Linh mục Timothy Radcliffe: Sống tình bạn với Chúa Kitô
WHĐ - Timothy Radcliffe sinh năm 1945 và vào dòng Đaminh năm 1965. Học thần học tại Oxford và Paris, sau đó dạy thần học ở Oxford. Năm 1992, ngài được chọn làm Tổng quyền dòng Đaminh. Ngài đã xuất bản cuốn Sing a New Song năm 1999, và cuốn Je vous appelle amis năm 2000. Cuốn sách này đã đem lại cho ngài giải thưởng Sách tôn giáo của Pháp năm 2001. Nhân Năm Linh mục, WHĐ xin giới thiệu với bạn đọc những chia sẻ của cha Timothy về ơn gọi của ngài cũng như những suy tư về đời tu.
Cha đã chuyển từ niềm tin thơ ấu đến niềm tin trưởng thành như thế nào?
Khi còn đi học, tôi say mê vẻ đẹp của phụng vụ. Chắc chắn tôi không phải là người trẻ đạo đức và gương mẫu. Tôi là đứa thích trèo tường ra ngoài để đến mấy quán bar uống rượu và hút thuốc. Tôi gần như bị đuổi khỏi trường vì bị bắt quả tang đang đọc cuốn Lady Chatterley’s Lover trong giờ chầu phép lành! Tôi luôn tin vào Chúa, đó là một phần trong không khí tôi hít thở. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa cũng như tôi không nghi ngờ sự hiện hữu của những tàng cây và bóng mây. Thiên Chúa hiện hữu, đó là điều hiển nhiên, nhưng tôi không nghĩ nhiều đến tôn giáo.
Trước khi vào đại học, tôi muốn nghỉ một năm để có kinh nghiệm rộng rãi hơn. Rồi tôi tìm được việc làm tại một văn phòng ở London. Ở đó, lần đầu tiên trong đời, tôi kết thân với những người bạn ngoài Công giáo. Họ đặt cho tôi những câu hỏi hóc búa về đức tin của tôi, hoặc hỏi tôi tại sao lại tin vào những chuyện như thế. Đó là thời điểm chuyển tiếp thực sự trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi phải đối diện với những câu hỏi: Niềm tin của tôi có phải là niềm tin đích thực? Nếu đích thực thì niềm tin ấy phải là điều quan trọng nhất trong đời tôi. Nếu không, có lẽ tôi phải dứt khoát bỏ đi. Cho nên chính sự kiện được lớn lên trong một môi trường Công giáo thuần túy rồi sau đó gặp gỡ những người ngoài Công giáo đã khiến tôi bị sốc, nhưng chính điều đó hướng tôi đến niềm tin trưởng thành.
Thế rồi cha nhận ra rằng cha thực sự tin?
Không những tin mà đức tin ấy còn trở thành tâm điểm của đời tôi. Và chính lúc đó tôi bắt đầu nghĩ đến các tu sĩ dòng Đaminh. Thật ra, tất cả những gì tôi biết chỉ là có một dòng tu có châm ngôn là Veritas (Sự Thật), nhưng tôi không nhớ là dòng nào. Tôi điện thoại cho một người bạn tu dòng Biển Đức và anh ấy cho tôi biết đó là dòng nào và làm sao để liên lạc với nhà dòng. Tôi xin cái hẹn với Cha Giám tỉnh. Trong vòng 5 phút gặp gỡ tu sĩ Đaminh đầu tiên trong đời, tôi nói với ngài là tôi muốn vào gia nhập hội dòng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó rất lạ lùng vì Cha Giám tỉnh chỉ muốn nói chuyện về bóng đá, mà tôi lại không quan tâm đến bóng đá chút nào, chỉ mong nói chuyện thần học thôi. Tôi đã đến thăm nhà tập ở Woodchester, và tôi đã có ấn tượng sâu sắc về nơi đó. Tôi hết sức ngạc nhiên vì lối sống giản dị. Ngôi nhà rất tiều tụy, nấm mọc cả trên trần nhà khách. Điều kế tiếp làm tôi ngỡ ngàng là sự say mê của các tu sĩ trong những cuộc tranh luận về mọi thứ, từ chủ nghĩa cộng sản đến các bí tích. Chẳng hạn tôi nhớ một tu sĩ đã giải thích về việc đời sống bí tích của Giáo Hội đã thấm nhập mọi khía cạnh của sự sống thân xác như thế nào; bí tích chúc lành sự sinh ra, sự chết, việc ăn uống và cả tính dục của chúng ta. Trước đó, chưa bao giờ có ai nói với tôi về tôn giáo theo kiểu đó, và tôi bị thu hút về điều đó. Khi rời nhà dòng vào cuối cuộc viếng thăm, tôi đã xin gia nhập nhà dòng. Tôi đã hỏi cha giám tập là tôi nên đọc sách gì để chuẩn bị trước. Tôi cứ tưởng là sẽ được giới thiệu những tác phẩm đạo đức về thần học. Nhưng ngài gợi ý tôi nên đọc cuốn Đối Thoại của Plato! Thật ra, tác phẩm ấy đã là sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc cho đi và đón nhận trong đời tu. Thế là trong những tuần kế tiếp, ngồi trên xe lửa lúc đi làm thì tôi đọc Tân Ước, còn lúc về thì đọc Plato.
