Khởi đầu Mật nghị: 7 bước chi tiết

Khởi đầu Mật nghị: 7 bước chi tiết

Khởi đầu Mật nghị: 7 bước chi tiết

TGPSG/Aleteia --- Khởi đầu Mật Nghị Hồng Y theo quy định trong Tông hiến Universi Dominici Gregis do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành và được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sửa đổi.

Dưới đây là cách mật nghị sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 năm 2025.

1. Các hồng y chuyển vào Khu nhà Santa Marta

Trong những ngày gần đây, tất cả cư dân thường trú tại hai tòa nhà trong Khu nhà Santa Marta - bao gồm cả công trình cũ và mới - đã phải rời đi. Cả hai tòa nhà này đã được cải tạo và gia cố an ninh để tiếp đón 133 vị hồng y tham gia bỏ phiếu bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Phanxicô. Việc các hồng y chuyển vào các phòng tại khu nhà của Vatican bắt đầu từ sáng thứ Ba và sẽ tiếp tục cho đến thứ Tư, trước Thánh lễ Pro Eligendo Romano Pontifice - Vì sự bầu chọn Giáo hoàng Roma.

Chỉ có căn hộ số 201 - nơi ở của Giáo hoàng Phanxicô trước khi qua đời - vẫn được giữ nguyên và niêm phong. Căn hộ này sẽ chỉ được mở ra sau khi tân giáo hoàng được bầu. Trong những ngày đầu triều đại của ngài, tân giáo hoàng có thể chọn chuyển đến căn hộ này. Tân giáo hoàng cũng sẽ thăm khu căn hộ của Giáo hoàng tại Dinh Tông Tòa (Apostolic Palace), nơi đã được niêm phong sau khi Giáo hoàng Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4, và có thể chọn chuyển đến đó.

Khu nhà Santa Marta, được Giáo hoàng Gioan Phaolô II khánh thành vào năm 1996, ban đầu được thiết kế riêng cho các kỳ Mật Nghị Hồng Y. Trong hai kỳ Mật Nghị năm 1978, Hồng y Joseph Ratzinger (sau này trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI) đã tham dự. Lúc đó, các hồng y phải ngủ trên giường gấp dọc hành lang của Dinh Tông Tòa, trong điều kiện nóng bức và khó khăn của mùa hè La Mã. Với khoản đầu tư trị giá 20 triệu đô la Mỹ, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định xây dựng một tòa nhà mới, hiện đại và an toàn hơn, dành riêng cho các kỳ Mật Nghị bầu người kế vị ngài.

Tòa nhà này có 129 phòng, thường được sử dụng làm nhà khách, nhưng cũng có một số linh mục làm việc trong Giáo triều Rôma cư trú lâu dài tại đây, ngoại trừ trong thời gian diễn ra Mật Nghị.

Thật bất ngờ, sau khi được bầu vào năm 2013, Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định cư trú lâu dài tại đây, sử dụng căn phòng mà Thượng phụ Bartholomew của Constantinople đã tạm trú khi ngài đến Vatican tham dự Thánh lễ nhậm chức của vị giáo hoàng mới.

2. Thánh lễ Pro Eligendo Romano Pontifice lúc 10 giờ sáng

Vào lúc 10 giờ sáng, tất cả các hồng y, dù có quyền bầu cử hay không, sẽ tham dự Thánh lễ Pro Eligendo Romano Pontifice tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và tín hữu giáo dân cũng có thể tham gia thánh lễ này để thể hiện sự hiệp thông trong cầu nguyện của toàn thể Giáo hội vào thời điểm quan trọng này. Điều này được quy định trong Ordo Rituum Conclavis.

Thánh lễ sẽ được các phương tiện truyền thông của Vatican phát sóng và sẽ do Đức Hồng y Giovanni Battista Re, trưởng đoàn Hồng y Đoàn, chủ sự. Ở tuổi 91, hồng y người Ý này đã chủ sự các phiên họp chung, trong đó các hồng y tổng kết triều đại của Giáo hoàng Phanxicô và phác thảo triển vọng tương lai. Cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục cũng đã chủ sự Thánh lễ tang Đức Phanxicô, nhưng ngài sẽ không tham gia Mật Nghị vì đã trên 80 tuổi.

Trong bài giảng của mình, ngài sẽ suy niệm về Phúc âm được chọn cho thánh lễ, từ Phúc âm theo Thánh Gioan, ghi lại lời yêu cầu của Chúa Kitô đối với các môn đệ: "Đây là điều răn của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con." Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu cũng nói: "Các con không chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con và chỉ định các con đi và sinh hoa kết quả, những trái đó sẽ tồn tại."

Vào tháng 3 năm 2013, người tiền nhiệm của hồng y Re, hồng y Angelo Sodano, đã nhấn mạnh trong bài giảng của ngài về vai trò của các giáo hoàng trong "sứ vụ bác ái." Trong phần cầu nguyện của Thánh lễ đặc biệt này, cộng đoàn sẽ được mời cầu nguyện cho các hồng y "được gọi để bầu chọn Giáo hoàng Roma." Thánh lễ sẽ kết thúc bằng một lời cầu nguyện bằng tiếng Latinh với Đức Mẹ Maria, Regina Cæli.

3. Tập trung tại Nhà nguyện Phaolô lúc 4:15 chiều

Lúc 4:15 chiều, 133 hồng y cử tri sẽ tập trung tại Nhà nguyện Phaolô trong Dinh Tông Tòa Vatican để cầu nguyện ngắn, mở đầu cho đoàn rước tiến vào Nhà nguyện Sistine. Nhà nguyện Phaolô, vốn không mở cửa cho khách tham quan, có hai bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo mô tả Cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Cuộc hoán cải của Thánh Phaolô - hai vị thánh bổn mạng của thành Roma. Các hồng y sẽ có dịp chiêm ngắm ánh nhìn bí ẩn của Thánh Phêrô, người bị đóng đinh ngược trên thập giá, như đang cảnh tỉnh người đang nhìn ngài.

Nhà nguyện Phaolô, được trùng tu vào năm 2009, được ngăn cách với Nhà nguyện Sistine bởi Sala Regia - một sảnh đường danh dự tráng lệ của Dinh Tông Tòa.

Đoàn rước rời khỏi nhà nguyện sẽ bao gồm các người giúp lễ mang thánh giá và hai chân nến đi đầu. Theo sau là các ca viên và các giáo sĩ, trong đó có thư ký Hồng y đoàn, phụ trách nghi lễ phụng vụ giáo hoàng, và Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, người được chọn để giảng bài suy niệm.

Tiếp đến là các hồng y, được sắp xếp theo ba đẳng cấp trong Hồng y đoàn: trước hết là các hồng y phó tế, tiếp theo là các hồng y linh mục, và sau cùng là các hồng y giám mục. Tất cả sẽ cùng nhau hát Kinh Cầu Các Thánh bằng tiếng Latinh.

4. Tuyên thệ tại Nhà nguyện Sistine

Sau khi vào vị trí trong Nhà nguyện Sistine, các hồng y sẽ hát bài Veni Creator, lời cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến và soi sáng họ.

Tiếp đó, trước sự hiện diện của những người tham dự cuộc rước trọng thể, các ngài sẽ tuyên thệ theo quy định. Hồng y chủ toạ Mật nghị - Đức Hồng y Pietro Parolin - sẽ đọc công thức tuyên thệ như sau:

“Chúng tôi tất cả, từng vị một trong số các hồng y cử tri hiện diện tại cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma này, hứa, nguyện và thề sẽ trung thành và nghiêm cẩn tuân giữ mọi quy định được ghi trong Tông hiến Universi Dominici Gregis do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng 2 năm 1996.

Chúng tôi cũng hứa, nguyện và thề rằng, ai trong chúng tôi, theo thánh ý Thiên Chúa, được tuyển chọn làm Giáo hoàng Rôma, sẽ tận tâm thi hành thừa tác vụ Phêrô với tư cách là mục tử của Giáo hội hoàn vũ, và sẽ không bao giờ ngừng can đảm khẳng định và bảo vệ các quyền thiêng liêng và thế quyền, cũng như sự tự do của Tòa Thánh.

Chúng tôi cam kết và thề, trên hết, sẽ gìn giữ với sự trung tín tuyệt đối, và đối với mọi người - giáo sĩ cũng như giáo dân -, bí mật liên quan đến bất cứ điều gì thuộc về tiến trình bầu chọn Giáo hoàng Rôma, đến những gì diễn ra tại nơi bầu cử, cũng như bất cứ điều gì trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến các lá phiếu; sẽ không tiết lộ bí mật ấy dưới bất kỳ hình thức nào, dù trong thời gian diễn ra bầu cử hay sau khi đã kết thúc, trừ phi được chính Đức Giáo hoàng cho phép rõ ràng; sẽ không tiếp tay hay tạo điều kiện cho bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức tác động nào mà qua đó các thế lực thế tục - ở bất kỳ cấp độ hay hình thức nào - hay bất kỳ nhóm người hay cá nhân nào, tìm cách can thiệp vào việc tuyển chọn Giáo hoàng Rôma.”

Sau đó, từng vị hồng y cử tri, theo thứ tự ưu tiên, sẽ tuyên thệ bằng tiếng Latinh theo công thức sau:
“Và tôi, N., Hồng y N., hứa, nguyện và thề,” rồi đặt tay lên sách Phúc Âm do các vị phụ trách nghi lễ trao và thêm:

“Với sự trợ giúp của Thiên Chúa và các sách Phúc Âm thánh thiện này mà tôi đang chạm tay vào.”

5. Extra Omnes

Sau khi hồng y cuối cùng tuyên thệ, Tổng phụ trách nghi lễ phụng vụ giáo hoàng, Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, sẽ đọc công thức nổi tiếng “Extra omnes - Mời tất cả những người khác…" - yêu cầu những người không tham gia Mật nghị rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Ngài sẽ đóng cửa gỗ nặng ngăn giữa nhà nguyện và Sala Regia.

6. Bài suy niệm cuối cùng trong Mật Nghị

Theo Ordo rituum conclavis, trước các hồng y cử tri, người được chọn để giảng một bài suy niệm về trọng trách nặng nề đang chờ đợi họ sẽ lên tiếng. Hồng y Raniero Cantalamessa, một hồng y không tham gia bỏ phiếu và là giảng thuyết gia lâu năm của Phủ Giáo hoàng, sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Tu sĩ dòng Capuchin này đã nghỉ hưu vào mùa Thu năm ngoái ở tuổi 90, sau một quãng thời gian phục vụ đặc biệt dài tại Vatican.

Kết thúc bài suy niệm, vị giảng thuyết và vị phụ trách nghi lễ giáo hoàng sẽ rời khỏi địa điểm. Đội cận vệ Thụy Sĩ sẽ túc trực tại tất cả các lối vào của nhà nguyện và cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ được tiến hành.

7. Lá phiếu đầu tiên

Lá phiếu đầu tiên sẽ được tiến hành sau bài suy niệm của Hồng y Cantalamessa, tiếp theo là làn khói đầu tiên bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine. Mặc dù không thể loại trừ khả năng một vị giáo hoàng mới được bầu ngay từ vòng đầu tiên, nhưng điều này rất hiếm. Để điều đó xảy ra, ít nhất 89 trong tổng số 133 hồng y cần bỏ phiếu cho cùng một ứng viên. Thông thường, vòng bỏ phiếu đầu tiên được xem là bước thăm dò các khuynh hướng và quan điểm trong nội bộ Hồng y Đoàn, mà chưa nhằm xác lập kết quả cuối cùng.

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tối thứ Tư, các hồng y sẽ trở về Khu nhà Santa Marta bằng xe buýt để dùng bữa tối và nghỉ ngơi. Trong thời gian này, họ có thể trò chuyện với nhau, nhưng sẽ hoàn toàn bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Tất cả điện thoại di động của họ sẽ được trả lại sau khi Mật Nghị kết thúc.

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top