Ngày 07/08: Thánh Xystô II, Giáo Hoàng và thánh Cajêtan, linh mục
Ngày 7 tháng 8
THÁNH XYSTÔ II, GIÁO HOÀNG
VÀ THÁNH CAJÊTAN, LINH MỤC
I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
01. Thánh Xystô II, Giáo hoàng
Ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức Xystô lên ngôi Giáo Hoàng, kế vị Đức Stêphanô I giữa lúc Giáo hội đang chìm trong cơn bách hại thời Valerianô. Pontiô. Một phó tế của Thánh Cyprianô gọi ngài là “Linh mục nhân hậu hòa nhã”. Ngài đã tránh được một cuộc ly khai khi để cho các Giáo hội địa phương tự do theo thói quen rửa tội lại cho các người theo lạc giáo.
Một năm sau thánh Cyprianô loan tin: Đức giáo hoàng Xystô đã bị xử tử đêm 6 tháng 8 cùng với 4 vị trợ tá (phó tế) của ngài. Các Kitô hữu Roma đã bị binh lính bắt giữ trong khi đang cử hành thánh lễ tại hang toại đạo Callistô. Để khỏi bị bắt giam tất cả, Đức Xystô đã hiến mình chịu chết. Ngài bị chặt đầu ngay tại ngai tòa Giám mục cùng với 4 vị trong số 7 vị trợ tá của ngài là Gianuariô, Mahnô, Vicentê và Stêphanô. Hai vị khác là Fêlicissimô và Agapitô cũng bị chặt đầu cùng ngày tại hang toại đạo Praetextato.
Cái chết vì đoàn chiên trong những cảnh thương tâm như vậy đã khiến cho Đức Xystô được dân chúng tôn kính rộng rãi. Ngài được mai táng trong hầm mộ Giáo Hoàng tại chính nơi ngài chịu chết. Tuy nhiên di hài của ngài có lẽ sau này đã được Đức Lêô IV (847 - 855) dời về thánh đường Xystô vẫn còn được tôn kính cho đến ngày nay.
02. Thánh Cajêtan, lin mục
Thánh Cajêtan sinh tại Vicenza, nước Ý, vào năm 1480. Ngài là con trai của một bá tước. Cajêtan tốt nghiệp trường đại học Pađua với văn bằng cử nhân lưỡng luật, đạo và đời. Sau đó, Cajêtan phục vụ tại văn phòng của giáo triều Rôma. Cajêtan thụ phong linh mục năm 1516. Rồi ngài trở về thành phố quê hương Vicenza và làm việc mục vụ tại đây. Dù cho những bạn bè quý tộc của Cajêtan ra sức phản đối và giận dữ, thánh nhân vẫn tham gia với nhóm người khiêm tốn, chuyên phục vụ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Cajêtan đi khắp thành phố tìm kiếm những người bất hạnh và chính ngài đã tự phục vụ họ. Cajêtan vào bệnh viện săn sóc những người mang những chứng bệnh kinh tởm nhất. Tại các thành phố khác, thánh Cajêtan cũng làm các việc từ thiện ấy. Thánh nhân cũng thường khuyến khích mọi người hãy năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Tôi sẽ không bao giờ vui sướng cho tới khi nào được thấy các Kitô hữu cùng nhau tiến lên lãnh nhận Bánh Ban Sự Sống với lòng hăm hở vui mừng, chứ không lo buồn tủi hổ.”
Cùng với ba người đạo đức khác, thánh Cajêtan đã thiết lập một tu hội giáo sĩ dòng, gọi là tu hội Các Anh Em Dòng Thêatin, chuyên đi thuyết giảng. Họ khuyến khích việc năng xưng tội, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, giúp bệnh nhân và làm những công việc từ thiện khác.
Thánh Cajêtan qua đời lúc được 67 tuổi. Trong cơn bạo bệnh cuối cùng, thánh nhân chỉ nằm trên những tấm ván thô cứng dù các bác sĩ khuyên ngài nên dùng nệm êm. Nhưng Cajêtan nói: “Đấng Cứu Chuộc tôi đã chết trên cây thập giá. Vậy ít ra, hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này!” Cajêtan về trời ngày mùng 7 tháng Tám năm 1547 tại thành phố Napôli. Tới năm 1671, Đức Thánh Cha Clêmentê X tôn phong Cajêtan lên bậc hiển thánh.
II. BÀI HỌC
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính hai vị thánh mỗi người ở một cương vị khác nhau: Thánh Xystô II trong cương vị của một Giáo Hoàng, Thánh Cajêtan trong cương vị của một Linh Mục. Như vậy dù là Giáo Hoàng hay Linh mục các Ngài cũng có những hành vi cao cả theo ơn gọi của mình: Đức Thánh Cha Xystô II đã hy sinh mạng sống mình để con cái của mình được an toàn trong một cuộc bách hại. Cha Cajetan đã vì mọi người nhất là những người bị bỏ rơi không người chăm sóc mà phục vụ quên mình. Hơn nữa còn thiết lập một tu hội giáo sĩ dòng Em Thêatin, chuyên đi thuyết giảng. Các ngài khuyến khích việc năng xưng tội, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, giúp bệnh nhân và làm những công việc từ thiện khác.Tóm lại, toàn là những việc tốt đẹp lòng Chúa.
Các ngài đã nên thánh bằng những việc mà mọi người chúng ta có thể bắt chước noi theo. Những việc đó không phải là những việc quá cao siêu khó làm, cũng không phải là những việc quá anh hùng đến nỗi chúng ta phải khiếp sợ. Chỉ cần chúng ta có lòng yêu mến là chúng ta có thể làm được.
Vào một buổi chiều nọ cách đây đã rất lâu, khi tôi còn khá trẻ, chính tại cửa hàng trang trí nội thất của gia đình, tôi đã học được một bài học quý giá về cung cách bán hàng của ba tôi.
Tôi đang lau sàn nhà thì có một bà cụ bước vào cửa hàng. Bà cụ hỏi tôi: “Cháu có thể giúp bà chứ? Bà có mua ở cửa hàng này một chiếc ghế trường kỷ, bây giờ nó đang bị long mất một chân. Cháu có nhận lời đến sửa cho bà được không nhỉ?”
Tôi hỏi lại một cách lễ phép: “Thưa bà, thế bà đã mua cái ghế ấy khi nào ạ?” Bà cụ ngẫm nghĩ như thể cố nhớ lại rồi bảo: “Có lẽ cách đây cũng khoảng 10 năm gì đó, bà không nhớ rõ lắm!”
Tôi chạy vào trong nói nhỏ với ba tôi câu chuyện trớ trêu ấy, cứ nghĩ ba tôi sẽ cười xòa và bảo tôi ra từ chối, có ai lại nhận “bảo hành” một món hàng mua đã lâu đến như thế. Không ngờ, ba tôi lại bảo tôi ra thưa với bà cụ là chúng tôi sẽ đến tận nhà bà để sửa ngay chiều hôm đó...
Sau khi bắt vít vào chân ghế một cách chu đáo, chúng tôi xin kiếu từ bà cụ. Ra đến ngoài đường, ba tôi hỏi:
- Này con, sao ba thấy con có vẻ rầu rầu thế nào ấy...!
Tôi nhăn nhó trả lời:
- Nếu ba cứ nhận lời sửa miễn phí những cái ghế như thế thì không chừng có ngày cửa hàng nhà mình phá sản mất!
Ba tôi ôn tồn bảo tôi:
- Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là dịp để con đi học nghề với ba cơ mà. Thế con có thấy một chi tiết quan trọng trên cái ghế hôm nay không? Nhãn hiệu ở mặt sau ghế cho ta biết bà cụ ấy đã mua nó ở cửa hiệu đầu phố chứ không phải ở nhà ta...
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, rồi phì cười. Ngẫm nghĩ một lúc tôi mới hỏi ba:
- Ba ơi, có phải ba muốn nói là chúng ta đã làm công việc hôm nay không vì bất cứ mục đích gì, ngay cả khi bà ta không phải là khách hàng cũ của chúng ta?
Ba tôi dừng chân, quay nhìn sâu vào mắt tôi và nói:
- Bây giờ thì bà cụ ấy sẽ là khách hàng của chúng ta!
Quả thật, chỉ hai ngày sau đó, bà cụ đã trở lại cửa hàng của chúng tôi và mua một số món đồ mới với giá trí khá cao... Từ dạo ấy, tôi hành nghề bán hàng đã được hơn 30 năm. Tôi đã luôn thành đạt trong cuộc sống chỉ bởi vì tôi luôn đối xử với khách hàng của mình bằng lòng tôn trọng và chữ tín như thể tôi là người phục vụ đúng nghĩa của họ...
(Nguyễn Ngọc Thụy, Dịch Từ A Chicken Soup For Soul. Báo Tuổi Trẻ Thứ Bảy, 11.11.2000)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi