Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Hiển Linh năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Hiển Linh năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Hiển Linh năm A

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT HIỂN LINH NĂM A

Mt 2,1-12

1. Tại sao thánh Mát-thêu phải nói rõ là Bê-lem của miền Giu-đê? Bê-lem của Giu-đê nằm ở đâu? Bê-lem là nơi sinh ra của ai? Đọc 1 Samuen 16,1-13.

2. Tại sao Đức Giê-su được sinh ra ở Bê-lem mà không phải ở Na-da-rét? Đọc Lc 2,1-5. Đức Giê-su sinh ra dưới thời vị vua nào? Vua này ngự ở đâu? Bạn biết gì về tính khí của vị vua này?

3. Tại sao vua Hê-rô-đê lại bối rối (Mt 2,2-3) khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi về nơi sinh ra của Đức Vua người Do-thái? Sự độc ác của vua Hê-rô-đê nằm ở những câu nào trong bài Phúc âm này?

4. Các nhà chiêm tinh giỏi về khoa học nào? Họ đã thấy gì và đã tin gì? Họ tìm đến Giêrusalem với mục đích gì? Họ có đạt được mục đích đó không? Đọc Mt 2,1-2.11.

5. Tại sao khi trông thấy ngôi sao, họ lại mừng rỡ vô cùng? Đọc Mt 2,9-10. Tại sao thánh Mát-thêu không nhắc đến thánh Giuse ở câu 11?

6. Đọc Mt 2,11. Bạn nghĩ gì về thái độ của những nhà chiêm tinh khi gặp được Con Trẻ Giêsu? Các lễ vật của họ có quý không? Đọc Tv 72,10b-11 và Isaia 60,6.

7. Khi đọc bài Phúc âm hôm nay, bạn có đặt câu hỏi là chuyện này có thật không?

GỢI Ý SUY NIỆM: Đọc lại cả bài Phúc âm. Theo bạn, nhờ đâu mà các nhà chiêm tinh gặp được vị Vua mới sinh của cả nhân loại?

PHẦN TRẢ LỜI

Có hai vùng cùng tên là Bê-lem: Bê-lem của Dơ-vu-lun ở phía bắc (Gio-suê 19,15) và Bê-lem của miền Giu-đê, ở phía nam, cách Giêrusalem khoảng 8 km. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đây là Bê-lem của miền Giu-đê, “thành của vua Đa-vít” (Lc 2,4; x. 1 Sm 16). Người Do-thái tin Đấng Mêsia thuộc dòng Đa-vít sẽ sinh ra tại Bê-lem theo lời ngôn sứ Mi-kha 5,2.

Quê của Giuse và Maria ở Nadarét thuộc miền Galilê, phía bắc nước Palestine. Theo Lc 2,1-5, hai ông bà phải từ Nadarét đi Bê-lem, thuộc miền Giu-đê, ở phía nam nước Palestine, vì lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Rôma là Au-gút-tô, ai nấy phải về quê quán để đăng ký. Lúc ấy Maria mang thai gần đến ngày sinh. Vua của miền Giu-đê là Hê-rô-đê được hoàng đế Rôma đặt lên làm vua vào năm 37 trước Công nguyên. Vị vua này được gọi là Hêrôđê Cả để phân biệt với vua Hêrôđê Antipas là con ruột của ông, người sau này sẽ giết Gioan Tẩy giả. Hêrôđê Cả mắc bệnh hoang tưởng nên đã giết vợ và hai con trai. Ông qua đời vào năm 4 trước Công nguyên, từ đó suy ra Đức Giêsu có thể được sinh ra khoảng năm 6 trước Công nguyên.

Vua Hêrôđê hết sức bối rối khi nghe các nhà chiêm tinh đến hỏi về nơi sinh của Vua dân Do-thái mới chào đời. Ông cảm thấy lo sợ vì ngai vàng của mình bị đe dọa bởi một ông vua mới sinh. Ngay lập tức, nhà vua thấy mình phải diệt trừ vị ấu vương này bằng mọi giá. Lòng độc ác của ông được thể hiện ra qua những tính toán mưu mô khôn khéo. Trước hết, ông cần biết vị vua Mêsia này sinh ra ở đâu. Ông tìm câu trả lời nơi những nhà lãnh đạo Do-thái giáo (Mt 2,4-6). Khi biết được rồi, ông lại hỏi các nhà chiêm tinh “cặn kẽ về thời điểm ngôi sao xuất hiện” (Mt 2,7). Mục đích của việc tìm hiểu này là để Hêrôđê tính tuổi của vị vua mới sinh cho chính xác, vì thời điểm ngôi sao xuất hiện chính là lúc vị vua được sinh ra. Sau đó ông sai các nhà chiêm tinh đi Bê-lem và dặn họ nếu gặp thấy vị vua mới sinh thì trở lại báo cho ông hay để ông đến bái lạy (Mt 2,8). Thật ra đó chỉ là một âm mưu của ông, muốn hãm hại vị tân vương. Khi biết mình bị lừa, ông đã giết sạch các em thơ ở Bê-lem, từ hai tuổi trở xuống (Mt 2,16).

Bài Phúc Âm này nói đến “các nhà chiêm tinh từ Phương Đông” (Mt 2,1, magos). Họ là những người trí thức dân ngoại, có hiểu biết về các vì sao trên bầu trời. “Phương Đông” ở đây có thể là vùng Persia (tức nước Iran ngày nay). Họ đã nhìn thấy ngôi sao của Vua dân Do-thái mới mọc lên nên đến Giêrusalem để tìm gặp và bái lạy Ngài. Rốt cuộc, họ đã đến nơi, đã gặp và bái lạy Vua Mêsia, cũng như dâng lễ vật cho Ngài.

Trên đường từ Giêrusalem đi Bê-lem theo lời dặn của Hê-rô-đê, các nhà chiêm tinh ngỡ ngàng vì ngôi sao họ đã thấy trước đây, bây giờ đi trước dẫn đường cho họ, đến trên nhà ở của Con Trẻ mới ngừng lại (Mt 2,9). Khi thấy lại ngôi sao, họ vui mừng khôn xiết, vì biết cuộc hành trình vất vả của mình có ý nghĩa và ước mơ gặp vị Vua dân Do-thái sắp thành sự thật (Mt 2,10). Họ đã vào nhà và thấy Con Trẻ cùng với Maria mẹ Ngài. Đây không phải là hang bò lừa với máng cỏ như ở Lc 2,7). Con Trẻ Giêsu (paidion) bây giờ cũng không còn là Hài Nhi Giêsu mới sinh (Lc 2,7.16, brephos). Ở đây không thấy nói đến Giuse, mà chỉ nói đến Con Trẻ và Mẹ của Con Trẻ (Mt 2,11). Tuy nhiên, sau đó Giuse lại là nhân vật quan trọng trong việc đưa Con Trẻ đi trốn ở Ai-cập và đưa về lại Nadarét (Mt 2,13-23).

Người Do-thái và các kitô hữu đầu tiên thường nhìn các nhà chiêm tinh (magos) bằng cái nhìn tiêu cực. Từ magos ở Cv 8,9; 13,6.8 được dịch là “thầy phù thủy.” Tuy nhiên các nhà chiêm tinh trong bản văn của Mát-thêu lại được mô tả một cách tích cực. Họ là những người nhận ra dấu chỉ trên trời như một lời mời gọi lên đường bái yết vị tân vương mới sinh của dân Do-thái. Họ đã tích cực tìm kiếm, đã tìm đến tận nơi của vị vua này. Họ đã sấp mình bái lạy Vua và dâng cho Vua những lễ vật xứng với bậc quân vương. Hành động của họ giống với hành động của các vị vua nước ngoài cúi mình trước Vua của Israel được nói tới ở Tv 72,10-11 và Is 60,6. Bởi đó có truyền thống coi các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa là Ba Vua, với ba lễ vật.

Khi đọc bài Phúc Âm về các nhà chiêm tinh và ngôi sao lạ, có những người tin thật sự đã có một ngôi sao rất đặc biệt xuất hiện trên bầu trời đêm. Nhưng cũng có người tự hỏi chuyện một ngôi sao lạ xuất hiện khi Đức Giêsu được sinh ra ở Bê-lem có thật không (Mt 2,2). Chuyện ngôi sao ấy đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến tận nơi Hài Nhi ở, rồi mới dừng lại, có tính khoa học không (Mt 2,9)? Nhiều người còn cố tìm xem vào năm Đức Giêsu sinh ra (năm 5 hay 6 trước Công nguyên), trên trời có hiện tượng đặc biệt nào không. Dù sao, khi viết đoạn văn này Mát-thêu chủ yếu cho thấy Thiên Chúa Cha muốn giới thiệu Chúa Con cho cả những người dân ngoại. Ngài có cách thu hút và làm họ tin vào Người Con ấy. Các nhà chiêm tinh dân ngoại là những người đầu tiên được nghe Tin mừng. Sau này “các dân tộc” ngoại giáo cũng được nghe (Mt 28,19-20), ứng nghiệm lời Isaia 2,2-4; 60,1-6.

 

Top