Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ & Đạo luật Cải cách Y tế Mỹ

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ & Đạo luật Cải cách Y tế Mỹ

WGPSG (tổng hợp) -- Vào tối khuya ngày Chủ nhật 21-3-2010 (giờ Washington DC), với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống (chỉ cần 216 phiếu cũng đủ thông qua dự luật), Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật về cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Obama đã được Thượng viện thông qua.

Không dân biểu Cộng Hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự luật này. Có 34 dân biểu Dân Chủ biểu quyết giống như phe Cộng Hòa.

Những người ủng hộ dự luật nói rằng dự luật này sẽ giúp 32 triệu người Mỹ có được bảo hiểm sức khỏe, nhưng phe chống đối nói rằng các thay đổi sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm, và cho chính quyền thêm cơ hội để can thiệp vào những quyết định về chăm sóc sức khỏe.

Trước giờ biểu quyết, Tổng thống Obama đã động viên các dân biểu Dân Chủ lo ngại là luật này sẽ khuyến khích chuyện phá thai. Ông trấn an nhóm này bằng cách ký sắc lệnh hành pháp tái xác nhận thành lập một cơ chế thỏa đáng để đảm bảo rằng: quỹ liên bang không được sử dụng cho các dịch vụ phá thai.

Hạ viện cũng phê chuẩn một dự luật riêng rẽ, nhằm có thể đưa ra những thay đổi sau đó cho dự luật đã được Thượng viện thông qua. Các thay đổi này sẽ được Thượng viện cứu xét dựa trên cơ sở chỉ cần một đa số bình thường của 100 Thượng nghị sĩ cũng đủ thông qua.

Sau khi Hạ viện đã phê chuẩn dự luật, vào thứ ba ngày 23.3.2010, Tổng thống Barack Obama đã ký đạo luật về cải cách chăm sóc y tế. Đạo luật y tế yêu cầu tất cả người Mỹ phải có bảo hiểm y tế, và sẽ bị phạt nếu không có. Và sẽ có trợ cấp liên bang cho những gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình để có thể trả bảo hiểm y tế.

Chỉ 7 phút sau khi Tổng thống Barack Obama ký ban hành đạo luật này, các chưởng lý của 13 bang ở Mỹ (12 Cộng hòa, 1 Dân chủ) đã chính thức khởi kiện chính phủ liên bang vì cho rằng đạo luật cải cách y tế là vi hiến.

Theo đơn kiện, đạo luật đã vi phạm điều luật bổ sung thứ 10, theo đó ngoài những quyền được hiến pháp quy định, chính phủ liên bang không có quyền nào khác để buộc các bang phải thực hiện các điều khoản của đạo luật mà lại không thanh toán các chi phí phát sinh từ đạo luật này. Những người đứng đơn kiện cho rằng các bang không thể chi trả những chi phí do đạo luật mới yêu cầu. Thí dụ, để thực hiện đạo luật này, bang Florida sẽ phải chi thêm 150 triệu USD vào năm 2014 để cung cấp dịch vụ y tế cho gần 1,3 triệu người và số tiền này sẽ tăng lên 1 tỉ USD vào năm 2019. Cùng ngày 23-3, chưởng lý bang Virginia đã đệ đơn riêng kiện chính quyền cũng về đạo luật y tế.

Riêng về Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, cũng ngay sau khi tổng thống Barack Obama ký đạo luật về cải cách chăm sóc y tế, Đức Hồng y Francis George, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), cùng với 32 ủy viên hành chính của USCCB, đã lên tiếng:

“Trong suốt gần một thế kỷ, các giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã kêu gọi cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe để tất cả mọi người có thể được chăm sóc xứng với nhân phẩm. Vấn đề này từ lâu đã không được giải quyết.”

Đức Hồng y nói tiếp: “Nay nhiều biện pháp đạo luật cải cách chăm sóc y tế đã được Tổng thống ký thành luật… chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực mở rộng chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.”

Tuy nhiên, Đức Hồng y nhấn mạnh: “Ngòai những điều hoặc dự định tốt mà đạo luật nhằm tới, là giám mục Công giáo chúng tôi phản đối văn bản của nó bởi vì có bằng chứng thuyết phục rằng: đạo luật sẽ mở rộng vai trò của chính phủ liên bang trong việc tài trợ và tạo điều kiện cho phá thai và các chương trình bảo hiểm phá thai.”

“Có các quy chế mới dành riêng hàng tỷ đô la mà không rõ ràng cấm việc sử dụng kinh phí để phá thai, và cung cấp trợ cấp liên bang cho chương trình sức khỏe bao gồm phá thai. Sự thất bại trong việc bảo tồn nguyên trạng các quy định pháp lý liên quan đến phá thai, mà dự luật được thông qua bởi Hạ viện cuối tháng mười một đã làm, có thể làm suy yếu những pháp luật đã có trong nước trong nhiều thập niên qua, và đe dọa đến sự đồng thuận của đa số dân Mỹ rằng: quỹ liên bang không được sử dụng để phá thai hoặc chương trình bảo hiểm phá thai.”

“Lạ lùng hơn nữa, quy chế còn đòi hỏi: tất cả những người, chọn chương trình liên bang bao gồm phá thai, thì phải trả tiền cho việc phá thai của những người khác. Nếu luật mới này là nhằm ngăn chặn người dân không đồng phạm vào phá thai của những người khác, thì nó đã mâu thuẫn với chính nó.”

“Chúng tôi xin chia sẻ ý định đáng ngưỡng mộ của Tổng thống Obama trong sắc lệnh hành pháp sắp ký, khi ông nói, “cần thiết phải thành lập một cơ chế thỏa đáng để đảm bảo rằng quỹ liên bang không được sử dụng cho các dịch vụ phá thai.” Tuy nhiên, sự cần thiết phải có một sắc lệnh như vậy rõ ràng chỉ ra rằng: đạo luật còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi không thể hiểu được: làm sao một sắc lệnh hành pháp, dù có ý định tốt như thế nào, lại có thể thay thế cho những quy định của đạo luật?”

(Một giáo sư luật của Washington and Lee University School of Law, ông Timothy Stoltzfus Jost, đặt câu hỏi: “Một sắc lệnh của hành pháp liệu có hiệu lực gì không? Dĩ nhiên là có. Nhưng một vị tổng thống có thể đổi ý và thay đổi sắc lệnh tùy tiện. Dựa vào những lời hứa cuội trong quá khứ, không ai có thể tin rằng Obama sẽ trung thành lâu dài với sắc lệnh này!”)

Đức Hồng y George còn nói thêm: “Quy chế này cũng thiếu sót sâu sắc, bởi vì nó đã không có các ngôn ngữ cần thiết cung cấp sự bảo vệ lương tâm cần thiết (cả trong và ngoài bối cảnh phá thai). Đồng thời, nhiều công nhân nhập cư và gia đình của họ có thể bị tồi tệ hơn vì họ sẽ không được phép mua bảo hiểm y tế trong thị trường mới, ngay cả khi họ sử dụng tiền của họ.”

“Nhiều người trong Quốc hội và Chính quyền, cũng như các cá nhân và các nhóm trong cộng đồng Công giáo, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không có kinh phí liên bang cho phá thai trong quy chế này và đảm bảo có sự bảo vệ mạnh mẽ quyền lương tâm. Những phân tích đã xuất bản cho thấy điều đó không đúng, đó là lý do tại sao chúng tôi chống lại đạo luật trong hình thức hiện tại của nó.”

“Chúng tôi và nhiều người khác sẽ đồng hành với việc thực hiện cải cách chăm sóc sức khỏe của chính phủ, và sẽ làm việc để đảm bảo rằng Quốc hội và Chính quyền thực hiện đúng theo những lời tuyên bố đã đưa tới việc đạo luật được thông qua. Chúng tôi tin rằng, cần có những đạo luật mới để giải quyết những thiếu sót của nó.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top