Hồi giáo hiểu về Allah như thế nào? - Hội luận Liên tôn về chữ "Thiên"
Hội luận liên tôn: Chữ "Thiên"
trong truyền thống các tôn giáo
Hồi giáo hiểu về Allah như thế nào?
Hồi giáo đâm rễ từ ý tưởng thần học xác tín rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, tức Allah, nguồn mạch của mọi sự vật hiện hữu, sự vật hữu hình cũng như vô hình, được biết hoặc không biết đến. Hồi giáo không phải là một tín ngưỡng quy về với những cá nhân như ngôn sứ hoặc là con người của vị sứ giả (messenger) cho dù phần lớn của truyền thống thần học, thần bí và siêu hình học đâm rễ sâu vào trong cuộc đời của Ngôn sứ Muhammad. Trong Hồi giáo, Ngôn sứ Muhammad (570-632) là trung gian thông chuyển (vehicle) qua đó, con người nhận được sứ điệp về Thiên Chúa duy nhất Chân thật và Tuyệt đối.[2] Sứ điệp chứa đựng một mặt là giáo lý và mặt khác là phương cách giúp cho những người tin theo (followers) để họ am hiểu, thực hành, thực sự thấm nhuần (giáo lý) và cuối cùng trao phó chính mình cho Allah. Các người tin theo ấy mang tên “Muslim” (hoặc Moslem/tín đồ Hồi giáo) trong tiếng Ảrập, tức theo từ nguyên, là những người tin theo Thiên Chúa duy nhất, và hoàn toàn phó mình cách an bình cho Thiên Chúa duy nhất Tuyệt đối, từ tâm và xót thương. Trọng tâm điểm quy trọn về với Thiên Chúa và với cuộc phấn đấu của con người để triển phát đến mức trưởng thành trong mối liên hệ thân thương và đầy cảm thông với thần tính giữa toàn bộ cuộc hiện hữu của chúng ta, mọi nơi mọi lúc.
Trong truyền thống Phật giáo, như John Makransky đã nêu rõ trong bài viết của ông, một lãnh vực được đặc biệt lưu tâm đến trong việc thông hiểu người khác, đó là lối sử dụng thích đáng thuật trình bày, biểu đạt, và là thuật dùng phương cách thiện xảo (skillful means). Trong Kitô giáo, bản thể nhân-thần của Đức Kitô và cuộc tự hiến của Người là trọng tâm chủ yếu của đức tin, là chân lý cơ bản được biểu đạt trong ngôn từ loài người. Còn trong truyền thống Hồi giáo, thì chính Allah – Thiên Chúa Duy nhất – là thực tại chủ yếu của tôn giáo và vì mối kết liên sâu đậm Ngài có đối với các thụ tạo của Ngài, nên Ngài trao đổi với loài người qua các ngôn sứ và/hoặc các sứ giả. Ngôn sứ Muhammad bên Hồi giáo và Đức Kitô bên Kitô giáo thì khác nhau trong vai trò làm “sứ giả,” nhưng cả hai đều cho thấy nhiều nét giống nhau. Điểm chủ chốt trong Hồi giáo không nằm ở chỗ cho thấy Allah đã biểu lộ chính mình ra như thế nào cho các thụ tạo của Ngài, mà đúng hơn là ở chỗ giúp cho nhận ra bản thể của Thiên Chúa và yếu tính của Ngài hiện diện trong mọi sự vật, nhận thức được trong cuộc sống, trong những sự vật biết được cũng như trong những gì không biết được, nơi trần thế cũng như trong thế giới vượt ra khỏi tầm nhận thức con người.[3]
