Linh mục, người giảng dạy Chân Lý là Chúa Kitô
Trong tình trạng lẫn lộn và lạc hướng ngày này linh mục là người giảng dạy Chân Lý là Chúa Kitô, chứ không phải các tư tưởng và các triết lý của mình hay ý kiến mình ưa thích.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 14-4-2010.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về chức Linh Mục thừa tác. Lý do là vì Năm Linh Mục sắp kết thúc với Đại Hội Linh Mục Thế Giới cử hành trong ba ngày mùng 9,10,11 tháng 6 tới đây tại Roma. Vì thế Đức Thánh Cha muốn dành một vài suy tư về đề tài này để khai triển thực tại phong phú của việc linh mục đồng hình dạng với Chúa Kitô trong ba nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Trước hết Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của sự kiện linh mục hành động trong con người của Chúa Kitô là Đầu và trong tư cách là đại diện của Chúa. Ngài nói:
"Vị linh mục đại diện cho Chúa Kitô. Đại diện cho ai có nghĩa là gì? Trong ngôn ngữ thông thường nó có nghĩa là tiếp nhận một sự thừa ủy của một người để đại diện, nói và hành động thay cho người ấy, vì người được đại diện vắng mặt khỏi hành động cụ thể. Câu hỏi được đặt ra là vị linh mục có đại diện cho Chúa trong cùng một cách thức như thế hay không. Câu trả lời là không, bởi vì trong Giáo Hội Chúa Kitô không bao giờ vắng mặt, Giáo Hội là thân mình sống động của Chúa và Đầu của Giáo Hội là Ngài, hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Chúa Kitô không bao giờ vắng mặt, trái lại Ngài luôn luôn hiện diện trong một cách thế hoàn toàn tự do khỏi mọi hạn hẹp không gian và thời gian, nhờ biến cố Phục Sinh, mà chúng ta chiêm ngắm một cách đặc biệt trong mùa Phục Sinh này".
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khẳng định như sau: "Vì thế vị linh mục hành động trong con người của Chúa Kitô là Đầu và đại diện Chúa nhưng không bao giờ hoạt động nhân danh một người vắng mặt, mà trong chính Con Người của Chúa Kitô Phục Sinh, hiện diện với hành động hữu hiệu thật sự. Người hành động và thực hiện điều mà vị linh mục không thể làm được: đó là truyền phép rượu và bánh để chúng thật sự là sự hiện diện của Chúa và tha tội cho tín hữu. Chúa khiến cho hoạt động của Người hiện diện thực sự trong người chu toàn các cử chỉ đó. Truyền Thống đã nhận ra trong các lời nói liên quan tới sứ mệnh của Chúa ba nhiệm vụ là giảng dạy, thánh hóa và cai quản trong sự khác biệt và hiệp nhất sâu xa của chúng. Thật ra chúng là ba hành động của Chúa Kitô phục sinh, là Đấng dạy dỗ trong Giáo Hội ngày nay và trong thế giới, và như thế tạo ra đức tin, quy tụ dân Người, tạo ra sự hiện diện của sự thật và xây dựng sự hiệp thông đích thực của Giáo Hội hoàn vũ, thánh hóa và hướng dẫn.
Nhiệm vụ thứ nhất là giảng dạy. Nhiệm vụ ấy đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cấp thiết giáo dục ngày nay. Chúng ta đang sống một sự lẫn lộn lớn liên quan tới các lựa chọn nền tảng của cuộc sống và các câu hỏi liên quan tới thế giới và nguồn gốc của nó, chúng ta sẽ đi đâu, phải làm gì để chu toàn sự thiện, phải sống các giá trị táo bạo nào. Có nhiều triết lý trái nghịch nhau nảy sinh rồi biến mất tạo ra sự lẫn lộn liên quan tới các quyết định nền tảng phải sống làm sao, vì chúng ta không biết chúng ta được tạo dựng cho cái gì và đi về đâu. Cũng như xưa kia Chúa Giêsu quặn lòng thương xót dân chúng đi theo Ngài, vì thấy họ bơ vơ không biết đâu là ý nghĩa đích thật của Kinh Thánh, nên Ngài đã giảng giải Lời Chúa cho họ và chỉ cho họ thấy hướng đi. Nhiệm vụ của linh mục cũng thế: đó là khiến cho ánh sáng Lời Chúa hiện diện trong sự lẫn lộn và lạc hướng của thời đại chúng ta, ánh sáng là chính Chúa Kitô trong thế giới này.
Như vậy vị linh mục không gảng dạy các ý tưởng của chính mình hay một triết lý do chính linh mục sáng chế ra, tìm ra hay ưa thích; vị linh mục không tự mình mà nói, không nói cho mình để được người khác khâm phục hay nói cho phe phái của mình; không nói các chuyện riêng hay các sáng chế của mình, nhưng trong sự hỗn độn của mọi triết lý vị linh mục giảng dạy nhân danh Chúa Kitô hiện diện và đề nghị chân lý là chính Chúa Kitô, Lời Chúa, kiểu sống và hành xử của Chúa. Đối với linh mục Lời Chúa nói về Người cũng có giá trị: ”Giáo thuyết của Ta không phải của Ta” (Ga 7,16). Nghĩa là Chúa Kitô không đề nghị chính mình, mà như là Con Thiên Chúa, Người là tiếng nói của Thiên Chúa Cha. Cả linh mục cũng phải luôn luôn nói và hành động như thế: ”giáo thuyết của tôi không phải của tôi, tôi không phổ biến các tư tưởng của tôi hay các tư tưởng tôi ưa thích, mà tôi là miệng và tim của Chúa Kitô và tôi khiến vang vọng lên giáo thuyết chung và duy nhất mà Giáo Hội đại đồng đã tạo ra và trao ban sự sống”.
Đức Thánh Cha xác định thêm trong bài huấn dụ rằng sự kiện linh mục loan báo giáo lý của Chúa Kitô không có nghĩa là vị linh mục trung lập. Ở đây lời Chúa Kitô nói về Ngài cũng trúng đối với vị linh mục: ”Tôi không tự mình mà đến và không sống cho chính mình, nhưng tôi từ Thiên Chúa Cha mà đến và sống cho Thiên Chúa Cha”. Vị linh mục cũng phải nói: tôi không sống tự mình và cho mình, mà sống với và từ Chúa Kitô, vì thế những gì Chúa Kitô đã nói với chúng ta trở thành lời tôi cả khi không phải là của tôi. Cuộc sống của linh mục phải được đồng hóa với Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nêu bật việc nội tâm hóa lời giảng dạy của linh mục như sau:
Giáo huấn mà linh mục được mời gọi cống hiến, các chân lý của đức tin, phải được nội tâm hóa và sống sâu đậm trong con đường thiêng liêng cá nhân, để linh mục thực sự bước vào sự hiệp thông sâu xa thân tình với chính Chúa Kitô. Vị linh mục phải tin, tiếp nhận và tìm sống trước hết như là của mình, những gì Chúa đã dậy dỗ và Giáo Hội truyền lại trong lộ trình đồng hóa với chức thừa tác của mình, như Cha sở thánh họ Ars đã nêu gương.
Do đó tiếng nói của linh mục thường khi xem ra cũng là ”tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1,3), nhưng chính đó lại là sức mạnh ngôn sứ của nó, trong nghĩa nó không bao giờ giống và có thể giống bất cứ nền văn hóa hay tâm thức thống trị nào khác, mà là cho thấy sự mới mẻ duy nhất có khả năng canh tân con người một cách sâu rộng và đích thật, nghĩa là chỉ cho thấy Chúa Kitô là Đấng sống động, là Thiên Chúa gần gũi hoạt động trong cuộc sống và cho cuộc sống thế giới, và trao ban cho chúng ta chân lý và kiểu sống.
Linh mục giảng dậy khi chú ý chuẩn bị bài giảng ngày lễ cũng như ngày thường, trong nỗ lực đào tạo giáo lý, trong các trường học trong các cơ cấu đại học và đặc biệt qua cuốn sách không được viết là chính cuộc sống của mình. Linh mục luôn luôn giảng dạy, không phải với yêu sách áp đặt các chân lý riêng, nhưng với xác tín khiêm tốn và tươi vui của người đã gặp gỡ Chân Lý, bị Chân Lý nắm bắt và biến đổi, và vì thế không thể làm gì khác hơn là loan báo Chân Lý ấy. Thật thế chức linh mục không ai có thể tự mình lựa chọn; nó không phải là kiểu đạt sự chắc chắn cho cuộc sống, để chiếm hữu một địa vị xã hội. Chức linh mục là lời đáp trả tiếng Chúa gọi, đáp trả ý muốn của Chúa để trở thành người loan báo chân lý của Chúa chứ không phải một sự thật riêng.
Các anh em linh mục thân mến, Dân Kitô xin được lắng nghe từ các giáo huấn của chúng ta giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội, để qua đó canh tân cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng trao ban niềm vui, sự an bình và ơn cứu độ. Liên quan tới điểm này Kinh Thánh, bút tích của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo là các điểm tham chiếu không thể tách rời khỏi nhiệm vụ giảng dạy cần thiết cho sự hoán cải, cho con đường đức tin và ơn cứu rỗi của con người.
Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói rằng: "Thiên Chúa đã trao cho các linh mục một nhiệm vụ lớn lao là những người loan báo Lời Chúa Chân Lý cứu rỗi; là tiếng nói của Chúa trong thế giới để đem lại những gì ích lợi cho các linh hồn và con đường đức tin đích thực. Thánh Gioan Vianney đã là mẫu gương sáng ngời cho tất cả mọi linh mục. Ngài là người khôn ngoan và anh hùng kháng cự lại tất cả các áp lực văn hóa xã hội thời đó để dẫn đưa ra các linh hồn đến với Thiên Chúa. Đơn sơ, trung thành và cụ thể là các đặc thái chính trong việc giảng dạy của ngài, thêm vào đó là trong sáng trong đức tin và thánh thiện trong cuộc sống.
Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 47 tại Tallinn
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé nhân dịp Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 -
Chúa nhật, thứ Bảy và lễ Vọng: Sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ Vọng -
12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ -
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô