Mão: Mèo hay thỏ?
Trên trang web của wikipedia người ta viết: “Dựa vào nghiên cứu ngữ âm học lịch sử,… đã chứng minh rất thuyết phục rằng tên 12 con giáp thuộc "tác quyền" của người Việt cổ”. “Khi được du nhập vào Trung Quốc, qua nhiều lần biến cải, những con giáp này vừa biến dạng cả chữ viết và hình tượng, cùng với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa làm cho mất dần đi nguồn gốc ban đầu của nó.” [1] Có phải như vậy không?
Trước khi giải thích rõ, chúng ta xem thử truyện thần thoại:
Truyển kể: Năm nọ, Ngọc Vương mừng sinh nhật, ra lệnh tất cả động vật phải đến chúc thọ, và quyết định 12 thứ động vật đến chúc thọ trước sẽ là 12 vệ sĩ canh đường lên thiên đình, sẽ luân phiên trực theo năm.
Lúc đó chuột và mèo là láng giềng với nhau. Mèo ỷ mình to lớn hơn nên thường ăn hiếp chuột, chuột oán giận mà không dám nói. Mèo lại ham ngủ. Khi được lệnh của Ngọc Vương, mèo nói với chuột, nếu đi chúc thọ thì gọi mèo dậy cùng đi, chuột giả vờ đồng ý. Để trả thù, sáng sớm ngày mùng chín tháng Giêng, chuột âm thầm xuất phát. Chuột khởi hành rất sớm, chạy cũng rất nhanh, nhưng khi đến bờ sông to lớn, nước chảy cuồn cuộn, không tài nào qua sông được. Chuột buồn rầu ngồi bên bờ sông, một hồi, trâu cũng đi rất sớm, từ từ tiến về bờ sông, chờ khi trâu xuống nước, chuột nhanh chóng chui vào tai trâu. Bình thường trâu rất tốt bụng, thích giúp người khác, nên không quan tâm. Sau khi qua sông, chuột thấy nằm trong tai trâu rất thoải mái, lại không tốn sức, nên nằm lì đó luôn. Chiều, đến cổng Ngọc Vương, trâu định vào cổng, bất ngờ, chuột chui ra khỏi tai trâu và nhảy đến trước mặt Ngọc Vương. Như thế, chuột là thứ nhất, trâu chỉ được vị trí thứ nhì, rồi kế đó hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, cừu, khỉ, gà, chó cũng lần lượt đến. Heo đến cuối cùng, đứng thứ 12. Ngọc Vương theo thứ tự phong cho mỗi con vật phiên trực một năm. Như thế 12 con giáp được quyết định. Sáng sớm ngày mùng 10 tháng Giêng mèo mới thức dậy, lập tức lên đường. Trên đường đi vắng tanh, không có ai, mèo rất mừng, tưởng những động vật khác chưa xuất phát. Đến cổng Ngọc Vương, mèo vừa gõ cửa vừa kêu lớn tiếng: “Tâu Ngọc Vương, mèo đến rồi.” Vệ sĩ mới cười mèo và nói: “Con mèo ngu và mê ngủ kia, ngươi đến trễ một ngày rồi”. Mèo tức giận cùng cực và thề ăn thịt con chuột [2].
Đó là thần thoại. Trong sách sử thì khác.
Thời xa xưa bên Trung Quốc, chưa có lịch pháp, sau dùng thiên can địa chi để tính giờ, ngày, tháng, năm. Sáng chế thiên can địa chi cũng như những con số của Ả Rập, hay là ngôi vị dùng để đếm và định hướng, chúng hoàn toàn không có ý nghĩa, dù sau này có người cố gán thêm ý nghĩa cho chúng.
10 thiên can là : Giáp (甲), ất (乙), bính (丙), đinh (丁), mậu (戊), kỷ (己), canh (庚), tân (辛), nhâm (壬), quý (癸).
12 địa chi là: Tý (子, còn đọc tử, là ngôi đầu của 12 con giáp) , sửu (丑), dần (寅), mão (卯, còn đọc là mẹo), thìn (辰), tỵ (巳), ngọ (午), mùi (未), thân (申), dậu (酉), tuất (戌), hợi (亥).
Thiên can địa chi liên quan đến thuyết âm dương và ngũ hành. Dương can là giáp, bính, mậu, canh, nhâm. Âm can là ất, đinh, kỷ, tân, quý. Còn dương chi là tý (tử), dần, thìn, ngọ, thân, tuất. Âm chi là sửu, mão (mẹo), tỵ, mùi, dậu, hợi (xem H.1)
Quan hệ giữa địa chi và phương vị ngũ hành:
Tý (tự, chuột) thuộc dương thuỷ, phương Bắc; Sửu (trâu) thuộc âm thổ, phương Trung (giữa); Dần (hổ) thuộc dương mộc, phương Đông; Mão (mẹo, thỏ) thuộc âm mộc, phương Đông; Thìn (rồng), thuộc dương thổ, phương Trung (giữa); Tỵ (rắn) thuộc âm hoả, phương Nam; Ngọ (ngưa) thuộc dương hoả, phương Nam; Mùi (cừu) thuộc âm thổ, phương Trung (giữa); Thân (khỉ) thuộc dương kim, phương Tây; Dậu (gà) thuộc âm kim, phương Tây; Tuất (chó) thuộc dương thổ, phương Trung (giữa); Hợi (heo) thuộc âm thuỷ, phương Bắc (x. H.2)
H.2: Quan hệ giữa 12 địa chi và phương vị ngũ hành.
Theo truyền thuyết, 2700 TCN, Hoàng đế Hiên Viên, tổ tiên dân tộc Hoa ra lệnh cho Nạo Thị [3] xem xét khí thế của trời đất, nghiên cứu ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), rồi sáng chế ra thiên can địa chi, phối hợp thành 60 giáp tử làm ký hiệu của niên lịch. Nạo Thị phân chia giáp, ất là mộc; bính, đinh là hoả; mậu, kỷ là thổ; canh, tân là kim; nhâm, quý là thuỷ (x. H.3). Rồi ông cũng chia loại cho địa chi. Dần, mão thuộc mộc; tỵ, ngọ thuộc hoả; tân, dậu thuộc kim; hợi, tử thuộc thuỷ; thìn, tuất, sửu, mùi thuộc thổ (x. H.4)
H.3: 10 Thiên can và Ngũ hành
H.4:12 Địa chi và Ngũ hành
Người xưa còn vận dụng thiên can địa chi cho bản đồ, phương vị và thời gian. Họ sắp xếp 10 thiên can thành hình tròn, 12 địa chi thành hình vuông, cho nên sau này có thuyết trời tròn đất vuông (x. H.5)
H.5: Chu kỳ đồ thị của thập Thiên can và thập nhị Địa chi
12 địa chi là ký hiệu chỉ thứ tự. Tử không có nghĩa là chuột, sửu không có nghĩa là trâu, dần không có nghĩa là hổ,… Vì 12 địa chi tương ứng có 12 con giáp, người Việt hầu như cứ tưởng là 12 địa chi là 12 con giáp, chỉ vì 12 địa chi tương ứng 12 con giáp là:
Địa chi TÝ(TỦ) SỬU DẦN MÃO THÌN TỴ NGỌ MÙI THÂN DẬU TUẤT HỢI
Con giáp CHUỘT TRÂU HỔ MÈO
(THỎ) RỒNG RẮN NGỰA DÊ
(CỪU) KHỈ GÀ CHÓ HEO
Thời xưa, tại trung nguyên Trung Quốc chỉ dùng can chi để tính năm, nhưng những dân tộc thiểu số tây bắc Trung Quốc thì dùng tên các con vật để ghi năm. Đường Thư [4] có ghi: “Nước Hiệt Kiết Tư [5] dùng tên 12 con vật để ghi năm, như năm dần thì gọi là năm hổ”. Và Tống Sử [6] (Thổ Phồn truyện) cũng nói rõ thủ lãnh Thổ Phồn [7] khi ghi chép thì dùng động vật để ghi năm. Sau này Trung Quốc giao lưu với các dân tộc thiểu số này nhiều, hai cách ghi năm dung hoà với nhau, trở thành vừa có can chi, vừa có con giáp như hiện nay [8].
Văn hoá Việt Nam và Trung Hoa rất gần nhau. Hai nước đều có 12 địa chi và 12 con giáp. Nhưng 12 con giáp lại có khác biệt, Việt Nam không có con thỏ, mà có con mèo. Tại sao có những khác biệt đó, cần phải có thời gian nghiên cứu. Có người cho rằng khi âm lịch du nhập Việt Nam, chữ mão còn đọc là mẹo, âm đọc chữ mẹo gần giống chữ mèo, người Việt thường hiểu lầm tên gọi địa chi là tên con giáp, nên hiểu là mèo. Còn có người nói là khi đó Việt Nam chưa có thỏ, nên dùng mèo thay thế.
Nhiều dân tộc Đông Á và Đông Âu sử dụng 12 con giáp để chỉ năm [9]:
*****************
12 Trung Hoa Cổ
Địa Việt Bulgary Nhật Ấn Độ Ai Cập Cổ
chi Nam Hungary Hy Lạp Babylon
Turkestan
TÝ Chuột Chuột Chuột Chuột Trâu đực Mèo
SỬU Trâu Bò Trâu Trâu Dê /cừu Chó
DẦN Hổ Hổ Hổ Sư tử Sư tử /vượn Rắn
MÃO Mèo Thỏ Thỏ Thỏ Lừa Bọ hung
THÌN Rồng Rồng Rồng Rồng Cua Lừa
TỴ Rắn Rắn Rắn Rắn nāga Rắn Sư tử
NGỌ Ngựa Ngựa Ngựa Ngựa Chó Dê đực
MÙI Dê Cừu Cừu Cừu Chuột/mèo Trâu đực
THÂN Khỉ Khỉ Khỉ Khỉ macác Cá sấu Chim cắt
DẬU Gà Gà Gà Gà Hồng hạc Khỉ
TUẤT Chó Chó Chó Chó Vượn/sư tử Hồng hạc
HỢI Lợn Lợn rừng Lợn rừng Lợn / Voi Chim ưng Cá sấu
*****************
Việt Nam lấy con mèo chỉ chi Mão, theo âm dương thì không đúng lắm, nhưng cũng có ý nghĩa. Vì mèo là động vật hữu nhủ, ăn thịt, sống từ 14 - 20 năm tuỳ theo sức khỏe và sự chăm sóc tốt của con người, có loại không đuôi và có đuôi; bộ lông một màu (nếu đen thì còn gọi là mèo mun) hay nhiều màu; nếu có ba màu thì gọi là mèo tam thể,... Mèo cũng “sáng dạ” nhờ con người luyện tập mà mèo có thể làm các động tác làm xiếc đơn giản và giật nước nhà vệ sinh, mở tay nắm cửa,…
Mèo tượng trưng cho những người ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, nhiều tham vọng và sẽ thành công trên con đường học vấn. Người tuổi mão có tinh thần mềm dẻo, tính kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động. Giờ mão bắt đầu từ 5 giờ đến 7 giờ sáng “khi mèo bắt đầu đi kiếm ăn.” [10]
Theo Wikipedia thì mèo hay đúng hơn là “mèo nhà” là con vật sống chung đụng, gần gủi với loài người. Với tài bắt chuột, làm xiếc; với bộ dạng nhanh nhẹn, yễu điệu, gương mặt đáng yêu; nhờ tiếng kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu “meo, meo”.
Có rất nhiều tục ngữ và ca dao nói về mèo, như:
- “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.
- “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”.
- “Không biết mèo nào cắn miêu nào”.
- “Chó treo, mèo đậy”.
- “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.
Tóm lại: Việc ghép 12 địa chi với 12 con giáp là sự pha trộn giữa các nền văn hóa mà nguồn gốc cho tới nay chưa được sáng tỏ.
Một số tác giả cho đó là việc ghép của thú lịch (lịch động vật) của các dân tộc thiểu số tại tây bắc Trung Quốc với 12 địa chi trong nông lịch.
Một số tác giả Việt Nam như Lê Mạnh Thát, Nguyễn Thiếu Dũng thì lại cố gắng chứng minh nguồn gốc của “can chi” có từ nền văn minh Bách Việt. Gần đây, nhà ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông đã cho rằng nguồn gốc tên 12 con giáp xuất phát từ người Việt cổ.
Tuy nhiên, luận theo các tài liệu cổ của Trung Hoa như Luận Hành (Q.14 và 66) của Vương Sung (王充, 27-97) thì 12 con giáp hoàn chỉnh phải có ít nhất là từ thời Đông Hán và căn cứ theo Bắc Sử (Vũ Văn Hộ pháp), Đường Thư (đoạn viết về nước Hiệt Kiết Tư), Tống sử (Thổ Phồn truyện) thì việc dùng 12 con vật để tính toán năm, tháng, ngày, giờ đã được sử dụng trong số các dân tộc thiểu số Trung Quốc.
Năm Mão sắp đến, khi xem sơ qua thiên can địa chi và con giáp, chúng ta thấy con giáp không phải phát minh của Trung Hoa hay Việt Nam, mà là các dân tộc thiểu số ở tây bắc Trung Quốc. Văn hoá thế giới qua giao lưu mà ảnh hưởng với nhau, cho thấy loài người cả thế giới vẫn là anh em một nhà.
Chúc mọi người năm Mão phát huy được tài năng của mình, mà thành công trong mọi lãnh vực, đặc biệt là trong lãnh vực truyền giảng Phúc Âm.
*****************
Ghi chú:
[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%B0%E1%BB%9Di_hai_con_gi%C3%A1p
[2] http://zh.wikipedia.org/zh/%E7%94%9F%E8%82%96
[3] Nạo Thị có lẽ không phải là một người, mà là một nhóm người ở chức vụ soạn lịch, hiểu biết về âm dương và ngũ hành.
[4] Sách do Lưu Hu (劉昫) chủ biên, được viết từ năm 941 - 945, gồm 200 quyển, bao quát một số sự kiện chính từ Đường Cao Tổ tới Đường Ai Đế (từ 618-907). Bên cạnh đó còn cung cấp một số tài liệu về các dân tộc ngoài Trung Hoa khi đó như Khiết Đan, Thổ Phồn, Đột Quyết, Hồi Hột và Tây Tạng. Đường thư được coi là một kiệt tác lịch sử trong “Nhị thập tứ sử”.
[5] Hiện nay là Kyrgyzstan, quốc gia vùng Trung Á, giáp với phía tây Tân Cương, Trung Quốc.
[6] Tống sử (宋史): Một bộ sử trong Nhị thập tứ sử của Trung Hoa. Sách này kể lịch sử thời nhà Tống (Bắc Tống và Nam Tống); sách do Thoát Thoát biên soạn hoàn thành năm 1345.
[7] Thổ Phồn (hay Thổ Phiên 吐蕃hoặc Thổ Phiền吐藩) là tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc từng thống trị Tây Tạng. Vương quốc này khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9. Nay là Tân Cương thuộc Trung Quốc.
[8] http://zh.wikipedia.org/zh/%E7%94%9F%E8%82%96.
[9] Tổng hợp từ: http://www.petruskylhp.org/concho.htm; http://japanest.com/forum/showthread.php?t=5210&page=1; http://why.vn2z.net/linh-vuc-khac/742-vi-sao-la-12-con-giap
[10] http://japanest.com/forum/showthread.php?t=11864&pagenumber=
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/10: Thánh Phanxiô Borgia, linh mục Dòng Tên
-
Ngày 02/10: Các Thiên Thần Bản Mệnh -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục - Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 28/09: Thánh Venceslao, Tử đạo -
Ngày 27/09: Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục -
Ngày 26/09: Thánh Cosma và Thánh Đamianô, tử đạo -
Ngày 23/09: Thánh Piô Piettrelcina -
Ngày 23/09: Thánh Piô Pietrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Giữ chay và ăn chay