Khổ chế?
Bốn mươi ngày trước lễ Phục Sinh là thời gian Mùa Chay. Trong Mùa Chay Giáo Hội kêu gọi mọi người thực hành ba việc truyền thống là cầu nguyện, giữ chay và bố thí. Giáo dân thường nghĩ giữ chay là phải ăn kiêng, việc làm khắc khổ này trong thuật từ cổ gọi là khổ chế. Vậy khổ chế là gì?
Trong tiếng Việt, nhiều tác giả Công Giáo xưa nay thường sử dụng từ khổ chế để dịch từ ascesis hoặc mortificatio mà không có phân biệt. Ví dụ: Trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta thấy có những nơi ascèse dịch là khổ chế: "Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: phải biết mình, khổ chế tùy theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện" [1] (GLCG 2340, xem thêm: 2733, 2755,...). Nhưng cũng có chỗ mortificatio dịch là khổ chế: "Như các ngôn sứ (tiên tri) thuở trước, lời Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải và thống hối, trước hết không nhắm đến những việc bên ngoài, 'mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu', giữ chay và khổ chế, nhưng đến hoán cải trong lòng, thống hối nội tâm..."[2] (GLCG 1430, xem thêm: 2015,...).
Trong Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học viện Đa Minh Gò Vấp (2003): "Asceticism: khổ chế, khổ luyện, khắc khổ (Hl: askêsis: thao luyện, từ bỏ).... Mortification: hãm mình, khổ chế (Lt mortificare: làm chết đi)..."
I. Nghĩa của hai từ ascesis và mortification.
1. Ascesis (Lt); ascetic (A); ascèse (Ph): Khổ chế, khổ hạnh, khổ tu...
Xuất xứ từ tiếng Hy Lạp là asketikos (tt.): khắc khổ, tự chế cách nghiêm ngặt; danh từ asketes (dt.): chỉ một người thuộc các Kitô hữu thời sơ khai ẩn mình trong sa mạc để sống đời sống chiêm niệm và cầu nguyện cách ly với xã hội, mà về sau gọi là thầy tu, nhà khổ tu, hay ẩn sĩ. Gốc của các từ này do động từ askein (đt.): tập luyện thể thao hay tập luyện các đức tính. Các tác giả La Tinh đã không sử dụng thuật từ này, nhưng họ chỉ dịch hoặc dùng những từ tương đương, chẳng hạn từ disciplina; cũng như nhiều khái niệm riêng của người Roma thường mang dấu ấn binh trường, ascesis trong tiếng La Tinh trước hết là sự tập luyện sử dụng vũ khí. Truyền thống đan tu đã mang đến cho từ này một ý nghĩa kỹ thuật rất chính xác, nó nói lên cuộc chiến đấu nội tâm để đạt được việc tinh thần chế ngự trên vật chất. Truyền thống thời trung cổ đã sử dụng rộng rãi từ exercitium (exercitus: binh đoàn).
Ý nghĩa tôn giáo, ascesis là "những hình thức kỷ luật, bao hàm việc khước từ những ý muốn hoặc sở thích, nhằm thông dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô và tuân hành ý Chúa"[3]. Cha Olivier định nghĩa ascesis là: "những nỗ lực có phương pháp, những tập luyện kiên trì của ý chí, được ân sủng nâng đỡ, nhằm hãm dẹp những khuynh hướng xấu hoặc nguy hiểm nhằm phát huy những nhân đức, để làm cho mình được đẹp lòng Chúa"[4].
Như vậy, ascesis là một danh từ chuyên biệt, để chỉ một hình thức tu luyện bắt cơ thể phải từ bỏ một số nhu cầu cơ bản và dục vọng, đặc biệt là nhục dục. Nói chung là những cố gắng tu luyện để đạt tới niềm tin sống lý tưởng trong tâm linh. Vì vậy, từ này phát sinh ra những từ như asceta (ascetic, ascète): người sống khổ hạnh, nhà khổ tu; asceterium (monastery, ascétère): cộng đoàn khổ tu.
Để chỉ những hình thức khác nhau của ascesis, Thánh Kinh sử dụng nhiều từ tương đương như:
1) Chiếu đấu nội tâm (spiritual battle, combat spirituel): "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin" (2Tm 4,7).
2) Rèn luyện (train, former): "Người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính" (Dt 12,11).
3) Diệt dục (mortification): "Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống." (Rm 8,13).
2. Mortificatio (Lt); mortification (A, Ph): Khổ chế, hành xác, hãm mình, tiết dục...
Xuất xứ từ tiếng La Tinh mortificatio (La ngữ muộn thời: mortificationem), gốc do động từ mortificare (La ngữ muộn thời: mortificar) (mors: sự chết + facere: làm ra) làm cho chết, gây ra cái chết. Trong tiếng Anh, ý nghĩa "cảm thấy sỉ nhục" được ghi nhận lần đầu vào thập niên 1640.