Trước tuổi 19, cha chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ làm một linh mục hay tu sĩ sao?
Chưa bao giờ. Không phải vì các linh mục và tu sĩ là cái gì đó xa lạ với tôi. Tôi rất gần gũi với các tu sĩ dòng Biển Đức. Tôi không nhìn các ngài như những sinh vật lạ lùng từ những hành tinh khác, nhưng nhìn họ như những con người bình thường, là bạn bè của tôi, là bà con của tôi. Thế nhưng chưa bao giờ tôi có ý tưởng trở thành tu sĩ.
Vậy các thầy giáo là tu sĩ dòng Biển Đức chẳng hạn, chưa bao giờ gợi ý về điều đó sao?
Không. Có lẽ vì các ngài thấy tôi sống vô kỷ luật…
Khi còn trẻ, cha thích sẽ làm công việc gì?
Rất lạ là tôi không hề nghĩ đến việc trong tương lai sẽ làm gì để kiếm sống. Thế nhưng tôi nhớ là lúc lên 10, có lần tôi nghe buổi nói chuyện về việc phải trồng rừng để ngăn chặn sự xâm lấn của sa mạc Sahara. Tôi cho đó là điều tuyệt vời và trong một thời gian, tôi ước mong là khi lớn lên sẽ làm nghề trồng rừng. Sau này tôi lại bị thu hút về ngành in và đã từng ăn trưa với Rupert Hart Davies để thảo luận về chuyện đó. Thành ra tôi bị lôi kéo bởi cả hai ước muốn: một đàng là trồng cây để ngăn chặn sa mạc hoá, đàng khác là chặt cây để làm sách.
Khi cha có quyết định khá bất ngờ là đi tu, cha có cảm thấy tiếng Chúa gọi?
Tôi không muốn trình bày theo kiểu đó. Sâu xa trong tâm hồn, tôi tin vào ý tưởng ‘ơn gọi’. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều được Chúa gọi. Thế nhưng tiếng gọi đó không nhắm đến chuyện để làm một việc gì cho bằng nhắm đến hiện hữu của ta. Bạn có thể thấy trong Thánh Kinh, chủ đề tạo dựng và chủ đề ơn gọi gắn kết với nhau rất mật thiết. Sự vật hiện hữu vì chính Thiên Chúa đã kêu gọi: “Chúa gọi tôi từ trong lòng mẹ, Ngài đặt tên cho tôi từ trong lòng thân mẫu” (Isaia 49,1). Chúng ta được gọi để vươn tới sự sống sung mãn. Cho nên tôi tin vào ý tưởng ‘ơn kêu gọi’. Chúa gọi. Nhưng không giống như ta nghe tiếng chuông, nhấc điện thoại lên và nghe Chúa nói ở đầu dây bên kia, “Đến đây, Timothy”. Dứt khoát tiếng gọi này phải sâu xa hơn nhiều, nó nằm ở tận chiều sâu hiện hữu của ta. Thành ra tôi không nghe tiếng nói nào hết, cũng không cần nhủ tâm, ‘Đây là công việc tôi thích làm’. Tôi khám phá ra rằng mình được gọi để sống như thế nào cho sung mãn hơn.
Những người thân của cha đã phản ứng ra sao?
Bạn bè tôi thực sự ngạc nhiên nhưng cha mẹ tôi thì không. Tôi nhớ rất rõ thời điểm tôi ngỏ ý với cha tôi. Tôi đứng trong phòng khách, ngay trước lò sưởi. Cha tôi đang đọc tờ Thời Báo Kinh Tế. Ông nói: “Dù xẩy ra chuyện gì đi nữa, dù con có bền chí hay không, cha mẹ luôn nâng đỡ con. Con hoàn toàn tự do để đi theo tiếng gọi đó và cũng hoàn toàn tự do từ bỏ. Chúng ta không nên coi đó là một thất bại”. Điều đó rất quan trọng: cha mẹ tôi để tôi tự do quyết định. Để tôi có chút ý niệm về những khó khăn trong đời tu, cha tôi gợi ý tôi nên nói chuyện với một người bạn của cha tôi, ông là một phóng viên nổi tiếng, đã thử vào chủng viện rồi sau đó rút lui.
Tôi nghĩ không có vấn đề gì đối với cha mẹ tôi khi tôi quyết định đi tu. Nhiều người bạn cũng như nhiều người bà con của tôi là tu sĩ. Bà ngoại tôi xuất thân từ một gia đình có 9 hay 10 người con thì đã có đến 7 người đi tu. Chỉ có điều họ thấy hơi lạ là tôi lại muốn đi tu dòng Đaminh.
Tại sao?
Ở bên Anh, người ta vẫn cho các tu sĩ Đaminh là những người thuộc cánh tả. Chẳng hạn, những quan điểm thần học của họ, rồi đối thoại với chủ nghĩa Marx. Trên báo chí, qua truyền hình, người ta thấy các tu sĩ Đaminh đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, chống kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, chống vũ khí hạt nhân. Cha mẹ tôi là những người bảo thủ nhưng không quá giáo điều: họ không bao giờ thích bà thủ tướng Thatcher, nhưng tôi nghĩ họ cũng không vui khi thấy con mình gia nhập một nhà dòng quá thiên tả.
Bản thân cha trước đó có biết đến khuynh hướng thiên tả của dòng Đaminh không?
Đó không phải là điều lôi kéo tôi. Điều lôi cuốn tôi là niềm say mê sự thật, sự nghèo khó, đời sống cầu nguyện và tình huynh đệ. Thế nhưng khi vào dòng, tôi bị sốc vì trong nhà tập, chỉ có mình tôi xuất thân từ một gia đình trưởng giả. Tôi bị chọc ghẹo hoài. Tôi cũng có cảm giác là mọi người cho rằng cả gia đình tôi là những kẻ bóc lột giới lao động, là những tên tư bản vô luân. Tôi rất đau đớn vì điều đó bởi lẽ tôi biết chắc những người trong gia đình tôi là người tốt, phải nói là thánh thiện nữa. Thành ra những tháng đầu tiên ở nhà dòng thật vất vả. Nhưng rồi anh em bắt đầu ngưng không phê phán nữa và quan điểm chính trị của tôi cũng bắt đầu thay đổi.
Cha bước vào đời tu vào giữa thập niên 1960. Như thế khi khấn hứa sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục là cha đã đi ngược lại trào lưu của thời đại, vốn chủ trương xã hội tiêu thụ, giải phóng tình dục và thay đổi tận gốc trong thái độ đối với quyền bính...
Đúng, đó là thời gian rất khó khăn cho Hội dòng. Nhiều tu sĩ bỏ nhà dòng. Đời sống tôn giáo truyền thống xem ra sụp đổ. Chúng tôi thực sự không biết tương lai sẽ ra sao, kể cả hỏi nhau xem liệu còn có tương lai không. May mắn là chúng tôi có những bề trên tuyệt vời. Chính các ngài cũng không thấy rõ tương lai nhưng các ngài đứng về phía người trẻ và tin tưởng chúng tôi. Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với cha Gervase Matthew, một tu sĩ Đaminh đã lớn tuổi và là một học giả nổi tiếng. Tôi nói với ngài, “Chắc cha buồn lắm khi thấy mọi chuyện diễn tiến như thế này”. Ngài bảo tôi, “Ô, thế kỷ 14 còn tệ hơn nũa”. Một tầm nhìn lịch sử có thể tương đối hoá nhiều thảm kịch. Đồng thời, chính thời đại mà đời sống tôn giáo truyền thống như bị tan rã lại thúc đẩy chúng tôi phải suy nghĩ sâu hơn về bản chất thiết yếu của ơn gọi Đaminh. Chúng tôi phải bắt đầu xây dựng lại lối sống Đaminh, khởi đi từ nền tảng, xét xem phải tiến hành những buổi họp cộng đoàn làm sao, phải cầu nguyện thế nào, lời khấn có ý nghĩa gì, nghiên cứu thần học để làm gì, phải giảng giải ra sao. Đó là thời gian đầy tính sáng tạo. Chúng tôi đã phạm nhiều lầm lỗi, và cuối cùng lại khám phá sự khôn ngoan hàm chứa trong những cái mà trước đây chúng tôi đã vứt bỏ, tức là sự khôn ngoan của truyền thống. Những năm tháng khó khăn đó lại là những năm tháng phong phú kể cả đôi khi thấy mơ hồ và đau đớn.
Theo cha, đức khiết tịnh có giá trị gì?
Trước hết, đức khiết tịnh ban tặng cho tôi sự tự do tuyệt vời theo đúng nghĩa đen của ngôn từ. Hiện nay, tôi phải dành phần lớn thời gian trong năm để đi thăm các tỉnh dòng thuộc Hội dòng. Tôi không thể đi như thế nếu có một gia đình. Tôi cũng cho rằng đức khiết tịnh làm chứng cho tình yêu sâu sắc là tình bạn: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình của người dám hiến mạng sống cho bạn hữu của mình”. Đó là tình bạn chúng tôi sống trong cũng như ngoài nhà dòng. Trong các sách Tin Mừng và trong Thánh Kinh, có hai loại tình yêu: tình yêu vợ chồng như được diễn tả trong sách Diễm Ca và thư Ephêsô, và tình yêu được gọi là tình bạn trong Tin Mừng Gioan. Nếu chúng ta phải làm chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu, thì chúng ta cần phải có trong Giáo Hội cả hai loại tình yêu đó. Chúng ta cần cả các cặp vợ chồng và các tu sĩ, cả hai đều làm chứng cho cùng một huyền nhiệm tình yêu nhưng bằng cách thế khác nhau.
Cha có phải trả giá đắt cho thứ tự do mà đức khiết tịnh mang lại không?
Tôi xác tín rằng khía cạnh khó khăn nhất của đức khiết tịnh không phải ở chỗ thiếu sinh hoạt tình dục nhưng ở chỗ thiếu sự thân mật, thân thiết, theo nghĩa bạn biết rằng bạn có tầm quan trọng duy nhất với một người nào đó và người đó cũng có tầm quan trọng như thế với bạn. Đã có một lúc trong đời sống, khi tôi khoảng 30, tôi cảm nhận điều đó thật đau đớn. Tôi nhớ rõ là mình đã mơ có một ngôi nhà, có con cái, mong ước có được sự thân mật ấy… Nhưng trong đời tu, tôi cũng tìm được niềm vui, hạnh phúc, tình bạn, tiếng cười rạng rỡ, sự hồn nhiên và một lối sống yêu thương rất đặc biệt. Tôi nghĩ ơn gọi này mời chúng tôi vào sa mạc. Vấn đề là chúng tôi có dám đi sâu vào sa mạc không, vì Thánh Kinh nói, chính trong sa mạc, Thiên Chúa sẽ thủ thỉ với lòng ta. Nếu ơn gọi của bạn thực sự là đi sâu vào sa mạc, bạn sẽ gặp được ở đó hạnh phúc thật, hạnh phúc ở chiều sâu.
Cha nói rằng nhiều người đã bỏ nhà dòng ra đi. Vậy cha giải thích xem tại sao cha ở lại?
Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng đây là ơn gọi của tôi. Điều nâng đỡ tôi là tôi cảm thấy say mê việc học hỏi, nghiên cứu. Tôi khám phá ra rằng mình hết sức say mê việc học hỏi Lời Chúa. Chúng ta phải có đam mê. Không ai có thể sống thực sự mà không có đam mê. Thêm vào đó là tình bạn giữa anh em với nhau, tôi nghĩ đó là điều giúp tôi tồn tại và còn hơn là tồn tại. Tôi biết mình sẽ không hạnh phúc hơn nếu đi theo con đường khác.
Timothy Radcliffe, O.P. I Call You Friends, Ed. Continuum 2003, 13-23
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Những bước chân -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay