối đời với sự thanh thản mãn nguyện”. Một ân huệ đã được lãnh nhận trong 40 năm qua.
(Nguồn: Vatican News)
Họ đến với tâm tình khiêm nhường, phó thác nơi Mẹ Maria – người Mẹ hiền từ luôn che chở và ban ơn. Với lòng tin tưởng sâu xa, họ cầu xin sự chữa lành không chỉ về thể xác mà còn về tâm hồn. Nhiều người, dù không được khỏi bệnh theo cách họ mong muốn, vẫn nhận được một sự bình an, một sức mạnh thiêng liêng giúp họ chấp nhận đau khổ với niềm vui và sự hy vọng.
3. Tâm Tình của Những Người Hành Hương Đến Lộ Đức
Lộ Đức không chỉ là nơi dành cho những bệnh nhân, mà còn là điểm đến của những ai khao khát gặp gỡ Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Họ mang theo bao ước nguyện, niềm tin và lòng mến.
Bà Maria Nguyễn Thị Quý đã chia sẻ sau chuyến hành hương đến đền thánh, bà nói: “Tôi như được nhấc bổng lên rất nhẹ nhàng cùng với thân xác của mình, sau khi ‘dìm mình’ trong dòng nước tại đền thánh, cảm giác không thể diễn tả ra hết được.”
Dòng suối Lộ Đức – nơi Đức Mẹ truyền cho thánh nữ Bernadette tự tay đào lên – đã trở thành biểu tượng của sự thanh tẩy và chữa lành. Nhiều người đã dìm mình trong dòng nước với niềm hy vọng, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Những lời kinh Mân Côi vang lên khắp chốn, những ánh nến lung linh trong đêm rước kiệu, tất cả tạo nên một bầu khí linh thiêng, cảm động và đầy ơn thánh.
(Hình ảnh Sưu tầm)
4. Sứ Điệp Yêu Thương và Hy Vọng
Mẹ Maria tại Lộ Đức không chỉ ban ơn chữa lành thể xác mà còn mang đến sự chữa lành tâm hồn. Qua Mẹ, Thiên Chúa mời gọi con người sống trong yêu thương, tha thứ và tín thác vào lòng Chúa nhân từ.
Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân cũng là lời nhắc nhở mỗi người hãy quan tâm, nâng đỡ và yêu thương những người đau khổ quanh ta. Một lời cầu nguyện, một sự giúp đỡ nhỏ bé cũng có thể trở thành liều thuốc chữa lành mạnh mẽ, làm sáng lên tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại.
Kết Luận
Cha Anne-Guillaume, linh mục tuyên uý tại đền thánh trong 5 năm qua nói: “Nếu 70 phép lạ được Toà Thánh chính thức công nhận tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, thì bên cạnh đó không thiếu những phép lạ chữa lành linh hồn, ơn hoán cải đã xảy ra tại đây. Nhà nguyện hoà giải là một nơi chữa lành tuyệt vời nhất”.
Cha cho biết khi chào đón các tín hữu hành hương cha luôn nhắc nhở họ ơn chữa lành linh hồn và thể xác biểu lộ sự gần kề của Nước Trời. Trong Tin Mừng theo thánh Luca, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt (Lc 3, 17-25) chỉ ra rằng ngôi nhà là biểu tượng của Giáo hội. Và Chúa Giêsu thực hiện việc chữa lành bởi quyền năng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Thực tế, người bại liệt là người được Chúa chữa lành và Chúa Giêsu nói với anh ta rằng tội của anh đã được tha. Đây là điều mọi người chứng kiến xảy ra mỗi ngày ở Lộ Đức: sự gần kề của Nước Trời qua ơn chữa lành. Đức Mẹ nói về điều này, bằng cách mời gọi sám hối, nhắc nhở rằng Nước Trời đã gần đến. 167 năm sau khi Mẹ hiện ra, Lộ Đức vẫn là nơi đầy ân sủng. Cho dù điều này được thể hiện theo cách thể xác hay tinh thần, đời sống nội tâm.
Ngày 11/2 không chỉ là một ngày lễ kỷ niệm, mà còn là cơ hội để mỗi người chiêm ngắm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Mẹ Lộ Đức. Dù là bệnh nhân đang chịu đau khổ hay là người hành hương tìm kiếm đức tin, tất cả đều có thể tìm thấy nơi Mẹ niềm an ủi, hy vọng và sức mạnh để tiếp tục hành trình đời sống.
Nguyện xin Mẹ Maria Lộ Đức nâng đỡ tất cả những ai đang đau yếu, ban cho họ sự bình an và niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa. Amen!
Nguyễn Thị Thơm
bài liên quan mới nhất

- Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ
-
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo -
Ngày 03/02: Thánh Blasiô, Giám mục Tử đạo và thánh Ansgariô, Giám mục -
Ngày 02/02: Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh -
Ngày 31/01: Thánh Gioan Bosco - Linh mục -
Ngày 30/01: Thánh Tôma Khuông, linh mục, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều

- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Giữ chay và ăn chay -
Ngày 31/01: Thánh Gioan Bosco - Linh mục -
Ngày 18/10: Thánh sử Luca, tác giả Tin mừng