Một con người cao cả: Gioan Maria Vianney (1786-1859)

Một con người cao cả: Gioan Maria Vianney (1786-1859)

WHĐ (10.06.2009) – Ngày khai mạc Năm Linh Mục đã đến gần. Gương mặt linh mục được giới thiệu trang trọng trong suốt năm đáng nhớ này là thánh linh mục Gioan Maria Vianney, được toàn thể Giáo Hội gọi một cách trìu mến là “Cha sở Ars”. Ngài từng được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các cha sở, nay được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặt làm quan thầy các linh mục trên toàn thế giới, hơn nữa nhân dịp mừng “Sinh nhật trên trời lần thứ 150” của thánh nhân, Đức Thánh Cha quyết định mở Năm Linh Mục 2009-2010.

Nhân dịp này, linh mục Patrick de Laubier (1935, Pháp) viết bài đăng trên báo điện tử france-catholique, nhan đề: “Un Homme sublime: Jean Marie Vianney (1786-1859)”. Cha Laubier là giáo sư tiến sĩ chính trị xã hội, cử nhân thần học, được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong chức linh mục năm 2001 lúc đó tân linh mục đã 66 tuổi.

WHĐ chuyển ngữ và giới thiệu cùng quý độc giả bài viết về Thánh linh mục Gioan Maria Vianney của cha Laubier.


Cuộc đời cha sở Ars khá đơn giản. Ngài được phong chức linh mục năm 29 tuổi, ba năm sau được bổ nhiệm làm cha sở Ars, một họ đạo có dân số 200 người và 12 năm sau thì cả một dòng người hành hương tuôn đến họ đạo này.

Thời khóa biểu của cha sở Ars lại càng đơn giản hơn. Không quỳ trước Nhà Tạm thì cũng ngồi trong Tòa giải tội. Ma quỷ tốn bao công sức nhằm hạn chế hiệu quả mục vụ của cha vốn đã vượt ra ngoài phạm vi giáo xứ và giáo phận, rồi kết thúc bằng tấm huân chương do hoàng đế Napoléon III trao tặng. Sau đó những vinh dự khác đã nối tiếp nhau đến với vị linh mục này: cha được phong Chân phước năm 1905, tôn phong hiển thánh năm 1925, được Giáo Hội đặt làm bổn mạng các cha sở năm 1929, và bây giờ là bổn mạng các linh mục (2009).

Được đức khiêm nhường triệt để bảo vệ, cha sở Ars trở thành một nhân vật huyền thoại ngay lúc sinh thời và những mẩu chuyện về con người đơn sơ và hồn nhiên này đầy ắp bao trang sách. Ý thức về bổn phận mục tử và xác tín bản thân cần được Chúa xót thương, cha giảng giải cho giáo dân của mình và hàng vạn khách hành hương biết phải làm gì để nên thánh. Cha dọn bài giảng rất kĩ lưỡng bằng việc tra cứu sách vở, nhưng rồi lại quên mọi chữ nghĩa đi và thay vào đó là lối ứng khẩu đầy tâm huyết, thấm thía lòng cử tọa. Có người cho rằng cha chịu ảnh hưởng của phái Jansen khá thịnh hành lúc đó ở Pháp. Nhưng cần phải xem xét kĩ càng hơn. Những khám phá của cha trong các bài giảng được dành để nghe hơn để đọc, còn trong giọng nói, những diễn tả của ánh nhìn đôi khi long lanh nước mắt chảy trên khuôn mặt, qua đó có thể giúp hiểu đúng ý nghĩa sứ điệp của cha.

Vì vậy khi nghe cha nói với các giáo dân: thà đừng đi lễ thì tốt hơn nếu cứ đến nhà thờ mà lại sống tồi tệ hơn là không đến, thì phải hiểu rằng vị mục tử này đơn giản chỉ muốn miêu tả tình trạng đáng sợ của tâm hồn nguội lạnh. Cha áp dụng phương pháp quyết liệt này cho mọi đối tượng. Người con của nông dân ấy nắm vững những thói tục địa phương như một chuyên gia nên nói đâu trúng đó. Dần dần làn sóng người hành hương ồ ạt đổ về Ars, tuôn đến với cha sở. Tầm ảnh hưởng những bài giảng của cha không ngừng tăng lên, ngày càng rộng khắp, đến nay đã mang chiều kích toàn cầu. Chúng ta hãy nghe vị tân bổn mạng các linh mục này nói về cách ngài cử hành thánh lễ: “Tôi làm lễ khá lẹ đến trước lúc truyền phép, nhưng truyền phép xong, cầm Mình Thánh Chúa trên tay, tôi quên hết mọi sự. Lạy Chúa! Nếu đời sau con phải chịu bất hạnh sống lìa xa Chúa, thì ít nữa là Chúa hãy kéo dài khoảnh khắc con được giữ Chúa trên tay... Trong Thánh lễ, tôi được cầm lấy Chúa nhân lành, Chúa còn có thể từ chối tôi điều gì?”. Thiên Chúa tốt lành để mặc cha tùy ý và cha sở không bỏ lỡ cơ hội, ngài mặc sức nài van Chúa. Tiếng đồn về cha sở Ars thánh thiện vang xa và người ta tuôn đến Ars xưng tội, vì qua cha sở Ars họ nắm được ý nghĩa cốt lõi của phép giải tội.

Cha nói: lúc giảng, tôi thường phải nói với người điếc và kẻ mê ngủ; còn khi cầu nguyện, tôi thưa chuyện với Chúa và Chúa thì không điếc.

Cha giải tội vĩ đại này rất giàu lòng bác ái, mỗi khi ra tay giúp đỡ người nào thì luôn đưa ra những câu trả lời theo tiếng lương tâm không thể cưỡng lại được; còn khi nói với Chúa và nói về Đức Mẹ, thì toát lên sự say mê đầy ấn tượng. Cuối cùng cha có phương pháp chú giải hướng thẳng vào mục tiêu: Đức Mẹ và Thánh Giuse đã làm gì? Các ngài đã nhìn, đã chiêm ngắm và ngạc nhiên cảm phục Hài nhi Giêsu, đó là tất cả những gì các Đấng quan tâm.

Bài học rút ra từ cuộc đời đạo hạnh của cha sở thánh thiện của giáo xứ Ars là chúng ta có thể làm bất cứ điều gì nếu được Chúa dẫn dắt. Chúa không chỉ đạo chung chung nhưng dẫn đường chỉ lối ngay trong giây phút hiện tại đang qua đi này. Cùng với thánh Vianney ta thấy, cuộc đời dù bề ngoài xem ra phức tạp, rốt cuộc cũng khá đơn giản thôi, nên phải lên trời bằng con đường trực tiếp nhất. Chúng ta hiểu điều đó, nhưng như thánh Philipphê Nêri đã nói, cũng phải nhớ rằng trở thành thánh nhân thì không khó, sống thánh thiện mới thật là gay go hơn rất nhiều. Cha sở Ars không cần biết đến điều đó, bởi trong suốt cuộc đời tận hiến của ngài, Thập giá của Đức Kitô đã trở thành điểm hẹn thường trực.

Top