Linh đạo thánh Petrus Canisius
Đức tin được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và một cuộc sống luân lý trung thực. Sứ vụ tông đồ chỉ định đoạt và đem lại hoa trái cứu độ nơi các con tim, nếu người rao giảng là chứng nhân của Chúa Giêsu, biết để cho Chúa sử dụng và kết hiệp mật thiết với Chúa bởi niềm tin nơi Tin Mừng và nơi Giáo hội Người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với hơn 7.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại đại thính đường Phaolo VI sáng thứ Tư 9-2-2011. Trong số các nhóm tham dự cũng có 40 nữ tu dòng Đức Bà đang nhóm họp tại Roma, trong đó có 5 đại biểu của Tỉnh Dòng Việt Nam.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh Petrus Canisius, người Hòa Lan, dòng Tên, sống hồi thế kỷ XVI. Đức Thánh Cha phác họa vài nét tiểu sử của thánh nhân như sau:
Thánh nhân sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm 1521 tại Nimega bên Hòa Lan. Thân phụ là thị trưởng thánh phố. Khi theo học tại đại học Koeln bên Đức Canisius lui tới với các đan sĩ Xitô Santa Barbara, một trung tâm tràn đầy sức sống Công giáo và các người đạo đức vun trồng nền tu đức tân tiến. Ngày mùng 8 tháng 5 năm 1543 anh gia nhập dòng Tên tại Mainz, sau khi tham dự một cuộc tĩnh tâm do chân phước Pierre Favre, một trong các bạn đầu tiên theo thánh Iganzio thành Loyola, giảng thuyết. Thụ phong Linh Mục năm 1546 tại Koeln, năm sau cha Canisius trở thành thần học gia của Đức Hồng y Otto Truchsess thành Walburg, Giám mục giáo phận Augusta, rồi hiện diện trong Công Đồng Chung Trento và cộng tác với hai tu sĩ cùng dòng là Diego Lainez và Alfonso Salmerón.
Năm 1548 thánh Ignazio gửi cha Canisius về Roma để bổ túc việc đào tạo tinh thần rồi về trường Messina làm các công việc phục vụ khiêm tốn trong nhà. Sau khi đậu bằng tiến sĩ năm 1549 thánh Ignazio gửi cha sang Đức làm việc tông đồ. Ngày mùng 2 tháng 9 năm đó cha Canisius viếng thăm Đức Giáo Hoàng Paolo III tại Castel Gandolfo, rồi đến cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô, xin hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trợ lực người trong sứ mệnh vừa nhận lãnh.
Chúng ta đang ở trong thời Cải Cách Luther, trong đó đức tin Công giáo xem ra tắt lịm trước sức thu hút của phong trào Cải Cách tại các nước nói tiếng Đức. Canh tân và hồi sinh đức tin Công giáo tại các nước này xem ra là điều không thể làm được. Chỉ có sức mạnh của lời cầu nguyện, của tình bạn sâu đậm với Chúa Giêsu Kitô trong Thân Mình Người là Giáo hội, được dưỡng nuôi bằng bí tích Thánh Thể nơi Người thực sự hiện diện, mới giúp thành công mà thôi.
Cha Canisius sang Đức và làm việc trong vùng đất của Quậm Công Bavière. Trước hết như là phân khoa trưởng, rồi Viện trưởng Đại học Ingolstadt, người chăm lo cho cuộc sống đại học và cuộc canh cải tôn giáo và luân lý của dân chúng. Tại Vienne, trong một thời gian ngắn, người làm quản lý giáo phận và làm việc mục vụ trong các nhà thương và nhà tù, cũng như trong thành phố và vùng quê, đồng thời chuẩn bị phát hành sách Giáo Lý. Năm 1556 cha thành lập trường Praha và cho tới năm 1569 là bề trên đầu tiên của tỉnh dòng Dức. Cha thành lập cả một mạng liên lạc của dòng trong các nước nói tiếng Đức, đặc biệt giữa các trường của dòng, là các trung tâm của cuộc cải cách và canh tân đức tin Công giáo. Vào thời đó thánh nhân cũng tham dự cuộc đối thoại tại Worms với các vị lãnh đạo tin lành trong đó có Filippo Melantone (1557), và làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Lan (1558) tham dự vào hai hội nghị tại Augusta (1559 và 1565), tháp tùng Đức Hồng y Stanislao Hozjusz, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Pio IV gặp hoàng đế Ferdinando (1560), phát biểu trong khóa họp cuối cùng của Công Đồng Chung Trento và trình bầy về vấn đề Rước lễ hai hình và danh sách cấm thư (1562).
Năm 1580 thánh Canisius rút lui về Fribourg bên Thụy Sĩ, dồn toàn lực cho việc rao giảng và sáng tác, rồi qua đời tại đây ngày 21 tháng 12 năm 1597. Người được Đức Giáo Hoáng Pio IX phong chân phước năm 1864; năm 1897 được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố là vị Bổn Mạng thứ hai của nước Đức; và năm 1925 được Đức Giáo Hoàng Pio XI phong hiển thánh.
