Linh mục quá bận, 'không có giờ' cầu nguyện

Linh mục quá bận, 'không có giờ' cầu nguyện

1. Linh mục Lutherô

Trong lịch sử Hội Thánh Công giáo có vị linh mục danh tiếng tên là Lutherô, thuộc dòng thánh Augustinô tại nước Đức. Mới 35 tuổi đã làm tới chức Bề trên Giám tỉnh. Nhưng Giám tỉnh ấy lại quá bận rộn với công việc. Ông nói:
 
   - Tôi quá bận: nào phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh Nhật tụng, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng lễ, không có giờ cám ơn Chúa. Có lúc tôi phải bỏ luôn cả làm lễ...
 
Kết quả là vị linh mục thông thái này đã đâm kiêu ngạo, chống đối Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, chủ trương lạc thuyết, ly khai khỏi Hội Thánh, ra khỏi Dòng, lấy vợ là một nữ tu dòng Xitô theo bè của ông, và lôi kéo không biết bao nhiêu kẻ theo mình, làm cho Hội Thánh phải bị tổn hại thật nặng nề.
 
Ngay từ năm 1525 Lutherô đã nhận ra một cách chua cay, ông nói: "Không một ai trong giáo dân của chúng ta lại không có đời sống xấu xa hơn trước".
Melanthon, môn đệ của Lutherô cũng rầu rĩ than rằng: "Hãy nhìn cái xã hội Tin lành: biết bao người ngoại tình, say sưa, du đãng, biết bao cảnh xấu xa ghê tởm. Hãy xem các gia đình, họ có sống trinh khiết hơn những người bị coi là kẻ ngoại không?"
 
Sau đó ông kết luận: "Tất cả dòng sông Elbe cũng không đủ nước để than khóc những tai ương do cuộc Cải cách (Tin lành) gây ra". (Lm Bùi Đức Sinh, OP, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Chân Lý xuất bản, Sài gòn 1972, Phần nhì, trang 29).
 
Trong mấy năm cuối cùng, Lutherô buồn rầu nhìn vào tình trạng Giáo hội Cải cách của ông, lại thêm nhiều bệnh tật, ông trở nên khó tính. Dầu vậy, trước khi chết, dù không nói được (cấm khẩu), Lutherô vẫn cố viết lên tường những lời nguyền rủa Đức Giáo Hoàng:
   "Hỡi Giáo Hoàng, khi sống ta đã là ôn dịch cho ngươi, khi chết ta sẽ là tử hình cho ngươi" (Sách trên trang 30).
 
2. Linh mục Lamenais
 
Lamenais người Pháp. Là một linh mục nổi tiếng, đồng thời là một văn hào danh tiếng lẫy lừng.
 
Ông cũng cùng lối sống như Lutherô, suốt ngày lo lắng nhiều việc, bỏ bê giờ cầu nguyện, chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Nên hồi kết thúc cũng không hơn gì Lutherô: kiêu căng, bất tuân phục cấp trên, kéo khốn nạn xuống bản thân mình cùng kéo nhiều người khác nữa. (HY Nguyễn Văn Thuận- Những người Lữ hành trên đường hy vọng).
 
3. Tâm sự một linh mục ham danh giá, viết sách, bỏ cầu nguyện, xuất tu
 
Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, số tháng 10 năm 2000 có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh cáo cho tất cả chúng ta nếu chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hàng ngày.
"Không có gì tách tôi ra khỏi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi thâm tín rằng dù sống hay dù chết, dù tù đầy bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô".
 
Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đầy, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này! Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công Giáo, tôi kiện họ lên tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à?
Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là "bứng" tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.
 
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay "Tiếng thở dài" (The Sigh). Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết: họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa "Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa.Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì?"
 
Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hàng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần.
 
Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên.
 
Chuyện gì đến thì cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt.
 
Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa Kitô không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé đã giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Chẳng vậy, mà trong Phúc Âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này "Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện".
 
- Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì? mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh?
 
- Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao?
 
- Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các thánh mà chúng ta sẽ long trọng mừng vào ngày 1/11 sắp tới. Chính sự cầu nguyện đã giúp các ngài nên thánh.
 
Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong cuốn "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng":
 
  "Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí 'dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa' (1 Cr 2,10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình Yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy, và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng."
 
Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi linh mục trong tôi.
 
Lời Chúa:
Ga 15,5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
Ga 15,6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
 

 

Top