Ý nghĩa tôn giáo, mortificatio là "tiến trình của người Kitô hữu tiêu diệt (làm chết) những tội lỗi ở trong mình, qua việc thống hối và chiến đấu chống lại các nết xấu"[5]. Cha Tanquerey định nghĩa: mortificatio là "chiến thắng các khuynh hướng xấu để bắt nó đầu hàng ý chí và bắt ý chí phục tùng Thiên Chúa"[6].
Như vậy, mortificatio là một danh từ thông loại, để chỉ tất cả cái dẹp yên những khuynh hướng xấu có thể làm thương tổn đời sống tinh thần và siêu nhiên. Mortificatio không phải là một nhân đức riêng biệt, nhưng là sự tổng hợp các nhân đức, là bước đầu của các nhân đức, vì mục đích của nó là cốt bài trừ các trở lực, để đạt trật tự và quân bình giữa các tài năng con người. Mortificatio không phải là mục đích, chỉ là phương tiện, nghĩa là người ta hành xác, diệt dục (tức là làm chết đi) để sống cái sống cao quý hơn, xả kỷ để được Thiên Chúa, chiến đấu để hưởng bình an, chết cho mình để sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Nói tóm lại: Sống kết hợp với Chúa đó là mục đích của mortification [7].
Để chỉ những hình thức khác nhau của mortificatio, Thánh Kinh sử dụng nhiều từ tương đương như:
1) Từ bỏ (renounciation, renoncement): "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,33): Câu này trình bày khổ chế là dứt lòng dính bén của cải vật chất để theo Chúa.
2) Xả kỷ (abnegation, abnégation): "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9,23): lòng tự ái quá độ phải diệt đi.
3) Đóng đinh (crucifixion, crucifiement) "Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê."(Gl 5, 24).
4) Tử táng (death and burial, mort et ensevelissement): "Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa". (Col 3,3); "Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí" (Rm 8,4).
5) Bỏ người cũ: "Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi" (Col 3,9): Người cũ đây là dục vọng.
II. Nghĩa của những chữ khổ, chế và thuật từ khổ chế.
1. Khổ có hai chữ Hán: 苦, 楛, trong thuật từ khổ chế là chữ苦. 苦 (khổ) có bộ thảo (艸), nguyên là tên một thứ thảo mộc rất đắng, nảy sinh những ý nghĩa này: (dt.) (1) Một loại trà; (2) Đắng, một trong năm vị, nghịch với ngọt; (3) Khốn khó: đồng cam cộng khổ (chia ngọt sẻ bùi); (đt.) (4) Mệt nhọc ; (5) Lo quá: khổ hàn (rét khổ); (6) Chịu khó: khắc khổ; (tt.) (7) Cay đắng: Khổ tâm; (8) Vất vả: Khổ lực; (trt.) (9) Rất, dùng hết sức: Khổ tư (nghĩ nát óc).
Nghĩa Nôm: (tt.) (1) Vất vả: Khổ sở; (dt.) (2) Cỡ: Giấy khổ lớn; (3) Hình dáng: Khổ mặt xương xương; (4) Tấm gỗ cài răng lược giúp thợ dệt ghim chặt sợi chỉ từ con suốt.
2. Chế có bốn chữ Hán: 制, 製, 猘, 狾. Ở đây là chữ制 (chế). Chế có những nghĩa này: (dt.) (1) Phép định ra, hệ thống, những quy định đặt ra phải tuân theo: Chế độ, thể chế; (2) Lời của vua: Chế thư (thư của vua); (3) Để tang ba năm cho cha mẹ: Thủ chế (để tang); (4) Đồ mặc: Chế phục (đồng phục) (5) Họ Chế; (6) Tên họ vua Chiêm; (đt.) (7) Làm ra, tạo đồ dùng: Việt nam chế phẩm; (8) Đặt ra, quy ước, quy định: Chế lễ tác nhạc (đặt ra lễ nhạc); (9) Bó buộc, bắt chịu quyền, bắt theo ý mình: Chế phục, khống chế; (10) Cai quản: thống chế; (11) Cầm giữ: Chế kỳ tử mệnh (cầm cái sống chết của người); (12) Thay đổi cho thích hợp: Chế biến.
3. Khổ chế.
Khổ chế không có nghĩa là "khổ công chế ra" hay "khổ vì chế độ" như ai đó đã nói!
Hiểu theo mặt chữ (nghĩa hẹp) khổ chế là những quy định khắc khổ phải tuân theo.
III. Vài nhận xét.
- Các từ điển ngoài Công Giáo thường không có thuật từ khổ chế, mà chỉ có thuật từ khổ hạnh [8].
