Khóa “Giáo lý và Truyền thông ” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

Khóa “Giáo lý và Truyền thông ” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

WGPSG -- Nhân dịp mừng lễ Thánh Anrê Phú Yên – quan thầy giáo lý viên, Ban Giáo lý TGP TP.HCM đã tổ chức “Tuần lễ giáo lý” tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM từ ngày 18 đến 22/07/2011. “ Tuần lễ Giáo lý” bao gồm 4 khóa hội thảo (workshops), trong đó có khóa “Giáo lý và Truyền thông” .

Ngày thứ nhất

Khóa “Giáo lý và Truyền thông” đã khai mạc vào lúc 18g30 ngày 18/7/2011 tại giảng đường Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận của Trung Tâm Mục Vụ GP. Đến tham dự có khoảng 250 học viên thuộc các dòng tu và giáo lý viên trong giáo phận.

Sau phần khởi động làm quen, anh Khoa - linh hoạt viên - đã giới thiệu giảng viên: Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền - Tổng thư ký Ủy ban Truyền Thông Xã Hội / HĐGMVN. Sau phần cầu nguyện, Cha Giuse triển khai đề tài: “Diễn tiến và Linh đạo Truyền Thông trong Giáo Lý.”

Cha Giuse phân tích những yếu tố, diễn tiến và linh đạo truyền thông, đồng thời mời gọi các giáo lý viên tìm hiểu sâu các yếu tố này để có thể truyền thông Lời Chúa cách hữu hiệu cho các học viên. Cần phải tận dụng mọi phương tiện truyền thông và truyền thông bằng tất cả con người của mình.

Ngày thứ hai

Bước vào buổi học thứ hai, 19/7/2011, Cha Giuse trình bày “Linh Đạo trong Phim Ảnh”. Cha mời đạo diễn Đỗ Phú Hải chia sẻ kinh nghiệm, giải thích ngôn ngữ điện ảnh, và trả lời những thắc mắc của học viên về điện ảnh.

Sau đó, Cha Giuse hướng dẫn cách dùng phim để minh hoạ giáo lý, cách chọn phim và cách xem phim để có thể nên hoàn thiện và nên thánh trong khi và sau khi xem phim.

Ngày thứ ba

Hôm nay, lớp “Giáo lý và Truyền thông” với chủ đề “Minh họa Kinh Thánh bằng Hội họa trong giờ Giáo lý” được triển khai dưới sự hướng dẫn của nữ tu Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa, dòng Thánh Phaolô, thành viên Ủy ban Nghệ Thuật Thánh Hội đồng Giám Mục Việt Nam.

Theo Sr. Duyên Sa, một lớp giáo lý sử dụng hội họa để minh họa Kinh Thánh sẽ diễn tiến với 4 phần:
1) Dùng một tác phẩm Hội họa để minh họa Kinh Thánh.
2) Công bố Lời Chúa.
3) Khai triển Lời Chúa và đề tài giáo lý.
4) Nội tâm hóa hướng sống.

Bằng một lối vẽ đơn sơ trên bảng với phấn trắng, và thông qua đề tài về ông Giakêu, Sr. hướng dẫn các học viên cách dùng nét vẽ của chính mình để minh họa Lời Chúa. Sau đó với việc phân tích tác phẩm “Bữa Tiệc Ly” của tác giả Leonardo da Vinci, Sr. hướng dẫn các học viên cách sử dụng các tác phẩm hội họa nổi tiếng để minh họa cho giáo lý.

Sr. Duyên Sa cũng trả lời rất nhiều thắc mắc của học viên về cách áp dụng phương thức sử dụng hội họa trong giáo lý. Phần giải đáp thắc mắc khá dài nên Sr. Duyên Sa đã hẹn các học viên sẽ tiếp tục đề tài này vào ngày hôm sau.

Ngày thứ tư

Đầu giờ ngày học 21.7.2011, Sr. Duyên Sa tiếp tục hướng dẫn bài học “Minh họa Kinh Thánh bằng Hội họa trong giờ Giáo lý”, với phần II “Tầm quan trọng của việc sử dụng hội họa trong giờ dạy giáo lý.” Sr nói, những hình ảnh minh họa cụ thể sẽ nâng tâm hồn các em lên cao hơn. Sr đề cập đến những khó khăn nhất định vì thiếu hiểu biết về ngôn ngữ hội họa và sự phản tác dụng khi diễn giải sai. Vì vậy, giáo lý viên cần tìm hiểu chính xác về các bức tranh muốn đem ra minh họa.

Sau đó, buổi học tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse về “Giáo Lý trong Thế Giới Phẳng.”

Cha Giuse giải thích: Theo ký giả Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng là kết quả của quá trình Toàn cầu hóa 3.0. "Vào thời đại này của chúng ta, sân chơi cạnh tranh toàn cầu được san bằng. Thế giới được san phẳng vì có thể cho nhiều người hợp tác và cạnh tranh với nhiều người hơn, về nhiều loại việc làm khác nhau hơn, từ nhiều ngõ ngách của hành tinh hơn, trên cơ sở bình đẳng hơn bất cứ thời gian nào trước đây trong lịch sử loài người, nhờ sử dụng máy tính, e-mail, mạng internet, mạng xã hội, tham dự hội nghị từ xa qua màn hình và các phần mềm mới năng động."

Một cách dễ nhất để đi vào toàn cầu hóa 3.0 và thực sự trở thành công dân của thế giới phẳng là viết blog và đăng nhập “mạng xã hội”. Các giáo lý viên cần hướng dẫn các học viên giáo lý của mình sử dụng blog và mạng xã hội như phương tiện hữu hiệu của linh đạo và truyền giáo trong thế giới hiện đại (mà Friedman gọi là "Thế giới phẳng").

Ngày thứ năm

Bước vào buổi học cuối, Cha Giuse đã ôn lại bài “Giáo lý trong thế giới phẳng” để nhắc các học viên hoạt động cho đúng hướng. Đồng thời, cha cũng hướng dẫn anh chị em học viên về cách đưa Lời Chúa vào blog và mạng xã hội. Điều này có ích, chẳng những đối với chính học viên mà còn giúp cho những cư dân của thế giới mạng internet tiếp nhận hồng ân Lời Chúa.

Ba chứng nhân viết blog với Lời Chúa đã được mời đến chia sẻ kinh nghiệm: Chị Dung - chủ nhân của blog “Hướng về Trời”, Chị Thủy (khiếm thị) với blog “Tiếng hạc kêu sương”, và Anh Đại - phó giám đốc trung tâm tin học công ty dệt may Thái Tuấn - với blog "Muối cho đời, ánh sáng cho trần gian".

Sau phần chia sẻ là bài học “Giáo Lý & Quan Hệ Công Chúng”. Cha Giuse giải thích, PR là việc lập kế hoạch truyền thông để tạo mối quan hệ tốt giữa thân chủ và công chúng với những chủ đích: "Tạo một hình ảnh đẹp về thân chủ trong mắt công chúng" và "Tạo nên một công luận tốt để công chúng ủng hộ thân chủ". Tất cả phải thể hiện chân lý và tình thương. Trong hoạt động PR, có 2 việc cần lưu ý đặc biệt là Tổ chức sự kiện và Xử lý khủng hoảng.

Giáo lý viên cần tận dụng những kỹ thuật tuyệt hay của PR để tạo mối quan hệ tốt, quan hệ ân tình giữa Chúa và học viên giáo lý.

Vào cuối buổi học sau cùng này, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý TGP TP.HCM - đã đến cảm ơn ban giảng viên cũng như tất cả học viên đã tham gia tích cực các khóa học trong “Tuần lễ giáo lý”.

Kết thúc khóa học, Cha Giuse ban phép lành và cầu chúc mọi người đem tất cả những gì đã thu hoạch được trong những ngày qua về áp dụng trong các lớp giáo lý và giúp cho các em thấm nhập Lời Chúa nhiều hơn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top