Thánh Canisius đã tiếp xúc với rất nhiều nhân vật quan trọng thời đó và các tác phẩm của người có ảnh hưởng rất lớn. Thánh nhân đã là người xuất bản mọi tác phẩm của thánh Cirillo thành Alessandria và thánh Leo Cả, các thư của thánh Girolamo và các lời cầu của thánh Nicola thành Flue. Người cũng cho xuất bản nhiều sách đạo đức trong các thứ tiếng khác nhau, tiểu sử các thánh Thụy sĩ và nhiều bài giảng. Nhưng các tác phẩm phố biến sâu rộng nhất là 3 cuốn Giáo Lý người biên soạn giữa các năm 1555-1558. Cuốn đầu dành cho các sinh viên giúp hiểu các ý niệm thần học căn bản; cuốn thứ hai dành cho giới trẻ con cái các gia đình thường dân; cuốn thứ ba dành cho các học sinh trung học và cao học. Giáo lý Công giáo được trình bầy dưới dạng hỏi thưa rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ, không có sắc thái tranh luận. Ngay thời thánh nhân còn sống cuốn giáo lý này đã được in tới 200 lần, và được tái bản cho tới thế kỷ thứ XIX. Nó thực sự đã đào tạo đức tin cho con người trong bao thế kỷ.
Một trong các đặc thái của thánh Petrus Canisius là biết hòa điệu giữa sự trung thành với các nguyên tắc tín lý và sự tôn trọng đối với mọi người. Nền tu đức đặc thù của thánh nhân là tình bạn với Chúa Giêsu Kitô. Thánh nhân trông thấy Chúa trao cho người một cái áo có ba phần gọi là hòa bình, tình yêu và kiên trì. Với chiếc áo làm bằng hòa bình tình yêu và sự kiên tri đó thánh nhân đã canh tân Giáo hội Công giáo. Đức Thánh Cha nêu bật điểm này như sau:
Tình bạn này với Chúa Giêsu là trung tâm con người của thánh nhân, được dưỡng nuôi bởi tình yêu của Thánh Kinh, tình yêu của Bí Tích, tình yêu của các Giáo Phụ. Tình bạn ấy rõ ràng hiệp nhất với ý thức là người tiếp tục sứ mệnh của các Tông Đồ trong Giáo hội. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết rằng mỗi người rao truyền Tin Mừng đích thật đều luôn luôn là một dụng cụ hiệp với Chúa Giêsu và với Giáo hội Người và vì thế phong phú.
Thánh Canisius cũng liên lạc thân tình với hai nhà thần bí Xitô là Johan Lansperger, và Nicolas van Hesche. Tiếp đến thánh nhân đào sâu kinh nghiệm tình bạn này cùng sự chiêm niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu. Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa của thánh nhân đạt tột đỉnh với việc thánh hiến sứ vụ tông đồ tại đền thờ thánh Phêrô có nền tảng nơi đây.
Nền tu đức có Chúa Kitô là trung tâm đó đâm rễ sâu trong xác tín rằng không thể lo lắng cho sự hoàn thiện của chính mình, nếu không thực thi việc cầu nguyên và suy niệm mỗi ngày, giúp người tông đồ sống kết hiệp thân tình với Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh. Chính vì thế trong các sáng tác của mình thánh nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của phụng vụ với các lời chú giải Phúc Âm, các buổi lễ, nghi thức Thánh Lễ và việc cứ hành các Bí Tích khác. Đồng thời người cho tín hữu thấy vẻ đẹp của lời cầu nguyện cá nhân mỗi ngày bên cạnh các buổi cử hành công khai của Giáo hội.
Sự khuyến khích và phương pháp này vẫn có giá trị và được Công Đồng Chung Vaticăng II tái đề nghị với chúng ta. Đó là cuộc sống kitô không lớn lên, nếu không được dưỡng nuôi bằng việc tham dự việc cử hành Phụng Vụ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật và lời cầu nguyện cá nhân hằng ngày, việc tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Giữa hàng ngàn sinh hoạt và các kích thích bao quanh chúng ta, mỗi ngày cần phải tìm ra những lúc cầm trí trước mặt Chúa để lắng nghe Người và thưa chuyện với Người.
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau:
Gương sống của thánh Canisius luôn có gía trị thời sự. Người dậy cho chúng ta biết rằng sứ vụ tông đồ chỉ định đoạt và đem lại hoa trái cứu độ nơi các con tim, nếu người rao giảng là chứng nhân của Chúa Giêsu, biết để cho Chúa sử dụng và kết hiệp mật thiết với Chúa bởi niềm tin nơi Tin Mừng và nơi Giáo hội Người.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện trong dại thính đường Phaolô VI, trong đó có các Hồng y và Giám mục đang tham dự cuộc họp do phong trào Tổ Âm tổ chức tại Castel Gandofo. Nó là dịp giúp đối chiếu các kinh nghiệm của các Giáo hội khác nhau trên thế giới. Ngài cầu mong cho các ngày cầu nguyện và suy tư này đem lại nhiều hoa trái phong phú.
Nhắc tới thánh Girolamo Emiliani sáng lập dòng các cha Somaschi và thánh nữ Giuseppina Bakhita, người Phi châu, mà Giáo hội kính nhớ các ngày vừa qua, Đức Thánh Cha cầu mong gương can đảm của các vị giúp giới trẻ rộng mở trái tim cho sự thánh thiện trong cuộc sống thường ngày; trợ lực các người đau yếu kiên trì dâng lời cầu nguyện và khổ đau cho toàn Giáo hội; và ban cho các cặp vợ chồng mới cưới lòng can đảm biến gia đình trở thành cộng đoàn tình yêu in đậm dấu các giá trị kitô.
Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô