Linh mục và chính trị
Một trong những đặc tính quan trọng của sứ mạng Chúa Kitô và chức linh mục của Người là không dấn mình vào chuyện chính trị. Hầu hết người Do thái lúc bấy giờ đều mong chờ một đấng Mêsia không những có quyền năng tôn giáo mà cả quyền lực chính trị nữa, nghĩa là một đấng Mêsia sẽ giành lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc. Nhưng Đức Giêsu rất cẩn trọng về vấn đề này. Trong trình thuật về những cơn cám dỗ trong hoang địa, viễn tượng về việc nắm lấy chủ quyền chính trị đã được trình bày như một cơn cám dỗ và Người đã kiên quyết cự tuyệt (x. Mt 4,8; Lc 4,5).
Trong khi người ta gọi Đức Giêsu là “con Vua Đavít” thì bản thân Đức Giêsu lại nói về mình là “Con Người”. Danh hiệu này cho thấy Người không chấp nhận bó mình vào trong một quan điểm và hành động chính trị đặc thù nào, nhưng vươn đến tầm phổ quát của toàn thể nhân loại. Người không chấp nhận đặt mình trong thế đối kháng giữa dân Do thái và các dân tộc khác. Người cũng không nghĩ đến việc thiết lập một đảng phái để phát huy sứ điệp và kế hoạch giải phóng của mình. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng lúc bấy giờ, đất nước Do thái đang bị ngoại bang chiếm đóng. Khi bị thúc bách phải chống lại thế lực của ngoại bang đang chiếm đóng đất nước, Người trả lời: “Của Cesar, hãy trả cho Cesar. Của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Câu trả lời này cho thấy nền tảng của thái độ và chọn lựa nơi Đức Giêsu. Người muốn thiết lập vương quốc của Thiên Chúa, và vương quốc ấy “không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Vương quốc ấy vượt lên trên mọi thể chế chính trị.
Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ cũng là để phục vụ vương quốc của Thiên Chúa. Cho đến ngày Người lên trời, các môn đệ vẫn hỏi: “Thưa Thầy, phải chăng đã đến lúc Thầy khôi phục Israel?” (Cv 1,6). Một câu hỏi chứng tỏ các môn đệ vẫn bám vào niềm hi vọng mang nặng mầu sắc chính trị. Cứ như thánh Luca kể lại, suốt 40 ngày, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ về vương quốc của Thiên Chúa (Cv 1,3), thế nhưng các ông vẫn không hiểu. Trong câu trả lời của mình, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải làm chứng cho Người nhằm phục vụ vương quốc phổ quát của Thiên Chúa.
Những người có trách nhiệm mục tử phải noi gương Đức Giêsu, không kiếm tìm mục tiêu chính trị nào cả. Dấn mình vào chính trị là quay trở lại với thứ vương quốc trần thế mà người Do thái lúc đó từng mong mỏi. Do đó phải nói rằng khước từ những dấn thân chính trị cụ thể là một khía cạnh mới mẻ của chức linh mục Tân Ước. Không giống những tư tế trong Cựu Ước, các linh mục Tân Ước không đảm đương những nhiệm vụ và quyền hành trong cơ cấu dân sự. Đúng là đức ái cần được thể hiện ngay trong lãnh vực chính trị và xã hội. Tuy nhiên, thông thường là các Kitô hữu giáo dân phải đảm nhận những nhiệm vụ về chính trị và xã hội. Nếu các linh mục lại đảm nhận những nhiệm vụ đó, thì hoá ra Giáo Hội lại cổ võ chủ trương duy giáo sĩ, điều mà không ai chấp nhận hay sao?
Trong thực tế, dấn mình vào chính trị vẫn luôn là cơn cám dỗ đối với linh mục, và điều này có thể phát xuất từ những động lực cao thượng chứ không chỉ là sự ham muốn quyền lực. Biết bao nhu cầu của người dân cần được đáp trả, biết bao đau thương cần được chữa lành, biết bao thiếu sót của nhà cầm quyền khiến người dân phải thiệt thòi! Và xem ra phải dấn mình vào lãnh vực chính trị mới có thể đem lại những kết quả cụ thể và hữu hiệu. Thế nhưng nếu dấn mình vào chuyện chính trị, linh mục có nguy cơ đánh mất ý nghĩa và nội dung đích thực của sứ mạng linh mục. Làm sao có thể đồng hoá Tin Mừng Đức Giêsu Kitô với một thể chế chính trị? Ràng buộc mình vào một đảng phái chính trị là tự mình đánh mất sứ mạng phổ quát của Tin Mừng, gây thù oán và hiềm khích với những người không cùng lập trường chính trị, không những cho bản thân mà còn cho cả Giáo Hội mà mình là đại diện. Đó là chưa kể đến nguy cơ càng dấn sâu vào chính trị, vòng cương toả của những phù phép chính trị càng xiết lại, và linh mục sẽ không còn là chính mình.
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1971 đã bàn về thái độ của các linh mục đối với chính trị. Các nghị phụ đã khẳng định rằng các linh mục cũng như toàn thể Giáo Hội có bổn phận bảo vệ những quyền căn bản của con người, phát triển con người, xây dựng công lý và hoà bình. Còn về những chọn lựa chính trị, các linh mục cũng có quyền như các công dân khác. Tuy nhiên phải rất cẩn trọng, đừng đồng hoá bất cứ chọn lựa chính trị nào với Tin Mừng và “phải giữ khoảng cách nào đó với bất cứ công việc hay hoạt động chính trị nào”. Đừng để những quan điểm chính trị của mình gây chia rẽ trong cộng đoàn vì linh mục là người được kêu gọi để phục vụ sự hiệp nhất. Cách riêng, khi bàn đến việc đảm nhận những nhiệm vụ chính trị, các nghị phụ nhấn mạnh: “Linh mục không được phép lãnh đạo hoặc hăng say hoạt động cho bất cứ đảng phái chính trị nào, ngoại trừ trong những trường hợp cụ thể và ngoại thường, khi công việc này thực sự vì lợi ích của cộng đoàn và có sự chấp thuận của giám mục sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng linh mục, và nếu cần, phải tham khảo ý kiến của Hội đồng giám mục”.
Jean Galot, Theology of the Priesthood,
Ignatius, San Francisco 1985, 227-22
HTT chuyển ý
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Những bước chân -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay