Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024

Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024

Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024

WHĐ (14/12/2024) - “Rất mong việc cập nhật và biên soạn một Ratio mới cho việc đào tạo linh mục tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng đòi hỏi của Tòa Thánh; quan trọng hơn, nó phải chứa đựng tâm huyết của mọi thành phần dân Chúa trong trách nhiệm đào tạo linh mục cho Giáo hội.”

Lời chia sẻ khi khai mạc của đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh (UBGSCS) gói ghém tâm tình của toàn thể hội nghị online được tổ chức vào chiều ngày 06 tháng 12 năm 2014, với chủ đề “CẬP NHẬT VÀ SOẠN THẢO RATIO NATIONALIS MỚI CHO VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TẠI VIỆT NAM”.

Theo đúng tinh thần hiệp hành của Giáo hội, hội nghị đã được triệu tập với nhiều thành phần dân Chúa. Cụ thể, hội nghị có 57 tham dự viên bao gồm đức cha chủ tịch UBGSCS, cha thư ký của UBGSCS, quý cha giám đốc, phó giám đốc và quý cha giáo của 11 đại chủng viện tại Việt Nam; đặc biệt với sự góp mặt của các chuyên gia giáo dục và quản lý giáo dục gồm quý soeur, quý thầy cô đang giảng dạy tại các trường đại học.

Sau giây phút thánh hóa cùng với lời tuyên bố khai mạc của đức cha chủ tịch, hội nghị bắt đầu làm việc với 03 nội dung:

Ở nội dung thứ nhất, hội nghị lắng nghe các chia sẻ về việc áp dụng Ratio tại các đại chủng viện. Hiện nay có 02 Ratio đang được sử dụng tại các đại chủng viện tại Việt Nam bao gồm Ratio 2012 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ. Bởi thế, việc triển khai chương trình đào tạo của các đại chủng viện có những thuận lợi và khó khăn:

(1) Về thuận lợi: Việc xây dựng chương trình đào tạo linh mục dựa trên Ratio gặp nhiều thuận lợi vì:

- Mỗi Ratio đều có định hướng đào tạo linh mục rõ ràng;

- Nội dung của 04 chiều kích (nhân bản, tâm linh, tri thức và mục vụ) của mỗi Ratio đều cụ thể và chi tiết…

(2) Về khó khăn: hầu hết các đại chủng viện vẫn còn lúng túng trong việc chọn lựa: Ratio 2012 hay Ratio 2016.

- Nếu đại chủng viện chỉ dùng Ratio 2012, sẽ có những chỉ dẫn cụ thể và phù hợp với bối cảnh Việt Nam; nhưng chương trình lại thiếu sự cập nhật các hướng dẫn mới của Tòa Thánh trong Ratio 2016. Và tình hình sẽ ngược lại, nếu chọn Ratio 2016 mà không chọn Ratio 2012.

- Hoặc nếu đại chủng viện muốn kết hợp 02 Ratio thì cũng không dễ dàng, bởi vì hướng đi của 02 Ratio dường như khác biệt nhau.

Chính những thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng đã thúc đẩy mong muốn về một Ratio Nationalis mới cho Việt Nam. Mong muốn này đã được toàn thể hội nghị đúc kết thành quyết tâm cũng như công bố chính thức của lần hội nghị online này, đó là, thành lập Ban Cập nhật và Soạn thảo Ratio Nationalis mới cho việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Theo đề xuất của hội nghị, Ratio Nationalis mới này sẽ đáp ứng 03 điểm sau:

(1) Triển khai hướng đi của Ratio 2016 để hòa vào bầu khi chung của toàn cầu

(2) Giữ gìn và hoàn thiện những thành quả tốt đẹp của Ratio 2012

(3) Bổ sung và làm nổi bật tính hiệp hành theo lời mời gọi của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI hiện nay.

Tiếp đến, ở nội dung thứ hai, toàn thể hội nghị lắng nghe chia sẻ về dự án “Cập nhật và Soạn thảo Ratio Nationalis mới” với 02 phần:

(1) Công bố danh sách Ban Cập nhật và Soạn Thảo Ratio Nationalis: Các thành viên đến từ 02 nguồn, đó là, mỗi chủng viện sẽ đề cử ít là 01 người và UBGSCS mời thêm theo chuyên môn cần thiết.

+ Trách nhiệm chính:

Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang – chủ tịch UBGSCS

+ Điều phối các tổ - chịu trách nhiệm các bản thảo:

Linh mục Giuse Phạm Văn Trọng - Thư ký UBGSCS

+ Tổ giáo dục - Quản lý giáo dục

1. Thầy Phaolô Đỗ Mạnh Cường, chuyên môn giáo dục (Trưởng)

2. Lm. Vinhsơn Nguyễn Cao Dũng, chuyên môn giáo dục

3. Sr. Teresa Uông Đoan Trang, chuyên môn phương pháp giáo dục

4. Cô Maria Vũ Thị Phương Anh, chuyên môn quản lý giáo dục

5.Thầy Giuse Lê Xuân Hy, chuyên môn giáo dục

+ Tổ đào tạo chủng viện

1. Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn, Đại Chủng viện Sài Gòn (Trưởng)

2. Lm. Phêrô Trần Quang Diệu, Đại Chủng viện Hà Nội

3. Lm. Giuse Vũ Đình Lâm, Đại Chủng viện Bùi Chu

4. Lm. Giuse Mai Văn Diện, Đại Chủng viện Thái Bình

5. Lm. Giuse Nguyễn Văn Điệp, Đại Chủng viện Thanh Hóa

6. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đại Chủng viện Vinh

7. Lm. Giuse Lê Công Đức, Đại Chủng viện Huế

8. Lm. Antôn Nguyễn Bình, Đại Chủng viện Nha Trang

9. Lm. Antôn Trần Đình Nam, Đại Chủng viện Cần Thơ

10. Lm. Giuse Đinh Tấn Hoài, Đại Chủng viện Đà Lạt

11. Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh, Đại Chủng viện Xuân Lộc

(2) Phác thảo tiến trình làm việc: cha Giuse Phạm Văn Trọng, Thư ký UBGSCS, đã chia sẻ về tiến trình làm việc cho Ratio Nationalis mới với 05 giai đoạn.

- Giai đoạn 1: hình thành khung sườn Ratio Nationalis theo quan điểm của giáo dục học và quản lý giáo dục.

- Giai đoạn 2: Hoàn chỉnh khung sườn Ratio Nationalis theo quan điểm đào tạo chủng viện.

- Giai đoạn 3: Hoàn thành bản thảo Ratio Nationalis theo quan điểm đào tạo chủng viện.

- Giai đoạn 4: Thu thập góp ý và phản hồi từ các thành phần như các nhà giáo dục - quản lý giáo dục, các đại chủng viện, Hội đồng Giám mục Việt Nam.

- Giai đoạn 5: Hoàn chỉnh bản Ration Nationalis mới của Việt Nam.

Ở nội dung cuối của hội nghị, các tham dự viên góp ý bổ sung cho Ban Cập nhật và Biên Soạn Ratio Nationalis mới. Đồng thời, hội nghị cũng đề xuất một số điểm cần thiết cho tiến trình làm việc bao gồm:

Các đại chủng viện tiếp tục đóng góp ý kiến và phản hồi trực tiếp hoặc thông qua các đại diện của mình trong Ban Cập nhật và Soạn thảo Ratio Nationalis mới.

UBGSCS nên tham khảo hoặc mời thêm các thành viên đã từng tham gia các khóa học về Ratio của Tòa thánh hoặc có chuyên môn trong các chiều kích đào tạo linh mục.

Trước khi bế mạc hội nghị, cùng với lời tạ ơn Thiên Chúa đã an bài và sắp đặt mọi sự, Đức cha Chủ tịch đã chia sẻ một vài tâm tình cùng với lời cám ơn các tham dự viên của hội nghị. Cách đặc biệt, Đức cha chủ tịch cám ơn các thành viên tham gia vào công việc hình thành Ratio Nationalis mới cho Giáo hội Việt Nam.

Lm. Giuse Phạm Văn Trọng
Thư ký UBGSCS

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top