Bài viết mong được có phần đóng góp của mình qua cố gắng nghiệm xét những cách thức khác nhau qua đó các người Hồi giáo hiểu về tôn giáo của mình và về chính mình như là những tín đồ sống và hành đạo Hồi giáo. Suy tư và nhận thức của một số nhà thần học Hồi giáo trong quá khứ đã được khảo sát để nêu rõ những đặc nét nổi bật nhất làm nên bản chất của một tín đồ Hồi giáo. Phần đầu bài viết nghiên cứu cách thức các điều mạc khải (=Qur'ân/kinh Côran) nắm giữ uy quyền chính trong hết mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống đạo, việc lãnh đạo, nhận thức, suy tư thần học, lý giải luật pháp, nghiên cứu triết học và mọi hành động xử sự trong các lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị của cuộc sống. Sau khi phân tích một các chủ đề chính về sứ điệp của Thiên Chúa dành cho thụ tạo và về mối quan hệ giữa thụ tạo với Allah, cũng như về tầm trọng yếu lớn lao của uy quyền sách thánh, thì tiếp theo, bài viết sẽ bàn về ảnh hưởng sâu rộng mà cuộc đời của Ngôn sứ Muhammad có trên sắc diện đặc trưng và ý thức về căn tính Hồi giáo của mình. Không chỉ đơn thuần là tài liệu ghi lại các sự kiện lịch sử, cuộc đời của Ngôn sứ là mẫu gương để tín đồ Hồi giáo noi theo bắt chước trong đời sống đức tin mỗi ngày. Thiết nghĩ, chính trong bối cảnh ấy, ý thức về căn tính kia của mình là đối với người Hồi giáo, nét nổi bật nhất, bởi lẽ, di sản gương mẫu Ngôn sứ để lại chủ yếu là những cách thức khác nhau quy vào việc hướng lòng về với Thiên Chúa duy nhất khi tôn kính Ngôn sứ. Đọc qua một số bài thơ tán tụng (panegyric) thì sẽ thấy rõ lòng tha thiết khát khao của các nhà văn Hồi giáo muốn được hoàn toàn thấm nhuần lời nói, hành động và phong thái của Ngôn sứ, trong từng chi tiết.
Phần đầu của bài nghiên cứu vén mở cho thấy cách thức truyền thống Hồi giáo phối kết chân lý với các thuộc tính cần thiết để sống với những gì giúp cho ý thức được nhiều về căn tính của mình trong thế giới [to live by it which provides a good deal of self-identity in the world???]. Phần hai bài viết sẽ thử tìm hiểu về cách thức kinh Côran và phong thái Ngôn sứ đối xử với những “người khác,” tức với những người không-Hồi giáo. Nếu chỉ đơn thuần coi kinh Côran như là một văn bản do thần linh mạc khải để từ đó giải thích và thiết cấu niềm tin, thì sẽ rơi vào tình trạng không chú ý đến những điểm phức tạp chất chứa trong nội dung, cũng như bỏ qua đi những trang sử to lớn gắn liền với việc giải thích kinh Côran. Để đánh giá đầy đủ những khẳng định thần học hoặc triếy học về “người khác” trong truyền thống, bài viết xin được đề nghị qua phần viết này, là sự việc nhiều “niềm tin khác” có mặt trong kinh Côran và trong cuộc đời của Ngôn sứ nói lên bổn phận về mặt tôn giáo, bổn phận nhìn nhận thực trạng đa dạng đã thực sự đâm rễ sâu trong sách thánh. Là điều phổ biến giữa các học giả Hồi giáo việc dùng các từ ngữ dễ dàng được chấp nhận như: người theo độc thần giáo đối với người theo đa thần giáo, hoặc người Hồi giáo đối với người không-Hồi giáo, hay là người có tín ngưỡng đối với người vô tín; như thế để xác định những giá trị duy nhất đích xác. Tuy nhiên, xin lưu ý là dù tất cả các phạm trù kia có mặt trong văn chương Hồi giáo – hiện đại cũng như trong quá trình lịch sử – thì những cách chỉ về “người khác” như thế cũng chỉ được dùng với chủ đích tranh luận, để chứng minh cho thấy truyền thống của mình xác thực hơn hẳn của người khác, và phương cách đó không hỗ trợ được cho công tác đối thoại liên tôn và cho việc cảm thông lẫn nhau giữa các phía đối tác. Cuối cùng, bài viết sẽ đề nghị một số những cách nhìn khác nhau có thể chọn để suy nghĩ về thực trạng đa dạng tôn giáo trong truyền thống Hồi giáo.
KINH CÔRAN: MẠC KHẢI VỀ THẦN LINH
Sách thánh trong Hồi giáo là cuốn Côran hoặc – hiểu sát ngữ nghĩa – bản “trần thuật” (recitation). Đó là tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải cho Ngôn sứ Muhammad qua thiên sứ Gabrien trong các năm 610-632 tại bán đảo Arabia. Người Hồi giáo hiểu rằng kinh Côran là ngôn từ (lời nói) của Allah (kalâm Allah), không bị kinh nghiệm con người làm thoái hóa, và được coi là một trong chuỗi những mạc khải Thiên Chúa ban ra. Điều Thiên Chúa nhắm tới trong khi giao tiếp với thụ tạo của Ngài, được thành tựu qua việc chọn lựa duy chỉ con người làm ngôn sứ. Theo kinh Côran, mỗi cộng đoàn (nhóm người) trong lịch sử được ban cho một ngôn sứ, và đã có lối 124.000 ngôn sứ kể từ thời Adong-Evà. Xét về mặt cá biệt, các ngôn sứ như Môsê, Giêsu và Ngôn sứ Muhammad đã được Thiên Chúa trao ban cho những sứ điệp đặc trưng, để như thế, cộng đoàn nhận được mạc khải của Thiên Chúa. Ngược lại, cộng đoàn tín hữu cần phải đón nhận sứ điệp trường cửu của thần linh bằng cách vâng theo những gì được mạc khải và phụng thờ Đấng Tạo hóa duy nhất. Theo kinh Côran, xét về mặt lịch sử, các sứ điệp kia – sách Torah và sách Phúc Âm – đã rơi xuống chỗ thứ yếu trong truyền thống của chúng, và quan điểm của những người giải thích sách thánh hoặc của giới tư tế đã chiếm ưu thế trên sứ điệp nguyên thủy. Phê bình mà kinh Côran đưa ra chống lại mọi giới tư tế là chủ yếu để tránh tình trạng làm cho tính chất xác thực của sứ điệp (thần linh) bị mất đi giữa những lối giải thích của loài người. Một lý do chính khác cho thấy tại sao Hồi giáo không muốn có một giới tư tế, đó là vì để đảm bảo cho tín đồ hiểu rằng không có gì đứng trung gian ở giữa cá nhân tín đồ và Đấng Tạo hóa cả. Một giới chuyên gia sẽ làm cho các mạc khải sẽ kéo chú ý đi xa khỏi mối quan hệ của Đấng Tạo hóa với các cá nhân, và đưa đến chỗ hiểu là chỉ có một nhóm độc nhất đuợc coi là những người mang đức đức tin (sole bearers of the faith).
Mạc khải thần linh không phải đã được trong hình dạng loài người, nhưng là qua ngôn từ của loài người. Cách biểu hiện như thế của thần linh qua âm thanh là để làm cho chú ý đến các cảm quan con người: nghe, sờ, cảm và suy về Thiên Chúa. Mạc khải là để dẫn đưa những người tin theo đến chỗ đón nhận ý Thiên Chúa mà sát gót bám theo sự hướng dẫn (của Ngài) trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Kinh Côran là mạc khải cho nhân loại và có mục đích hướng lòng con người về trở lại với Allah. Trong (chương) sȗrâ 2:185, kinh Côran tự giới thiệu mình là hướng “chỉ đạo cho nhân loại” (“guidance for humankind”/hudân li’l nâs). Việc thường xuyên nhắc tới toàn bộ loài người, chứ không chỉ nói riêng về người Hồi giáo, người Àrập, người Trung hoa hoặc là bộ lạc Quraishi mà thôi, và như thế là để nhấn mạnh cho thấy Côran là sứ điệp trường cửu và phổ quát, chứ không dành riêng cho một nhóm dân tộc, tôn giáo, bộ tộc hay dòng giống nào. Cho đúng hơn thì phải nói là Thiên Chúa ngỏ lời với toàn thể nhân loại. Kinh Côran không phải là cuốn sách viết về Thiên Chúa và bản thể của Ngài, nhưng là cuốn sách có mục đích nhắc nhở cho loài người nhớ về lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa, nhớ Ngài là Đấng Tạo hóa, Đấng nâng đỡ giữ gìn vũ trụ và loài người, và đặc biệt là Ngài là Đấng đưa đường chỉ hướng cho thụ tạo của Ngài.[4]
Sự hiện hữu của Thiên Chúa là điều hiển nhiên tự bản chất, xét theo mọi khía cạnh trong vũ trụ; tuy nhiên, những ai suy nghĩ về thế giới thần linh, sẽ hiểu ra rằng Ngài mang lại ý nghĩa và sự sống cho mọi vật. Kinh Côran, sȗrâ 50:33 ghi rằng: “Ai khiêm hạ trước Đấng vô hình rất mực từ bi và mang nơi mình con tim có khả năng sẵn sàng đáp trả khi được chân lý đánh động.” Đoạn kinh Côran ghi tiếp: “đó là lời nhắc nhở cho ai có một con tim, hoặc cho ai biết để tâm lắng nghe và làm chứng (khi Ngài hiện diện [trong tâm trí] – sȗrâ 50:37). Khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự vật là nhận thức được rằng không có việc chia sẻ bản thể giữa Đấng Tạo hóa Căn nguyên và các thụ tạo. Điều đó cho co` nghĩa là con người và những dạng loại khác trong công trình tạo dựng không bị bỏ mặc một mình trong thế giới này; trái lại, các thụ tạo có bổn phận nhận biết Thiên Chúa không phải là một thứ món giữa các món sự vật khác trong vũ trụ, hoặc chỉ là một hữu thể giữa các hữu thể khác. Thiên Chúa ở với mọi sự; Ngài làm nên tình trạng toàn vẹn của mọi sự. Mọi sự đều trực tiếp liên hệ với Ngài, và như thế, mọi sự vật – qua và trong quan hệ với các sự vật khác – cũng đều liên hệ với Thiên Chúa.[5] Tình trạng toàn vẹn ấy của tính liên hệ hỗ tương (inter-connectedness) đã được sȗrâ 59:19 đề cập đến như sau: “Đừng trở thành giống như những người quên Thiên Chúa, bởi vì thế, Ngài đã làm làm cho họ quên chính mình họ.” Cách thứ kinh Côran nhắc nhở tín đồ ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa là giúp cho nhận ra ở trong mọi sự một “dấu” chỉ về hoạt động của Thiên Chúa trong vũ trụ.[6]
Kinh Côran – theo tư thế là nội dung mạc khải cho Ngôn sứ Muhammad và cho các tín đồ – đã tỏ ra cứng rắn trong việc làm nổi bật quyền uy của Allah và dũng lực tối thượng của Ngài trong toàn bộ công trình tạo dựng. Sȗrâ 27:61-64 nói về việc Ngài nâng đỡ và cung cấp phương tiện sinh sống cho các thụ tạo, cách riêng là cho con người, cũng như nói về việc Ngài lại làm ra những hình dạng mới cho các thụ tạo. Đoạn viết ghi:
Và ngoài Ngài ra, ai đã làm cho trái đất trở thành nơi trú ngụ cho các người, và đặt sông ngòi chảy ngang qua nó, và dựng núi đồi lên trong đó, cũng như đã chận biển này cách biển nọ? Vậy, thử hỏi có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa? Quả thế, phần lớn trong họ không biết thế!
Và ngoài Ngài ra, ai đáp lời những kẻ lâm cảnh túng quẩn, và ai đã làm cho các người (nhân loại) thành những quản lý thay Ngài trên quả đất? Vậy, thử hỏi có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa? – Các ngươi có để tâm suy nghĩ một tí không?
Và ngoài Ngài ra ai đưa dẫn các ngươi khi phải qua những vùng tăm tối trên đất liền và giữa biển sâu? Và ai gửi gió mang mưa từ ái của Ngài đến? Vậy, thử hỏi có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa? Ước chi Ngài được tán dương trên tất cả những gì họ đồng hóa với Ngài!
Và ngoài Ngài ra, ai sinh các thụ tạo của Ngài ra, và rồi tiếp tục tái tạo chúng? Và ai từ trời và đất, cung cấp cho các người phương tiện sinh sống? Vậy, thử hỏi có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa? Ô, Muhammad, hãy nói: Hãy đưa bằng chứng của các người ra để xem các người có lý hay không khi đồng hóa người khác với Thiên Chúa.
Quyền năng, công cuộc tạo dựng và lòng từ ái của Ngài không những tỏa rộng mà còn trọn vẹn thấm đậm sâu vào tận cốt lõi của mọi sự vật hiện hữu. Ví dụ: “Lòng từ ái của Ta ôm trọn tất cả” (sȗrâ 7:156) và “Ngài (Thiên Chúa) ở gần con người hơn cả gân cổ của con người” (sȗrâ 50:16); các câu này cho thấy một Thiên Chúa trọn vẹn liên kết như thành phần đích thực trong công trình tạo dựng và cũng là cội nguồn hiện hữu của mọi tạo vật. Những dấu chỉ nhắc nhở muốn nói là: (1) ngoài Thiên Chúa ra, mọi sự vật đều phụ thuộc vào Ngài; (2) toàn năng và vinh quang, Thiên Chúa là tự bản chất, Thiên Chúa rất đỗi khoan dung; và (3) điều đó cho thấy mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, nơi đó, con người đã được tạo dựng nên để yêu mến Ngài bằng cách hiến dâng Ngài trọn cả con người mình. Ba điểm căn bản kia vén mở cho thấy một ý niệm quan trọng này: Thiên Chúa là chủ yếu, là trọng tâm trong mọi sự vật hiện hữu. Như thế, kinh Côran đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ của loài người với các sự vật khác để qua đó, chứng tỏ lòng sùng mộ của mình đối với Thiên Chúa duy nhất.[7]
* Trích bài viết "Hồi giáo hiều về Allah và nhìn về các tôn giáo khác" của Qamar-Ul Huda [1]
Hợp tuyển Thần học, Số 48, Năm Thứ XXI (2011)
Trình bày: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Giám Đốc Học viện Mục vụ
--------------------
Chú thích:
[1] Bài viết đăng trong tạp chí Theological Studies 64(2003)272-350. Tác giả Qamar-Ul Huda là giáo sư phụ giảng môn Hồi giáo học và Thần học đối chiếu tại Boston College (Học viện Boston), Mass. Hoa Kỳ. Tác giả đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles, về môn Lịch sử Hồi giáo, và đã theo học tại các trung tâm truyền thống đặc chuyên nghiên cứu về Hồi giáo, ở Ai cập, Xyri, Pakistan và Ấn độ. Lịch sử trí thức Hồi giáo là lãnh vực chuyên môn của tác giả, nhằm vào các bản chuyên luận thần bí và các bản bình giải kinh Côran (Qur'ân). Sau đây là một vài tác phẩm lớn của tác giả: Striving for Divine Union: Spiritual Exercises of Suhrawardî Sufis (Routledge Curzon, 2003); Knowledge for Encountering God: Al-Suhrawardî’s Awârif alMa'ârif (Fons Vitae, 2003), và nhiều bài viết khác trên các tạp chí.
[2] Có nhiều tác phẩm khảo cứu về Ngôn sứ Muhammad, chẳng hạn: Annemarie Schimmel, And Muhammad is His Messenger: The Veneration of the Prophet in Islamic Poetry (Chapel Hill: University of North Carolina, 1985); Jeffrey Arthur, “The Quest for the Historical Muhammad,” Muslim World 16 (1926) 327-48; Muhammad Hamidullah, Le Prophète de l’Islam, 2 vols. (Paris: Vrin, 1959); Martin Lings, Muhammad (London: Islamic Texts Society, 1983); Ghulam Dastgir Rasheed, “The Development of na‘tia Poetry in Persian Literature,” Islamic Culture 39(1965) 5,3-69; ‘Abd-al Rahmân al-Sharqâwî, Muhammad rasȗl al-Hurriya (Cairo: 'Âlam al-Kutub, 1962); and Ali Asani and Kamal Abdel Malek, Celebrating Muhammad: Images of the Prophet in Popular Muslim Piety (Columbia: University of South Carolina, 1995).
[3] Vể bản chất của Thiên Chúa theo Hồi giáo, xin xem thêm: Seyyed Hossein Nasr, An Introduction to Islamic Cosmological Doctrine (Albany: SUNY, 1993) và Knowl edge and the Sacred (New York: Crossroad, 1981); Frithjof Schuon, Understanding Islam (London: George Allen và Unwin, 1976); Islamic Theology and Philosophy, ed. Michael Marmura (Albany: SUNY, 1984); và Henri Corbin, Spiritual Body and Celestial Earth (Princeton: Princeton University, 1978).
[4] Kinh Côran cũng nhắc đến các truyển thống có trước, như đọc thấy các tên: Giôna, Giuse, Nôe, Maria và Abraham. Xem chẳng hạn: Three Messengers for One God, bản dịch của Roger Arnaldez (Notre Dame: University of Notre Dame, 1994); Louis Massignon, L’Islam dans le miroir de l’Occident (Paris: Mouton, 1962); Islamic Interpretations of Christianity, ed. Lloyd Ridgeon (Richmond, UK: Curzon, 2001).
[5] Fazlur Rahman, Major Themes of the Qur'ân (Minneapolis: Bibliotheca Islamica) 4-5.
[6] Từ “ayât” được dịch là “dấu” hay “dấu chỉ” (“sign”), để chỉ về một câu nào đó trong kinh Côran. Vì những mạc khải trao cho Ngôn sứ được coi là những “dấu chỉ” về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Về vấn đề này, xin xem Annemarie Schimmel, Deciphering the Signs of God: A Phenomenological Approach to Islam (Albany: SUNY, 1994).
[7] Rahman, Major Themes of the Qur'ân 6.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi