Ngày 07/03: Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita
Ngày 7 tháng 3
THÁNH NỮ PERPÊTUA VÀ FÉLICITA, TỬ ĐẠO
(+203)
I. ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ
Lịch sử về cuộc đời hai thánh tử đạo tiên khởi khá mù mờ nhưng trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi đó, chúng ta vẫn may mắn có được ít tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicita từ chính nhật ký của Thánh Perpetua và của giáo lý viên Saturus, cũng như một số những chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là “Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicita,” được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.
Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu, và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông cũng dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết - chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.
Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài,
- Cha có thấy cái bình đó không ? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không ?.
Người cha trả lời,
- Dĩ nhiên là không.
Và Perpetua thản nhiên tiếp lời,
- Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con - một Kitô hữu.
Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đày của chính ngài.
Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicita và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.
Nhà tù đầy những con người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.
Người nô lệ trẻ tuổi là Felicita lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai đã được tám tháng tuổi và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.
Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót cho lính canh để các ngài được có một chỗ ở tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy “nhà tù trở nên như cung điện”. Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, “Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng vào quyền thế của Thiên Chúa”.
Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách bị ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.
Trong khi đó Felicita cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicita lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.
Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicita đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế giễu, nhục mạ ngài và nói,
- Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ ?
Felicita điềm tĩnh trả lời:
- Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ giùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài.
Felicita sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.
Vào ngày bị hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình:
- Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông.
Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.
Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicita đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.
II. BÀI HỌC
Nói về sự tử đạo Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2473 đã viết rất hay: “Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được liên kết với Người bằng đức mến. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Kitô giáo. Vị tử đạo chịu chết bằng hành vi của đức can đảm. “Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú, nhờ việc này mà tôi được đến với Thiên Chúa”
Chính Chúa Giêsu đã muốn như thế. Chúa muốn mọi người làm chứng cho Chúa và làm chúng bằng cái chết của mình là một bằng chứng cao cả nhất.Và Chúa đã không phải thất vọng.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, Chúa Giêsu sau khi chịu nạn trên thập tự giá, đã phục sinh trở về trong vinh hiển, Ngài vẫn còn mang dấu vết của sự đau thương. Một trong những vị thiên sứ nói với Ngài rằng:
- Chúa chắc đã chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó ?
Chúa Giêsu đáp:
- Đúng vậy!
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Có phải tất cả mọi người đều biết những gì Ngài làm cho họ không ?
Chúa Giêsu trả lời:
- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Thế thì Ngài đã làm gì để giúp mọi người biết ?
Chúa Giêsu đáp:
- Ta đã dặn Phêrô, Giacôbê và Gioan lãnh trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác nói cho những người khác, rồi cho những người khác nữa, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu đều được nghe.
Thiên sứ nhìn với vẻ nghi ngờ, vì vị này hiểu rõ con người như thế nào, nên nói tiếp:
- Vâng, nhưng nếu Phêrô, Giacôbê và Gioan quên đi thì sao ? Nếu họ mệt mỏi trong sự rao giảng thì sao ? Hoặc nếu những người ở thế kỷ 20 không thực hiện trọng trách thuật lại về câu chuyện tình yêu của Ngài cho họ thì sao ? Như thế thì sao ? Ngài không lập những chương trình khác sao ?
Chúa Giêsu trả lời:
- Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa Giêsu đã chết để ban cho chúng ta Phúc âm và hiện nay Ngài đang tin cậy nơi chúng ta để chuyển đạt Phúc âm đó đến cho tất cả mọi người.
Chúng ta hãy làm cho mọi người trên thế giới này được biết và được sống Tin Mừng yêu thương của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi