Lập trường của Đức Thượng phụ Giáo chủ Giêrusalem trước thông tin về cái chết của Bin Laden

Lập trường của Đức Thượng phụ Giáo chủ Giêrusalem trước thông tin về cái chết của Bin Laden

WHĐ (7.05.2011) – Thông tin về cái chết của Bin Laden, thủ lĩnh của Al Qaeda, được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chính thức loan báo cho nhân dân Mỹ và toàn thế giới biết vào ngày 1-5.

Lập tức, các nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt tại các nước được coi là “đối tượng” tấn công của Al Qaeda, đã nói lên quan điểm về cái chết của Bin Laden, người đã bị Hoa Kỳ truy lùng gần 10 năm nay, sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11-09-2001.

Tòa Thánh, qua cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí, đã bày tỏ lập trường rõ rệt của mình:

“Như đã biết, Osama Bin Laden được coi là phải chịu trách nhiệm về những hành vi nghiêm trọng đã gieo rắc sự chia rẽ, lòng thù hận giữa các dân tộc, và đã lôi kéo tôn giáo vào mục đích này.

Trước cái chết của một con người, người Kitô hữu không bao giờ mừng rỡ, nhưng coi đây là dịp suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người trước mặt Chúa và đối với mọi người, đồng thời nhận ra cần phải hành động, không phải để khơi dậy lòng hận thù, nhưng để thúc đẩy hòa bình”.

Ngoài ra, dư luận cũng muốn biết phản ứng của những người Công giáo tại Trung Đông, vốn gặp nhiều khó khăn trong những cuộc xung đột triền miên tại vùng đất này, trước cái chết của người được coi đã có “những hành vi nghiêm trọng gieo rắc sự chia rẽ, lòng thù hận giữa các dân tộc, và đã lôi kéo tôn giáo vào mục đích này”.

Phóng viên Christophe Lafontaine của LPJ, Trang tin điện tử của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, đã thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Thượng phụ Giáo chủ Fouad Twal của Tổng giáo phận Giêrusalem về phản ứng của ngài trước cái chết của Bin Laden nói riêng và tình hình hiện nay tại Israel cũng như tại lãnh thổ Palestin và thế giới Ả Rập nói chung.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

* * *

C. Lafontaine: Đức Giáo chủ nghĩ gì về sự kiện ngày 4-05, tại Cairo, các phe ở Palestine, nhất là Phong trào Fatah ở Bờ Tây và Tổ chức Hamas ở Gaza, đã ký kết Thỏa ước Hòa giải?

ĐTP Fouad Twal: Đó là một điều tốt đẹp. Thỏa thuận này đạt được giữa Fatah và Hamas kết thúc bốn năm chia rẽ vốn để lại nhiều hậu quả tai hại. Sự chia rẽ đã ngăn cản quá trình đàm phán hòa bình với Israel. Làm sao Israel có thể nói chuyện được với những người Palestine khi nội bộ của Palestine còn có sự bất đồng giữa các phe phái. Tôi hy vọng Hamas sẽ chấp nhận lập trường ôn hòa của Fatah vì lợi ích chung cũng như vì cuộc đối thoại với Israel. Thỏa ước đánh dấu một khởi đầu của tiến trình thống nhất, tất nhiên hằng ngày vẫn còn có những khó khăn trong các tiểu tiết.

Tôi đã gặp một phái đoàn Palestine vào thứ Tư vừa qua. Quốc vương Jordan đã hoan nghênh Thỏa ước và bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine. Trong lúc này, Vương quốc Hashemite tương đối ổn định trong thế giới Ả Rập.

– Thưa Đức Giáo chủ, phải chăng điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thành lập một nhà nước Palestine?

– Ông Mahmoud Abbas, người đứng đầu Phong trào Fatah, và ông Khaled Meshaal, lãnh đạo Bộ Chính trị của Tổ chức Hamas, hy vọng thành lập được Nhà nước Palestine như kết quả của hiệp ước hoà giải này và của sự hợp nhất. Dự đoán sẽ có một bước đột phá về mặt ngoại giao, là việc trình lên Liên Hợp quốc đề nghị công nhận Nhà nước Palestine vào tháng Chín tới đây.

Không nên cho rằng những diễn biến hiện nay trong thế giới Ả Rập, đặc biệt là ở Ai Cập và tình trạng bất ổn tại Syria đã tạo điều kiện cho sự thống nhất này.
Một vài năm gần đây, Thủ tướng của Chính quyền Palestine, ông Salam Fayyad, đã chuẩn bị một cách nghiêm túc cơ sở hạ tầng cần thiết của Palestine cho ngày trọng đại này. Tại Đại Hội đồng LHQ, không thể nói một chiều được. Hơn 60 năm trước, Đại Hội đồng LHQ đã công nhận Nhà nước Israel. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ công nhận Nhà nước Palestine.

Tôi nhớ hai năm trước, trong cuộc hành hương của đến Thánh Địa, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine. Các Kitô hữu tại Thánh Địa là một bộ phận không thể tách rời những cư dân sinh sống tại đây, đã hòa vào niềm vui chung này.

– Đức Giáo chủ nghĩ gì về cái chết của Bin Laden?

– Không được reo mừng thắng lợi vì chúng ta không thể vui mừng trước cái chết của một con người. Đằng khác Al Qaeda vẫn còn là một mạng lưới hoạt động rộng khắp và rất khó phát hiện, cũng như còn là một nền văn hóa nữa. Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông, trong Sứ điệp gửi Dân Chúa, đã kêu gọi sự hiệp thông và hòa bình: “Chúng tôi lên án bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và mọi biểu hiện cũng như mọi nguồn gốc của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”. Lẽ ra nếu hành động khôn ngoan hơn, thì bắt giam và sau đó xét xử ông ta. Điều này cho thấy, trong tình hình bất ổn của thế giới Ả Rập, sự kiện đã xảy ra như thế là điều đã được dự báo. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải làm việc và tìm những cách thức để tạo ra một môi trường xã hội, kinh tế và chính trị duy trì nền hòa bình.

(Theo LPJ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top