- Khổ chế là thuật ngữ riêng của Công Giáo. Theo chúng tôi, thuật từ này do Đức Ông Trần Văn Hiến Minh và các cha trong Ban giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu tạo ra từ thập niên 50. Xưa kia người ta thường dùng thuật từ hãm mình để nói về những việc gìn giữ ngũ quan, hãm dẹp những việc của xác thịt, từ bỏ những tiện nghi riêng, kiêng khem và đánh tội...Trong quyển Danh Từ Thần Học và Triết Học của trường này (xuất bản năm 1952), chúng ta thấy thuật từ "khổ chế" được dùng để dịch chữ mortification, "chế thể": mortification extérieure và "chế tâm": mortification intérieure, tức là bộ ba từ Hán Việt thay cho các từ "hãm mình", "hãm mình bên trong" và "hãm mình bề ngoài" vốn đã có từ lâu trong các sách Công Giáo [9].
- Hai thuật từ "chế thể" và "chế tâm" đã không được phổ biến, riêng từ "khổ chế" thì được nhiều soạn giả sách tu đức dùng như là đồng nghĩa với từ hãm mình [10].
- Nhưng trong vài thập niên sau đó, thuật từ "khổ chế" lại được dùng để dịch chữ ascesis tức là đồng nghĩa với thuật từ khổ hạnh [11].
IV. Kết luận.
- Xét về từ nguyên thì khổ chế thích hợp để dịch từ ascesis và hãm mình thích hợp để dịch từ mortificatio hơn cả.
- Xét về ý nghĩa tôn giáo thì khổ chế cũng thích hợp để dịch thuật từ mortificatio như thói quen hiện nay chúng ta vẫn dùng.
- "Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có khổ chế và hãm mình (ascesis and mortification), từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật" (GLCG 2015).
_______________________________________
Ghi chú:
[1] "Celui qui veut demeurer fidèle aux promesses de son Baptême et résister aux tentations veillera à en prendre les moyens: la connaissance de soi, la pratique d’une ascèse adaptée aux situations rencontrées, l’obéissance aux commandements divins, la mise en œuvre des vertus morales et la fidélité à la prière" (CATÉCHISME de L’ÉGLISE catholique, No. 2340).
[2] "Comme déjà chez les prophètes, l’appel de Jésus à la conversion et à la pénitence ne vise pas d’abord des œuvres extérieures, 'le sac et la cendre', les jẻnes et les mortifications, mais la conversion du cœur, la pénitence intérieure" (ibid. No. 1430).
[3] Học viện Đa Minh Gò Vấp, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, TP.HCM, 2003. tr.28.
[4] Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968.
[5] Học viện Đa Minh Gò Vấp, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, TP.HCM, 2003, tr. 158.
[6] Adolphe Tanquerey, S.S., D.D., PRÉCIS DE THÉOLOGIE ASCÉTIQUE ET MYSTIQUE: "la lutte contre les inclinations mauvaises pour les soumettre à la volonté et celle-ci à Dieu".(p.253).
[7] Matthêô Phạm Hảo Kỳ, TU ĐỨC HỌC, ĐCV Sài Gòn, 1964-1965.
[8] Thuật từ khổ hạnh thường được dùng để dịch từ ascèse (xem PHÁP VIỆT TỪ ĐIỂN của Đào Đăng Vỹ, xb. lần III, 1960: ascèse: tâm thuật nhà khổ hạnh).
[9] Vì thế, trong quyển TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC (Ra Khơi, Sài Gòn, 1966) của mình, ĐÔ. Trần Văn Hiến Minh không dịch chữ ascèse là khổ chế, mà dịch là khổ hạnh; tu đức; tu hành (tr.[14]) và ngài giải thích khổ hạnh là tu hành khắc khổ nhiệm nhặt...(tr.128).
[10] Ví dụ: Xem Matthêô Phạm Hảo Kỳ, TU ĐỨC HỌC, ĐCV Sài Gòn, 1964-1965, tr. 70; P. Lethielleux, ĐẠO ĐỨC KITÔ GIÁO, bản dịch khuyết danh, ronéo, tr. 410-420,, v.v.
[11] Ví dụ: Công Đồng Vaticanô II sử dụng thuật từ mortificatio 4 lần (SC 12, UR 4, PC 12 và PO 12) và ascesis cũng 4 lần (NA 2, AG 18, PO 13 và 16), bản dịch của GHHV Thánh Piô X (Đà Lạt, 1972) dịch mortificatio là khổ chế (2 lần), hãm mình (2 lần); còn ascesis thì dịch là khắc khổ (1 lần), khổ hạnh (2) và khổ chế (1 lần). Trong Paul Evdokimov, ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG XƯA VÀ NAY, Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP dịch, Chân Lý xb, 2000: (tr.183: ascesis dịch là khổ chế).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)