Linh mục & Giáo xứ

Linh mục & Giáo xứ

Chúng ta nói đến linh mục hành động in persona Christi, nghĩa là “trong con người Chúa Kitô”. Câu nói này không chỉ được hiểu cho các linh mục mà cho tất cả mọi Kitô hữu, và được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, như thánh Phaolô nhấn mạnh: chỉ có một thân thể Chúa Kitô với nhiều chi thể khác nhau, chỉ có một Thần Khí, Đấng ban cho tất cả mọi thành viên của cộng đoàn những đặc sủng khác nhau nhằm phục vụ Thiên Chúa qua việc chung tay xây dựng Giáo Hội, thân thể Chúa Kitô (Rom 12:3-8; 1 Cor 12:4-11, 22-30; Eph 4:7-13). Chúa Giêsu cũng nói đến Ngài là thân nho và chúng ta như những cành nho, chia sẻ sự sống với Ngài (John 15:1-17).

Tuy nhiên, vai trò in persona Christi của chức linh mục khác với những Kitô hữu khác vì bí tích tính của chức linh mục và vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn được giáo hội giao phó cho linh mục qua giám mục địa phương.

Trong những bài trước chúng ta đã tìm hiểu bí tích tính của chức linh mục, hôm nay chúng ta tìm hiểu quan hệ giữa linh mục và giáo xứ.[1]

Nền Tảng Thần Học

Hầu hết người Công giáo ngày nay quen thuộc với hình ảnh các linh mục trong giáo xứ (khác với thời kỳ trung cổ, giáo dân quen thuộc với hình ảnh linh mục trong các tu viện nhiều hơn). Ngoài một thiểu số những linh mục thuộc các dòng, tu hội, hay các nhóm được phép hoạt động đặc biệt trong các lãnh vực chuyên môn, phần lớn các linh mục trực tiếp lo lắng công việc mục vụ với giáo dân trong xứ.

Tương quan giữa linh mục và giáo xứ bắt đầu từ, và có nền tảng thần học trong, con người Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là một người Xây Dựng và Coi Sóc Cộng Đoàn.

Khi nhận phép rửa trên sông Jordan, khởi đầu sứ mạng rao giảng, Chúa Giêsu nói đến sứ mạng Ngài – cũng như của Gioan Tẩy Giả – là cải cách cộng đoàn Israel và chuẩn bị cho ngày sau hết. Việc Ngài chọn Nhóm 12 là một biểu tượng nói đến hình ảnh Thiên Chúa tái thiết lập một triều đại thật cho dân Israel.

Khi đi chữa lành bệnh tật, Chúa Giêsu muốn kết hợp hành động Ngài làm với triều đại Thiên Chúa Ngài xây dựng, nghiã là, đem con người về lại với cộng đoàn mà bệnh tật (hay nghĩa bóng là tội lỗi) đã loại trừ họ ra ngoài. Khi 10 người phong cùi đến với Chúa Giêsu, Ngài sai họ đi trình diện tư tế (vì tư tế là người giám định công khai việc chữa lành và cho phép họ được trở về sinh hoạt với cộng đoàn) (Lk 17:11-19).

Khi dân chúng đói, Ngài lo cho họ ăn (phép lạ hoá bánh ra nhiều, Mk 6:30-44, Mt 14: 13 -21; Lk 9:10 -17; Jn 6:1-13 ). Ngài chăm sóc họ như một mục tử tốt lành chăm sóc đoàn chiên (Jn 10:1-21).

Tóm lại, Chúa Giêsu xây dựng và lo lắng cho cộng đoàn Ngài phục vụ. Vì thế, Ngài là hình ảnh và là tiêu chuẩn cho mọi linh mục làm việc trong giáo xứ noi theo.

Nền Tảng Giáo Hội Học

Trước hết ta phải hiểu rằng công việc Giảng Dạy, Thánh Hoá và Quản Trị dân Chúa được giao phó cho giám mục. Vì thế, điều quan trọng phải được hiểu rằng linh mục là những cộng sự viên của các giám mục, cộng tác để chu toàn sứ mạng Tông Đồ được Chúa Giêsu giao cho giáo hội.[2]

Công đồng Vatican II cắt nghĩa rõ ràng rằng giám mục lãnh nhận đầy đủ bí tích chức thánh, và linh mục chia sẻ trong giám mục chức năng dâng lễ, thánh hoá, và quản trị này.[3]

Cách hiểu được là một thay đổi lớn từ những suy nghĩ thần học sau thế kỷ 12, khi giáo dân hiểu chức linh mục với một lăng kính hạn hẹp qua quyền năng Truyền Phép bánh và rượu trong Thánh Lễ, và cách hiểu này cô lập chức linh mục khỏi cộng đoàn.

Công đồng Vatican II khẳng định lại chức năng quản trị dân Chúa không là một yếu tố được thêm vào chức linh mục sau này, mà là một yếu tố nội tại, nghĩa là tự chức linh mục sở hữu nó, qua việc chuẩn nhận của giáo hội. Nói cách khác, một khi lãnh nhận chức linh mục, người đó cũng lãnh nhận trách nhiệm coi sóc dân Chúa.

Cách hiểu này thay đổi phương thức đào tạo linh mục. Vì thế, sau công đồng Trent (thế kỷ 16), giáo hội cải tổ hệ thống đào tạo linh mục (mà ngày nay thường gọi là Chủng Viện), và phương thức huấn luyện cũng nhằm hiện thực hoá việc xây dựng giáo hội như thân thể Chúa Kitô nhiều hơn.

Henri de Lubac, khi cắt nghiã chức giám mục trong thần học liên quan trực tiếp đến Thánh Lễ và đến vai trò coi sóc giáo dân, đã nhắc đến là trong ngàn năm đầu các Kitô hữu dùng câu “thân thể thật của Kitô” để nói đến giáo hội, và “thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô” để nói lên thực chất bí tích của Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Lễ.

Hervé-Marie Legrand cũng nhận định rằng trong thời kỳ đầu của giáo hội, giáo dân liên kết chức năng chủ tế các bí tích và xây dựng sự hợp nhất cộng đoàn trong con người giám mục, linh mục như một yếu tố cần thiết khi họ chọn một người để làm giám mục hay linh mục.

Walter Kasper cũng lặp lại nhận định này, và khẳng định chức năng lãnh đạo cộng đoàn không thể tách rời khỏi chức năng chủ tế Thánh Lễ.[4] Lí do của sự liên kết mật thiết này vì cả hai đều nhắm cùng một đích là xây dựng thân thể Chúa Kitô.

Vì thế, khi giáo dân tham dự thánh lễ, sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Lễ là hướng Kitô hữu đến mục đích xây dựng thân thể Chúa Kitô, giáo hội.[5]

Trong bối cảnh này, câu: “Thánh Lễ làm nên giáo hội”[6] thật sự có ý nghĩa.

Đối với giáo hội ngày nay, cách nhìn này cũng không thay đổi.[7]

Linh Mục và Giáo Xứ

Khi nói đến giáo xứ, Karl Rahner khẳng định rằng giáo xứ mới chính thật là một thực thể sống động của giáo hội, đại biểu cho một giáo hội phổ quát qua những sinh hoạt cụ thể hằng ngày trong đời sống giáo xứ.[8] Lập luận của Rahner là giáo hội không là một tổ chức Chết, nhưng là một Sự Kiện Sống Động, vì thế cần được cụ thể hoá bằng những hoạt động của cộng đoàn địa phương (giáo xứ). Sự Kiện thì không thể là một thực thể trừu tượng hay bị động mà phải được Sống và làm cho người khác Sống nhờ sự kiện đó.[9]

Giáo hội là một Sự Kiện, như Chúa Giêsu Kitô là một Sự Kiện. Giáo hội trở thành một Sự Kiện vì giáo hội thông phần với Chúa Kitô, một Sự Kiện.

Vì thế, khi cử hành thánh lễ trong giáo xứ, giáo hội trở nên một thực thể sống động. Thực thể này được tái diễn hằng ngày, và quan trọng là giáo dân tham dự cảm nghiệm được thực thể của sự kiện này.

Trong những thể kỷ đầu, giám mục là người lãnh đạo cộng đoàn (ta có thể gọi là giáo xứ hay giáo phận ngày nay). Cộng đoàn thường không quá lớn, và chỉ có giám mục là người chủ tế thánh lễ cho cộng đoàn. Sau thời kỳ đại đế Constantine cho hợp thức hoá Kitô giáo (thế kỷ 4), số tín hữu tăng nhanh. Giáo hội cần những vị lãnh đạo lo lắng tinh thần cho giáo dân. Những linh mục được thụ phong trong nhu cầu mục vụ này, và cộng tác với các giám mục lo lắng cho đời sống tinh thần của giáo dân (xin xem bài “Linh Mục Sau Thời Kỳ Các Tông Đồ” trong số trước).

Thời đó, linh mục thường là những người được giáo dân chọn, và được giám mục phong chức qua việc đặt tay. Công đồng Chalcedon năm 451 qui định: “Không được thụ phong linh mục hay phó tế cho một người … trừ khi có một cộng đoàn giáo xứ được giao phó cho họ cách rõ ràng.”[10] Theo nguyên tắc này, giáo hội không phong chức cho linh mục nếu không có một cộng đoàn cho họ coi sóc. Và vì các linh mục thường được giáo dân lựa chọn và đề nghị lên giám mục, nên nhu cầu mục vụ đi trước nhu cầu phong chức linh mục.

Nguyên tắc chung này được giáo hội thi hành trong gần một ngàn năm đầu tiên trong lịch sử. Đến ngàn năm thứ hai, giáo hội hiểu bản năng và trách nhiệm chức linh mục khác với trước.

Cộng đoàn giáo dân không còn Chọn và Chấp Nhận người lãnh đạo cho mình. Nhiều thầy tu Dòng được phong chức linh mục dù không có kinh nghiệm mục vụ, và dù họ dâng lễ riêng (không có giáo dân tham dự). Điều này phản ảnh thay đổi trong thần học giáo hội.

Chức linh mục nhấn mạnh đến quyền năng Truyền Phép trong thánh lễ và quyền tha tội hơn là chức năng coi sóc giáo dân. Thay đổi này làm giảm giá trị đặc biệt việc coi sóc mục vụ. Hơn nữa, khi so sánh giữa chức linh mục và giám mục, người ta thấy rằng cả hai đều có thể Truyền Phép bánh và rượu thành Thịt và Máu Chúa Giêsu nên nhiều người tin rằng giám mục cũng chỉ ngang hàng với linh mục. Thánh Jerome (342-420) nói: “linh mục làm được những gì giám mục làm chỉ trừ phong chức.[11] Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng 347-407) nói: “giám mục hơn linh mục chỉ là quyền năng phong chức, và chỉ trong phương diện này giám mục hơn linh mục…”[12] Sau này, Peter Lombard (khoảng 1100-1160),[13] thánh Albert Cả (1206-80)[14], thánh Thomas Aquinas (1225-74), và thánh Bonaventure (1221-74) cũng chấp nhận tư tưởng này.

Ngày nay, công đồng Vatican II (1962-65) làm sáng tỏ rằng chức giám mục không chỉ hơn linh mục về mức độ hay quyền luật, mà tự nó còn là một chức thánh trọn vẹn.[15]

Thánh Cyprian và Vai Trò Quản Trị Giáo Xứ

Ở Carthage (bắc Phi Châu), giữa thế kỷ 3, giáo hội bị vua Decius đàn áp, bắt bớ. Nhiều Kitô hữu đã từ chối đức tin vì sợ tra tấn. Sau thời kỳ bắt bớ, một số xin được trở lại gia nhập giáo hội. Cyprian, một tân tòng, được chọn làm giám mục Carthage năm 249, và là một nhà lãnh đạo xuất sắc. Cyprian để lại những tác phẩm nói một cách chi tiết những điều cần thiết cho một giám mục hay linh mục coi sóc cộng đoàn.

Những đòi hỏi như (a) giám mục đó được kêu gọi để phục vụ suốt đời, (b) một cộng đoàn (hay giáo xứ) có thể có một vị chủ chăn suốt đời; (c) nếu là linh mục, người đó phải được giáo dân chấp nhận và được giám mục chấp nhận; nếu là giám mục thì phải được giáo dân chấp nhận và các giám mục lân cận chuẩn nhận, (d) công việc quản trị cộng đoàn còn liên quan đến tài chánh….

Người lãnh đạo cộng đoàn cũng đóng vai trò quan án xét xử những ai vi phạm luật luân lý và tín lý của giáo hội, và hình thức thưởng phạt tùy theo từng trường hợp.

Vị lãnh đạo cộng đoàn cũng là người ban phát các bí tích, chủ tế Thánh Lễ, và nhất là ban ơn tha tội (vì trong hoàn cảnh nhiều người chối bỏ đức tin và nay hối lỗi quay về).

Trách nhiệm chăm sóc cho người nghèo được coi là trọng yếu. Cyprian kết luận rằng vai trò lãnh đạo cộng đoàn trên hết và trước hết là bảo tồn sự đoàn kết của giáo dân trong giáo hội.

Cyprian cũng ghi rõ là tất cả mọi người làm việc mục vụ trong cộng đoàn đều dưới quyền của giám mục.[16]

Âu Châu Thời Trung Cổ

Sau khi vua Charlemangne chết năm 816, Âu châu chia rẽ, và Hồi giáo là mối đe doạ lớn. Trong giáo hội có nhiều mâu thuẩn nội bộ, nhất là việc tham quyền chính trị trong hoạt động xã hội (giáo hoàng và giám mục đóng vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm người lãnh đạo cộng đoàn). Một số những nhà lãnh đạo chính trị bất mãn với những can thiệp này của giáo hội, nên thay vì chấp nhận sự bổ nhiệm từ phía giáo hội, họ thuê một số những linh mục coi sóc đời sống tinh thần cho dân của họ (thường là trong những vùng hay làng mạc lớn địa phương chứ không có tính cách quốc gia). Công việc chính của các linh mục là dâng Thánh Lễ và ban các bí tích. Phần lớn những linh mục này không được đào tạo kỹ càng, và kém học thức (và cũng nên biết là thời đó chưa có hệ thống đào tạo như Chủng viện hiện nay).

Đầu thế kỷ 11, đức giáo hoàng Gregory Cả viết Regulae Pastoralis Liber (năm 1051) nhắc đến yêu cầu cần thiết trong việc lo lắng mục vụ cho giáo dân. Mô thức đào tạo linh mục được nhắc đến như một người cha trong gia đình theo kiểu mẫu thánh Cyprian. Công việc dạy giáo lý được nhấn mạnh, nhưng nội dung thường là nói đến phương thức làm thế nào để chống trả với ma qủi, xác thịt, thế gian…. Đây là cuốn kim chỉ nam cho mọi linh mục trong giáo hội thời đó.

Âu Châu từ thế kỷ 14

Sau khi nạn Dịch Đen (1348-50) làm chết gần một nửa dân số Âu Châu, con người chứng kiến cái chết thường xuyên và liên tục, họ bám víu vào đức tin nhiều hơn, và họ chạy đến với các linh mục nhiều hơn để xin dâng lễ cầu nguyện cho thân nhân.

Các linh mục trở nên nguồn an ủi cho gia đình có người chết, giúp chôn cất, và thường xuyên dâng lễ cầu nguyện cho những người đã chết. Ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn trở thành một đại lễ vì mọi Kitô hữu đều chia sẻ tầm quan trọng của ngày lễ này. Bên cạnh đó nội dung những bài giảng được các linh mục xoay quanh chủ đề bốn điều cơ bản của ngày sau hết: sự chết – phán xét – thiên đàng- hoả ngục.

Với nhu cầu mục vụ này, nhiều linh mục đã lạm dụng quyền năng cử hành bí tích thánh thể để làm phương tiện kinh doanh. Tệ nạn này phát triển và kéo dài cho đến thời kỳ Cải Cách Tin Lành lên tiếng chống đối (thể kỷ 16) mới có nhiều sửa đổi đáng kể.

Sau công đồng Trent (1545-1563), những linh mục ở các giáo xứ được nhắc nhở phải thay đổi đời sống tâm linh để sống thánh thiện hơn, được khuyến khích nên mặc tu phục, được nhắc nhở lo dạy giáo lý và chuẩn bị hôn phối cho giáo dân, và linh mục phải cố gắng học hỏi thêm về thần học để bênh vực cho giáo hội khi cần thiết.

Công đồng Trent cũng khuyến khích các linh mục giảng cho giáo dân trong các ngày Chúa nhật và lễ trọng,[17] thêm những giờ chầu thánh thể, thiết lập những hội đoàn với lòng sùng kính Mẹ Maria hay các thánh, và buộc các linh mục sống trong phạm vi giáo xứ. Khi giáo xứ vắng cha xứ, công đồng đòi hỏi giám mục tìm cách bổ nhiệm linh mục xứng đáng sớm hết sức có thể.

Sau công đồng Trent, cải cách Chủng Viện đã giúp thi hành những ước nguyện này của công đồng, và đào tạo những linh mục đáp ứng những nhu cầu mục vụ nói trên.[18]

Công Đồng Vatican II

Công đồng Vatican II hoàn thiện vai trò linh mục trong giáo xứ qua những giáo huấn của Trent và các giáo hoàng kế vị. Vì công đồng Vatican II được coi là “công đồng của các giám mục” nên không có những thay đổi đáng kể trong chức năng linh mục. Thay đổi quan trọng được công đồng nhấn mạnh là các linh mục trong giáo xứ phải biết cộng tác với người khác trong việc điều hành hơn là theo chủ nghĩa “độc đoán”. Ngày nay bên cạnh các linh mục có nhiều hội đoàn hay ủy ban giúp để giải quyết nhu cầu mục vụ giáo xứ như dạy giáo lý, giúp người nghèo, người bệnh tật, phụng vụ, gây qũy, xây dựng…

Giáo luật vẫn qui định là tất cả những người này vẫn là cộng sự viên của linh mục, nghĩa là linh mục vẫn luôn đóng vai trò lãnh đạo trong mọi quyết định.

Kết Luận

Linh mục là điều cần thiết để bảo vệ sự trung gian đặc biệt của Chúa Kitô với nhân loại, và làm sống động sự hiện diện của Chúa Kitô trong giáo hội (cộng đoàn), theo Yves Congar.[19]

Là một mục tử theo gương Mục Tử Giêsu, linh mục có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ sự hợp nhất của cộng đoàn (giáo xứ) như một dấu hiệu tiên báo triều đại Thiên Chúa. “Linh mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng là lợi ích của Chúa Giêsu Kitô” (Presbyterorum ordinis, 9). Nghĩa là, “đến không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến thân cho nhiều người” (Mt 20:28).

Vì Chúa Giêsu là gương mẫu cho mọi linh mục hoạt động trong giáo xứ, nên khi gặp khủng hoảng hay thất bại, hình ảnh Chúa Giêsu bị bỏ rơi hay bị phản bội bởi các thành viên trong cộng đoàn Ngài xây dựng cũng an ủi và dạy cho các linh mục bài học trung thành với sứ mạng được giao phó: “Lạy cha, con đến để thi hành thánh ý Cha” (Heb 10:9).

-------------------------------------------
[1] Tôi muốn nói đến chức năng linh mục phục trong giáo xứ chứ không phải chức Chánh Xứ (hay Cha Sở), vì Chánh Xứ là một chức năng riêng biệt với những điều kiện, quyền hạn và khả năng qui định riêng theo giáo luật. Nếu về mặt bí tích, mọi linh mục đều cùng chia sẻ ngang hàng bí tích truyền chức thánh, thì về pháp lý, chức vụ Chánh Xứ là một đặc quyền được giám mục giao phó cho linh mục cai quản giáo xứ về mặt hành chánh. Vì thế, không phải các linh mục đều làm chánh xứ, cho dù mọi linh mục đều có trách nhiệm đến đời sống tinh thần của con chiên trong giáo xứ. Nói đến Chánh Xứ, giáo luật số 519: “cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của giám mục giáo phận, vì được gọi thông phần với giám mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo qui tắc luật định.”
[2] Giáo lý Công Giáo số 1562.
[3] Xem Giáo Lý Công Giáo số 1557, 1562, và Lumen Gentium 21.
[4] Walter Kasper, Leadership in the Church, trans. Brian McNeil (New York: Crossroad 2003) 65-66.
[5] Xem Yves Congar, L’ecclésiologie du haut Moyen-Age (Paris: Cerf 1968) 87-88.
[6] Henri de Lubac, Corpus Mysticum (Paris: Aubier 1949) 104. Gần đây nhất là tông thư John Paul II, Ecclesia de Eucharistia (Rome: Vatican Press 2003) no. 21.
[7] Walter Kasper, Leadership in the Church, 73.
[8] Karl Rahner, “The Theology of the Parish” in the Parish from Theology to Practice, ed., Hugo Rahner (Westminster, MD., Newman Press, 1958), 23-35.
[9] K. Rahner, “Theology of the Parish”, 26.
[10] Edward Schillebeeckx, Ministry: Leadership in the Community of Jesus Christ (New York: Crossroad, 1981), 38.
[11] Xem Epistolae, 146,1.
[12] Bài giảng II. 1 trong 1 Tim 3:8.
[13] Xem Sentenciarum IV 24:14).
[14] Xem Sentenciarum IV a. 39.
[15] Xem Lumen Gentium, 21.
[16] Thánh Cyprian để lại chừng 82 tác phẩm dạng Thư hay Văn Kiện trong đó người ta biết chắc Ngài viết chừng hơn 60 Thư. Những nhắn nhủ về vai trò lãnh đạo cộng đoàn có thể tìm thấy phần lớn trong De unitate ecclesiae.
[17] Với công đồng Vatican II, đây là điều bắt buộc. Xem Hướng Dẫn Inter Oecumenici, nhắc lại Hiến Chế Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, 26 September 1964, no. 53: AAS 56 (1964), p. 890.
[18] Sau công đồng Trent, thánh Charles Borromeo mở 3 chủng viện ở Milan (1564-65), giáo hội Đức mở 3 chủng viện ở Eichstadt (1564), Münster (1610), và Prague (1631). Thánh Vincent de Paul và cha Olier mở 2 chủng viện ở Paris (1642) và giúp lập thêm những chủng viện trong vùng lân cận Paris. Sau đó, các vùng truyền giáo Mỹ Châu (Canada và Mỹ) cũng có những chủng viện được thành lập cuối thế kỷ 18.
[19] Yves Congar, Sainte Église (Paris: Cerf 1963) 218-19.

Top