Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Lc 4, 21 - 30

Lời Chúa:

21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! " 24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Học hỏi: 

1.  Đức Giêsu nói hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh Ngài vừa đọc. Khi nào những lời Kinh Thánh trên mới được ứng nghiệm trọn vẹn? Đọc Lc 7,21-22.

2.  Đâu là phản ứng đầu tiên của dân làng sau khi nghe bài giảng của Đức Giêsu?

3.  Theo ý bạn, khi dân làng Nadarét  nói : "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?", họ có ý gì? (họ khinh chê gốc gác của Đức Giêsu, hay họ hãnh diện vì làng mình có một người giỏi giang như thế ?).

4.  Lời ân sủng là lời gì ? Đọc Cv 14,3; 20,32. Lời từ miệng Đức Giêsu có giống lời của Thiên Chúa không? Đọc Lc 4,4; Mt 4,4; Đnl 8,3.

5.  Đọc Lc 4,23. Câu nói này của Đức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ ý muốn của dân làng Nadarét? Theo bạn, ý muốn của họ là gì ? Đọc Lc 4,15. Đức Giêsu có chấp nhận ý muốn đó không?

6.  Đọc Lc 4,25-27. Chuyện ngôn sứ Êlia và bà góa ở Xa-rép-ta, và chuyện ngôn sứ Êlisa và ông Naaman có gì giống nhau? Đọc  1 Vua 17,8-24 và 2 Vua 5,8-14.

7.  Khi kể hai câu chuyện trên, Đức Giêsu có ý nói gì với dân làng Na-da-rét?

8.  Đọc Lc 4,28-29. Tại sao lúc đầu họ thán phục  Đức Giêsu, sau họ lại đùng đùng nổi giận và muốn giết Ngài?

GỢI Ý SUY NIỆM:   Đức Giêsu gặp thất bại khi về quê cũ. Một vị ngôn sứ không được người dân của vùng mình đón nhận. Bạn nghĩ gì về những đau khổ và thất bại của những người đi rao giảng tin mừng trong thế giới hôm nay?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Sau khi đọc xong bài Sách Thánh của ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu ngồi xuống và long trọng tuyên bố: “Hôm nay lời Kinh Thánh tai anh chị em vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Lc 4,21). Trước khi về quê mình ở Nadarét, Đức Giêsu đã đi loan báo tin mừng ở nhiều nơi  trong miền Galilê (Lc 4,15), và đã làm nhiều dấu lạ ở Caphácnaum (Lc  4,23). Như thế những lời của Isaia đã bắt đầu được ứng nghiệm rồi. Tuy nhiên, Đức Giêsu sẽ tiếp tục làm ứng nghiệm những lời ấy trong suốt cuộc sống nơi trần thế. Đọc Lc 4,31 – 7,17 ta sẽ thấy công việc giảng dạy, chữa bệnh, tha tội…của Ngài, phù hợp với chương trình Ngài đã hoạch định. Chính vì thế, khi Gioan Tẩy giả sai môn đệ đến gặp Đức Giêsu, Ngài đã kể cho họ biết những việc Ngài làm trong thời gian qua (Lc 7,21-22).
  2. Khi thấy Đức Giêsu trở về làng cũ, vào lại hội đường quen thuộc từ bao năm, hẳn dân làng Nadarét rất vui và hãnh diện. Đức Giêsu là người làng của họ, một ông thợ, con của một ông thợ, nhưng gần đây trở nên nổi tiếng khắp vùng Galilê, về giảng dạy và về chữa lành. Ngài đã đọc Sách Thánh và đã giải thích Sách Thánh cho dân làng nghe. Những lời giảng từ miệng Ngài đã đem đến sự ngỡ ngàng và thán phục : “Mọi người đều làm chứng (emartúroun) cho Ngài và kinh ngạc (ethaúmazon) về những lời ân sủng từ miệng Ngài thốt ra” (Lc 4,22). Động từ “làm chứng” luôn có nghĩa tích cực trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 6,3; 10,22; 16,2; 22,12). Động từ này đi với động từ “kinh ngạc” để nói lên phản ứng đón nhận tích cực của dân làng. 
  3. Câu nói duy nhất của dân làng trong đoạn Tin Mừng này là: “Ông này không phải là con trai ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Ông Giuse thuộc dòng Đa-vít là người họ quen biết, và họ cũng biết ông Giêsu là con trai của ông Giuse (Lc 3,23). Khi hỏi câu trên, chắc họ không có ý chê gốc gác tầm thường của Đức Giêsu,  nhưng đúng hơn họ hãnh diện vì làng mình có một người giỏi giang như thế, vừa có khả năng giảng dạy (Lc 4,22), vừa có thể làm được những việc phi thường (Lc 4,23). Tiếc thay, hiểu biết của họ dừng lại ở đó. Họ chỉ thấy gốc gác trần thế của Đức Giêsu, nhưng không thấy nguồn gốc thần linh của Ngài, là Con Thiên Chúa (Lc 1,35).
  4. “Lời của ân sủng” không phải là lời hay ý đẹp, được trình bày một cách hùng biện, nhưng là lời mang lại ân sủng, nếu được người nghe mở lòng đón nhận.  Thánh Luca ưa dùng lối nói “lời của ân sủng” (xem Cv 14,3; 20,32) hay “tin mừng của ân sủng” (Cv 20,24). Khi đọc câu: “lời của ân sủng xuất ra từ miệng Người,” ta nhớ đến câu đáp trả của Đức Giêsu trong hoang địa khi bị quỷ cám dỗ: “Người ta sống không chỉ bởi bánh” (Lc 4,4). Trong Tin Mừng Mátthêu (4,4), câu này được tiếp nối bằng câu: “Nhưng bởi mọi lời xuất ra từ miệng Thiên Chúa” (x. Đnl 8,3). Lời xuất ra từ miệng Thiên Chúa và lời xuất ra từ miệng Đức Giêsu, đều đem lại sự sống và ân sủng.
  5. Những người trong hội đường Nadarét có thái độ đón nhận Đức Giêsu, coi Ngài như người làng của mình. Giêsu đã lớn lên và trưởng thành ở đây, đã sống chan hòa với họ và làm thợ để phục vụ dân làng. Bây giờ, Giêsu trở về quê, đã thành một vị thầy, đi giảng dạy trong các hội đường, tiếng tăm lừng lẫy, và nhất là đã làm những việc lạ lùng ở Caphácnaum (Lc 4,23). Dù họ không nói ra, nhưng Đức Giêsu thấy rõ người dân ở đây muốn chiếm hữu Ngài cho riêng họ, đòi Ngài phải dành ưu tiên quyền lợi cho họ, hay ít nhất đòi Ngài phải làm cho quê mình những việc quyền năng mà Ngài đã làm ở chỗ khác. Đức Giêsu như đi vào trong bụng họ khi Ngài nói câu Lc 4,23. Họ có thể trích câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình,” để nhắc Ngài hãy bắt đầu chữa bệnh cho những người ở Nadarét trước đã, rồi mới đến người ngoài. Hãy làm ở đây những gì Ngài đã làm ở Caphácnaum. Dĩ nhiên, ước muốn của họ bị từ chối, vì Đức Giêsu không muốn bị bó hẹp trong một hội đường hay một vùng, dù đó là quê nhà yêu dấu (Lc 4,15). Ngài còn nói một câu tục ngữ khác, để tiên báo việc mình sẽ bị người dân ở đây từ khước (Lc 4,24). Chuyện bị từ khước bởi quê nhà là điều chẳng có gì mới lạ.
  6. Trong Lc 4,25-27 Đức Giêsu kể hai câu chuyện có chủ đề tương tự. Bà góa ở Xa-rép-ta và ông  Na-a-man người xứ Xy-ri đều là dân ngoại. Cả hai được hai vị ngôn sứ Ê-lia và Ê-li-sa giúp đỡ. Bà góa được khỏi nạn đói và con trai bà được Ê-li-a hoàn sinh (1 V 17,8-24). Còn ông Na-a-man thì được khỏi bệnh phong nhờ Ê-li-sa (2 Vua 5,8-14). Điểm nhấn của Đức Giêsu là chuyện hai người dân ngoại này được ơn cứu chữa, dù trong Ítraen có biết bao bà góa và người phong.
  7. Khi kể hai câu chuyện này trong hội đường Nadarét, nơi Ngài đã có bao kỷ niệm, Đức Giêsu muốn nhắc cho những người ở đó thấy sứ mạng của Ngài cũng không khác với hai vị ngôn sứ Cựu Ước. Ngài được sai đến với mọi người, kể cả dân ngoại. Ngài không ngừng lại ở dân Ítraen, lại càng không ngừng lại chỉ cho dân làng Nadarét. Sứ vụ của Ngài mang tính phổ quát.
  8. Chúng ta hết sức ngạc nhiên khi thấy những người trong hội đường Nadarét nhanh chóng chuyển từ kinh ngạc, thán phục Đức Giêsu, sang phẫn nộ, và lôi Ngài ra khỏi thành để mưu sát Ngài (Lc 4,28), nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi. Khi viết câu chuyện xảy ra vào lúc khởi đầu của sứ vụ của Đức Giêsu, thánh Luca có ý cho ta thấy hình bóng toàn bộ cuộc đời sau này của Ngài. Ngài sẽ bị bắt, bị giết, nhưng Ngài sẽ phục sinh toàn thắng.

 

Top